Đã là cõi họa, phải có hình và mầu. Mà hình và mầu không khác tấm gương, phản chiếu mọi điều về người đã quăng quật hay nâng hứng chúng lên vải hay giấy.
Hoàng Đỗ Cường vẽ rất khỏe, cứ như ngày nào cũng vẽ. Họa sỹ vẽ nhiều thường kiệm lời, nên anh được gọi là Kường Kâm. Xem tranh anh, coi như xem thế giới nội tâm của người “câm”, nhưng chớ đùa, không phải là câm khuyết tật, mà đó là người rất khỏe và lành mạnh.
Tại sao anh khỏe và lành mạnh? Thông qua tác phẩm, có thể thấy anh là người luôn nhập cõi Một. Cõi ấy như thể “nguyên dương”, khí lực dồi dào. Như nhà văn “có chữ”, gặp gì cũng viết thành bài hay được, Hoàng Đỗ Cường gặp gì cũng vẽ được (nếu bạn là họa sỹ, mới biết không phải lúc nào cũng cầm được cọ, đã có những họa sỹ “hịn” cầm tiền đặt rồi mà không vẽ ra nổi “tác phẩm” nào, phải trả lại tiền cho người hâm mộ đang buồn thắt lòng đó).
Cõi Một là cõi nguyên khí, vô biện biệt. Cõi ấy như rừng hoang, như biển vắng, như sơn nữ mười lăm chưa một lần xuống phố thị, như thiếu niên mười sáu mà chưa từng xuất tinh, thậm chí như một lão hòa thượng đi tu vì nghịch cảnh mà lòng như muốn quên dùi mõ vẫn u hoài mong một dịp trong đời được lên xe hoa… Cõi ấy đừng tưởng âm u, chẳng qua đã bỏ qua mọi sắc sảo (ba lăng nhăng) của trí trá xí cuội, của nanh nọc con buôn, của vui buồn “kẻ sỹ”… mà thôi. Cõi ấy như dầu thô, như rừng nguyên sinh, như thanh nữ có màng trinh “linh hoạt”…
Dễ nhận thấy một điều là tranh Hoàng Đỗ Cường như thể giống nhau tất. Anh vẽ tranh như thể viết nhật ký hàng ngày. Gặp một bạn, có tranh; gặp hai bạn cũng có tranh; gặp cả “đại đội” cũng có tranh; gặp gái “nhà người ta”, có tranh; gặp một nhà sưu tập nữ, có tranh; gặp bạn gái, tất nhiên có tranh. Thấy đèn dầu, có tranh; thấy chai lọ, có tranh; thấy bình hoa, thấy chai rượu, thấy ngực đẹp, thấy hông nở, thấy áo hoa, thấy váy đỏ, thấy nụ cười, thấy điếu cầy, thấy cigar, thấy quần đẹp, thấy bi kịch, thấy hài kịch, thấy bi hài kịch, thấy gì vẽ nấy…
Đấy là lý do tôi gọi phong cách của Hoàng Đỗ Cường là “biểu hiện đóng khố”. Vì khố là “nhất nguyên”. Khố không là áo, không là quần, nhưng kiêm đủ các chức năng. Tức là khố không phân biệt, khố chỉ làm nhiệm vụ “basic” của mình. Khố không chơi trèo, không ham vọng, không cầu kỳ, không sành điệu, không chảnh chó, không “Bờ Hồ – Mơ – Vọng”, không ham quyền lực, không hám “cơ đồ”, cũng chẳng bao giờ hạ mình sát đất, như những gấu quần tỹ tã bùn nhơ, những chân váy “quên” không kẹp chì của những hoàng gia mỹ nữ phá luật quân chủ một lần để được sexy mãi mãi trong lòng các thần dân hiếu kỳ… Không lên cao, không hạ thấp, ấy là khố. Không diêm dúa, không mầu mè, không kích thích thị giác kiểu “kẻ chợ”, khố rất “mộc”. Vì khố “nhất nguyên”.
Ở thế kỷ 21 này, thưa quý vị, “nghệ thuật nhất nguyên” coi như không còn. Khi mà phương Tây vẽ như máy tính rất phổ biến, phương Đông vẽ như “văn mẫu”, “ở ta” vẽ theo xu thời. Ờ, ở ta, khắp làng “quạ xỹ” chỉ vẽ theo nhu cầu, thị hiếu của “nhà sưu tập”. Mà nhà sưu tập là ai? Họ là những người thích đẹp (tất nhiên, thế mới tìm đến “mỹ thuật”), cũng đừng nghĩ họ không biết “đẹp” là gì, cũng đừng tưởng họ không biết gì về “nghệ thuật cao siêu”, cũng đừng cho rằng họ lũng đoạn “thị chường nghệ thuật”.
Nhưng, họ đã tạo ra một cái “không khí | atmosphere” chung, nó rất “phù hoa”, nó rất “ba rem”, nó rất oách, nó rất… gì gì, nhưng tóm lại, là họ tạo ra một cái “gout” chung (quái lạ, là “gu thẩm mỹ” và bệnh “gút” lại chung một từ: gout). Cái gout ấy thuần tính décor. Mà đã décor thì phù phiếm. Đã décor thì nông cạn, hời hợt, nhăng nhít. Và, đau nhất là, đã décor thì xa rời “nghệ thuật nhất nguyên”, quay lưng với “biểu hiện đóng khố” hiếm hoi của Kường Kâm.
“Biểu hiện đóng khố nhất nguyên” không cao xa, nhưng cũng không xàm xí, không a dua xu thời. Bỗng dưng Hoàng Đỗ Cường rơi vào ngõ “của hiếm”. Cái ngõ của hiếm ấy, ai vào được thì mê, thì đắm, thì say. Không rõ lý do. Dường như có những tiếng hú đại ngàn, có những đôi guốc mộc trên đường phố lung linh, có những thôn nữ tắm trăng, có những thiếu phụ chán chồng giữa lúc đang hồi xuân, có những cô gái thèm yêu mà chưa có quần áo đẹp, có những trang nam tử nghiện thuốc phiện, có những dở dang, những éo le, những sống sượng, những nâu sồng, hay những thờn bơn cuộc đời…
Tôi bảo: anh nên vẽ kiểu “cẩu thả”, sẽ lên đỉnh. Anh giả nhời: ôi thế mà mấy ông lại cứ bảo mình phải vẽ cho cẩn thận hơn, trau chuốt hơn. Ồ Kường Kâm, họ nói thế không sai, nhưng tất nhiên chưa đúng. Để có thể “cẩu thả thượng thừa”, phải là cực kỳ trau chuốt. Bởi “nghệ thuật cẩu thả” không phải là cẩu thả (nghĩa đen). Ví dụ như trong điện ảnh, kẻ được coi là “cẩu thả” nhất là Marlon Brando. Hắn là siêu sao, dĩ. Nhưng hắn thường xuyên đến phim trường trong trạng thái say xỉn, hoặc vừa làm tình xong, trông rất rệu rã, khiến các đạo diễn vãi linh hồn. Nhưng, yên tâm đi, cứ bấm máy là đâu vào đấy, minh tinh lại sáng rực như đêm pháo hoa, có thế chúng ta mới có được Bố Già (và vân vân) bất hủ.
Vì trước khi xỉn, hay bơ phờ vì làm tình “đột xuất”, hắn đã “luyện chưởng” vai diễn của mình cả trăm lần rồi, chính cú xỉn hay làm tình đó chỉ giúp hắn “quên” đi thứ “văn mẫu” để sáng tạo độc sáng hơn mà thôi. Khốn nịn nhất, “cẩu thả” nhất, là hắn không bao giờ thèm thuộc thoại. Hắn còn ép các đạo diễn không được phép bắt hắn thuộc thoại. Để khi diễn hắn sẽ đưa ra lời thoại của riêng mình. Và, cả thế giới đều công nhận, những lời thoại “bịa tạc” của hắn mới làm nên sự sáng giá của tác phẩm vậy. “Cẩu thả” (không phải là “thả cẩu”, là thả rông chó [không bịt mõm]), đâu phải là cõi của đám lăng nhăng, tăng động. Đó cũng chính là một cõi tu, một tiên giới, mà tôi tin, ngoài Hoàng Đỗ Cường ra hiếm ai vô được.
Nếu anh đồng tình, tin rằng, cõi “nhất nguyên đóng khố” sẽ là một bồng lai tiên cảnh, của một dũng sỹ tinh thần tinh tiến, quyết chiến để giành vương miện giữa hoang mạc khủng long của cái đẹp nguyên sơ khó ai với tới được.
Một số tác phẩm của họa sỹ Hoàng Đỗ Cường:
ĐẶNG THÂN