Sinh ngày 20-9-1948, tại Bayonne, New Jersey, trong gia đình làm nghề khuân vác bến cảng, George R. R. Martin lớn lên trong nghèo khó. Vậy mà ông trở thành nhà văn tầm cỡ “sáng tác hiệu suất nhất mọi thời đại”, như danh hiệu mà công luận ban tặng. Ngoài gần năm chục tác phẩm văn học kết hợp các thể loại viễn tưởng – kinh dị – kỳ ảo… ông còn trực tiếp soạn kịch bản, làm nhà sản xuất cho hàng chục bộ phim, nổi bật là Người đẹp và quái thú, Trò chơi vương quyền…
Nhà văn George R. R. Martin
Xin giới thiệu thuyện đời George R. R. Martin được nhà văn Joy Ward ghi lại.
Ở trường đại học, tôi tranh thủ bất cứ cơ hội thuận tiện nào để theo những học phần có thể dạy tôi cách viết văn và tôi đã hoàn thành khóa học nghệ thuật viết văn, nghệ thuật viết truyện ngắn. Trоng khóa học, tôi thường nêu câu hỏi “thay vì khóa luận, tôi có thể nộp một tác phẩm văn học được không?” Đến năm thứ hai Đại học Tây Bắc Evanston ở bang Illinois thì tôi theo học môn lịch sử vùng Scandinavia. Lịch sử là môn học thứ yếu, lại phải viết khóa luận, cho nên tôi hỏi giáo sư: “Thay vì khóa luận, cho em nộp một thiên truyện lịch sử được không ạ?” Dù rất bất ngờ vì trước đó chưa đứa trò nào nêu câu hỏi tương tự, giáo sư vẫn bảo: “Tất nhiên. Thử xem, anh có thể làm được gì với những kiến thức chúng tôi dạy ở đây”. Thế là tôi viết một truyện vừa về cuộc chiến tranh Nga – Thụy Điển hồi 1808, cuộc đánh chiếm thành trì Sveaborg dẫn tới sự ra đời của Đại Công Quốc Phần Lan thuộc Nga. Trоng những sự kiện ấy có nhiều điều bí ẩn nên tôi viết thành truyện để cố gắng lý giải.
Truyện mang tên Thành trì và được giáo sư cho điểm giỏi – ông thích đến nỗi gửi nó cho một tạp chí chuyên ngành sử học có tên American-Scandinavian Review. Tạp chí cũng rất thích, nhưng vì không đăng truyện hư cấu nên gửi thư từ chối rất lịch thiệp – đấy là thư đầu tiên từ chối đăng tác phẩm của tôi. Tôi bảo: “Một nhà biên tập chuyên nghiệp mà đánh giá truyện của mình hay, thế thì mình còn sợ gì nữa”. Đại học năm thứ ba, vào khóa học viết văn, tôi viết một số truyện khoa học viễn tưởng và vài truyện ngắn thông thường rồi tự gửi cho những tạp chí văn chương. Truyện ngắn thông thường thì tôi nhận được thư từ chối, thư ấy khiến tôi rất tự hào vì do nhà văn lừng danh John W. Campbell Jr. (1910-1971) tự tay viết, còn hai truyện khoa học viễn tưởng thì tôi đều bán được, mặc dầu truyện đầu phải chờ mất mười năm, truyện thứ hai, Người hùng (The Hero) thì mất có hai năm, được tạp chí Galaxy đăng vào năm 1971. Tôi được lĩnh 94 USD nhuận bút, mức không đến nỗi xoàng theo thời giá bấy giờ.
Đấy là thương vụ đầu tiên của tôi ở cấp độ chuyên nghiệp. Tôi nhớ, đấy là tháng 2-1971, khi biết truyện của mình được ấn hành, tôi cùng cậu bạn càn quét khắp Chicago săn lùng tạp chí – mua đôi cuốn ở ki ốt này, đôi cuốn ở ki ốt khác mang về. Hồi đó chưa có lệ gửi báo chí biếu tác giả có bài in. Lần đầu tiên bao giờ cũng có cái thú của nó, dẫu là truyện được in hay ngủ với người tình. Nhớ mãi. Thấy nhan đề truyện, bên dưới là họ tên mình, thật chấn động.
Cảnh trong phim Người đẹp và quái thú
Tôi biết nhiều người mất hàng năm trời bươn chải mà thư từ chối chất cả đống. Tôi rất may, cũng nhận nhiều thư từ chối: khi học viết văn gửi đi bốn truyện thì ba truyện nhận đến hơn 40 thư từ chối, một vài truyện trоng số ấy không bán được. Nếu như hơn 40 bức thư từ chối đó dành cho cả bốn truyện thì chắc tôi đã gục ngã và thôi phấn đấu, nhưng nội cái việc có một truyện được chấp nhận đã làm tôi tự tin đủ sức hăm hở bước tiếp đến mục tiêu của mình. Sau đó tôi còn viết vài truyện ngắn nữa và cũng bán trót lọt. Những năm 1970, truyện khoa học viễn tưởng, kỳ ảo tôi in ở khắp những nơi nào có thể. Năm 1973 có tháng tôi in ba truyện khác nhau ở ba tạp chí Analog, Amazing và F&SF. Tôi có cảm giác như mình đang chiếm lĩnh toàn thế giới.
Từ đầu đến giữa thập niên 1970 tôi toàn viết và in truyện ngắn. Tôi được tiến cử vào nhiều giải thưởng: Campbell, Hugo, Nebula… nhưng không thắng. Cuối cùng vào năm 1975 người ta đề cử tôi vào giải Hugo và tôi đã được nhận giải, về cuốn truyện hay nhất A Song for Lya (Khúc ca cho Lya). Khi ấy tôi nghĩ là đã đến lúc phải bắt tay vào tiểu thuyết, và Dying of the Light (Ánh sáng lịm dần) in năm 1977. Tôi lại gặp may, những năm 1970, các nhà văn trẻ có tiểu thuyết đầu tay như tôi được biết đều nhận 3.000 USD.
Năm 1977, viết xong tiểu thuyết, tôi vẫn chưa tin mình viết thành công một tác phẩm tương đối quy mô, bởi trước đó viết toàn truyện ngắn. Khi viết tiểu thuyết, vào cuối thập niên 1970, tôi thấy truyện khoa học viễn tưởng bắt đầu rộ lên, lần đầu tiên thể loại này được đưa vào danh mục sách ăn khách.
Những nhà văn lớn của thế kỷ Vàng và thập niên 1950 như Asimov và Heinlein lần đầu tiên chạm phải sự thật là sách của họ trở thành sách ăn khách, các nhà xuất bản mà họ cộng tác thì mừng rơn, nhưng khi ấy cũng mọc ra nhiều nhà xuất bản mới, thay vì năm ông lớn là ba chục ông lớn, họ tìm kiếm nhà văn trẻ triển vọng, như những Asimov mới và Heinlein mới. Họ bắt đầu mở những cuộc đấu giá bản thảo, đấu giá điên cuồng, người ta đổ những khoản tiền khổng lồ đặt cọc vào tiểu thuyết đầu tay và cuốn thứ hai của nhà văn mới viết. Tôi ở vào cảnh đúng thời đúng chỗ, bốn nhà xuất bản tranh nhau tiểu thuyết Ánh sáng lịm dần, cho nên bán được khá hơn nhiều so với một năm về trước. Điều này cho phép tôi tính đến việc làm nhà văn chuyên nghiệp.
Một cảnh phim Trò chơi vương quyền
Trong sự nghiệp của mình, trước thời khắc bản lề ấy, bao giờ tôi cũng làm việc ở đâu đó. Tôi là nhà tổ chức các giải đấu cờ, có một thời gian làm ký giả, từng làm trong lĩnh vực quan hệ với công chúng, thậm chí còn có hai năm làm thiện nguyện cho VISTA. Nhìn sự nghiệp của các nhà văn khác – Heinlein ngay từ bước chân đầu tiên đã vào làng văn chuyên nghiệp, ngược lại, Clifford Simak thì chả bao giờ coi viết văn là nghề, chỉ sáng tác trоng lúc rảnh rỗi – tôi nghĩ mình cũng đi theo hướng đó, cho đến khi bán được Ánh sáng lịm dần với nhuận bút rất hào phóng. Sau cuốn đó, tôi cùng nữ văn sĩ Lisa Tuttle viết Windhaven (Vịnh gió) và Fevre Dream (Tàu thủy Fevre Dream), hai tiểu thuyết đó giúp tôi phần nào rời xa khoa học viễn tưởng thuần túy.
Tiếp đó tôi viết The Armageddon Rag (Tan tác ngày tận thế), cuốn này gây tranh cãi trong những người đọc nó và trở thành bước ngoặt quan trọng đầu tiên của tôi. Trước thời điểm đó, cuộc sống của tôi dường như chịu tác động của thứ men nào đó. Cũng may, cuốn tiểu thuyết ấy chẳng ai buồn mua, xét về phương diện thương mại thì là thất bại. Tôi nhanh chóng hiểu ra rằng xuất bản là một thế giới không bao giờ cho phép ta có cảm giác thỏa mãn và an toàn, anh chỉ được săn đón khi nào sách hoặc phim của anh được dùng.
Vậy Người đẹp và quái thú, phim truyền hình hay nhất về tình yêu, với Trò chơi vương quyền có đối trọng nhau không? Tôi tự thấy chúng không khác nhau đến thế. Tôi luôn luôn viết những thể loại khác nhau. Hồi trẻ con thích viết viễn tưởng, kỳ ảo, kinh dị. Những tác phẩm đầu tiên, Người hùng in ở Galaxy chẳng hạn, là truyện viễn tưởng thuần túy. Truyện thứ hai in ở Fantastic là loại truyện ma diễn ra khi con người ngừng sử dụng xe hơi xe máy, đấy là truyện kỳ ảo pha chút kinh dị. Ngay trong những truyện ngắn đầu tay tôi đã kết hợp cả ba thể loại ấy, và tôi tiếp tục tìm tòi, không bao giờ thích lặp lại mình. Bаo giờ tôi cũng thích vượt lên, phải thay đổi thứ gì đó, phải nghĩ mình có thể làm gì tiếp theo.
Hồi nhỏ ở Bayonne tôi thường mua sách bìa mềm bên cạnh truyện tranh bày trên kệ sách tự xoay để lần lượt thấy những tiểu thuyết của Alexandre Dumas (1802-1870), của Norman Vincent Peale (1898-1993). Baо giờ tôi cũng đọc nhiều, baо giờ tôi cũng viết nhiều. Trong các tác phẩm của mình, cái chết là như thế nào ư? Tôi không cho chết như một phương tiện nào đó dùng để đạt một mục tiêu nhất định.
Nhà văn, ngay cả người viết truyện kỳ ảo, có bổn phận nói lên sự thật. Mà sự thật, như chúng ta thấy trong Trò chơi vương quyền, lại ở chỗ này: mọi người rồi đều phải chết. Đặc biệt là nếu viết về chiến tranh, không ngờ gì nữa, cái này được đặt vào trung tâm của Trò chơi vương quyền. Chiến tranh và chết chóc là thứ thường gặp trong không phải tất cả – mà là nhiều tác phẩm của tôi, bắt đầu từ truyện Người hùng kể về một chiến binh. Không thể viết về chiến tranh và áp bức mà không chạm đến cái chết.
Nếu như bạn muốn làm người chính trực, phải để сái chết chạm đến cả các nhân vật chính. Tất cả chúng ta đã phải đọc hàng triệu lần những truyện kể một nhóm nhân vật tìm kiếm phiêu lưu, và nhân vật chính cùng bạn đường tốt nhất và người đẹp của anh ta trải qua vô vàn thử thách hiểm nguy mà vẫn cứ sống sót, chỉ những nhân vật phụ là phải thiệt mạng. Như thế là giả dối. Đời nào thế được. Họ xung trận, những đồng đội tốt nhất đều bị chết hoặc dính trọng thương, mất chân tay, và cái chết ập đến hoàn toàn đường đột. Cái chết rất bất thường, lúc nào nó cũng kè kè bám theo ta dù sớm hay muộn. Tất cả chúng ta rồi sẽ chết. Tôi cũng sẽ chết. Bạn cũng sẽ chết. Cái chết ở ngay trong nền tảng của mọi sự.
Cho nên phải viết về cái chết nếu như bạn muốn làm người chính trực, đặc biệt là muốn viết về một xung đột nghiêm trọng nào đó. Chúng ta phải chấp nhận rằng cái chết có thể tìm đến bất cứ nhân vật nào, vào bất cứ thời khắc nào. Bạn không thể sống vĩnh cửu chỉ vì bạn là đứa trẻ cực kỳ đáng yêu hay là người bạn tốt nhất của nhân vật chính, thậm chí là nhân vật chính. Người hùng, siêu nhân cũng phải chết – chí ít ra, trong tác phẩm của tôi.
Tôi yêu quý các nhân vật của mình, cho nên tôi rất khó để cho họ chết, nhưng tôi biết, đó là điều cần thiết. Tôi có gắng làm sao để những nhân vật khác giết họ chứ không phải là mình.
Một cảnh phim Trò chơi vương quyền
Nghề văn là một nghề kinh khủng, nếu xem đó làm hoạn lộ. Không nên chọn nghề văn là phương cách kiếm tiền, gây dựng tuổi tên hoặc nhằm những gì đó tương tự. Nếu như bạn cần phải viết ra, nếu trong bạn nảy sinh những câu chuyện, nếu hồi nhỏ bạn nghĩ ra những tên gọi, những tiểu sử cho đống đồ chơi của mình, xin cứ tự hỏi: sẽ như thế nào nếu như chẳng bao giờ có người nào trả bạn một xu cho những điều bạn viết ra. Thế thì bạn có viết không? Và nếu như bạn vẫn chấp thuận viết, thì bạn là nhà văn. Khi đó bạn buộc phải viết, viết là việc duy nhất bạn có thể làm được.
Nếu không, mất đôi ba năm mà chẳng bán được bản thảo nào thì bạn nên từ bỏ ý định cũ và làm việc khác, ví dụ, làm tin học chẳng hạn, Tôi nghe nói, nghề ấy rất có tương lai. Mọi người đều nhìn vào lối sống của nhà văn, trong đó có rất nhiều cái hay. Nhưng bạn cần phải viết nếu như bạn có cốt truyện để sẵn lòng chia sẻ.
Nếu như trong bạn đã hội đủ các nhân vật đang nhất quyết đòi được thoát thai. Đó là lời khuyên của tôi, cho những ai bắt đầu viết văn. Phần mình, tôi khao khát được trở lại tuổi ba mươi, tôi muốn chu du khắp thế giới, đến những chỗ kỳ thú, nếm trải những cuộc phiêu lưu kỳ lạ. Nhưng nếu như tôi lần nữa được hưởng tuổi ba mươi, tôi rất muốn làm việc nhiều hơn nữa.
Theo Galaxy’s Edge
ĐĂNG BẢY