“Nhà của thời thơ ấu” nằm trong con hẻm 280 Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, TP. Hồ Chí Minh không chỉ là một quán cà phê mà còn là nơi các bạn trẻ phát triển kỹ năng mềm: đọc sách, tập kịch, các buổi giao lưu tìm hiểu văn hóa Việt Nam.
Cho đến bây giờ, thỉnh thoảng Hương nhớ về khoảng thời gian tăm tối nhất đời mình và thầm cảm ơn nó. Năm 2015, Hương bắt đầu mất dần mất cảm xúc, cảm thấy cuộc sống không có gì vui và có khi cô dại dột nghĩ đến cái chết. Không phải vì thiếu tình thương mà ngược lại, khi một con người sống trong sự đủ đầy sẽ khiến người ta cảm thấy bất lực và mất định hướng, Hương tâm sự. Sau khi hai em gái định cư nước ngoài, là chị lớn, Hương cảm thấy chông chênh trong căn nhà của mình. Nhờ sự thấu hiểu của mẹ và chồng, Hương dần vượt qua được nỗi cô đơn.
Khách đến quán không chỉ thưởng thức đồ uống mà còn giao lưu chia sẻ nhiều chủ đề trong học tập và cuộc sống. Hương quan niệm, ai đến quán cũng đều là người nhà nên không phân biệt giàu nghèo, tuổi tác, cũng như ai đúng ai sai. Thỉnh thoảng cô hay gọi cậu bé Phương phục vụ bằng cái tên dễ thương: Út nhỏ.
Bản thân Hương tự nhận xét bên trong cô là một con người đa nhân cách, trong đó nhân cách trẻ thơ nổi trội lấn át đi cái tôi người lớn. Khi nhìn thấy trẻ em nhà giàu, suốt ngày chơi với Ipad, Hương lại khao khát mở ra một sân chơi để các em rũ bỏ thế giới ảo, tìm hiểu về văn thơ Việt Nam qua những quyển sách như Tự Lực Văn Đoàn, hoa học trò, hay tập kịch về Tết truyền thống.
Đối với những trẻ em bị khuyết tật tinh thần, Hương chỉ mong muốn khi đến “ngôi nhà của thời thơ ấu”, các em sẽ được chữa lành nỗi đau, được yêu thương bởi bạn bè, và quan trọng hơn hết là hiểu được thế nào là tuổi thơ. Bởi thế, cô tự tay bài trí bộ bàn ghế cũ, kệ sách, tiệm tạp hóa với từng món đồ lưu niệm xinh xắn cho khách.
Cũng giống như mọi người, trong thời gian dịch bệnh, Hương khá căng thẳng vì hoạt động kinh doanh quán bị ngưng trệ. Tuy vậy, cô tự nhắc nhở bản thân phải kiên nhẫn, học cách điều chỉnh bản thân theo thời thế. Điều cô lo sợ nhất là trở về căn bệnh cũ. Từ 2015 đến thời điểm này, cô đã mất 6 năm để vật lộn và đi tìm con đường đi riêng cho chính mình. Mục đích cuối cùng là niềm vui, sự thanh thản trong tâm hồn, Hương nhấn mạnh.
Hai vợ chồng Hương yêu nghệ thuật, và quan niệm sống hạnh phúc không cần con cái. Có bao nhiêu tiền, cả hai đổ vào những chuyến đi. Ngồi nhà làm bà chủ quán cà phê, nhưng Hương luôn nhắc về những chuyến đi mà hai vợ chồng thực hiện, ví như được bay khinh khí cầu ở Thổ Nhĩ Kỳ, đu quay ở Bali, ngắm hoàng hôn ở Santorini, Hy Lạp, hay dạo bước trong mùa thu Nhật Bản.
Đối với Hương, có khi Covid-19 là một cơ hội để gắn kết các bạn trẻ với nhau. Hầu hết các bạn yêu du lịch đến quán của cô đều tự hào chia sẻ những chuyến đi của mình. Những hoạt động: đọc sách, tạp hóa xanh (trợ giá 50%), hay tập kịch, giao lưu chủ đề tìm hiểu văn hóa truyền thống và ngôn ngữ đều rất bổ ích cho các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên đại học.
Quán chỉ mới được thành lập từ tháng 7 năm 2020, tuy nhiên đã thu hút rất nhiều khách. Giá thức uống hợp túi tiền các bạn sinh viên chỉ từ 20.000 đến 30.000 đồng. Thời gian mở cửa từ 12h đến 22h ngày trong tuần, và từ 10h đến 22h cuối tuần.
Bảo Ngọc, sinh năm 1990, khách hàng thân thiết của quán nhận xét, cô mê mẩn những món nước đầy ắp hương vị xưa, từng món đồ là một hồi ức. Trong không khí trầm lắng của những bản nhạc Pháp xưa, trò chuyện với những người trẻ tử tế, Ngọc cảm thấy cuộc đời thi vị. Có thể nói tiệm là ngôi nhà ký ức của những người thuộc thế hệ 8X và 9X, trong đó có cả Ngọc.
Theo Cafebiz.vn