Kazuo Ishiguro tuy được giáo dục theo truyền thống phương Tây nhưng tạng tâm hồn vẫn là Nhật Bản.
TÌM THẾ CÂN BẰNG
Từ 2015, khi thay phiên gác vị trí trọng trách – nhà sử học Peter Englund chuyển giao cho nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình văn học Sara Danius – Ủy ban Nobel Văn học có nữ thư ký thường trực đầu tiên trong toàn bộ lịch sử. Vì là viện sĩ Viện Hàn lâm Thụy Điển, bà được ngồi chiếc ghế số 7, trước kia thuộc về nữ văn sĩ Selma Lagerlöf (1858-1940 – người phụ nữ đầu tiên nhận giải Nobel văn học). Hai năm với tân thư ký thường trực tạo nên cảm giác giải thưởng trên trăm năm tuổi này đang muốn nới khuôn: năm 2015 traо cho một văn nghiệp phi hư cấu (Svetlana Alexievich, Belarus) và năm 2016 – cho dòng thơ trong hình hài ca khúc (Bob Dylan, Mỹ).
Ở trường hợp Svetlana Alexievich, chuyện thật của những phụ nữ ở mặt trận, của binh sĩ Liên Xô ở Afghanistan, của những con người bé mọn và yếu ớt trong biến động của đất nước những năm 1990 – xét theo nhãn quan văn học nghệ thuật – cũng giá trị ngang tiểu thuyết hư cấu của hai nhà văn Pháp Gustave Le Clézio (nhận giải Nobel 2008) và Patrick Modiano (2014) hoặc thơ của Tomas Tranströmer (Thụy Điển, 2014), Wisława Szymborska (Ba Lan, 1996). Còn Bob Dylan khiến ta nhớ đến một chân lý cổ xưa: thơ không chỉ được làm ra, đọc lên mà còn được hát lên.
Nhà văn Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro.
Sự đăng quang của hai vị này đã gặp những luồng dư luận trái chiều, có khi phiền phức. Được vinh danh, nữ văn sĩ Belarus thường sốt sắng trả lời phỏng vấn và tỏ ra bộc trực khi bình luận thế sự, làm bớt đi khá đông người ái mộ mình. Còn nghệ sĩ Mỹ thì bận… ngủ bù, khiến bà thư ký thường trực mất cả buổi tối vẫn không thể báo tin, sau đó suốt hai tuần ông lánh giới báo chí. Nghệ sĩ còn khất bài diễn từ nhận giải, khiến Ủy ban Nobel Văn học phải nhắc nhở “trong vòng sáu tháng không đọc diễn từ sẽ mất tiền thưởng” (8 triệu krona của Thụy Điển, cỡ 900.000 USD), rồi khi tiện đường du diễn mới thực thi bổn phận trong một khung cảnh khá “riêng tư”, mà chính bản diễn từ cũng bị nghi ngờ có nhiều đoạn vay mượn của người khác. Ngôi sao ca nhạc đã phá vỡ mọi điều khoản trong thủ tục nghiêm nhặt của Ủy ban Nobel Văn học.
Hình như Viện Hàn lâm Thụy Điển cũng cảm thấy hẫng hụt nên lần này như muốn tìm thế cân bằng và xướng danh Kazuo Ishiguro, quốc tịch Anh, nguyên quán Nhật Bản. Ủy ban Nobel Văn học ghi công đây là nhà văn “đã thể hiện trong tiểu thuyết sức rung cảm lớn, phát hiện ra những vực thẳm bên dưới cảm giác mơ hồ về sự liên kết với thế giới của chúng ta”.
NGHỆ SĨ BẤT THÀNH
Kazuo Ishiguro ra đời ngày 8-11-1954 tại tỉnh Nagasaki, trong gia đình một nhà hải dương học và mới sáu tuổi, theo công việc của cha, đã phải rời nơi chôn nhau cắt rốn sang sinh sống tại Anh. Trước khi cưới Lorna MacDougall làm vợ và có con gái chung (1986), năm 1983, chàng trai Nhật Bản đã được nhận quốc tịch Anh dù từ lâu đã sẵn sàng hội nhập: xong bậc phổ thông cũng “phớt Ănglê” chuyện học tiếp, dành một năm nghỉ ngơi, chu du Mỹ, Canada, tham gia câu lạc bộ ca nhạc mong trở thành cây guitar chuyên nghiệp. Những cuộc phiêu du rồi cũng chấm dứt, sau đó chàng tu chí học hành, nhận bằng cử nhân Anh ngữ và Triết học của Đại học Kent (1978) rồi bằng thạc sĩ nghệ thuật của khoa sáng tác văn chương Đại học East Anglia (1980).
Cảnh phim chuyển thể tiểu thuyết “Dấu tích ngày hôm ấy”
Tuy không trở thành cây guitar đình đám, nhưng kinh nghiệm biểu diễn trước công chúng đông đảo cũng giúp ích khá nhiều cho những trang văn. Trong tiểu thuyết The Unconsoled (tạm dịch Một nỗi khôn khuây, 1995), với vô số những ám chỉ văn chương và âm nhạc, nhân vật nghệ sĩ piano phải chạm trán với nhiều khủng hoảng của thời hiện đại. Do trí nhớ “có vấn đề” nên khi chơi một bản nào đó anh phải dùng “chiêu độc” là tưởng tượng trong đầu một thế giới hư ảo, một thực tế chòng chành giữa trước mắt và trong mộng, đẩy nhạc phẩm lên mức cực đoan, thậm chí khiến người nghe bực tức. Hay như tập truyện ngắn Nocturnes: Five Stories of Music and Nightfall (Dạ khúc: Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông, 2009) – qua những câu chuyện về âm nhạc của những nghệ sĩ bất thành danh, những ngôi sao rực rỡ một thời, những người trẻ tuổi mộng mơ mà bàn về cái giá phải trả cho sự thành bại trong thế giới hiện đại.
VĂN NGHIỆP ĐA DẠNG
Kazuo Ishiguro đã công bố ba truyện ngắn trong một tuyển tập sáng tác của nhóm nhà văn trẻ triển vọng từ 1981, hai năm sau là tiểu thuyết đầu tay A Pale View of Hills (Cảnh núi đồi mờ nhạt, 1982, về một góa phụ người Nhật ở Anh, sau khi con gái tự sát chỉ chìm đắm trong hồi tưởng về cố hương Nagasaki sau chiến tranh tan hoang và hồi phục), do đó được nhận trợ cấp để sáng tác. Tiểu thuyết thứ hai An Artist of the Floating World (Họa sĩ của cõi trôi nổi, 1986) thể hiện thái độ của dân Nhật đối với chiến tranh thế giới thứ hai và trở thành cuốn sách nổi bật trong năm ở Anh. Từ cây bút trẻ, ông được xếp vào hàng “những nhà văn Anh hay nhất mọi thời đại”.
Những người hâm mộ khi bình chọn tác phẩm đỉnh của Kazuo Ishiguro dường như chia làm hai phe, một phe thì chọn tiểu thuyết thứ ba The Remains of the Day (Dấu tích ngày hôm ấy, 1989) còn phe kia lại chọn cuốn thứ sáu Never Let Me Go (Mãi đừng xa tôi, 2005). Dấu tích ngày hôm ấy là chuyện một ông quản gia trong dinh thự nhà đại quý tộc khi đã về già nhớ lại mối quan hệ vừa là cộng tác vừa là cạnh tranh với một nữ đồng nhiệm hiện đã có một cuộc hôn nhân không hạnh phúc kéo dài những hai chục năm và có nguyện vọng gặp lại ông.
Cảnh phim “Mãi đừng xa tôi”
Càng về cuối sách, sức thu hút lẫn nhau và tình cảm của hai người càng đậm, ông chìm trong những suy nghĩ về những cơ hội đã mất. Tác phẩm này giúp tác giả thuộc số rất hiếm người được 100% phiếu thuận của ban giám khảo và giành giải Man Booker 1989. Bộ phim cùng tên do những ngôi sao màn bạc Anthony Hopkins và Emma Thompson thể hiện năm 1993 từng được đề cử cho tám giải Oscar.
Mãi đừng xa tôi đưa ra những dự báo về quá trình cơ giới hóa nhân tính trong con người và xã hội hiện đại. Các thủ thuật như cấy ghép bộ phận cơ thể chẳng khác gì nhân bản vô tính, khiến con người như một thứ đồ hộp chứa những bộ phận do người khác sang nhượng hoặc hiến tặng. Những con người ấy lớn dần lên, sống như người bình thường, cũng kết bạn cũng yêu đương, duy có điều ghê gớm: cái chết đến với họ sớm hơn, tùy thuộc vào khả năng thích ứng của bộ phận cấy ghép. Tác phẩm được viết trước khi nhân loại nhân bản thành công cừu Dolly ngỡ như huyễn tưởng mà thành hiện thực diễn ra trong vài năm gần đây với những tội phạm buôn người, buôn nội tạng. Thế giới sinh học nhân bản tưởng như tiến hóa nhưng lại thoái hóa. Tác phẩm cũng được dựng thành phim năm 2010 với dàn sao Keira Knightley, Carey Mulligan và Andrew Garfield.
Năm 2000 Kazuo Ishiguro cho ra đời tiểu thuyết When We Were Orphans (Khi chúng ta mồ côi) đưa người đọc trở về nửa đầu thế kỷ XX, kể chuyện nhân vật chính thuê thám tử tư đến Thượng Hải tìm tung tích bố mẹ mình mất tích bí ẩn từ hai chục năm trước. Gần đây nhất, tiểu thuyết The Buried Giant (Người khổng lồ ngủ quên, 2015) là hành trình của đôi vợ chồng già đi tìm người con trai đã nhiều năm không gặp. Câu chuyện khai thác mối tương quan đầy xúc cảm giữa ký ức và sự quên lãng, giữa lịch sử và hiện tại, tình yêu và cuộc sống, chiến tranh và thù hận, ảo tưởng và thực tế… Nói chung, đây là một biến tấu của đề tài ông vốn ưa thích: ký ức của cá nhân và ký ức của tập thể, nhưng có cách diễn đạt khác, khả dĩ dung hòa và liên kết cả hai phe trong đội ngũ những người hâm mộ mình.
Là thành viên Hiệp hội Văn học Hoàng gia Anh, Kazuo Ishiguro được tấn phong tước Hiệp sĩ Đế chế Anh và sở hữu những giải thưởng văn chương sáng giá, trong đó có Whitbread 1986, Man Booker 1989 (Anh), Giuseppe Tomasi di Lampedusa 2009 (Italy)… Tác phẩm của ông được dịch ra hơn 40 ngoại ngữ. Độc giả Việt Nam đọc ông từ chục năm nay: Mãi đừng xa tôi (Trần Tiễn Cao Đăng dịch, phát hành năm 2008), Dạ khúc: Năm câu chuyện âm nhạc và đêm buông (An Lý dịch, 2015) và Người khổng lồ ngủ quên (Lan Young dịch, 2017).
PHẨM CHẤT XỨNG ĐÁNG
Giải Nobel Văn học kể từ khi về tay nhà văn Peru Mario Vargas Llosa (2010) và được dư luận đồng thuận, những người nhận giải tiếp theo ít nhiều đều khiến công luận chia làm hai phe và đều mong mỏi sẽ đến lượt những nhà văn yêu thích hơn, xứng đáng hơn, những nền văn học từ những bản ngữ ít người dùng hơn.
Kazuo Ishiguro được vinh danh lần này là điều bất ngờ, bởi trước đó ông không thuộc diện mạnh trong những dự đoán, cá cược (như người đồng bào Haruki Murakami chẳng hạn) đồng thời cũng là cách Viện Hàn lâm Thụy Điển muốn giao hòa thiện cảm của người yêu văn học Âu Mỹ, Đông Á.
Kazuo Ishiguro tuy được giáo dục theo truyền thống phương Tây nhưng tạng tâm hồn vẫn là Nhật Bản. Nói chung, đây là cây bút biến hóa về bút pháp. Нoài niệm và chừng mực trong Dấu tích ngày hôm ấy khác thực tại kịch tính trong Một nỗi khôn khuây, và cũng khác cảm tính, cáu gắt trong Mãi đừng xa tôi. Tác giả thích đưa người đọc trở về quá khứ qua hồi ức của nhân vật nhưng kỳ thực vẫn quy về một điểm chung: con người cay đắng nhận ra rằng cuộc sống cứ tiếp diễn, thời gian đã qua do tự nguyện hay cưỡng ép nhưng thật uổng phí, thần chết đang kề cửa, nên cái còn lại cuối cùng đơn giản chỉ là phải nắm tay nhau.
Tác phẩm của ông hoàn hảo, xuất phát từ lý trí nhưng lại đầy ắp cảm xúc, vì ở trung tâm bao giờ cũng là con người đang sống, đang mang chở những ý nghĩ và tình cảm, vì mối quan tâm của tác giả là sự hỗn độn ẩn náu sau thói giả vờ ở mọi nơi mọi chốn, sau bức rèm kín của trí nhớ và quên lãng. Các nhân vật tiểu thuyết của ông bao giờ cũng được đặt ở chặng cuối con đường, họ kiên định lần ra sự thật về bản thân, mà hóa ra sự thật của họ mới bất an làm sao, cho nên việc duy nhất phải làm là chuyện quá khứ trả lại quá khứ.
Chính vì vậy, các tiểu thuyết của Kazuo Ishiguro đều góp tiếng nói cảnh báo về nỗi âu lo trong thời ta đang sống, mà căn nguyên của nỗi âu lo ấy nằm ở những gì ta đã trải qua, đã nhãng quên, thậm chí ở cả những gì dường như chẳng đáng nhớ. Sức mạnh của ngòi bút Kazuo Ishiguro vừa ở sự vận động của cốt truyện, vừa ở cái kết mở.
ĐOÀN NHÂN CHÍNH