Từ cái tên từng gây nóng trong giới xuất bản báo chí trở thành một trong những chính khách của nước Pháp, nữ tác giả Marlène Schiappa đang gặp phiền hà gì?
Sinh ngày 18-11-1982, cuộc đời Marlène Schiappa có những bước ngoặt chóng mặt: từng theo học tại Đại học Paris, vào khoa địa lý nhưng lại nhận bằng tốt nghiệp chuyên ngành quan hệ công chúng và các phương tiện truyền thông mới, ra làm cho hãng quảng cáo Havas Worldwide nhưng lại bỏ việc sau khi sinh con (2006) để ngồi nhà viết blog bàn về các vấn đề của người mẹ trẻ.
Tuу nhiên, từ năm 2008, sau khi sáng lập Maman travaille (Người mẹ đang làm việc) – mạng xã hội đầu tiên chuyên bàn về các vấn đề làm sao kết hợp cuộc sống riêng tư với đường công danh của người phụ nữ – thì danh tiếng Marlène Schiappa thực sự nổi như cồn.
Chuyển sang làm nhà báo chuyên nghiệp, nữ tác giả này viết cho những báo chí lớn ở Pháp như Elle, Huffington Post, Le Courrier de l’Atlas… và đã trình làng hàng chục cuốn sách với những nội dung đậm tính chuyên môn Tôi yêu gia đình tôi, Dũng cảm yêu người béo, Cẩm nang cho người mẹ đang làm việc, Cùng con nhỏ trở lại với công việc, Từ điển khác thường về làm mẹ, 200 lời khuyên cho người mẹ đang làm việc, Cẩm nang cho thai phụ đang làm việc… và cuốn tiểu thuyết Ngủ không quá bốn tiếng đồng hồ. Giữa năm 2017, khi Thủ tướng Pháp Édouard Philippe định hình nội các, Marlène Schiappa mới 35 tuổi được chính thức bổ nhiệm Quốc vụ khanh về bình đẳng nam nữ.
Mấy tháng gần đây rộ lên tin đồn rằng trước thời điểm trở thành chính khách, liệu Marlène Schiappa có phải là người đã viết và in – dưới bút danh Marie Minelli – một số cuốn sách mang tính dục? Câu hỏi ấy đã rì rầm đâu đó, và nhà báo Jean-Baptiste Daoulas của tờ L’Express cất công đi tìm câu trả lời.
Những cuốn sách thuộc diện nghi vấn ấy là Osez les sexfriends (tạm dịch Hãy dám làm bạn tình), Comment transformer votre mec en Brad Pitt en 30 jours (Biến bạn trai của mình thành Brad Pitt trong vòng 30 ngày) hay cuốn Les filles bien n’avalent pas (Gái nhà lành đâu chịu chấp nhận). Chúng được hai tác giả viết bằng một thứ văn phong lẳng lơ nhẹ dạ và đưa in ở hai nhà xuất bản “ruột” là First và La Musardine. Сhi tiết gây xôn xao nhất là Marie Minelli đã đứng tên chо сuốn sách của mình hồi tháng 10-2011, đúng một năm kể từ khi cuốn Osez l’amour des rondes (Hãy dám vào vòng xoáy cuộc tình) trình làng và bị nữ giới la ó trên mạng vì thấy “tầm thường và tục tĩu”.
Trên trang mạng thương mại điện tử đa quốc gia Amazon.com, Marlène Schiappa được giới thiệu với tư cách “tác giả” cuốn sách Osez réussir votre divorce (Hãy dám thắng trong cuộc ly hôn), vốn được coi là tác phẩm đầu tay của Marie Minelli. Điều này không khỏi dẫn tới ý nghĩ: chắc là hồi đó, khi đang rất có thanh thế nhờ mạng “Người mẹ đang làm việc”, Marlène Schiappa đã phải dùng bút danh để bí mật công bố những cuốn sách quá ư phóng túng của mình.
Kể ra cũng có những sự trùng hợp lạ lùng. Hồi tháng 4-2011, khi đó còn chưa tham gia đời sống chính trị và chưa cần giữ gìn ý tứ, Marlène Schiappa đã tiết lộ kế hoạch sáng tác cho một blogger rằng mình đã viết xong hai cuốn sách, một là cẩm nang Người mẹ đang làm việc sẽ ra mắt độc giả vào tháng 10-2011, hai là cuốn sách sẽ in ở Nhà xuất bản La Musardine, về vấn đề ly hôn: làm thế nào để vượt qua thử thách, để rút ra những lợi ích cho mình từ đấy. “Ngoài ra, – Marlène Schiappa nói thêm – tôi cũng viết truyện ngắn và những tác phẩm văn học dưới một bút danh khác”.
Nhà báo Jean-Baptiste Daoulas nhận định: cuốn sách về vấn đề ly hôn ra tháng 10-2011 lại ghi tên tác giả là Marie Minelli, nếu đọc kỹ sẽ tìm ra những cơ sở để khẳng định tác giả chính là Marlène Schiappa, vì trong đó có hai chương bê hầu như nguyên xi từ những bài đã đăng trên mạng Yahoo. Cây bút kỳ cựu này của L’Express đã liên lạc với văn phòng của Quốc vụ khanh về bình đẳng nam nữ Pháp và nhận được câu trả lời chính thức “Quốc vụ khanh Marlène Schiappa không hề nấp dưới bút danh Marie Minelli”.
Sau một hồi căn vặn, nhà báo được những người thân cận của Quốc vụ khanh cung cấp số điện thoại của người có tên Marie Minelli, kèm theo lời mô tả “đấy là người mẹ khả kính của một gia đình, làm nghề dạy học nên không thể cho phép đưa những tưởng tượng văn chương của mình ra trước phiên tòa công luận”.
Tuy không có cơ may tiếp xúc trực tiếp, nhưng nhà báo được cô giáo Marie Minelli xác nhận qua điện thoại rằng mình quả là chỗ thân thiết với Marlène Schiappa, sоng cô đã tự tay viết các truyện ngắn, tiểu thuyết và giáo trình tình dục của mình mà không có sự trợ giúp gì của Quốc vụ khanh. Cô giải thích việc Marlène Schiappa được nêu là tác giả của cuốn Hãy dám thắng trong cuộc ly dị trên các trang mạng thương mại như Amazon hаy Archambault ra sao: “Thoạt đầu họ có ghi rằng cuốn sách ấy do Marlène Schiappa viết, nhưng rốt cuộc thì Marlène Schiappa không đủ thời gian thực hiện nên chuyển hợp đồng sang cho tôi. Tất cả những người thân cận của chúng tôi đều biết tôi viết cuốn sách đó”.
“Chính phủ của ông Édouard Philippe như là bến đậu, ở một mức độ nào đó, chо những nhà văn táo bạo”. Đó là nhận xét của cây bút Jean-Baptiste Daoulas. Trong nội các của ông có chín vị từng viết sách ở những thể loại rất khác nhau, từ chính luận đến tiểu sử, hồi ký thậm chí tiểu thuyết. Nhà báo này còn cho người đọc biết thêm một ví dụ: ông Bruno Le Maire – người từng giữ các chức vụ đổng lý Văn phòng Chính phủ, bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu, bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và đương kim bộ trưởng Bộ Kinh tế Tài chính – là người rất hay khoe với các cộng sự của mình bộ sưu tập truyện tính dục của Nhà xuất bản Harlequin.
Chưa rõ liệu Quốc vụ khanh về bình đẳng nam nữ Pháp Marlène Schiappa có bớt phiền hà sau sự xuất đầu lộ diện của cô Marie Minelli, nhưng cầm chắc một điều: đã làm chính khách thì chớ dại mà dính vào những chuyện nhạy cảm.
Đăng Bảy (Theo L’Express)