Một trong những mẹo chọn rượu vang được người ta mách nhau là sờ phần lõm ở đáy chai, càng lõm sâu thì rượu càng cao cấp, thơm ngon, điều này có đúng không?
Rượu vang không phải thứ đồ uống truyền thống của người Việt nên hiểu biết của đa số người dân về nó chưa nhiều, cách chọn lựa và sử dụng thế nào cho đúng cách, sành điệu cũng là kiến thức nhiều người chưa biết.
Cách chọn rượu vang dựa vào đáy chai có đúng?
Về cách chọn rượu vang, có một mẹo vẫn được nhiều người mách nhau, đó là kiểm tra phần đáy chai, rượu vàng chuẩn, xịn phải có phần đáy lõm, lõm càng sâu thì chứng tỏ chai rượu đó càng cao cấp, hương vị thơm ngon. Điều này có đúng không?
Quả thật, đây là một trong những mẹo “kinh điển” từng được lưu truyền trong giới sành điệu. Khi thiết kế dáng chai này, người ta tính đến rất nhiều yếu tố để tối ưu từ chất lượng rượu đến chất lượng bảo quản, lưu trữ và cả độ thuận tiện khi sử dụng. Một nhà sản xuất chăm chút cẩn thận, tỉ mỉ, tinh tế từng chi tiết như vậy là nhà sản xuất chuyên nghiệp và chất lượng rượu đương nhiên sẽ cũng được chăm chút, sản phẩm thuộc càng cao cấp; còn rượu vang bình dân thì mọi thứ cứ “tạm ổn” là được.
Tuy nhiên về sau, khi cách chọn rượu vang dựa vào độ lõm của đáy chai được phổ biến rộng, nắm tâm lý người tiêu dùng, nhiều nhà sản xuất cũng chọn thiết kế chai này cho sản phẩm của mình dù chất lượng rượu chỉ thường thường bậc trung. Do đó, đáy chai lõm sâu không còn là dấu hiệu chính xác để nhận biết rượu vang ngon, cao cấp. Đó là chưa kể, gần đây, nhiều hãng rượu vang trên thế giới sử dụng cả thiết kế đáy bằng hoặc lõm nhẹ nhưng chất lượng, hương vị thứ chất lỏng đựng trong đó lại không chê vào đâu được.
Hiện đáy lõm vẫn là thiết kế phổ biến nhất cho các chai rượu vang. Tuy nhiên nếu coi đây là chỉ dấu chất lượng thì bạn dễ bỏ ra tiền triệu để mua chai rượu giá trị chỉ vài trăm nghìn đồng.
Vì sao đáy chai rượu vang lại lõm?
Thuận tiện khi rót rượu: Nếu bạn cầm chai rượu vang trên tay và ngắm nghía nhãn chai, hãy đặt ngón tay cái vào phần lõm ở đáy chai, các ngón tay còn lại đỡ bên dưới, sẽ dễ dàng hơn cho việc quan sát, như việc bế một em bé vậy. Trong trường hợp rót rượu cho người ngồi xa bạn, động tác đặt ngón cái vào đáy chai rượu sẽ giúp bạn vươn xa hơn và rót dễ hơn.
Giúp lắng cặn: Các loại rượu vang lâu năm ắt hẳn sẽ có cặn nhỏ, đáy chai lõm sẽ giúp cặn trong chai được lắng xuống và nằm yên ở đó.
Tạo cảm giác nhiều rượu hơn: Đáy chai lõm làm cho chai rượu nhìn có vẻ nhiều hơn bình thường. Bởi có một thực tế là nếu bạn so sánh hai chai rượu 750 ml với nhau, chai có phần đáy lõm trông có vẻ như chứa nhiều rượu hơn bởi mắt bạn đã bị đánh lừa.
Giúp làm lạnh nhanh hơn: Với việc tăng diện tích tiếp xúc ở phần đáy chai, việc ướp lạnh rượu sẽ được diễn ra nhanh chóng hơn, nhất là khi ngâm trong xô đá, đáy chai bao giờ cũng lạnh trước.
Giúp chai rượu đứng vững hơn: Nếu để chai rượu trên bề mặt mấp mô hoặc nền đất đá, chai đáy lõm sẽ dễ dàng đứng vững hơn chai đáy phẳng, tương tự như đáy của bát ăn cơm vậy. Thường thì ngoài phần đáy lõm, các chai rượu còn có một khe nhỏ để khi mặt bàn nơi đặt nó bị ướt, bạn sẽ không gặp khó khăn khi nhấc nó lên.
Vệ sinh chai dễ dàng: Trước khi rượu được nhà sản xuất chiết vào chai, phần vỏ sẽ được làm sạch bằng nước. Đáy chai lõm sẽ giúp việc rửa chai dễ dàng hơn và đưa nước trải đều ra bên trong chai.
Tăng độ cứng: Việc tạo độ lõm sẽ giúp đáy chai chịu va đập tốt hơn chai có đáy phẳng, giống như một tờ giấy được gập lại vậy. Với các loại sparkling, đáy lõm sẽ giúp chai rượu khó bị nổ trong hầm chứa trong quá trình lên men thứ cấp.
Dễ chồng lên nhau khi xếp: Thực tế, nếu bạn xếp các chai rượu theo chiều dọc, đáy chai lõm sẽ giúp các chai rượu bên trên cố định tốt hơn.
Theo VTC