Trưởng bối võ hiệp tiểu thuyết Kim Dung vừa tạ thế vào ngày 30/10/2018, đại thọ 94 tuổi. Ông là một trong những nhà văn Hoa ngữ có ảnh hưởng lớn nhất đối với văn chương thế giới giai đoạn hậu bán thế kỷ XX.
Tác phẩm của ông là kết quả diệu kỳ của mối lương duyên giữa báo chí và văn chương hay chính ông là người đã tác hợp uyên ương nồng thắm cho báo chí và văn chương một thời.
Người yêu thích Kim Dung ít khi gọi tác phẩm của ông bằng cái tên chính thống là “tân trào võ hiệp tiểu thuyết” mà thường gọi nôm na là “truyện chưởng”: đọc truyện chưởng Kim Dung, xem phim chưởng Kim Dung…
TRUYỆN CHƯỞNG: ĐỈNH CỦA TIỂU THUYẾT VÕ HIỆP
Tiểu thuyết võ hiệp là một khuynh hướng nổi bật của tiểu thuyết Hoa ngữ nói chung và tiểu thuyết Trung Quốc nói riêng. Cốt truyện xoay quanh những nhân vật có võ nghệ cao cường, hành tung bí ẩn, chuyên trừ gian diệt bạo, cứu độ kẻ thế cô, gọi chung là hiệp nhân, hiệp khách.
Về đại thể, giới nghiên cứu văn học Trung Quốc chia tiểu thuyết võ hiệp làm hai loại lớn: tiểu thuyết võ hiệp cổ điển, xuất hiện vào cuối thời nhà Minh (thế kỷ XVII) tiêu biểu như Tam Quốc Chí, Thủy Hử…; và tiểu thuyết võ hiệp hiện đại, ra đời vào đầu thế kỷ XX, sau phong trào Ngũ Tứ (1919), tiêu biểu như Giang Hồ Kỳ Hiệp truyện, Thục Sơn Kiếm Hiệp truyện, Ưng Trảo Vương…
Tiếp đó vào giữa thập niên 1950, các nhà xuất bản ở Hồng Kông lấy thời điểm kết thúc Thế chiến thứ Hai làm mốc để tiếp tục phân chia tiểu thuyết võ hiệp hiện đại thành hai loại “cựu trào” và “tân trào”. Theo đó, “tân trào võ hiệp tiểu thuyết” gồm những sáng tác sau 1945, và lại được tiếp tục phân thành ba thể.
Thể thứ nhất, các nhân vật sử dụng “thập bát ban võ nghệ”, đủ mọi loại quyền cước, chủ yếu đánh nhau bằng tay chân, gọi là “truyện võ thuật”. Từ thể truyện võ thuật này, người ta viết thành những kịch bản phim quyền cước, làm nên tên tuổi nhiều tài tử một thời như Trần Tinh, Vương Vũ, Khương Đại Vệ, Lý Tiểu Long…
Thể thứ hai, các nhân vật khi xung trận thường sử dụng các loại khí giới sát thương như kiếm, đao, côn, trượng; người đọc gọi nôm na là “truyện kiếm hiệp”. Cũng từ thể truyện này, giới làm điện ảnh Hồng Kông, Đài Loan cho ra đời hàng loạt phim kiếm hiệp vô cùng ăn khách.
Thể thứ ba, các nhân vật không chỉ dùng quyền cước, kiếm đao mà còn dùng sức mạnh từ bàn tay xòe ra (chưởng) để đánh nhau với đối phương. Chưởng phong mạnh yếu tùy vào nội lực của nhân vật.
Theo lý giải của các tác giả, nội lực là nguyên khí tản mác ngoài thiên nhiên, được thâu nạp vào cơ thể theo những cách thức đặc biệt để tạo ra một sức mạnh vô hình. Với sự huyền bí nội lực, các nhân vật có những cách ra chiêu kỳ lạ: một ánh mắt, một điệu đàn, một tiếng cười… cũng có thể làm đối phương kinh hồn bạt vía. Thể này gọi là “truyện chưởng”.
Người viết truyện chưởng không chỉ phô diễn kiến thức quyền pháp, cước pháp, kiếm pháp, đao pháp mà còn sáng tạo thêm bao nhiêu loại chưởng pháp tùy thích, giúp trí tưởng tượng của họ bay xa hơn, phong phú hơn. Truyện chưởng cũng tạo nên một dòng phim tương ứng, làm mưa làm gió khắp các rạp và màn hình ti vi ở châu Á.
———–
Truyện chưởng ra đời đầu tiên và sớm giữ địa vị thống trị chuyên mục “Võ hiệp tiểu thuyết liên tải” (Tiểu thuyết võ hiệp đăng liên tục nhiều kỳ – feuilleton) trên các báo ở Hồng Kông, Đài Loan, thu hút đông đảo độc giả; sau đó tiếp tục bành trướng sang Trung Quốc, Singapore, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Anh, Pháp, Mỹ, Canada…
Các tác giả truyện chưởng được nhiều người biết đến khá đông đảo, gồm Ngọa Long Sinh, Lương Vũ Sinh, Nghê Khuông, Cổ Long, Mộ Dung Mỹ, Gia Cát Thanh Vân, Độc Cô Hồng…, đặc biệt là Kim Dung.
Sau khi Kim Dung “rửa tay gác kiếm” (1972) thì dòng chảy của thể tiểu thuyết độc đáo này trở nên yếu ớt, cạn kiệt. Mặc dù không ít tác giả xuất hiện sau những năm 1980 có ý định mở ra thời kỳ “hậu võ hiệp” trong tiểu thuyết Hoa ngữ nhưng hầu hết đều bất thành.
KIM DUNG “MINH CHỦ”
Kim Dung sinh năm 1924, tên thật là Tra Lương Dung, con thứ hai trong gia đình 9 anh chị em, thuộc dòng tộc khoa bảng danh giá bậc nhất ở Triết Giang, Trung Quốc: “Một nhà bảy tiến sĩ/ Chú cháu năm hàn lâm”!
Thuở nhỏ Kim Dung học hành chăm chỉ, thông minh, hiếu động. Năm 8 tuổi, ông đã rất mê đọc sách. Lãnh Hạ, trong cuốn Kim Dung truyện, kể lại: “Tan học về, cậu bé Tra Lương Dung thường ôm sách vào một góc riêng để đọc, chẳng nói năng gì, say sưa trong thế giới của mình. Tuy cả mấy anh chị em đều thích đọc sách nhưng không ai si mê như cậu.
Hơn nữa Tra Lương Dung lại có trí nhớ kỳ lạ, chỉ cần đọc qua một lần là có thể kể lại vanh vách, kể theo sách xong rồi cậu còn kể theo ý mình mà rất hấp dẫn; kể đến chỗ đắc ý lại khoa tay múa chân khiến cả mấy anh chị em nghe cậu kể đều mê mẩn.
Người ta cảm thấy kỳ lạ là Tra Lương Dung kể chuyện cho em gái em trai nghe không bao giờ biết mỏi, cũng không bao giờ hết chuyện. Người ta ngạc nhiên không hiểu vì sao trong cái đầu bé nhỏ của cậu lại có nhiều chuyện đến thế, kể mãi không hết, thật là vô cùng vô tận.
Kỳ thực đó là do Tra Lương Dung thích đọc sách, do cậu có tài sáng tạo. Từ điều ấy có thể thấy Tra Lương Dung ngay từ khi còn rất nhỏ đã hiển lộ trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo phi thường”.
Con đường học vấn của Kim Dung không mấy suôn sẻ nhưng cũng đạt thành tựu rất đáng nể: Cử nhân luật Đại học Tô Châu, Tiến sĩ triết học Đại học Cambridge.
Tuy nhiên, do thời cuộc và do sở thích cá nhân, ông không theo đuổi sự nghiệp bằng con đường khoa bảng mà bằng một hướng rẽ khác.
Năm 1946, Kim Dung nhờ một người bạn giới thiệu vào Đông Nam Nhật Báo, một tờ báo hạng trung thời đó, và ông được toại nguyện. Ngoài săn tin, viết bài như một ký giả thực thụ, ông còn kiêm luôn việc nghe bản tin quốc tế bằng tiếng Anh rồi phiên dịch ra tiếng Trung để đăng.
Lý giải vì sao chọn nghề ký giả làm nghề nghiệp chính thức đầu tiên của mình, Kim Dung cho biết: “Tôi vốn có niềm say mê đặc biệt đối với nghiệp làm tin tức”. Sau đó, ông còn “phiêu lưu” qua nhiều tờ báo khác như Thời Dữ Triều (1946), Đại Công Báo (1948), Tân Văn Báo (1952)…
Với một con người tài ba, giàu năng lượng sáng tạo như Kim Dung, công việc làm báo quả có phần nhẹ nhàng và đơn điệu. Theo Bành Hoa và Triệu Kính Lập, trong Kim Dung, cuộc đời và tác phẩm, lúc làm ký giả cho Đông Nam Nhật Báo: “Công việc của một ngày Kim Dung chỉ làm một buổi tối là xong. Tổng cộng thời gian không qua 30 phút”!
Có lẽ vì thế vào cuối những năm 1950, ông xin thôi việc ở Tân Văn Báo, gia nhập Công ty Điện ảnh Trường Thành, bắt đầu viết kịch bản và đạo diễn phim. Với bút danh Lâm Hoan, Kim Dung đã viết các kịch bản như Tuyệt đại giai nhân, Lan hoa hoa, Bất yếu ly khai ngã… Ông cũng là đồng đạo diễn các phim: Hữu nữ hoài xuân, Vương lão Hổ thương nhân.
Gần 10 năm lăn lộn trong môi trường báo chí và ít nhiều thử sức ở địa hạt điện ảnh cũng chính là thời gian Kim Dung chuẩn bị công phu và nội lực cho sự nghiệp văn chương lừng lẫy của mình, trở thành “minh chủ” trong giới võ hiệp tiểu thuyết tân trào, chưa ai sánh nổi.
Cơ duyên thực đến với Kim Dung vào năm 1955. Lúc ấy, Lương Vũ Sinh “đã như tiếng pháo giòn giã, một tiếng kinh người” sau khi đăng ròng rã hai năm cuốn Long hổ đấu kinh hoa rất ăn khách trên Tân Văn Báo. Các báo khác bắt đầu đua tranh đăng truyện võ hiệp nhiều kỳ. Tổng biên tập Hương Cảng Thương Báo – La Phù, rất muốn mời Lương Vũ Sinh cộng tác nhưng ông này, phần vì “ngập đầu” trong “đơn đặt hàng”, phần vì đề tài cũng sắp khô hạn nên ông tiến cử Kim Dung với La Phù.
Do quen biết cả hai, Kim Dung khảng khái đáp: “Điều mà Lương huynh làm được, Tra Lương Dung tôi cũng làm được”.
Nhưng viết gì? Viết như thế nào? Kim Dung phải suy nghĩ, tính toán sao cho không phụ tình tri âm với Lương Vũ Sinh và La Phù. Ông nhớ đến quê hương Triết Giang, nhớ lại Càn Long hoàng đế dốc sức đắp con đê biển Hải Ninh. Rồi ông bắt tay viết Thư kiếm ân cừu lục, kể về xuất thân ly kỳ của Càn Long hoàng đế. Bút danh Kim Dung lần đầu tiên ra mắt “quần hùng võ lâm”.
Tác phẩm này đã định hình phong cách sáng tác tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung: không gian câu chuyện rộng lớn; nhân vật đông đảo, đa dạng; xung đột dữ dội giữa “thư” và “kiếm”, giữa “tình” và “cừu”; đối kháng khốc liệt giữa “chính phái” và “tà bang”, giữa “giang hồ” và “giang sơn”; hội ngộ lý thú giữa “lịch sử và nghệ thuật”, giữa “võ hiệp và kỳ tình”.
Cho nên không có gì lạ, chỉ hơn một tháng sau, độc giả và giới phê bình đổ xô mua Hương Cảng Thương Báo để đọc từng hồi Thư kiếm ân cừu lục. Họ háo hức tìm hiểu: Kim Dung là ai? Đó là “cao thủ” từ phương nào tới? Anh ta thuộc “môn phái” nào?…
Trong khi dư luận còn chưa hết xôn xao về Thư kiếm ân cừu lục thì Kim Dung tiếp tục đăng Bích huyết kiếm (1956), rồi Xạ điêu anh hùng truyện (1957), làm cho các tác giả khác trở nên lu mờ, kể cả bậc đàn anh là Lương Vũ Sinh. Phí Dũng và Chung Hiểu Nghị.
Trong Kim Dung truyền kỳ, nói rằng: “Xạ điêu anh hùng truyện là một trong những tác phẩm được hoan nghênh nhất của Kim Dung, cũng là cách thể hiện hay nhất ‘Trung Quốc chi hồn’ trong con mắt của độc giả Trung Quốc; cho nên, nó vừa xuất hiện đã xác định địa vị ‘Võ lâm chí tôn’ của Kim Dung”.
Từ kinh nghiệm nhiều năm làm ký giả, Kim Dung khá tường tận kỹ thuật làm báo, hiểu rõ công việc quản lý kinh doanh báo chí. Đồng thời ông cũng viết ba tác phẩm gây tiếng vang với vô số độc giả, đó là vốn liếng vô hình nhưng rất đáng quý. Kim Dung nghĩ rằng đã đến lúc phải tự lập một tờ báo, đăng tiểu thuyết võ hiệp của mình, độc giả chắc chắn sẽ hoan nghênh, việc phát hành báo chắc chắn sẽ thuận lợi.
Ngày 20/5/1959, ông cùng bạn học cũ là Trầm Bảo Tân quyết định “tự lập môn hộ”, ra tờ Minh Báo do ông làm tổng biên tập để thỏa chí bình sinh. Giờ đây, mỗi ngày Kim Dung vừa trông coi tờ Minh Báo, vừa viết xã luận, vừa sáng tác tiểu thuyết võ hiệp “liên tải”. Ngay số đầu tiên, Minh Báo đăng ở trang 3 bộ Thần điêu hiệp lữ của Kim Dung, mỗi ngày một hồi, khoảng 2.000 chữ, kéo dài suốt ba năm. Thần điêu hiệp lữ được coi là phần tiếp theo của Xạ điêu anh hùng truyện vốn đã hấp dẫn, nay lại càng thêm hấp dẫn.
Minh Báo và hơn một chục tác phẩm võ hiệp khác lần lượt đăng trên báo này trong quãng thời gian từ 1959 đến 1972 như Ỷ thiên đồ long ký, Thiên long bát bộ, Tiếu ngạo giang hồ, Lộc đỉnh ký… đã giúp Kim Dung thành “tác giả đầu tiên trở nên giàu có bằng ngòi bút, là một trong những nhà giàu đầu bảng của Hồng Kông”. Ngược lại, chính bút danh Kim Dung đã biến Minh Báo thành tờ báo nổi tiếng nhất trong cộng đồng Hoa ngữ; và từ đó, tác phẩm của ông viễn du khắp thế giới.
“KHÔNG HỎI THU HOẠCH, CHỈ HỎI CÀY BỪA”
Ở Hồng Kông làm báo và làm điện ảnh được xem là hai nghề mạo hiểm, rất dễ thất bại, thể hiện qua câu nói: “Nếu anh căm thù hắn, tốt nhất là khuyên hắn làm phim; nếu anh với hắn có thù sâu ba đời, tốt nhất là khuyên hắn làm báo!”.
Đã dốc hết vốn liếng tích cóp được 80.000 đô la đầu tư vào Minh Báo, Kim Dung coi như đánh cược tương lai của mình. Hiểu điều đó nên ông càng thận trọng và quyết tâm. Ông đề ra “cương lĩnh” cho bản thân và đồng sự trong tòa soạn: “Đóng trại vững, đánh chắc thắng, không hỏi thu hoạch, chỉ hỏi cày bừa”.
Trượng phu nói được là làm được. Kim Dung “cày bừa” miệt mài, trung bình 20 giờ mỗi ngày để tìm chỗ đứng vững chắc cho Minh Báo và cho bản thân: từ 8 giờ đến 16 giờ vừa viết xã luận, điểm phim vừa lo việc quản trị cho tờ báo và tham gia các hoạt động xã hội; từ 18 giờ đến 20 giờ đọc tài liệu, soạn đề cương cho tác phẩm đang viết và sẽ viết; từ 24 giờ đến sáng hôm sau sáng tác một hoặc hai hồi tiểu thuyết để kịp báo lên khuôn.
Thực ra tiếng tăm và lợi nhuận mà Minh Báo có được chủ yếu là nhờ vào sức hút mãnh liệt của các truyện võ hiệp do Kim Dung chấp bút. Thời viết Thư kiếm ân cừu lục, Bích huyết kiếm, Xạ điêu anh hùng truyện cho Hương Cảng Thương Báo, Kim Dung tương đối “thong dong”, mỗi đêm chỉ “lai rai” độ 1.000 đến 2.000 chữ nhưng đến khi viết cho báo của mình thì ông bắt đầu “tăng tốc” lên đến 4.000 chữ mỗi kỳ.
Đặc biệt trong hai năm 1960-1961, khi viết Phi hồ ngoại truyện cho tạp chí Võ hiệp và lịch sử (đồng thời cũng đang viết Thần điêu hiệp lữ cho Minh Báo), ông phải “viết suốt đêm, từ 12 giờ khuya đến 7, 8 giờ sáng thì xong… 8.000 chữ!” (tương đương 20 trang đánh máy trên giấy A4, tức gần 40 trang sách in). Quả là một sức lao động kinh khủng, một khả năng sáng tạo phi thường!
Viết truyện feuilleton theo cách nói của phương Tây, hay viết tiểu thuyết liên tải theo cách nói của Trung Quốc, là chọn lựa khắc nghiệt của giới cầm bút mà không phải ai cũng dám “thử lửa”. Nó đòi hỏi người viết phải có thực tài văn chương để xây dựng được cốt truyện dài hơi và hấp dẫn; lại phải có tư chất và tác phong nhanh nhạy, xông xáo của người làm báo để đảm bảo deadline – hạn kỳ ra báo. Cả hai phương diện này, Kim Dung đều lưỡng toàn, xứng đáng là bậc thầy của các cây bút feuilleton.
Về cốt truyện, thế giới nhân vật, nghệ thuật kể chuyện, bút pháp tả cảnh, tả tình của Kim Dung, giới phê bình và độc giả gần như đã dùng hết mọi mỹ từ để ngợi khen. Vinh quang ấy không hề là “vô cầu nhi đắc” hoặc “bất chiến tự nhiên thành” đối với Kim Dung mà đó là kết quả của quá trình lao động cật lực, công phu và tỉ mỉ được thăng hoa bởi một tài năng thiên phú.
Ông dành nhiều thời gian và công sức để xây dựng “đề cương chi tiết” cho các truyện. Đầu tiên là bối cảnh lịch sử xã hội, kế đến là sự kiện trung tâm, hệ thống nhân vật và quan hệ giữa các nhân vật (hai tuyến chính và năm, bảy tuyến phụ với hàng chục nhân vật, mỗi nhân vật một tính cách khác nhau), rồi xung đột, cao trào, mở nút…
Nói chung cốt truyện tác phẩm của Kim Dung thường đa tuyến, đa tầng, là “truyện trong truyện”, mỗi nhân vật đều có “chuyện riêng” của mình, mỗi hình ảnh, chi tiết nổi bật đều có “tích riêng” của nó; cứ thế, chuyện nối chuyện mà thành tác phẩm đăng liên tục suốt hai, ba năm trên nhật báo và khi in thành sách dài đến 2.000 – 3.000 trang.
Kim Dung không chỉ chăm chút kỹ lưỡng việc đặt họ tên, hiệu, biệt danh cho các nhân vật mà còn làm dàn ý cho từng hồi của truyện. Nhờ thế, dù viết nhiều trang, nhiều truyện và viết thâu đêm nhưng “truyện liên tải” của Kim Dung vẫn giữ được sự chặt chẽ, mạch lạc, nhất quán và tính hấp dẫn.
Đầu năm 1964, Kim Dung cho khởi đăng Thiên long bát bộ đồng thời trên Minh Báo và Nam Dương Thương Báo của Singapore, kéo dài 4 năm. Tháng 5 năm ấy, ông sang Anh quốc tham gia Hội nghị Liên hiệp tân văn quốc tế kết hợp du lịch châu Âu mất khoảng hơn một tháng. Vậy mà Thiên long bát bộ vẫn phải “chạy” tiếp, không thể gián đoạn. Trước tình thế đó, Kim Dung phải nhờ bạn tâm giao của mình là Nghê Khuông viết thay cho 40 ngày, chừng 40.000 chữ.
Nghê Khuông dù có đôi chút dè dặt nhưng vì quá mến mộ Kim Dung nên không nỡ chối từ. Vốn “thuộc” tính cách và văn chương của bạn, Nghê Khuông chấp bút suôn sẻ và hứng khởi đến 60.000 chữ. Khi Kim Dung từ châu Âu trở về, chưa kịp mở lời cảm ơn bạn vàng thì Nghê Khuông nói với vẻ hối lỗi: “Tôi làm A Tử mù mắt mất rồi!”, và giải thích: “Tại con A Tử ác quá, tôi rất ghét nó”.
Kim Dung đành cười cay đắng vì đây là một trong những nhân vật nữ yêu thích nhất của ông, nhưng ông không dám trách bạn. Ông an ủi Nghê Khuông: “Tôi sẽ có cách làm cho A Tử sáng mắt lại”.
Có thể thấy đôi điều thú vị về tâm lý sáng tạo nghệ thuật trong trường hợp này. Một mặt, khi đã nhập tâm, logic tính cách nhân vật có thể dẫn dắt ngòi bút của nhà văn như “ma đưa lối, quỷ đưa đường”; mặt khác, nhà văn vẫn có thể chủ động đảo lộn cuộc đời và số phận nhân vật nếu việc ấy làm cho tác phẩm hay hơn. Đề cương dù chi tiết mấy cũng chỉ là điểm tựa ban đầu, người viết luôn cần sự linh hoạt, biến hóa trong quá trình sáng tạo.
Do sức ép deadline của báo chí, truyện feuilleton thường khó tránh khỏi sai sót. Tác phẩm của Kim Dung cũng không là ngoại lệ. Giới phê bình đương thời từng chỉ ra rằng Kim Dung đặt các câu đối ở đầu mỗi chương của Thư kiếm ân cừu lục “đến cả bằng trắc cũng không đúng”; nhầm lẫn giữa các thời kỳ lịch sử như trong Xạ điêu anh hùng truyện “Người đời Tống (Hoàng Dung) không thể hát khúc ca đời Nguyên”; sắp xếp tình tiết thiếu logic trong Tuyết sơn phi hồ và Phi hồ ngoại truyện…
“Ai biết và dám xóa bỏ cái của mình, người đó sẽ tiến xa” (F.M. Dostoievski). Thiên tài của Kim Dung một phần thể hiện qua sự cầu thị lắng nghe góp ý của bạn đọc và chỉn chu tu bổ tác phẩm của mình. Khi xuất bản thành sách, Kim Dung không chỉ “sửa chữa từng câu từng chữ với thái độ rất cẩn thận” cho từng tác phẩm như ở Thư kiếm ân cừu lục mà còn “bổ sung gần một phần trăm” như ở Bích huyết kiếm, hoặc “bỏ hẳn vài chương chưa hợp lý” như ở Thiên long bát bộ…
Và có lẽ nhờ đến với bạn đọc qua cửa ngõ báo chí trước khi hành trình qua con đường truyền thống bằng sách in cũng là tác nhân khiến cho tác phẩm của Kim Dung có được lượng công chúng vô cùng rộng lớn.
“Từ vị giáo sư được giải thưởng Nobel đến anh phu xe, từ cao nguyên hoàng thổ đến chốn thị thành, các giai tầng, các địa phương, đâu đâu cũng có người mê Kim Dung. Ngoài Kim Dung ra, hiếm có tác phẩm của tác giả nào được mọi người hoan nghênh đến như thế”. Lãnh Hạ, trong cuốn Kim Dung truyện, đã viết như thế.
“Phi Tuyết Liên Thiên Xạ Bạch Lộc/ Tiếu Thư Thần Hiệp Ỷ Bích Uyên” là hai câu thơ do Kim Dung “sắp đặt” mà mỗi chữ là chữ đầu tiên của 14 trong 15 truyện chưởng nổi tiếng của ông, chỉ thiếu “đoản thiên tiểu thuyết” Việt nữ kiếm.
Tất cả đã làm nên một tượng đài kỳ vĩ của văn chương nhân loại trong thế kỷ XX. Tất cả là kết quả của mối duyên kỳ ngộ giữa báo chí và văn chương “nhất khứ bất phục phản” mà ngày nay rất nhiều người ngẩn ngơ, tiếc nuối.
NGUYỄN HÀ (2/11/2018)