Báo Dân trí đăng một bài về việc Hiệp hội mía đường không đồng thuận với dự thảo sẽ đánh thuế tiêu thụ đặt biệt với mặt hàng nước giải khát có đường.
Theo đó, lấy lý do giảm tình trạng tăng cân, béo phì, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Bộ Tài chính đề xuất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng nước giải khát có đường với mức 10%.
Tuy nhiên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng cần xem xét lại đề xuất này một cách thấu đáo và toàn diện.
Bộ Tài chính dự kiến tăng thuế nước ngọt nhưng Hiệp hội Mía đường phản đối mạnh mẽ (Ảnh minh họa/DDDN)
Ở VIỆT NAM TỶ LỆ BÉO PHÌ CHIẾM 25% DÂN SỐ
Thời gian gần đây, việc nhiều doanh nghiệp ngành đồ uống nổi tiếng trên thế giới đã phải khẩn cấp tìm công thức mới để tránh bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối mặt hàng giải khát có đường (nước ngọt hoặc nước tăng lực…). Điều này là có thực.
Đặc biệt tại Mỹ, với việc số lượng người béo bì đang tăng cao và chi phí cho việc chăm sóc sức khỏe đối với người béo phì rất lớn, đã dẫn đến yêu cầu cần giảm đường trong các sản phẩm đồ uống có đường. Và để buộc các doanh nghiệp phải giảm lượng đường này, Mỹ sẽ thu thuế những mắt hàng trên.
Còn tại Việt Nam, như báo Dân trí đã dẫn: Dự thảo sửa đổi 5 luật thuế trong đó có Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Bộ Tài chính hoàn thiện và đưa ra lấy ý kiến từ cuối năm 2017. Qua các lần sửa đổi, lấy ý kiến, đến nay, các dự thảo đang dần dần được hoàn thiện.
Điều đáng nói là, lần nào Bộ Tài chính lấy ý kiến và đề cập đến chuyện đánh thuế thì không chỉ các đơn vị, tổ chức doanh nghiệp, hiệp hội mà người tiêu dùng cũng… đồng loạt phản đối.
Lần này, với Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất các mặt hàng nước giải khát có đường (trừ sữa) sẽ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, đồng thời nâng thuế giá trị gia tăng (VAT) thêm 2%, áp dụng từ năm 2019.
Một trong những cơ sở để Bộ Tài chính đưa ra đề xuất này là nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt nhằm giảm tình trạng người dân thừa cân, béo phì và mắc bệnh tiểu đường.
Bộ Tài chính cho rằng, tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì và tiểu đường ở Việt Nam đang ở mức cao. Hiện ở Việt Nam tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ béo phì tăng nhanh từ mức 0,6% năm 2.000 lên 5,3% năm 2015.
Tại Tp.HCM mức tỷ lệ này lên tới 10,8% (đặc biệt tại khu vực trung tâm tỷ lệ này lên đến 12%) cao hơn mức trung bình của châu Á và các nước đang phát triển (mức béo phì trẻ dưới 5 tuổi trung bình toàn cầu là 6,9%).
Bộ Tài chính cũng dẫn khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các loại đồ uống có đường ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
KHI NGƯỜI TIÊU DÙNG ĐỒNG LOẠT PHẢN ĐỐI LUẬT THUẾ MỚI
Không đồng tình với đề xuất cũng như lý do áp thuế, Hiệp hội mía Đường Việt Nam cho rằng, áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt không phải là một thực tiễn phổ biến trên thế giới và trong khu vực.
Theo Hiệp hội này, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt và tăng thuế VAT này cần phải có khảo sát đánh giá toàn diện, đầy đủ, thấu đáo tác động của chính sách này đối với ngành mía đường trong nước và ngành sản xuất nước giải khát cũng như người tiêu dùng và cả nền kinh tế – xã hội.
“Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đặt biệt là kiểm soát bệnh tiểu đường và béo phì cần kiểm soát chặt chẽ và không cho dùng sản phẩm đường lỏng HFCS là nguyên liệu sản xuất đồ uống chứ không phải đánh thuế là giải quyết được câu chuyện này”, Hiệp hội Mía đường lập luận.
Cụ thể hơn, đơn vị này cho rằng cần xem lại chính sách ưu đãi thuế quan hiện nay đối với mặt hàng đường HFCS (không quản lý hạn ngạch thuế quan và thuế suất 0% đối với các nước ASEAN, ASEAN – Trung Quốc, ASEAN – Hàn Quốc).
Theo Hiệp hội trên, số lượng các quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống nói chung, bao gồm cả đồ uống có đường và không có đường chỉ chiếm khoảng 25% trong số các quốc gia trên thế giới. Trong khi khu vực châu Á – Thái Bình Dương chỉ có 4 quốc gia áp dụng thuế đối với nước ngọt là Thái Lan, Brunei, Lào và Campuchia. Một số nước từng áp dụng loại thuế suất này nhưng đã bãi bỏ vì không hiệu quả, trong đó có Argentina, Đan Mạch, Cộng hòa Dominica, Ai Cập, Ghana, Indonesia, Pakistan, Nam Phi, Zambia và một số bang của Mỹ.
LO DÂN BÉO PHÌ VÌ ĐƯỜNG LÀ CHƯA CÓ CƠ SỞ…
Trên báo Dân trí cũng nói rõ, Hiệp hội Mía Đường Việt Nam dẫn chứng số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, các quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng vẫn có tỷ lệ béo phì tăng liên tục trong những năm qua để khẳng định rằng – cái sự lo dân béo phì của Bộ Tài chính là không có cơ sở.
Cụ thể, Thái Lan, mặc dù áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt trong suốt 30 năm qua nhưng tỷ lệ người thừa cân, béo phì ở độ tuổi 5 đến 19 tuổi tăng nhanh từ 3,1% vào năm 2000 lên đến 11,3% vào năm 2016.
Brunei là một trong 4 quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt nhưng tỷ lệ người tử vong do bệnh tiểu đường cao nhất thế giới với 11% và tỷ lệ béo phì ở độ tuổi từ 9 đến 15 tuổi tăng từ 6,4% vào năm 2000 lên mức 14,1% vào năm 2016.
Từ các số liệu kể trên, Hiệp hội này cho rằng, các chuyên gia về thuế hay sức khỏe cũng không bảo đảm được rằng việc tăng thuế đối với nước ngọt sẽ giảm được tỷ lệ người béo phì, tiểu đường bởi có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến các bệnh này.
Bên cạnh đó, việc tăng thuế chưa chắc đã dẫn đến việc tiêu thụ ở các khu vực thành thị, nơi tập trung nhiều người có thu nhập cao hoặc trung bình, có khả năng chi trả cho các sản phẩm nước ngọt giảm đi dù có tăng thuế.
Chính vì lý do này mà ngay cả các nước trên thế giới đang đối mặt với tình trạng người béo phì tăng nhanh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Malaysia, Canada… cũng không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt có đường.
Theo DÂN TRÍ