Việc xây dựng, ban hành Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia là một yêu cầu cấp thiết để góp phần hạn chế ảnh hưởng tiêu cực do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
Việc xây dựng Luật dựa trên các quan điểm ưu tiên bảo vệ sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân, gia đình và xã hội, là nguồn lực quý giá trong phát triển bền vững đất nước; giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong do sử dụng rượu, bia gây ra. Ngoài ra, phòng ngừa và giảm bớt các hậu quả về xã hội (tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, tội phạm, thương tích, an ninh trật tự, bất bình đẳng giới, đói nghèo) và gánh nặng kinh tế để khắc phục hậu quả do sử dụng rượu, bia gây ra…Việc xây dựng, ban hành luật này là một yêu cầu cấp thiết để góp phần hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Quốc hội đã thông qua Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia số 44/2019/QH14 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 gồm 7 chương 36 điều.
Một số nội dung đáng chú ý gồm:
Đã uống rượu, bia thì không được lái xe. Tại Điều 5 của Luật này, có 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó đáng chú ý là hành vi: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Như vậy, việc cấm lái xe khi vừa uống rượu, bia đã chính thức được luật hóa. Ngoài ra, Luật cũng nghiêm cấm: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; cung cấp thông thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe…
Tại Điều 32, khoản 6 có quy định: “Cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia”. Quy định trên phù hợp với yêu cầu: Đã uống rượu, bia thì không lái xe như đã nêu trên.
Không bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi. Đây là yêu cầu đối với tất cả cơ sở bán rượu, bia. Cụ thể, khoản 5 Điều 32 của Luật chỉ rõ: “Cơ sở bán, rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh”.
Quy định về điểm bán rượu, bia quy định tại khoản 7 Điều 32 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 không được mở mới các điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông. Điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ có thể hiểu là các quán bia, nhà hàng có phục vụ rượu…
Quy định về việc quảng cáo đối với rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên bị nghiêm cấm. Riêng trong trường hợp quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt tại khoản 3 Điều 12 của Luật, cụ thể: Không quảng cáo trên truyền hình trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hàng ngày, trừ trường hợp quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài…; không quảng cáo trên báo nói, trên truyền hình ngay trước, trong và sau chương trình dành cho trẻ em; không quảng cáo trên phương tiện giao thông…
Về trách nhiệm của gia đình quy định tại Điều 32 của Luật, các gia đình có trách nhiệm giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia, các thành viên khác trong gia đình hạn chế uống rượu, bia.Đồng thời, cần hướng dẫn các thành viên trong gia đình kỷ năng từ chối uống rượu, bia; kỹ năng nhận biết, ứng xử, xử trí khi gặp người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia và các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Để luật sớm đi vào cuộc sống là điều không đơn giản khi xã hội nước ta hiện nay việc sử dụng rượu, bia vẫn là một việc mà mọi người cho là “hết sức bình thường”. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành liên quan.
Ngoài biện pháp tăng cường truyền thông nhằm thay đổi hành vi của người dân thì việc áp dụng chế tài đối với cá nhân vi phạm là rất quan trọng. 13 hành vi bị nghiêm cấm sẽ có chế tài tương ứng, đặc biệt là chế tài bảo vệ đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ dưới 18 tuổi, phụ nữ, người già. Để đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật, sắp tới cơ quan chức năng sẽ sửa đổi, bổ sung một số nội dung của các luật, quy định có liên quan.
Theo Kiemsat.vn