Rừng được coi là lá phổi xanh có vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, chống sạt lở đất, thoái hóa đất. Thế nhưng vấn nạn phá rừng vẫn ngày một tăng ở mức báo động. Nếu như con người không biết bảo vệ rừng thì cuộc sống của con người đang bị hủy hoại bởi chính bàn tay con người.
Phá rừng là một nhân tố đóng góp cho sự nóng lên của Trái Đất, và được coi là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng hiệu ứng nhà kính. Rừng nhiệt đới bị phá hủy là tác nhân của 20% lượng khí nhà kính. Các tính toán gần đây cho thấy lượng carbon dioxide thải ra môi trường do phá rừng và suy thoái rừng chiếm 20% lượng khí thải carbon dioxide gây ra bởi con người. Phá rừng làm lượng carbon trong đất thoát trở lại không khí. Các nhà khoa học cũng cho biết, phá rừng nhiệt đới làm 1,5 tỉ tấn carbon được thải vào không khí mỗi năm.
Phá rừng làm giảm khả năng giữ và bay hơi nước mưa của đất. Thay vì giữ nước mưa được thấm xuống tầng nước ngầm, phá rừng làm tăng quá trình rửa trôi nước bề mặt có thể dẫn đến lũ quét và gây nhiều lũ lụt hơn khi có rừng bảo vệ.
Phá rừng làm giảm sự đa dạng sinh thái và làm môi trường bị suy thoái. Rừng cung cấp đa dạng sinh thái, là nơi trú ẩn của các loài động vật, rừng tạo ra các cây thuốc hữu ích cho cuộc sống của con người. Rừng nhiệt đới là hệ sinh thái đa dạng nhất thế giới, 80% đa dạng sinh học của thế giới được tìm thấy ở rừng nhiệt đới. Sự phá hủy các khu vực rừng dẫn đến thoái hóa môi trường và giảm đa dạng sinh học.
Thực trạng vấn nạn phá rừng
Ở Việt Nam, diện tích rừng tự nhiên trên khắp cả nước bị suy giảm một cách nghiêm trọng. Theo con số thống kê của Bộ NN và PTNT, độ che phủ rừng là 42%. Diện tích rừng nguyên sinh còn khoảng 10%. Nạn chặt phá rừng không những làm ảnh hưởng đến lá phổi xanh của Trái Đất mà còn kéo theo rất nhiều hệ lụy khác mà chính con người phải gánh chịu. Rừng mất đồng nghĩa với việc con người phải gánh chịu những thiên tai như: Lũ quét, sạt lở đất, biến đổi khí hậu khiến trái đất nóng dần lên làm cho băng tan ở Bắc Cực khiến cho mực nước biến ngày một dâng lên,…
Nạn phá rừng ở Việt Nam đã diễn ra từ rất lâu, đang theo chiều hướng gia tăng và chưa có điểm dừng với mức độ của tình trạng này ngày càng tăng cao.
Rừng bị chặt phá trước tiên là để lấy đất làm nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, nuôi thuỷ sản, xây dựng, … Việc quy hoạch rừng để làm nhà máy, trang trại, xây thủy điện,… chưa thực sự có những chính sách hợp lý để bảo vệ môi trường.
Những vùng đất bằng phẳng, màu mỡ bị chuyển đổi thành đất nông nghiệp để phục vụ trồng trọt nông nghiệp lâu dài. Những vùng đất dốc, kém phì phiêu sau khi bị chuyển đổi thành đất nông nghiệp, thường cho năng suất thấp, rất dễ và nhanh bị bạc màu.
Rừng ngập mặn ven biển của Việt Nam đang bị chặt phá để làm ao nuôi tôm tràn lan, không có kế hoạch khiến rừng biến mất nhanh chóng, đe dọa hệ sinh thái của một khu vực rộng lớn ven biển.
Thứ hai, việc phá rừng là lấy gỗ làm củi đốt không chỉ ảnh hưởng tới hệ sinh thái lâm nghiệp mà còn gây ô nhiễm không khí. Theo Ủy ban Liên chính phủ về Thay đổi Khí hậu, việc phá rừng, chủ yếu ở các vùng nhiệt đới, đóng góp 1/3 lượng khí thải carbon dioxide do con người gây ra. Các tính toán gần đây cho thấy lượng carbon dioxide thải ra môi trường do phá rừng và suy thoái rừng chiếm 20% lượng khí thải carbon dioxide.
Cho đến thế kỷ XIX, trước khi khám phá ra than và dầu, chất đốt chủ yếu của con người là củi gỗ. Hiện nay, ở nhiều nơi trên thế giới, củi và than củi còn vẫn là chất đốt chính trong gia đình.
Phá rừng lấy gỗ là một trong những nguyên nhân gây mất rừng
Thứ ba, từ tham vọng của con người: khai thác gỗ để sản xuất các đồ gia dụng, sản xuất giấy, để trang trí, để làm nhà…. Khoa học kỹ thuật càng phát triển, người ta càng khám phá ra nhiều công dụng mới của gỗ, làm cho lượng gỗ tiêu thụ ngày càng nhiều. Trong khai thác gỗ, nếu chỉ chạy theo lợi nhuận, có hiện tượng chỗ nào dễ thì khai thác trước, không đốn tỉa mà chặt từ bìa rừng vào, vừa chặt cây to để lấy gỗ, vừa phá hoại cây con thì những khu vực rừng đã bị chặt phá sẽ khó có cơ hội tự phục hồi lại được.
Thứ tư, nạn cháy rừng. Rừng bị cháy do đốt rừng làm nương, làm bãi săn bắn, dùng lửa thiếu thận trọng trong rừng, thiên tai, chiến tranh,… Trong mùa khô, chỉ cần một mẩu tàn thuốc lá cháy dở, một bùi nhùi lửa đuổi ong ra khỏi tổ để lấy mật cũng có thể gây ra một đám cháy rừng lớn, nhất là khi không có đủ nước, nhân lực và phương tiện để dập tắt lửa.
Cháy rừng tại Núi Lớn, Bà Rịa-Vũng Tàu
Chiến tranh không phải là hiện tượng phổ biến, thường xuyên. Tuy nhiên các cuộc chiến tranh thường có sức tàn phá ghê gớm. Ở Việt nam, từ năm 1945 cho đến nay mất khoảng hơn 2 triệu hecta. Nhiều vùng rừng bị chất độc hóa học tàn phá đến nay vẫn chưa mọc lại được.
Rừng che chở con người
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, các hàng cây với khoảng cách phù hợp sẽ cản được 30% tốc độ gió và khả năng bảo vệ phạm vi đất đai gấp 2 lần chiều cao của cây. Ở những nơi có gió và hạn hán nghiêm trọng, việc trồng những hàng cây phi lao ngăn gió cát có tác dụng cải thiện môi trường sinh thái đất đai.
Rừng là chiếc ô bảo vệ mặt đất. Khi trời mưa, do tán lá cây hứng đỡ nên nước mưa không trực tiếp xối xuống, làm xói mòn mặt đất. Mặt đất trong rừng có nhiều cành và lá cây khô, nước mưa không thể chảy nhanh mà ngấm chảy từ từ. Đó là vật cản hữu hiệu khiến mưa to không gây ra lũ lụt và rất có ích đối với việc bảo vệ đồng ruộng, nhà cửa.
Bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường cuộc sống của chúng ta
Cây cối cũng là những cỗ máy hút bụi, chống ô nhiễm. Lá của một số loại cây có những nếp nhăn, có lông nhám, thậm chí có loại lá còn tiết ra chất “nhựa” diệt vi khuẩn. Vì vậy cây cối vừa có khả năng hút bụi vừa có khả năng tiêu diệt vi khuẩn. Ta có thể nhận biết khả năng hút bụi diệt khuẩn của cây cối qua việc giám định không khí trong công viên và trong cửa hàng bách hóa hoặc bến tàu xe.
Hiện nay, trên thế giới lượng khí cacbonic thải ra ngày một tăng. Biện pháp duy nhất để giải quyết vấn đề này là trồng nhiều cây xanh, vì cây xanh có khả năng hấp thụ khí cacbonic. Trung bình 2 hecta cây tán lá rộng có thể hấp thụ được 1 tấn khí cacbonic/ngày và nhả ra 730kg khí oxy. Lượng khí cacbonic do 1 người thải ra trong 1 ngày sẽ được 10m2 cây xanh hút hết. Một hecta rừng trung bình hàng năm tạo nên sinh khối khoảng 300 – 500 kg, 16 tấn oxy (rừng thông 30 tấn, rừng trồng 3 – 10 tấn). Ngoài ra cây xanh còn hấp thụ tiếng ồn, hấp thụ một số chất ô nhiễm trong không khí và một số nguyên tố kim loại nặng trong đất.
Trồng cây gia tăng độ che phủ rừng
Cây xanh có khả năng rất lớn trong việc chống gió, giữ nước, chống ô nhiễm, nhưng khả năng tự bảo vệ của chúng lại có hạn. Chúng cần sự che chở bảo vệ của con người. Chúng ta cần yêu mến và trân trọng bảo vệ chúng.
Giải pháp để cứu lấy rừng
Cứu rừng chính là cứu lấy cuộc sống của chúng ta. Trái đất không còn là hành tinh Xanh nếu thiếu đi rừng. Không có rừng thì chắc chắn rằng cuộc sống của con người chúng ta sẽ bị suy giảm và hứng chịu nhiều tai họa từ thiên nhiên.
Hiện nay để hưởng ứng việc bảo vệ rừng, nước ta đang tích cực thực hiện 2 chương trình lớn đó là chương trình mục tiêu Quốc Gia ứng phó với biến đổi khí hậu và chương trình Quốc Gia về phòng chống thiên tai.
Bên cạnh đó, nhiều năm gần đây, nhà nước cùng các tổ chức, đoàn thể đang thực hiện chiến dịch phủ xanh đồi trọc, nhiều địa phương cũng đã tự chủ động việc trồng rừng, trồng cây xanh lấp trống đồi trọc. Nhưng nếu không có sự quản lý chặt chẽ thì nạn phá rừng vẫn tiếp tục xảy ra và những hành động này không thì chưa đủ làm xanh lại đất nước.
Chính vì thế, mỗi cá nhân trong số chúng ta cần nâng cao ý thức và tự mình thực hiện những hành động nhỏ để bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống của mình từ những việc nhỏ nhặt nhất. Một hành động nhỏ tích cực của chúng ta hôm nay có thể sẽ giúp thay đổi, làm cho thế giới mai sau tốt đẹp hơn.