Sáng nay, thấy VĂN HIẾN số 12 thiếu bài về âm nhạc. Chợt nhớ bài về Phú Quang đã đăng trên facebook trước tết năm ngoái. Mình lấy xem lại, bổ sung chút ít để đưa in. Bài vừa làm xong, vào google tìm ảnh thì được tin Phú Quang mất. Thế là bài viết cầu mong anh trở về trở thành bài viết tiễn biệt anh, Phú Quang ơi! (Nguyễn Thế Khoa).
Phú Quang vốn là nhạc sĩ toàn năng, ông viết khí nhạc được giới nhà nghề đánh giá cao, chỉ huy rất có phong cách, nhưng ở nước ta, đất nước của ca khúc, khí nhạc là trò xa xỉ nên chẳng mấy người biết hai đóng góp ấy.
Người ta chỉ biết ông là người sáng tác ca khúc kỳ tài của Hà Nội, về Hà Nội. Đã có hàng trăm bài hát hay về thủ đô đất nước của các nhạc sĩ Việt Nam. Nếu cần chọn 50 bài hát hay nhất trong số này thì ông nhạc sĩ tuổi Kỷ Sửu (1949) nhà ở phố Khâm Thiên phải có đến 10 bài hoặc có thể nhiều hơn.
Em ơi Hà Nội phố, Hà Nội ngày trở về, Nỗi nhớ mùa đông, Mơ về nơi xa lắm, Im lặng đêm Hà Nội, Lãng đãng chiều đông Hà Nội, Về lại phố xưa, Một dại khờ một tôi, Chiều phủ Tây Hồ, Dương cầm lạnh… đều là những tuyệt phẩm, được người yêu nhạc cả nước yêu thích.
Phú Quang còn nhiều tuyệt phẩm khác có sức sống vượt thời gian như Biển nỗi nhớ và em, Đâu phải bởi mùa thu, Điều giản dị, Rock buồn… Tuy vậy, với tôi, bài hát của Phú Quang mà tôi yêu thích nhất không phải là các bài đó mà là bài “Thương lắm tóc dài ơi” viết về tình duyên của những phụ nữ lam lũ cơ cực trên những triền đê sông Đuống, sông Cầu, sông Thương trong những mùa đông mưa rét của vùng quê Kinh Bắc.
Lần đầu tiên được nghe bài hát ấy qua giọng hát Mỹ Linh trên băng catsette chừng hơn 20 năm trước đây, tôi bàng hoàng rất lâu. Tôi không nghĩ người nhạc sĩ tài hoa của những tình ca đài các, sang trọng về Hà Nội lại có một bài hát hay đến thế về những “thân cò lặn lội” nơi đầu bãi cuối sông như vậy.
Tôi nghe đi nghe lại và thấy mình như không thể rứt ra khỏi sự ám ảnh của bài hát rất ngắn mà âm vang của nó rất dài này:
“Thương lắm, thương lắm tóc dài ơi.
Một đời long đong, long đong thân cò lặn lội
Thương lắm, thương lắm tóc dài ơi
Một mình lênh đênh dòng đời đục trong
Mưa vẫn giăng đầy trên triền sông chiều đông giá rét
Em vẫn âm thầm đi về đâu để ta thương lắm…”.
Ngay lúc ấy, tôi không biết bài hát ấy Phú Quang tự viết lời hay phổ thơ của ai mà lời hay đến thế.
Trong các chương trình ca nhạc hay các CD, DVD, MV có bài hát này do các danh ca Ngọc Tân, Quang Thọ, Mỹ Linh, Lê Dung, Trọng Tấn, Anh Thơ, Quang Lý… hát, cũng không thấy giới thiệu tác giả phần lời của nó là ai. Chỉ đến ít lâu sau, khi được đọc trường ca “Tiếng hát quan họ” của Hoàng Cầm thì tôi mới biết lời bài hát vốn là một đoạn thơ nằm trong bản trường ca Hoàng Cầm viết về đặc sắc dân nhạc của quê hương Kinh Bắc in cùng với trường ca “Cửa Biển” của Văn Cao năm 1956.
Bản trường ca không thật hay này bị lọt thỏm giữa hai kiệt tác “Bên kia sông Đuống” và “Về Kinh Bắc” nên không được nhiều người nhớ đến.
Nhưng Phú Quang đã đọc, đã nhớ và với con mắt tinh đời của một nhạc sĩ siêu phổ thơ, ông đã “nhặt” ngay được mấy câu thơ tuyệt hay trong mấy trăm câu thơ thường thường bậc trung để làm nên một bài hát vào loại hay nhất về sự chịu thương chịu khó, nhẫn nại, hy sinh âm thầm của người phụ nữ Kinh Bắc cũng là phụ nữ Việt Nam.
Sự nhạy cảm tuyệt vời này cho thấy Phú Quang không chỉ là nhạc sĩ của sự sang trọng, đài các chốn phồn hoa đô hội mà còn của những thân phận cô đơn, bất hạnh, lỡ làng, chân lấm tay bùn nhưng nồng thắm yêu thương sau lũy tre làng.
Không thể nào cầm được nước mắt khi nghe đoạn điệp khúc:
“Yếm rách còn ngăn được gió, tình em dang dở yếm nào che
Thương lắm tóc dài ơi cánh chim chiều đã mỏi
Ta hát cho em bỏng rát tiếng ca buồn”.
Bài hát của Phú Quang thường là những tình khúc và thường buồn. Nhưng cái buồn trĩu nặng đến “bỏng rát”, đến đứt lòng đứt ruột, đến trào nước mắt của người hát, người nghe như thế này thì chỉ thấy ở “Thương lắm tóc dài ơi”…
Hai năm qua, Phú Quang vẫn trong phòng hồi sức của các bệnh viện. Sau một năm thập tử nhất sinh ông vẫn chưa thể về với mọi người. Ông chưa được biết mùa thu năm 2020 ông vừa được nhận giải thưởng Lớn Vì tình yêu Hà Nội mang tên Bùi Xuân Phái và sắp đến ông sẽ được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Còn nhớ khi còn khỏe mạnh Phú Quang không mấy quan tâm đến chuyện giải thưởng. Với bản tính thẳng thắn cương trực của mình, Phú Quang luôn cự tuyệt việc tự viết đơn “xin” giải thưởng Nhà nước hay Hồ Chí Minh nên dù là một trong những nhạc sĩ đương đại tài năng nhất, có cống hiến lớn nhất, các giải thưởng này luôn tránh xa ông.
Phú Quang không mấy để ý đến sự bất công dành cho mình mà nhiều người uất ức thay cho ông. Các ca khúc mới của ông vẫn tiếp tục ra đời, rất được khán thính giả ưa thích. Mùa thu đông hay đông xuân nào ông cũng tự làm một show riêng cho mình và các ca sĩ yêu thích ca khúc của ông trong sự chào đón nồng nhiệt của người hâm mộ. Đối với ông, như thế là quá đủ.
Chỉ đến khi ông nằm viện, gia đình làm hồ sơ giúp ông, ông mới được xem xét…
Mùa đông đang qua, nhớ ông, chúng ta hãy cùng nghe “Thương lắm tóc dài ơi” để cầu nguyện hạnh phúc cho tất cả những tóc dài còn gánh bao lỡ làng, khổ hạnh và mong các thiên thần áo trắng tóc dài sẽ đưa được người nhạc sĩ tài năng hằng “thương lắm tóc dài ơi” trở lại với cuộc sống bình thường, để tiếp tục cống hiến cho chúng ta các tuyệt khúc về Hà Nội, về những người phụ nữ Việt Nam mà ông yêu quý, tôn thờ…
LTS: Thế rồi, 8.40 sáng ngày 8/12/2021, ông đã rời xa chúng ta để bước đến miền cực lạc.
NGUYỄN THẾ KHOA