LTS – Một bài viết khá thú vị của Nhà sử học Dương Trung Quốc về “VĂN HÓA UỐNG dưới góc nhìn LỊCH SỬ – VĂN HÓA”.
Trong xu hướng hiện nay đang bàn về việc cần hạn chế tác hại của bia rượu và kêu gọi hành động UỐNG CÓ TRÁCH NHIỆM, trong đó có những cách nhìn nhận về bia rượu khá cực đoan thì bài viết của Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC đã cho một cái nhìn khác, bao dung và sát với các khía cạnh của đời sống xã hội.
———
Uống rượu bia là nét văn hóa truyền thống lâu đời ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Rượu, bia không chỉ là thức uống để giải khát, bổ dưỡng mà còn là nét văn hóa của người dân khi chia sẻ những vui buồn thắp hương tổ tiên, gặp gỡ đối tác, tiếp khách…
VĂN HÓA BIA TRÊN THẾ GIỚI
Lịch sử đã chứng minh, bia là một trong các đồ uống lâu đời nhất mà loài người đã tạo ra, có niên đại ít nhất là từ thiên niên kỷ 5 trước Công Nguyên và đã được ghi chép lại trong các thư tịch cổ của Ai Cập cổ đại và Lưỡng Hà (Mesopotamia).
Bia được phát triển mạnh ở các nước châu Âu, với nhiều hãng bia nổi tiếng. Hàng năm, có hàng chục lễ hội bia, rượu được tổ chức thu hút đông đảo du khách tới tham quan, thưởng thức, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của nước sở tại.
Thực tế cho thấy, các quốc gia có ngành bia, r.ư.ợ.u phát triển thì đều là nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Đức, Pháp, Nhật, Trung Quốc… Các sản phẩm rượu, bia đã trở thành thương hiệu quốc gia, nhắc đến rượu vang người ta nghĩ ngay đến vang Pháp, rượu sake Nhật Bản, rượu Mao Đài (Trung Quốc), bia Tiệp, bia Đức, vodka Nga…
Các thức uống trở thành thương hiệu quốc gia này thường được sử dụng trong các buổi yến tiệc, tiếp đón các nguyên thủ quốc gia, tiếp đón khách quý. Qua đó góp phần giới thiệu, quảng bá nét văn hóa ẩm thực của quốc gia mình tới đông đảo du khách quốc tế.
Sản phẩm rượu, bia không chỉ là thức uống thông thường mà còn được nâng lên tầm văn hóa uống như văn hóa uống rượu vang, văn hóa uống rượu vodka, whisky, văn hóa uống bia…
Xung quanh các sản phẩm rượu, bia là cả một nghệ thuật thưởng thức. Chẳng hạn rượu vang đỏ, vang trắng thì dùng loại ly nào, nhằm với loại đồ ăn gì cho phù hợp? Cách cầm ly, cầm cốc, cách rót rượu, nâng ly, chạm cốc cùng là nét văn hóa mà mỗi chúng ta đều phải học khi giao tiếp.
Hiện nay, trên thế giới có hơn 10 lễ hội bia nổi tiếng, thu hút nhiều du khách, đáng kể như Lễ hội bia Oktoberfest ở Murnich (Đức), Lễ hội bia National Winter Ales – Manchester (Vương quốc Anh), Lễ hội bia Great American Beer – Denver, Colorado (Mỹ), Lễ hội bia Quốc tế Thanh Đảo – Thanh Đảo, Trung Quốc, Lễ hội bia National Capital Craft Beer – Canberra (Oxtraylia), Lễ hội bia Czech Beer, Prague (Cộng hòa Czech)…
Trong đó, nổi bật là Lễ hội bia Oktoberfest ở Murnich (Đức), được tôn sùng là vua của các lễ hội bia, và nó luôn là lựa chọn hàng đầu của các du khách muốn tham gia các lễ hội bia.
Lễ hội Oktoberfest được ra đời từ năm 1810 và duy trì cho đến nay. Hàng năm, Lễ hội kéo dài khoảng 16 ngày vào thời gian cuối tháng 9, đầu tháng 10, mỗi năm thu hút khoảng 6 triệu người từ khắp nơi trên thế giới tới tham dự.
Nhắc đến Oktoberfest, điều đầu tiên người ta liên tưởng đến chính là những lều bia khổng lồ. Mỗi chiếc lều bia có thể chứa đến vài nghìn người, thường có khoảng 14 lều bia… Hòa vào không khí tưng bừng lễ hội bia Oktoberfest ở Đức, bạn dễ dàng bắt gặp các cô gái nữ tính trong chiếc váy dirndl truyền thống, còn cánh đàn ông thì diện những chiếc quần sọc da có dây đeo. Phục vụ những ly bia cực lớn (từ 1 lít trở lên) với giá khoảng 10 EUR mỗi ly.
Ngoài các lễ hội bia, trong cuộc sống, mỗi quốc gia đều có nét văn hóa riêng về cách uống rượu, bia như văn hóa uống của người Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Nga, Anh…
Điều đáng nói là người sử dụng đồ uống có cồn ở các quốc gia trên thế giới đa số là chấp hành tốt việc uống có trách nhiệm, có văn hóa, văn minh, lịch sự, chấp hành tốt an toàn giao thông… bởi giáo dục, tuyên truyền tốt, nhất là ý thức, nhận thức của người dân…
VĂN HÓA UỐNG CỦA NGƯỜI XƯA Ở VIỆT NAM
Văn hóa uống rượu, bia ở nước ta có từ lâu đời. Hình ảnh bầu r.ư.ợ.u, túi thơ đã đi vào trong tác phẩm văn chương, âm nhạc.
Trong các loại thức uống của chúng ta thì không có thức uống nào đáp ứng đủ các nhu cầu, cung bậc cảm xúc của con người như rượu, bia, bởi đó là thức uống không thể thiếu trong mỗi khi chia sẻ với nhau chuyện vui, chuyện buồn, thắp hương tổ tiên dịp lễ tết, gặp gỡ đối tác, tiếp khách thì không thể thiếu các sản phẩm rượu, bia.
Do vậy, chúng ta không thể nhìn rượu, bia như thức uống thông thường để giải khát mà cần hiểu nó chứa trong đó là bề dày văn hóa, lễ nghĩa trong cuộc sống và trong giao tiếp.
Ngày xưa, các cụ đã rất tinh tế và có định lượng đúng đắn về từng thành phần trong cách sử dụng rượu. Khi người ta uống rượu, bia vừa phải cảm thấy sảng khoái, thăng hoa, thậm chí có thể là nguồn cảm hứng để sáng tác thơ ca… thì được gọi là TIÊN TỬU.
Uống rượu xong trở nên hiền lành, ngoan ngoãn lên giường đi ngủ, không gây phiền hà cho ai gì được gọi là PHẬT TỬU.
Rượu vào lời ra, nói năng văng mạng, ăn uống thô lỗ, chửi bới, gây gổ đánh nhau, thậm chí giết người đó là TỤC TỬU, CUỒNG TỬU.
Lợi dụng chén rượu để khích bác, mạt sát nhau, xúc phạm làm tổn thương người khác, đó là TI TỬU(ti ở đây hiểu theo nghĩa ti tiện), hay còn gọi là CẨU TỬU…
PHẬT TỬU là uống xong thấy nhẹ nhàng, thoải mái rồi đi ngủ; CUỒNG TỬU là uống xong không làm chủ được bản thân, hành vi; TI TỬU là uống rồi có hành vi không còn tính người nữa…
Các cụ ta phân ra các loại người uống rượu như vậy, bởi mỗi con người có tính cách, tâm trạng, thể trạng khác nhau. Có người uống một ly đã say, thậm chí ngửi rượu đã say rồi, có người uống vài ba chén chưa say.
Vấn đề chính là thể trạng và ý thức của mỗi con người. Bản thân mỗi người phải tự biết khả năng của mình, làm chủ được hành vi, uống với ai, uống bao nhiêu, uống ở thời gian nào?
Mỗi người hãy tự ý thức được rằng, đã uống rượu, bia thì không lái xe và không nên uống quá đà, không nên uống vào buổi trưa. Việc ép nhau uống rượu, uống thêm là không phù hợp với xã hội hiện đại. Nếu có người ép uống thì ta có thể từ chối khéo. Lúc đó người mời có thể không hài lòng nhưng sau đó nghĩ lại họ thấy đúng, tự cảm thấy hành vi ép rượu của mình là sai.
NÂNG CAO NHẬN THỨC VÀ BIỆN PHÁP CHẾ TÀI ĐỂ THAY ĐỔI HÀNH VI UỐNG CÓ VĂN HÓA
Để uống có văn hóa, đảm bảo an toàn giao thông thì ngoài việc tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi còn phải có chế tài đủ mạnh để xử lý những trường hợp vi phạm.
Ngày xưa coi uống rượu là lễ nghĩa, còn hiện nay, nhiều người uống có vẻ thoải mái, tự do, lạm dụng. Công tác quản lý nhà nước cần được tăng cường, nhất là quản lý các loại rượu không có nguồn gốc, rượu do dân tự nấu, đây mới là vấn đề cần được quan tâm giải quyết.
Việc người dân uống loại đồ uống gì, ai sản xuất mới cần được kiểm soát, bởi hiện nay do thiếu thông tin, người dân ở các vùng nông thôn, miền núi vẫn uống các loại rượu không có nhãn mác, không nguồn gốc, vì vậy mới xảy ra các vụ ngộ độc rượu có chứa methanol.
Công tác truyền thông rất quan trọng, mục tiêu cuối cùng là làm sao để người dân thay đổi nhận thức, cách suy nghĩ để có những hành vi, tập quán mới tốt đẹp hơn. Truyền thông qua những câu chuyện, tâm gương, có tính răn đe, đó là cả một quá trình.
Chúng ta cần quan tâm đến người uống và người sản xuất, vừa bảo đảm lợi ích kinh tế của xã hội, sức khỏe của người dân, chống lại tình trạng làm giả, gian lận… Bản thân người uống phải nhận thức được việc uống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng. Làm sao để việc sử dụng rượu bia là nét đẹp văn hóa, văn minh trong xã hội.
Để uống có văn hóa, có trách nhiệm, cần ý thức và sự vào cuộc của toàn xã hội; chế tài cần đảm bảo răn đe. Đặc biệt, cần xây dựng hệ thống cơ chế nghiêm để kiểm soát.
Theo đó, tuyên truyền đã uống rượu bia, không lái xe, nhưng nếu một công an giao thông không nghiêm túc hoặc bỏ lọt người vi phạm thì đã vô tình tiếp tay cho văn hóa uống không có trách nhiệm… Nên văn hóa quan trọng nhất hiện nay là văn hóa tuân thủ luật pháp.
Văn hóa uống là một nhu cầu hiện hữu và cần có sự chung tay xây dựng của mọi cấp, mọi ngành và cả xã hội. Trong thời gian qua, các nhà công nghiệp trong lĩnh vực đồ uống có cồn trên thế giới và Việt Nam, đã có rất nhiều nỗ lực vì lợi ích của cộng đồng và người tiêu dùng.
Rượu, bia là một nét văn hóa, nhưng nó chỉ có văn hóa khi con người ứng xử, nhận thức và sử dụng nó một cách có văn hóa. Cần có sự thống nhất về nhận thức, làm sao cho giá trị văn hóa đó tiếp tục được phát huy trong xu hướng hội nhập, sau văn hóa là nguồn lực phát triển kinh tế.
Bảo tồn nét văn hóa là trách nhiệm chung của chúng ta, ẩm thực nói chung và đồ uống nói riêng chính là thế mạnh của văn hóa Việt Nam.
Các hiệp hội, doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước cần phải có những dữ liệu đầy đủ, có lý luận đủ sức thuyết phục để làm căn cứ cho việc xây dựng chính sách, điều chỉnh hành vi xã hội trên tinh thần giữ gìn di sản, nguồn lực văn hóa trong quá khứ cũng như trong hiện tại.
TIẾP CẬN VÀ ỨNG XỬ VỚI RƯỢU BIA CẦN ĐÚNG ĐẮN
Cách đây hơn 10 năm, vang Đà L.ạ.t vinh dự được Chính phủ chọn làm đồ uống để tiếp lãnh đạo các quốc gia tham dự APEC.
Tháng 5/2016, Tổng thống Mỹ Obama khi sang thăm Việt Nam cũng đã thưởng thức Bia Hà Nội và bún chả. Các quốc gia trên thế giới đều quan tâm giới thiệu, quảng bá ẩm thực, đồ u.ố.n.g, đặc trưng văn hóa của họ tới du khách và các nguyên thủ quốc gia khi tới thăm.
Vào dịp lễ tết, giỗ chạp, các gia đình Việt đều bày bia, rượu để thắp hương gia tiên. Trong những buổi giao lưu, gặp mặt, cưới hỏi, chúng ta đều chuẩn bị đồ uống để mời khách, mọi người dù không uống biết uống cũng lịch sự nâng chén, nâng cốc lên để cùng chúc mừng gia chủ.
Như vậy, không thể nói bia rượu có tác hại được, người Việt luôn hiếu khách, bao giờ cũng lựa chọn những đồ ăn ngon, thức uống đảm bảo an toàn, chất lượng để thiết khách.
Bản chất của r.ư.ợ.u bia là không xấu vì thực tế nếu uống đúng liều lượng sẽ rất có lợi. Ông bà ta ngày xưa trong mỗi bữa cơm vẫn uống ít rượu để ấm bụng. Người phương Tây cũng khuyên uống một ly rượu vang hoặc một ly bia mỗi ngày để tăng cường sức khỏe. Nếu thật sự rượu bia không tốt thì chúng ta đã không dùng để dâng lên tổ tiên trên những bàn cúng.
Câu tục ngữ “Học ăn, học nói, học gói, học mở” đã cho thấy theo truyền thống dân tộc, ông cha ta luôn chú trọng tới việc ăn u.ố.n.g, văn hóa trong ăn uống. Điều đó còn được thể hiện qua câu “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Ngày xưa, việc ăn uống rất được quan tâm. Ăn, u.ố.n.g như thế nào để lịch sự, thể hiện một người có kỷ luật, có văn hóa và cư xử hòa nhã cùng mọi người xung quanh.
Cách tiếp cận, ứng xử của chúng ta với những sản phẩm r.ư.ợ.u, bia cần phải được xác định một cách đúng đắn, phải được nghiên cứu thấu đáo trên mọi khía cạnh.
Hiện nay, ngành Bia rượu được quản lý chặt chẽ về sản xuất, an toàn thực phẩm cũng như thực hiện đúng quy hoạch phát triển ngành. Các sản phẩm bia, rượu của các công ty sản xuất đều có chất lượng đảm bảo, được người tiêu dùng tin tưởng, cạnh tranh tốt trên thị trường…
Bia, rượu không có tội, vấn đề chính là ở nhận thức và cách sử dụng của người tiêu dùng. R.ư.ợ.u không có hại như thuốc lá, vấn đề chính là ý thức của người sử dụng. Cái gì mà lạm dụng, sử dụng quá mức cho phép thì đều có hại, ăn cơm, uống thuốc nhiều cũng không tốt cho sức khỏe.
Nếu sử dụng hợp lý mỗi ngày 1-2 ly r.ư.ợ.u thì có lợi cho sức khỏe, ngược lại nếu lạm dụng, uống quá đà thì không có lợi. Ngay cả cơm, nước lọc, thuốc u.ố.n.g nếu sử dụng quá nhiều cũng không tốt…
Việc xây dựng chính sách liên quan đến ngành r.ư.ợ.u, bia cần được nghiên cứu kỹ, khách quan, đúng đắn, đánh giá căn cứ vào số liệu khảo sát, điều tra, tránh có những ý kiến chung chung, hoặc có cái nhìn không thiện cảm về ngành mà đưa ra các quy định không phù hợp, ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, của doanh nghiệp và người tiêu dùng…
DƯƠNG TRUNG QUỐC (theo vba.vn – bài được đặt nhiều title phụ để dễ theo dõi)