Không một quốc gia nào trên thế giới lại không có những bộ quy tắc ứng xử riêng của mình trong tất cả các lĩnh vực từ ngoại giao đến kinh tế, văn hóa xã hội. Nước Pháp cũng không phải là một ngoại lệ.
Khi đặt chân đến đất nước nổi tiếng về sự lịch lãm, tinh tế này, hành trang không thể thiếu cho mỗi người, dù chỉ với tư cách là một du khách, là những hiểu biết tối thiểu về những nghi thức về văn hóa nói chung và nghi thức trong việc uống rượu nói riêng.
Mục đích là để thể hiện sự tôn trọng với người nước chủ nhà và tránh những lỗi giao tiếp không cần thiết, để lại những ấn tượng tốt đẹp với bất kỳ ai mà chúng ta gặp gỡ hoặc trao đổi công việc trên đất nước hiền hòa xinh đẹp này.
Sau đây là những nghi thức cơ bản, hay những trang bị tối thiểu, theo quan điểm của người viết, trong việc uống rượu của người Pháp. Có thể bạn cũng đã biết điều này: dù là ăn uống ở nhà hàng hay ở bất cứ địa điểm nào, trước khi uống bạn cũng phải chờ đợi có đủ mọi người ở quanh bàn đã. Tuyệt đối tránh việc mạnh ai nấy uống hay khách lại uống trước chủ nhà hoặc chủ xị.
Thông thường thì chủ tiệc có vài lời gọi là tuyên bố lý do rồi nâng ly chúc sức khỏe tất cả những ai có mặt. Trong trường hợp chủ tiệc không mở lời thì theo phép lịch sự, tất cả mọi người quanh bàn chỉ bắt đầu nhấp ngụm rượu đầu tiên ngay sau khi chủ nhà đã uống. Ở những nơi không đòi hỏi những nghi lễ quá trang trọng, người Pháp thường cụng ly và nói câu rất đơn giản là: “À votre santé” – chúc sức khỏe anh/ chị ( tiếng Anh là: “to your good health” ). Câu đáp lại sẽ là: “à la vôtre”, hoặc “à votre santé”– cũng có nghĩa là “chúc sức khỏe anh/ chị”.
Thân mật hơn nữa thì chỉ cần nói : “tchin-tchin” (cheers) sau đó cụng nhẹ ly, nhấp chút rượu rồi đặt ly xuống. Khi cụng ly, người Pháp thường mỉm cười nhìn vào mắt người đối diện một cách thân ái, lịch thiệp. Một chút giao tiếp bằng mắt như thế cũng đủ để tạo nên sự ấm áp dễ chịu khi nói chuyện. Bởi người Pháp luôn rất chừng mực khi uống rượu. Họ mượn chút rượu để mở màn cho những đàm đạo thân mật chứ không nhân dịp ấy để uống đến ngất ngư say bao giờ. Thường thì người Pháp không cụng ly khi họ uống nước hoặc những đồ uống không có cồn.
Việc cụng hai ly với nhau cũng chỉ rất nhẹ nhàng trong tầm kiểm soát chứ không cụng ly kêu mạnh đến độ rượu phải sóng sánh tung tóe ra ngoài, đặc biệt là vào quần áo của người đối diện. Người Pháp không cụng ly chéo hai cánh tay. Trong trường hợp phải cụng ly với hai hay nhiềungười đối diện, bạn có thể chờ người khác cụng ly trước rồi mới đến lượt mình. Tránh tình trạng các cánh tay đan rối vào nhau, vừa không đẹp mắt, vừa dễ gây ra những đụng chạm mạnh giữa các ly rượu.
Ở những tiệc rượu có phụ nữ tham dự, người đàn ông lịch thiệp ngồi cạnh có trách nhiệm rót rượu và giúp đỡ cô ấy cạn ly, nếu được yêu cầu. Nếu quanh bàn chỉ có phụ nữ, một người trong số họ sẽ chịu trách nhiệm rót rượu. Nếu có đàn ông tham dự cùng với rất nhiều phụ nữ, đương nhiên việc rót rượu và tiếp để ly rượu luôn đầy luôn thuộc về đàn ông. Nếu có người phục vụ riêng, thì rót và tiếp rượu thuộc về công việc của họ rồi! Có một lưu ý nhỏ, việc của người phục vụ rượu là luôn chăm chút rượu đủ uống cho mọi người. Nhưng nếu bạn không muốn uống nữa, bạn có thể để chút rượu vẫn còn ở ly- đó là dấu hiệu bạn đã uống đủ, người phục vụ nào cũng hiểu tín hiệu ấy của bạn.
Đối với người Pháp, rượu giống như một thứ tôn giáo vậy. Người Pháp ưa chuộng sự thưởng thức rượu một cách từ tốn nhã nhặn chứ không uống dốc ừng ực hết ly này đến ly khác.
Tại nhà hàng, trong trường hợp loại rượu họ đưa ra không phù hợp với gout của bạn, bạn hoàn toàn có thể nói:
– Le vin n’est pas assez froid- có nghĩa là rượu không đủ lạnh (the wine is not cold enough).
Hay:
– Le vin est trop froid- Rượu quá lạnh ( the wine is too cold ).
Nhưng nếu bạn đến nhà một gia đình Pháp uống rượu, sẽ là khiếm nhã nếu như bạn luôn miệng phàn nàn về chất lượng chai rượu họ mang ra đãi bạn.
Một chút lưu ý này nếu bạn không quên, sẽ là một điểm cộng cho những ấn tượng tốt của chủ nhà dành cho bạn. Rất dễ thực hiện, đúng không nào? Một lưu ý nữa khi bạn uống vang đỏ là để tránh những “dấu tích” của rượu hằn lên môi bạn, đừng quên sử dụng khăn ăn không thể thiếu trên một bàn ăn kiểu Pháp.
Người Pháp uống tùy từng loại rượu với đồ ăn phù hợp chứ không uống rượu suông.( Tất nhiên điều này không đúng với những người nghiện!)
Người Pháp thường ăn tối trong khoảng từ 7:30 đến 8:30. Vì thế không nên uống rượu trước giờ ăn tối.
Khi sang Pháp, uống gì là tùy ở bạn. Nhưng để hiểu về cung cách uống của người Pháp, biết thêm điều này có lẽ cũng không thừa đối với bạn: ấy là người Pháp mặc dù thích uống bia, nhưng họ không uống bia trong bữa tối của mình. Nếu uống bia họ chỉ uống trước bữa tối hoặc uống chút ít khi ăn trưa mà thôi.
Nếu bạn không thích uống rượu, bạn hoàn toàn có thể uống nước hoặc bất cứ loại nước quả nào mà bạn thích. Người Pháp không bao giờ ép ai uống rượu. Không buộc ai phải cạn ly trăm phần trăm. Lại càng không kích bác ai để uống đến say, không lấy rượu để “đo” độ oai, độ nam tính của bất kỳ ai cả. Đó có lẽ là sự khác biệt rõ nhất trong việc uống rượu giữa hai nước Việt Nam và Pháp chăng?
Phạm Sao Mai