Chỉ riêng ngành lĩnh vực thiết kế vi mạch toàn cầu năm 2022 có tổng doanh thu khoảng 215 tỉ USD (một trong 4 ngành thuộc chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn thế giới). Thị trường vi mạch bán dẫn toàn cầu cũng đang có sự chuyển dịch do tình hình biến động tại nhiều quốc gia, Việt Nam là một điểm đến của các tập đoàn sản xuất vi mạch bán dẫn quốc tế.
Thế nên có thể nói rằng Việt Nam đang đặt chân vào thị trường này với cuộc đua bắt đầu từ việc nghiên cứu thiết kế và đào tạo nhân lực. Tại TP.HCM, tình hình càng thêm sôi động khi có khá nhiều trường đại học tham gia vào việc chiêu sinh và đào tạo nhân lực, cùng với việc chính quyền địa phương cũng đã có nhận thức mới và đang xây dựng chiến lược phát triển ngành.
Trong bối cảnh đó, Hội Công nghiệp Vi mạch Bán dẫn TP.HCM (viết tắt là HSIA) cũng chính thức vào cuộc với vai trò kết nối cung và cầu trong công tác phát triển nguồn nhân lực, kết nối thị trường, tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất trong ngành…
Chuẩn bị hội thảo phát triển nguồn nhân lực
Chiều ngày 11/8, Hội Công nghiệp Vi mạch Bán dẫn TP.HCM (HSIA) và Công ty Kendo đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc Gia TP.HCM) về khả năng hợp tác giữa các bên.
Về phía HSIA có ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch HSIA; ông Nguyễn Ngọc Đạo- Chủ tịch kiêm TGĐ công ty Kendo; ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Trưởng ban Khoa học Công Nghệ (KHCN) của Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM; ông Hồ Thanh Bình – Giám đốc Công nghệ thông tin – Tập đoàn DHA kiêm Tổng thư ký HSIA; bà Văn Thị Minh Hoa – Phó Tổng thư ký kiêm Phó ban Truyền thông HSIA.
Đại diện Hội Công nghiệp Vi mạch Bán dẫn TP.HCM (HSIA) và Công ty Kendo
Phía Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM có PGS.TS Trần Lê Quan – Hiệu trưởng nhà trường; ông PGS.TS Trần Văn Mẫn – Trưởng phòng Khoa học Công nghệ; TS Võ Hồng Hải – Trưởng phòng Quan hệ Đối ngoại; PGS.TS Huỳnh Văn Tuấn – Trưởng khoa Vật lý – Vật lý Kỹ thuật; TS Lê Đức Hùng – Phó trưởng khoa Điện tử Viễn thông; PGS.TS Vũ Thị Hạnh Thu – Khoa Vật lý – Vật lý Kỹ thuật; cùng nhiều tiến sĩ chuyên ngành đang giảng dạy tại trường.
PGS.TS Trần Lê Quan–Hiệu trưởng Trường Đại học KHTN TP.HCM (người ngồi giữa)
Đây là buổi làm việc thứ hai trong khoảng thời gian ngắn để hai bên tìm hiểu nhu cầu đào tạo sinh viên liên quan đến ngành vi mạch bán dẫn, chuẩn bị cho một hoạt động lớn tới đây dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 22/9/2023, Hội thảo “Thực trạng và giải pháp trong đào tạo nhân lực và nghiên cứu triển khai lĩnh vực Vi mạch bán dẫn Việt Nam tầm nhìn 2045”, do Hội HSIA và Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM tổ chức phối hợp cùng Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Tập đoàn TTC, Công ty Synopsys… thực hiện.
Cũng nhân dịp này, sau khi tìm hiểu tình hình thực tế tuyển sinh và giảng dạy chuyên ngành Vi mạch bán dẫn của trường Đại học Khoa học tự nhiên, được biết hiện nay trang thiết bị dạy và học, đặc biệt các máy móc thí nghiệm, còn rất thiếu. Trước tình hình này, dưới sự tư vấn và hỗ trợ của Hội HSIA, ông Nguyễn Ngọc Đạo – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Kendo, đồng ý sẽ thu xếp tặng trường một số máy móc thiết bị để cho sinh viên có cơ hội thực tập – thực nghiệm trị giá nhiều tỷ đồng…
Xác định rõ mục tiêu để không lãng phí nguồn lực quốc gia
Mục tiêu của hội thảo là phục vụ vào Đề án phát triển nguồn nhân lực Vi mạch bán dẫn trong Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến 2030 theo quyết định số 4022/QĐ-UBND ngày 28 tháng 7 năm 2017 của UBND TP.HCM.
Đồng thời, từng bước triển khai thực hiện Chương trình hợp tác giữa UBND TP.HCM và ĐHQG TP.HCM giai đoạn 2022-2026 và đề xuất Chính phủ xây dựng Chiến lược phát triển ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam tầm nhìn 2045.
Trong cơn khát toàn cầu đang làm sôi động về thị trường Vi mạch bán dẫn cũng như mức độ khát nhân lực trên thế giới, đã được nhiều chuyên gia nhận định đây không phải là cơn khát riêng của Việt Nam mà là của toàn cầu.
Đã vậy, chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn trên thế giới có thể được chia thành bốn nhóm: thiết kế vi mạch, sản xuất vi mạch, đóng gói – kiểm tra vi mạch và chế tạo thiết bị, thì Việt Nam chỉ có thể tham gia khâu thiết kế với tổng doanh thu toàn cầu khâu này năm 2022 đạt khoảng 215 tỉ USD.
Tuy nhiên, nhân lực để tham gia khâu này hiện nay cũng rất hạn chế. Hiện tại TP.HCM đã có hàng chục công ty 100% vốn nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch đến từ Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore… với nhân sự hơn 5.000 kỹ sư và chuyên gia về thiết kế vi mạch.
Con số thống kê cho biết, Cộng đồng vi mạch Việt Nam cả nước hiện có trên 40 công ty, doanh nghiệp về thiết kế vi mạch, trong đó ở TP.HCM có hơn 30 công ty, và sẽ còn tăng trong thời gian tới. Sự dịch chuyển của các công ty thiết kế vi mạch trên thế giới về Việt Nam, đặc biệt ở TP.HCM, ngày càng tăng dẫn đến thị trường cần nguồn cung nhân lực khá lớn.
Trước tình hình này, ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch HSIA, cho rằng ngành công nghiệp vi mạch là một ngành công nghệ cao đem lại nhiều giá trị gia tăng, là nền tảng để hỗ trợ và đẩy mạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế theo chiều sâu.
“Vi mạch đã được Chính phủ xác định là một trong 9 sản phẩm quốc gia. Phát triển sản phẩm của ngành công nghiệp vi mạch là phương thức quan trọng để chuyển hóa các thành tựu khoa học và công nghệ thành hàng hóa thương mại có giá trị gia tăng cao”, ông Nguyễn Anh Tuấn, nói.
Do vậy, nhiệm vụ của Hội thảo: “Thực trạng và giải pháp trong đào tạo nhân lực và nghiên cứu triển khai lĩnh vực Vi mạch bán dẫn Việt Nam tầm nhìn 2045” lần này cần đánh giá tình hình nghiên cứu, đào tạo và nhu cầu nhân lực về vi mạch bán dẫn hiện nay của Việt Nam; trao đổi, đề xuất cập nhật chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn theo nhu cầu xã hội, để không lãnh phí nguồn lực quốc gia.
PGS.TS Trần Lê Quân – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên – ĐHQG TP.HCM, cho rằng trong chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn của thế giới, giai đoạn này Việt Nam cần hình thành một vài chương trình đào tạo (kỹ sư, cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ) và tập sự, tập huấn về vi mạch bán dẫn, MEMS và linh kiện điện tử cho trường đại học phối hợp với một số doanh nghiệp vi mạch bán dẫn. Qua đó, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề tốt và đáp ứng nhu cầu về nhân lực cho nghiên cứu và sản xuất của các doanh nghiệp Vi mạch bán dẫn trong cả nước.
Còn PGS.TS Huỳnh Văn Tuấn – Trưởng Khoa Vật Lý – Vật lý kỹ thuật trường Đại học Khoa học tự nhiên – ĐHQG TP.HCM, người trực tiếp cùng phối hợp chuẩn bị nội dung và triển khai tổ chức hội thảo lần này, khẳng định: “Tại hội thảo lần này cũng sẽ xác định một số đối tác trường/viện/doanh nghiệp quốc tế hỗ trợ phát triển ngành vi mạch bán dẫn, MEMS, linh kiện điện tử cho Việt Nam tầm nhìn 2045, từ đó đề xuất Chính phủ đầu tư, xây dựng một số phòng thí nghiệm dùng chung và các nhiệm vụ nghiên cứu triển khai về vi mạch bán dẫn.
Ông cũng cho hay, xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu và phát triển của trường/viện và doanh nghiệp về Vi mạch bán dẫn theo hướng sản phẩm quốc gia. Trước mắt sẽ tập trung vào lĩnh vực đào tạo nhân lực cho nhu cầu phát triển lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, một trong bốn lĩnh vực chuỗi cung ứng của thế giới.
VMH
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TRONG BUỔI HỌP GIỮA HỘI HSIA, CTY KENDO VÀ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN TP.HCM