THỦY MẶC HAY NHÀ CHỌC TRỜI?
Sau khi thăm thú mấy khu phố bán tranh, Đàm Nga, cô phiên dịch, dẫn chúng tôi đến bảo tàng Nghệ thuật đương đại Thượng Hải (Comtemporary Art Museum Shanghai). Bảo tàng là một tòa nhà ba tầng ở trong một công viên rất nhiều cây phong, trước mặt là một hồ sen xanh mướt. Quanh hồ có rất nhiều nhóm người, phụ nữ đang đàn hát, tán chuyện, đàn ông thì chơi tá lả hoặc đánh cờ ăn tiền.
Giá vào cửa bảo tàng là 80 tệ. Tầng một vừa diễn ra buổi khai mạc triển lãm sắp đặt và video art của họa sĩ Wallace Chung. Anh ta đầu tư rất kỹ cho cuộc trình diễn. Panô to nhỏ, trình bày sắp đặt từ ngoài đầu đường vào tận cửa trong bảo tàng. Có vẻ họa sĩ này quan hệ khá rộng nên lẵng hoa tặng nhiều đến nỗi xếp ken cứng dọc hết mặt tiền bảo tàng. Wallace Chung triển lãm cảnh đô thị Hong Kong sôi động, náo nhiệt. Người xem nhìn ngắm trình chiếu ở khắp chỗ: trên tường, dưới nền, trong phòng chiếu hoành tráng có màn hình cong bằng 3/4 hình tròn đường kính phải đến 20m.Biểu tượng kiến trúc nổi bật của Thượng Hải
Ngoài ra còn có không gian tương tác ba chiều trong căn phòng trống toàn bằng gương rộng khoảng 60m2 để khán giả vào đấy selfie chụp ảnh tự sướng. Tầng hai là khu vực bày tranh hoa lá của một số tác giả địa phương. Góc trong cùng là thư viện và nơi vẽ tranh, tô màu cho các bé thiếu nhi. Tầng ba có mấy phòng trưng bày ảnh và quán Art Cafe. Trong quán cà phê có bức bình phong phiên bản tranh của một họa sĩ Trung Quốc, ông này thể hiện rất kinh, nhìn xa thì chỉ là bức tranh thủy mặc nhưng lại gần xem là chi chít ảnh các nhà cao tầng ghép lại với nhau. Nhìn càng gần càng đã.
Xong cà phê chúng tôi xuống tàu điện ngầm di chuyển đến bảo tàng Nghệ thuật Long Mỹ (Long Museum West Bund) của một tỉ phú hiện là người giàu thứ 47 của Trung Quốc. Ông này tên là Lưu Ích Khiêm, sinh năm 1963, vốn là một nhà kinh doanh cổ phiếu và bất động sản, sau khi giàu lên thì chuyển sang sưu tầm nghệ thuật. Tháng 4/2015 với việc mua bức tranh thêu Tây Tạng từ thế kỷ thứ 15 với giá 45 triệu đô, ông lập kỷ lục thế giới về giá cho một tác phẩm nghệ thuật châu Á.
Đến tháng 11 cùng năm, ông lại gây xôn xao dư luận khi mua bức Nu couché của danh họa Ý Amedeo Modigliani với giá 170,4 triệu đô. Ông có quan hệ tốt với nhà Christie’s nên luôn có logo biểu trưng của nhà này trên các sự kiện mà mình tổ chức.
Tầng một trong bảo tàng Long Mỹ
Bảo tàng nghệ thuật Long Mỹ là một khu đất rộng 2 héc ta, trước đây là một nhà máy cũ. Lưu Ích Khiêm đã dỡ bỏ toàn bộ những công trình cũ, chỉ để lại vài đoạn đường ray tàu chạy suốt chiều ngang khu đất dẫn vào một nhà kho làm ký ức và dựng lên một không gian nghệ thuật hai tầng hoàn toàn mới. Bao quanh bảo tàng có khá nhiều tác phẩm điêu khắc cỡ lớn.
Có điều rất lạ là ở đây bán vé tham quan chia làm hai tầng. Tầng một vé là 50 tệ, tầng hai 80 tệ. Tầng một bày các tác phẩm sắp đặt, tượng là chủ yếu. Tầng hai được chia làm tám phòng tường sơn màu nâu đỏ là nơi trưng bày các tác phẩm mà Lưu Ích Khiêm sưu tập, chủ yếu là tranh của các họa sĩ Trung Quốc từ thời cách mạng văn hóa đến nay, đủ các thể loại đề tài và chất liệu. Có hai phòng lớn bày tranh quốc họa khổ to.
HẾT CẤP BA THÌ XEM HẾT BẢO TÀNG
Hôm sau chủ nhật, chúng tôi đến bảo tàng Mỹ thuật Trung Quốc tại Thượng Hải (China Art Museum Shanghai) từ rất sớm. Đây là một trong những bảo tàng mỹ thuật lớn nhất châu Á và là biểu tượng kiến trúc nổi bật nhất của thành phố, chỉ sau tháp truyền hình Đông Phương Minh Châu. Từ khách sạn đã có biển đèn giới thiệu cho du khách, một số quán ăn còn làm vật dụng trang trí phỏng theo mô típ kim tự tháp chổng ngược của bảo tàng được mệnh danh là “Vương miện phương Đông” này.
Video art của Wallace Chung
Còn một tiếng nữa mới đến giờ mở cửa nhưng dòng người xếp hàng đã dài đến mấy trăm mét, có lẽ cũng do bảo tàng mở cửa miễn phí cho khách vào tham quan. “Ngày thường bình quân có từ 4.000 đến 5.000 người, cuối tuần khoảng 10.000 đến 12.000, cao điểm nhất có ngày lên đến 18.000 lượt người vào tham quan”. “Bảo tàng xây xong từ năm nào vậy?”. “Năm 2012, đây trước là bảo tàng Mỹ thuật Thượng Hải”. Cô gái bên bàn thông tin kiên nhẫn trả lời những câu tôi hỏi. Xếp hàng lâu quá, tôi tranh thủ chụp và gửi mấy tấm hình xung quanh lên Facebook để chia sẻ với bạn bè.
Sau khoảng một tiếng đứng giữa trời nắng thì đến nhà kiểm soát với lực lượng an ninh soi chiếu kiểm tra bằng máy như trong sân bay. Thủ tục an ninh xong thì ra quảng trường để đi vào bảo tàng. Đoàn người đông như kiến vậy mà khi vào bên trong chỉ còn thấy lốm đốm, xa xa nhìn nhỏ tí ti so với khối kiến trúc khổng lồ cao tới 65 m này. “Học sinh ở đây đến cấp ba là đã đi xem hết các bảo tàng. Riêng bảo tàng Mỹ thuật thì có khi đến mấy lần”. Đàm Nga cho biết.
Vào trong bảo tàng đi thang máy lên tầng ba rồi lên tiếp nữa trên hai cái thang cuốn dài ngoẵng. Hai tầng trên ở các phòng trung tâm trưng bày tác phẩm qua nhiều thời kỳ Trung Quốc, có tranh từ đời Minh, Thanh đến nay. Các phòng phía ngoài thì trưng bày tranh tượng của riêng từng tác giả nổi tiếng đã qua đời. Mỗi họa sĩ một phòng như vậy, có tiểu sử và tranh vẽ qua các năm tháng hoạt động.
Xem xong hai tầng này cảm giác cũng thấy bình thường, không có gì đặc sắc lắm so với kiến trúc hoành tráng của bảo tàng. Nhưng khi đi xuống tầng một thì mới thấy chính quyền đầu tư hình ảnh mạnh như thế nào (họ làm đường đi tham quan rất hay là xem các tầng trên trước rồi mới xuống khu chính ở dưới). Cả trăm bức tranh sơn dầu khổ lớn từ 2m trở lên bày trong những phòng lớn, trần cao đến 6,7m. Phòng rộng hàng trăm mét vuông mà mỗi phòng chỉ treo khoảng sáu đến mười bức tranh.
Nhìn xa tưởng chỉ là tranh thủy mặc
Toàn đề tài ca ngợi lãnh tụ, đấu tranh cách mạng, hăng say sản xuất, thành phố giàu đẹp, giấc mộng máy bay… Các bức tranh này đa số đều là mới vẽ những năm 2009 đến 2011, chắc do chính quyền đặt khi xây dựng bảo tàng.
Xem sơ sơ thôi mà cũng đến ba giờ chiều. Chúng tôi đến một quán ăn tạm. Ngồi chờ gọi món tôi mở Facebook thì thấy dòng comment bình luận của anh Bằng, chủ tịch câu lạc bộ sách Hà Nội: “Một trong những tiêu chí để đánh giá mặt bằng dân trí là số người quan tâm tới lĩnh vực nghệ thuật hội họa, điêu khắc, âm nhạc… Nhưng hình như có gì sai sai ở đây, chắc là họ đã lấy cắp ý tưởng của Louvre ở Paris về đấy rồi”. Tôi hơi sững lại, không rõ điều đó có thực hay không. Nhưng sau một thoáng, tôi thầm nghĩ, kể cả copy như vậy thì đó cũng là chuyện đáng làm.
Trần Đại Thắng