Internet có thể phủ sóng toàn cầu, nhưng làm sao có thể sử dụng hết tất cả các ngôn ngữ mà nhân loại hiện có…
BÁO ĐỘNG ĐỎ
Nhiều ngôn ngữ dân tộc đang chết dần ở khắp nơi: theo đánh giá hiện hành, cứ trong vòng hai tuần thì có một ngôn ngữ biến mất khỏi trái đất, mặc dù số ngôn ngữ được internet ủng hộ có chiều hướng tăng dần. Tuy nhiên, những cố gắng làm đa dạng ngôn ngữ trên thế giới ảo liệu có làm cho ngôn ngữ chết nhanh hơn, hay đó chỉ là sự phản ánh những quá trình đang diễn ra trong đời thực?
Đến thời điểm hiện nay trên trái đất tồn tại khoảng 7.100 sinh ngữ, nhưng 90% trong số đó chỉ được dưới 100.000 người sử dụng. Một số ngôn ngữ chỉ có cư dân ở những làng bản xa xôi hẻo lánh dùng để giao tiếp với nhau, đặc biệt, tính đến tháng 9-2015, ngôn ngữ Taushiro của thổ dân da đỏ Peru chỉ còn mỗi một người nói được.
Hiện trạng các ngôn ngữ dân tộc trên thế giới có nguy cơ bị chết được thể hiện bằng các màu: xanh – nguy cơ thấp, cam – nguy cơ cao, đỏ – nguy hiểm bất kỳ, còn xám là những ngôn ngữ chưa thống kê được số lượng người sử dụng
Lịch sử có ghi rằng việc để mất ngôn ngữ cũng như biến dạng ngôn ngữ âu cũng là điều không tránh khỏi. Nhưng tìm hiểu cho ra nhẽ nỗi mất mát đó mới phức tạp làm sao. Theo Ethnologue, cuốn sách liệt kê tất cả các ngôn ngữ trên thế giới, thì có tới 1.519 ngôn ngữ hiện chỉ sống thoi thóp và đứng trước nguy cơ bị tuyệt diệt, còn 915 ngôn ngữ khác đã thực sự biến mất. Theo đà này, mỗi năm nhân loại mất đi 6 ngôn ngữ.
ĐA DẠNG NGÔN NGỮ
Trong khi đó internet, tuy có nhiều điều tương đồng với văn tự, nhưng lại không có sức phản ánh đầy đủ sự đa dạng của ngôn ngữ. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, trên các mạng trực tuyến, số ngôn ngữ được sử dụng mới chỉ vẻn vẹn 500: các tìm kiếm trên Google là 348, bách khoa thư mở Wikipedia: 290, các mạng xã hội Facebook: 80, Twitter: 28, còn LinkedIn: 24. Những con số đó tăng dần trong mấy năm gần đây và hình như đã đạt đến đỉnh nên tốc độ tăng trưởng chậm hẳn lại. Xét về số lượng ngôn ngữ thì internet hiện nay đã trên cả mức bão hòa.
Mặc dù đã rất cố gắng mở rộng sự đa dạng ngôn ngữ, nhưng trên internet đến nay vẫn thấy ngôn ngữ Anh chiếm ưu thế như cũ. Trong 10 triệu trang web phổ biến nhất, có 55,2% thể hiện bằng ngôn ngữ Anh, sau đó mới đến các ngôn ngữ Pháp, Đức, Nhật, Nga và Tây Ban Nha: những ngôn ngữ này chỉ chiếm từ 4 đến 5,8%. Ta thấy có vẻ phi lý nếu như nhìn vào ngôn ngữ Hindi hiện đang có 310 triệu người sử dụng (BBC đưa ra số liệu 425 triệu người). Tuy chiếm vị trí thứ tư về lượng người sử dụng, nhưng ngôn ngữ Hindi chỉ tồn tại 0,1% trong 10 triệu trang web phổ biến nhất thế giới. Đây không phải trường hợp cá biệt: Trung văn với tất cả các biến dạng của nó cũng chỉ được sử dụng trên 2,4-2,8% trang web, mặc dù nó là tiếng mẹ đẻ của 1,2 tỷ người.
Internet nghiêng về ngôn ngữ phương Tây, âu cũng là điều dễ hiểu. Nhưng vấn đề cũng không chỉ ở mỗi ngôn ngữ. Những biểu tượng, ký tự để viết thành nội dung trực tuyến cũng làm nảy sinh ra lắm vấn đề. Khá đông trong số 3,2 tỷ người sử dụng internet không biết đọc ký tự Latin, cho nên trang mạng www. facebook. com đối với họ chẳng có ý nghĩa gì và cực kỳ khó nhớ.
Việc tạo ra những tên miền đã quốc tế hóa cho phép thông báo địa chỉ bằng những ngôn ngữ Arab, Trung, Slavic, Tamil và Do Thái giúp cho internet trở nên dễ hiểu hơn trên toàn thế giới. Chuyện này có thể mang vẻ vặt vãnh, chỉ là tiểu tiết, nhưng các tên miền đều thống nhất dùng chữ Latin đang làm thay đổi cán cân thế lực mà phần thắng nghiêng về những nền kinh tế có truyền thống, đã giành được sự công nhận chung.
Internet có thể phổ biến sự đa dạng của ngôn ngữ
TÌM CÁCH TỒN TẠI CHO MỌI NGÔN NGỮ
Theо lời giáo sư Giuseppe Longobardi, hiện giảng dạy và nghiên cứu tại khoa Ngôn ngữ học của Đại học York ở Toronto, Canada, thì internet rất khó phù hợp với việc duy trì những ngôn ngữ thiểu số đang ở tình trạng chết dần. Phần lớn các ngôn ngữ ấy chỉ được sử dụng ở những vùng dân cư thưa thớt, họ không bao giờ sử dụng đến internet để giao tiếp với những người ở xa dùng cùng ngôn ngữ với mình.
Ngôn ngữ Hindi có thể tăng cường sự hiện diện của mình trên internet vì không có nguy cơ bị chết. Một số ngôn ngữ của thổ dân Brazil và Australia đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt diệt, nhưng internet làm sao mà cứu được, bởi vì lượng người sử dụng những ngôn ngữ ấy vô cùng nhỏ nhoi và họ không thể vào những trang web sao cho hiệu quả. Sự đa dạng ngôn ngữ trên internet phản ánh đúng cái thế giới chúng ta vốn đa ngôn ngữ. Những ngôn ngữ thiểu số vẫn cứ là thiểu số, còn một số lượng nhỏ những ngôn ngữ đang được sử dụng nhiều sẽ vẫn tiếp tục thống trị trên internet.
Theo nữ giáo sư Friederike Luepke (người Đức, chuyên gia về các ngôn ngữ của Viện Á – Phi thuộc Đại học London, Anh), thì vấn đề chủ yếu ở đây là phải có sự hiểu biết đúng đắn thực tế của những người hoặc những cộng đồng biết sử dụng nhiều ngôn ngữ. Một phần rất lớn cư dân của trái đất ta là người sử dụng đồng thời nhiều ngôn ngữ, phần chủ yếu thì không đọc, không viết bằng ngôn ngữ thiểu số mà dùng ngôn ngữ chính thức của đất nước mình hoặc ngôn ngữ giao tiếp chung giữa các dân tộc, cho nên internet phải ủng hộ những cộng đồng đó, họ đang cần có một sự công nhận tượng trưng.
Đồng thời, phải phát triển chiến lược truyền thông, trong đó có tính đến các quy luật thực tế của những người hoặc những cộng đồng sử dụng nhiều ngôn ngữ. Thay vì truất quyền biểu quyết của những ngôn ngữ thiểu số, phải làm cho internet tạo lập được sự đa dạng mới của ngôn ngữ, bằng những phương pháp sao cho ít bị lệ thuộc bởi cách đo đếm về số lượng. Chẳng hạn, trên các mạng xã hội, nơi người sử dụng viết ra nội dung bằng những con chữ nhưng lại rất gần với khẩu ngữ hằng ngày, những người sử dụng đa ngôn ngữ cực kỳ sáng tạo khi dùng đến vốn liếng mình riêng có, họ làm cho việc phân loại ngôn ngữ trở nên hết sức phức tạp.
Trên các mạng xã hội, ranh giới giữa các ngôn ngữ khác nhau khá là nhòe mờ. Người sử dụng thường bỏ qua những quy chuẩn, những truyền thống thông lệ, những quy tắc ngữ pháp và chính tả, hệ quả của việc này là mạng xã hội có thể tác động, làm cho đa ngôn ngữ được phát triển, làm cho ngữ âm, âm vị, hình thái, cú pháp của ngôn ngữ thêm đa dạng, phong phú. Đấy có thể trở thành hình mẫu trong tương lai.
Có những ngôn ngữ không được dùng trên internet
MẠNG ẢO VÀ ĐỜI THỰC
Nhưng điều đáng lo cho đa dạng hóa ngôn ngữ trực tuyến là liệu có đến được với nhiều người sử dụng? Ở những khu vực như Tây Phi, người ta không vào mạng chẳng phải vì không thể đọc bằng chữ, mà vì ở đó hệ thống công trình hạ tầng xã hội còn kém phát triển và biểu giá dịch vụ internet rất cao.
Vấn đề có thực là một phần rất lớn số người trên thế giới vẫn còn chưa thể tiếp cận internet. Các công nghệ thông tin liên lạc vô tuyến trở thành yếu tố quyết định để internet được phổ cập theo cách công bằng hơn, nhưng chắc gì người ta đã chịu lấp kín cái lỗ hổng rất đáng lo ấy.
Sẽ rất khó để hiểu được làm cách nào để trình bày tốt nhất sự đa dạng ngôn ngữ trên internet. Theo đánh giá của hãng Facebook, để làm cho internet trở nên thuận tiện và hữu ích đối với 80% dân cư, nội dung chỉ cần được thể hiện bằng 92 ngôn ngữ. Wikipedia đang tiếp cận chỉ số đó: trên trang mạng này, hơn 100.000 bài đã được đưa lên bằng 52 ngôn ngữ. Còn làm cho trên internet, tất cả các ngôn ngữ – không trừ một ngôn ngữ nào – đang được sử dụng trong đời sống hằng ngày ư? Đó quả là việc làm không đúng đắn, thậm chí còn vô nghĩa nữa.
Bao trùm toàn cầu và gây ảnh hưởng đến một số lượng không lớn ngôn ngữ đang được sử dụng, internet có khả năng phổ biến sự đa dạng của những ngôn ngữ đó ra ngoài các ranh giới hiện hành, nhưng lại không bao giờ phục sinh được chữ viết và lời ăn tiếng nói đang chết dần mòn. Có lẽ điều quan trọng là làm sao cho những ngôn ngữ thiểu số đang hấp hối còn bảo tồn được, nhưng làm cho tất cả những ngôn ngữ ấy trở thành ngôn ngữ của internet thì không thực tế chút nào.
Đăng Bảy
(Theo Wired Magazine)