Thức dậy với một ly cà phê hoặc một món điểm tâm sáng giúp chúng ta có một ngày tỉnh táo và tập trung trong công việc, học tập. Dù là uống trong quán hay ngồi ngoài vỉa hè, cà phê luôn là sự lựa chọn ưu tiên và cần thiết với thói quen của người Sài Gòn và cả lũ sinh viên bọn tôi.
Thật sự, nói đến văn hóa Sài Gòn mà không nhắc đến thú vui cà phê sáng, là một loại thức uống không biết từ khi nào đã gắn bó, thân thuộc với người dân, thì quả là một thiếu xót.
Văn hóa cà phê sáng Sài Gòn
Cà phê là một nét đặc trưng của người dân Sài Gòn, được nhiều người yêu thích, đặc biệt là học sinh sinh viên, thường hay tụ tập tại các quán cà phê để học tập hoặc trò chuyện tán gẫu. Cà phê phù hợp với người dân lao động bình dân, giới trí thức và cả giới trẻ. Đó cũng là một nét văn hóa luôn được gìn giữ đến tận bây giờ.
Chúng ta thường hay bắt gặp các quán cà phê “mọc lên như nấm” ở hai bên đường, trong các ngõ hẻm. Các tuyến đường lớn hay tại những khách sạn nhiều sao thì là các quán cao cấp, được đầu tư tiền tỉ cho việc trang hoàng, ly tách, người pha cà phê chuyên nghiệp với các gu uống đậm nhạt khác nhau. Nhiều loại cà phê được pha chế với sữa chua, hay trái cây cũng chuỗi quán Trung Nguyên rất đặc biệt.
Còn về căn bản thì những quán nhiều sao vẫn là những cách pha cà phê với sữa tươi, công thức pha khác nhau và cách đánh bọt cũng khác nhau để có thể tạo nên những hương vị khác nhau. Nhưng ở quán nào thì trong Menu cũng có 2 vị được xem là cách chế biến của Việt Nam là cà phê pha phin từ hạt rang xay, có thể thêm đường hay sữa đặc (sữa Ông Thọ) mà nhiều người khi ra nước ngoài định cư cũng không thể quên được, phải tự pha uống hàng ngày.
Do nhu cầu của người dân thích thưởng thức cà phê để xua tan mệt mỏi và muốn có một không gian lý tưởng để thư giãn thì đến với các loại quán cà phê vườn, cà phê trên cao ngắm nhìn thành phố. Giá một ly cà phê đắt hơn nhau chính là từ việc trang trí quán cà phê thế nào.
Thế nhưng nói đến thú uống cà phê thì những quán cà phê cóc, cà phê bình dân nằm ven đường, ngay góc ngã tư thuận cho mọi người có thể đi bộ hay đi xe máy đến uống thì ghi trong trí nhớ của nhiều người.
Có những người mỗi ngày đúng 5 hay 6 giờ có mặt ở quán đó, ngồi ngay góc đó không đổi trên một chiếc ghế nhựa vuông nhỏ, chờ vài người bạn đến, chỗ ai người đó ngồi, nhâm nhi ly cà phê và bàn về các câu chuyện thời sự. Thông tin trên trời dưới đất được đưa ra bình luận. Cơ hội làm ăn được chia sẻ. Tâm tình chuyện nhà chuyện cửa, cố vấn và giải đáp các thắc mắc trong đời sống hàng ngày luôn rôm rả trong các buổi cà phê sáng.
Thậm chí, chúng tôi thấy có những nhóm các cô chú cán bộ quận huyện thường ngồi uống cà phê sáng ở một quán nhỏ gần cơ quan, khi nghỉ hưu sáng nào họ cũng vẫn đúng giờ có mặt cùng uống cà phê và trò chuyện. Nhu cầu gặp gỡ nhau vẫn rất lớn.
Cà phê và sinh viên
Nói đến cà phê không thể không nói đến các bạn sinh viên như chúng tôi. Dù nghèo hay khá giả thì lũ sinh viên chúng tôi cũng vẫn thường rủ nhau cà phê mỗi sáng. Có khi uống vội cùng nửa cái bánh mì đễ kịp vào lớp học, nhưng cũng có khi khi chưa đến tiết thì ngồi lâu hơn trò chuyện và thậm chí tranh thủ mở qua bài để xem trước khi vào học.
Nhiều bạn ở các tỉnh lúc mới về Sài Gòn học tập chưa quen, nhưng chỉ sau một thời gian là có thói quen tranh thủ tụ tập uống cà phê có gần trường để trò chuyện hay trao đổi một số công việc. Riết rồi quen, rồi nghiền.Sinh viên hay nói, làm một ly cà phê sáng giúp công việc học tập cũng trở nên suôn sẻ.
Chính vì vậy, chúng ta thường thấy những bạn sinh viên tại các quán cà phê xung quanh trường học. Vì nơi đó gần trường và các quán cà phê cũng có giá thành rẻ phù hợp với túi tiền sinh viên. Có những bạn đi học xa nhà hay uống cà phê ở quán quen thiếu tiền chờ người nhà gửi tiền lên thanh toán. Tuy hơi thiếu thốn nhưng cũng không thể bỏ qua thức uống này.
Thông thường, các quán cà phê xung quanh trường thường đông đúc vào buổi sáng hoặc xế chiều. Đây là 2 thời điểm mà những quán cà phê nhộn nhịp tiếng cười nói của các bạn sinh viên, có những góc học tập, chạy deadline. Buổi sáng thì các bạn uống cà phê và học bài, giúp các bạn tỉnh táo hơn, tập trung hơn. Để khởi động ngày dài thì các bạn đã dùng cà phê là sự lựa chọn giúp vượt qua cơn buồn ngủ. Ngoài ra, dùng cà phê vào buổi sáng còn làm tăng khả năng tập trung cao độ.
Còn buổi chiều là lúc các bạn sinh viên kết thúc một ngày học bằng việc ra quá để thư giãn, trò chuyện cùng bạn bè. Thêm vào đó, các bạn thích ngồi nhăm nhi ly cà ph và tâm sự cũng là sự lựa chọn được yêu thích bởi giới trẻ.
Và tôi, là một sinh viên, tôi cũng thường xuyên phải dùng cà phê giúp tỉnh táo trong công việc. Và nó như là một người bạn luôn bên tôi mỗi khi tôi cần tập trung làm việc. Từ khi tôi lên Đại học, tôi dùng cà phê nhiều hơn vì tôi phải vừa đi học, vừa đi làm; vừa chạy deadline nên tôi cần một ly vào buổi sáng để làm việc ngày dài.
Những lúc tôi rảnh rỗi, tôi cũng thường hay đi cà phê với hội bạn vì tôi cũng bị nghiện bởi loại thức uống đắng đắng mà thơm thơm này, nhưng nghiện hơn là khi gặp bạn bè trong lúc đi uống cà phê vào buổi sáng, tôi cảm thấy như cuộc sống này đang chậm lại để tôi được hòa mình vào dòng chảy đó, dù ngoài kia có hối hả vội vã đến đâu.
Những cuộc trò chuyện của chúng trở nên vui vẻ và thoải mái hơn cũng nhờ sự gắn kết bởi ly cà phê này. Mọi giận hờn hay hiểu lầm cũng dễ tha thứ. Một ly cà phê mang phong cách dân dã nhưng chứa đầy sự minh mẫn và nhiệt huyết muốn truyền đến cho tuổi trẻ chúng tôi. Thực tế chúng tôi không chỉ uống cà phê mà chính là qua đó chúng tôi kết nối bạn bè, trải lòng trong cuộc sống của mình.
Nói đến thói quen uống cà phê của mọi người nhất là sinh viên đó là một nét văn hóa không thể thiếu. Bởi nó là một phần đời sống của người dân và phần lớn không thể thiếu cà phê mỗi ngày. Thế nên, chúng ta hãy dùng cà phê như một giải pháp giúp chúng ta cảm thấy vui để kết nối và tăng hiệu quả công việc nhé!
NGUYỄN THỊ NGỌC NGUYÊN