Truyện ngắn của Trần Chiến
– Sao ông lại để đũa chỗ này phải để chỗ này chứ…
Nghe cằn nhằn, chàng lại muốn sôi máu. Rõ ràng hôm qua bảo đũa để đấy. Kịp ngừng vì biết một chữ quăng sang đống lời đáp lại, bèn cúp đuôi ra cửa. “Mỗi ngày một chuyện, y như tên cái mục được ưa đọc trên báo”, chàng nghĩ thế về “gia cảnh” hiện thời, có điều báo nói rất lâm li kỳ, còn chiến sự gia đình mình chả biết có gọi là “chuyện” được.
Hôm kĩa, trên xe buýt, nàng luôn miệng hỏi xuống chỗ nào thì vừa vào siêu thị có chăn Hàn Quốc mới lại vừa lễ chùa An Lạc được. “Đấy là hai điểm đỗ xa nhau bác phải chọn một thôi ạ”, cậu bán vé giải thích đến lần thứ ba thì bỏ đi. “Sao ông cứ im như phỗng thế phải bảo xe đỗ chỗ nào cho mình vào cả hai chỗ cho gần chứ ơ ơ đồ đụt không biết đằng giúp vợ”. Chàng im phắc ra điều nói ai đấy.
Ngày giời đi vắng, chàng bỗng mở miệng: “Sao hôm nay bà nói điện thoại có nửa tiếng?”. “À tôi gọi nhầm”. Chàng cười gập bụng, nhất định không khai. Ngu dại gì để bị tra tấn!
Họ đã có một lịch sử gia đình bình thường như bao gia đình khác: khi yêu đương tôn thờ nhau, coi là “duy nhất”, người này “no” cho người kia vào hàng phở. Con cái ra đời là hạnh phúc không thể tả, cho hy vọng, yêu thương, mong hết giờ làm phóng về âu âu chực chực. Những muối mặn gừng cay, bao nhiêu dặm dài…
Lịch sử tình yêu thì lại phi thường, được truyền lại qua nhiều thế hệ trong trung đoàn chàng, đại học nàng, đáng vào cả nhà truyền thống địa phương.
*
Bình Yên, chỗ mấy quốc lộ dắt nhau về thủ đô, bốn chục năm trước là thị trấn xinh xắn, dễ thương. Dăm ba trụ sở cơ quan, khu nghỉ dưỡng lãng mạn bên đầm Mai, chỉ khác ngôi làng có thế. Hình ảnh “Tỉnh nhỏ – cô em – nằm xem – kiếm hiệp” dường như chỉ mới qua. Chiến tranh đang ở đâu như rất xa, ngoài những chiếc xe tăng gầm gừ trên bãi tập dưới chân núi Giăng Màn. Lính tráng trung đoàn huấn luyện, vào lúc được phép, ưa cuốc bộ ra ăn kem, ngắm mấy ông lão thành cách mạng an dưỡng. Trái tim thị trấn là ga xe lửa ngày đập bốn nhát nhả ra ngoạm vào dăm chục khách. Hiệu sách nhân dân có cô gái già nhất loạt gọi đám gà trống choai chưa mọc râu mép bằng “anh”, các “anh” chả mua gì, tán “em” cả buổi lại yên tâm hành quân về doanh trại.
Đang so đo giữa cục kẹo dồi trong lọ với số xu trong túi, chàng binh nhì chợt sững người. Bên kia đường, dưới tán xà cừ, sáng bừng, đoan chính, mắt lấp lánh, nàng thả trôi xe, tóc đuôi sam đung đưa. Đứng phắt dậy, chạy vội theo rồi thất thểu quay về, chàng gạn hỏi bà quán để chả biết gì về người xinh. Đêm ấy, góc doanh trại có một hình hài manh động, sáng leo lên xe tăng thưỡn thượt ruồi đậu chả xua.
Chủ nhật sau đại đội giết lợn khao quân, chàng được phân ra chợ thị trấn mua húng dổi đỗ xanh nhồi dồi. Xe đạp tiếp phẩm toòng teng đôi sọt đang èn en thì đuôi sam quật vào mặt xây xẩm, chàng bèn nấp kín đúng bài “tiềm phục”. Nàng mua đủ thức ăn cho một bữa tươi thì thả bộ về, chả hay đằng sau có kẻ xăm xăm. Khỏi đường cái quan, xuống dốc, leo qua con dốc có đường tầu, vài thôi nữa đến cánh cổng xây, lấp ló nếp nhà ba gian một chái và căn bếp. Đứa trẻ đang chơi dưới gốc mít ào ra “A chị Oanh quà em đâu?”.
“Trưa nay bún chả còn đòi quà…”, giọng oanh cất lên.
Chàng có hai bạn thân, Mạnh và Mẽ, đều đang dở đại học, chung hưởng thành kiến “công tử” của đám lính nông dân, chia sẻ những buồn vui khó chia sẻ. Tối ấy, ba tên lừa vệ binh cất lẻn ra thị trấn. Đến trước cây mít Mạnh, Mẽ phải mạnh mẽ ới vào trong, vì chàng ấp úng hột thị. Dù vậy mọi sự vẫn diễn ra đúng “phương án tác chiến”.
– Chúng cháu đóng ở B., xin mượn gia đình con trâu để tăng gia.
– Nhà không có trâu cháu ạ. Nhưng thôi uống nước đã.
Nước do nàng đun dưới bếp, chè pha loãng để khỏi mất ngủ. Nhưng chuyện đặc. Mạnh, Mẽ tán như khướu, chàng ý nhị hơn, ghi nhớ rằng nàng đang dùi mài kinh sử để thi lại vào đại học Y. Thỉnh thoảng đứa em chạy ra ngửi hít ba anh làm chàng đỡ lúng búng vì ý nghĩ “Phải rồi, nhất định đây là cô gái của mình”. Lần sau, lần sau nữa đến chơi chả cần mượn miếc gì. Quân dân như cá với nước dần dần thành thân tình, đội hình tách ra ai có nhiệm vụ nấy để ai có dịp gần ai. Cái vốn sinh viên dở dang khiến chàng giải được mấy bài toán khó cho nàng, uy tín lên vòi vọi, còn Mạnh, Mẽ trần mình thay cho cô chú cái giếng bị con mèo rơi xuống. Hàng xóm trầm trồ “nhà này bộ đội hay đến vui thật”.
Cũng có hôm phải “tác chiến”. Ba chú binh nhì chạm trán hai sao một gạch bạc. “Anh Hùng cũng đóng gần B., có khi các cháu biết”, cô tươi cười giới thiệu. “Các cậu ở đơn vị nào?”, trung úy Hùng hất hàm. “Chúng tôi ở đơn vị giết người”, Mẽ xấc láo trong khi Mạnh kèm riết cô chú, còn chàng kín nước cho nàng ngoài giếng. Có mỗi cái gầu, sĩ quan chả nhẽ ra giành việc đâm cứ phải “chiến tranh và hòa bình” với Mẽ. Ngoài ngõ bọn trẻ rước bẹ cau rình rang:
Em yêu anh trung úy, em không yêu bình nhì chẳng biết cái gì…
Tình tính tình em đi rình trung úy, trung úy già nhưng mà có tiền, đài đeo bên hông đồng hồ đeo tay
Trong gian khó tình tính tang là tính tang tình…
Kẻ địch khác là anh giáo cùng trường chú. “Tao không chế được thơ…”, chàng thảng thốt đưa nhà văn đại đội bài thơ anh giáo tặng nàng. “Yên tâm đi, đưa mày xem tức là nàng chả có gì với lão ấy”. “Thứ nhất cự ly thứ nhì cường độ”, quanh quẩn hai bài ấy mà không được thì ra trận đâm đầu vào xe tăng địch mà tự tử”, mưu sĩ khác tuyên chắc nịch. Tám mươi chín binh nhì chưa mảnh tình vắt vai nhất loạt điên cuồng mừng rỡ hay ủ ê theo chàng, sẵn sàng bảo dưỡng tăng pháo, giúp bếp, tưới rau cho bộ ba “dân vận”. Công lao “trồng cây si” chẳng uổng. Cái khí chất hăng say, trong sáng, có chút nghĩa hiệp của lính sinh viên quyến rũ hơn hẳn trung úy nghiêm túc, anh giáo buồn tẻ. Rồi cũng đến thời khắc tay trong tay, bịn rịn không tưởng.
Chàng thăng binh nhất hưởng sáu đồng, vào chiến trường đúng lúc hoa khôi Bình Yên trở thành hoa khôi trường Y. “Em sẽ đợi chứ?”. “Thì hội Phụ nữ bảo đợi mà lỵ”, nàng lấp lửng làm kẻ ra đi điên cả người. Được cái là Mạnh, Mẽ ở lại trung đoàn, cứ cuối tuần đáp tầu về Hà Nội lỳ lợm đóng dấu “đồng đội của người yêu Hoàng Oanh” lên ký túc xá. Những kẻ rắp ranh, có cả vài thầy giáo đều tởn. Hai ông tướng rồi cũng vương tơ với bạn chung phòng nàng, nhưng chỉ Mạnh đứng lại với Hoàng Yến.
Em là chiếc neo vàng / giữ anh không rời bến… Câu thơ xuất thần và những cánh thư đáp xuống, nét chữ khi ngay khi xô lệch, không có sốt rừng, chả ùng oàng, mang về hy vọng cho nàng, sự tôn trọng người ngoài chiến trường cho cả khoa sản. Có lần chàng báo gặp Hùng, trước lúc hy sinh đóng thượng úy, “dặn anh phải gìn giữ hạnh phúc với em”. Bao nhiêu khắc khoải, thảng thốt chỉ người đợi mới hay. Không xanh cỏ cũng chẳng đỏ ngực, rút cục ông trời run rủi cho chàng trở về, mắt phải lấp lánh viên bi. “Kutudov”(*), chàng được gọi vậy, trở lại đại học cũ. Trường Y phăng phắc theo dõi xử sự của hoa khôi. Nhưng “chiếc neo vàng” chọn lựa phẳng phiu, không so đo sang ai.
*
Hòa bình cho cõi nhân gian những điều, dù lớn lao hay không thành tên, báu vô tả. Như sum họp, thành đôi lứa, sinh con đẻ cái, như học tiếp, làm tiếp cái đang dang dở. Nàng về bệnh viện Bình Yên đỡ cho đám thiên thần ra đời, chàng tốt nghiệp sau, giỏi giang được giữ lại dạy. Nhưng lại sinh ra những sự khó. Bố nàng không ghi vào lý lịch người anh con bác ruột đóng lon oách phía bên kia. Giờ người ấy phải ra Hà Giang đập đá, ông em về vườn sớm, gặp hàng xóm cụp mặt. Đang chuẩn bị cưới, chàng bị trên tuyên “Hoặc lấy cô ấy hoặc ra khỏi Đảng đây là nguyên tắc bảo vệ”. Đang bế tắc thì ông chú của Mẽ nhận chuyển hộ thư trình bày đến một trong “tứ trụ quốc gia”.
“Nếu đúng là cô ấy chờ cháu đi chiến trường, khi cháu trở về thành thương binh mà vẫn yêu thì cháu càng có trách nhiệm lấy cô ấy”. Thư từ trời cao dẹp yên mọi cảnh giác cách mạng. Ngày cưới không quá hân hoan. Tình yêu khúc khuỷu, phải bền bỉ khiến hạnh phúc đâm mong manh, nhưng vẫn thành huyền thoại đâu đó, càng bay lượn càng được thêm thắt.
Rồi là những ngày phẳng phiu, trải sướng khổ như mọi gia đình. Bé Quốc Bảo ba cân mốt, khỏe mạnh nhưng chào đời khó làm chàng hóa đá khi nghĩ mình sắp mất vợ. Ít năm nữa chàng chuyển về Bình Yên, sáng vác ô đi tối vác về, khiến Mạnh, Mẽ thất vọng: “Cái thằng này nó bị neo vàng buộc cẳng rồi”. Thật chứ chẳng chơi, gái một con trông long lanh, nấu ăn ngon đối xử đâu ra đấy, ở bệnh viện về thăm khám thêm, đồng tiền trong nhà không hề eo hẹp, bảo là ích tử vượng phu rất đích xác. Mà nàng cũng rành những thói tật của chồng, càng lạt mềm buộc chặt. Dầu vậy, đến thời được làm kinh tế tư nhân, nàng không thể ngăn chàng “về một cục”, bỏ mọi sinh hoạt, ra ngoài mở công ty. “Đây là chiến trường khốc liệt nhưng sòng phẳng, “cơ quan chức năng” nã tiền thẳng cổ chứ không biếu xén “tế nhị” như thói công chức. Anh thích vậy”. Tính cách mạnh thế ngăn cố có mà tan gia đình, nàng tự nhủ, chịu đựng mùi chồng mang về sau mỗi hợp đồng được ký. Cũng có lúc biết chàng yếu đuối, ngã lòng thế nào đó, đều đóng cửa thẽ thọt làm kẻ đang liêu xiêu ngay ngắn lại. Cái vẻ “Kutudov” làm chàng càng đàn ông, chị em không thích mới lạ. Nhưng thua “neo vàng” hết.
Có hôm cu Bảo về nhà nức nở “Chúng nó réo “Đồ con nhà bị thịt, rất coi thường bố mẹ”. Ông bố giảng giải “Con phải tự hào chứ, nhà mình rất đẹp, yêu thương nhau… hơn hẳn chúng nó”. Càng lớn, Bảo càng thấy lời bố đúng, hàng xóm đâu đâu không thể bằng. Rồi cậu về thủ đô theo một hệ học sinh giỏi. Bình Yên, giờ lên thị xã, có một tấm gương để nương theo. Nhiều nhà bố nhớn mẹ to lắm kẻ luồn lọt, hoặc buôn ngang bán dọc tiền đè chết người… đố mua được hình ảnh thế ấy.
*
“Tấm gương” không ngờ phải đương đầu với những trắc trở mới, đều do mình và thời gian gây ra chứ chả thiên tai địch họa nào. Khi Bảo sang Úc làm cái trên đại học, để lại lời dặn “Bố mẹ đừng lo gì nữa, tận hưởng cuộc sống đi”, đoạn nhân sinh sau lừng lững hiện lên, khí gió mà chả thể tránh.
Ngôi nhà bỗng thẳm thằm thăm với hai người còn rất ít nợ đời. Hoa khôi Bình Yên đã nghỉ, đeo “túi mắt”, nách xệ “cánh dơi”, suốt ngày thổn thức theo phim Hàn Quốc và nói không thể dừng. Rất bi thảm nhưng chả thể kêu ca, là hết hứng thú chăn gối, mà đức ông chồng cắt đầu gối còn ra máu. Đêm dài ra khiến chàng phải đến lão khoa, bị bà bác sĩ nhìn thành quân xấu xa bại hoại. “Chuyện ấy” tuyệt không thể đề cập với người “có tuổi”. Chuyện tình chúng ta đã thành huyền thoại, cho kẻ khác noi. Ngoài thế, bên trong hai cái tôi tổ bố va nhau khuỳnh khuỵch, duyên do dở hơi không tưởng nổi. Nhịn nhau lúc nghèo túng bấy bớt chứ giờ con tung tăng mình rủng rỉnh thì nhịn thế nào. Giá mình nheo nhóc chạy ăn từng bữa hay ốm đau đã không có những khó chịu này ô mình phát rồ hay sao…
Vào một buổi sinh hoạt hội Người cao tuổi, sau khi quán triệt hội viên làm cây cao bóng cả soi xuống cánh trẻ, ông hội trưởng cảm ơn chàng cùng công ty nhiều năm góp tiền chè thuốc sinh hoạt, phong bì mừng thọ, đèn nhang hương nến đưa tiễn… “Những trái quả đắng ngọt của tình yêu / Chúng mình đã cùng nhau gặm hết”, chàng tự dưng ra thơ rồi bật khóc.
Có “sự” thật. Chàng mù lòa theo một cánh bướm chập chờn. Cậu N. từ Hà Nội về bảo gặp chàng sơ mi đóng thùng tóc đen nhức đèo cô bốn chục. Hai năm sau thấy một mình cà phê, mặt mũi như tầu chuối hơ lửa. Lần cuối, chàng mặc quần soóc cháo lòng chạy bàn quán nhậu. Dân Bình Yên thấy nàng hay thị phi, kiểu “Hoa khôi thị xã kìa”. “Phịa. Trông như con dở”. Mặc lòng, ai dợm trách kẻ bạc bẽo gặp ánh mắt nàng phải “tạnh” ngay. Thường thì “câm”, thỉnh thoảng nàng có cơn nói, như kể nửa tiếng bệnh tình bà bác ông anh rể cô con dâu gia đình đầu thị xã. Phòng khám tư thưa dần vì “cô Oanh chẩn đoán không “chuẩn” nữa, hơi thở lại nặng”.
Thỉnh thoảng Bảo bay về tốt nghiệp cái này rồi đang làm “trình” cao hơn đây quà của mẹ bố về mẹ đưa bố cái này vâng vâng sẽ chọn vợ ngoan cho mẹ sớm có cháu. Bình Yên xao xác vài hôm lại ráo.
*
“Ông biết không ung thư vú có thể tránh nếu xoa bóp hàng ngày với lại dàn cà chua trên gác thượng nở hoa tháng nữa ăn quả được đấy với lại…”.
Đang nói thì ngưng phắt, lo lắng nhìn mắt chàng: “Tôi nói nhiều quá ông rức đầu không bốn năm qua tôi toàn nói một mình lắm lúc buồn cười không hiểu mình điên hay dở hơi”.
– Cứ yên tâm, bà vừa điên vừa dở hơi, chàng ngọng “níu”. Có thế mới đón tôi về chăm thế này.
– Để yên tôi xoa bóp cho, nằm nhiều không vỗ lưng dễ viêm phổi lắm mà Kim Chôn Ốc với Pắc Run Oi bỏ nhau tám à chín lần lại về với nhau là tôi nói phim Hàn trên tivi.
– Phim ảnh dựng lên thế mà cũng sướt mướt á bọn trẻ giờ biết tình yêu là thế nào đâu. Bằng tôi với bà thế nào được tôi muốn nắm tay bà nhưng bên này liệt mất rồi hay bà nằm xuống cạnh tôi đi.
– Nằm với chả niếc có rửng mỡ được đâu mà bảo nằm đúng là què hay đi ngọng hay nói đấy táo bón một tuần không đi rồi mai tôi thụt cho.
Thỏm thòm thom đêm Bình Yên.
( Minh họa của Đặng Hồng Quân )