Đức Phật thuyết Kinh Pháp Diệt Thế, Ngài giảng cũng giống như cuộc đời của một con người có sinh lão bệnh tử, giáo lí nhà Phật sẽ tuân theo quy luật phát triển khách quan tự nhiên, đó là quá trình thành trụ hoại không (成住坏空).
Đức Phật từng nói, sự phát triển của Phật giáo sẽ trải qua ba thời kì, đó là thời kì Chính Pháp 500 năm sau ngày Phật nhập Niết Bàn, thời kì Như Lai Tượng Pháp hay còn gọi là Hình Pháp kéo dài 1000 năm tiếp theo, thời kì Mạt Pháp trong 10 ngàn năm tiếp nữa.
Thời kỳ mạt pháp đã đến
Ở thời kì Mạt Pháp, con người bắt đầu xây dựng những ngôi chùa to lớn, nhưng số người thực sự tu hành rất ít, “tà sư nhiều như cát sông Hằng”, xuất hiện những kẻ giả danh đội lốt tu sĩ tự cho mình là nhà luân hồi của chư Phật, còn những người giả thực hành theo Phật tự cho mình là chư Bồ Tát, chùa chiền ngày càng bị thương mại hoá và thực dụng, đạo Phật không còn là đạo tràng thuần tuý nguyên thuỷ.
Trong thời Mạt Pháp ấy, những người gia nhập Phật giáo không tuân thủ giới luật, chép kinh thì bỏ qua trước sau, một số đệ tử phiên dịch kinh không biết ý nghĩa thực sự của kinh Phật, đọc kinh chỉ để cầu danh. Khi chính Pháp sắp diệt vong, thì nữ giới siêng năng tu hành và làm công đức không ngừng, nam giới thì lười biếng. Đến lúc người người coi Phật giáo như cứt, không còn tin vào Phật, thì chính Pháp sẽ bị xoá sổ.
Khi đó, chư thiên sẽ rơi nước mắt (đoạn này ý nói Đức Phật đau buồn vì Pháp mất), khí hậu trên thế giới sẽ không được điều chỉnh, mùa màng sâu bọ tàn phá kém năng suất, dịch bệnh tràn lan, sẽ có nhiều người chết vì đại dịch. Con người lúc đó sẽ khổ chỉ vì đua nhau làm quan, càng nhiều tiền càng khổ, tâm tư ham vui hỗn loạn, kẻ gian ác ngày càng nhiều.
Khi đại họa sắp ập đến, thời gian ngày đêm ngắn lại, luân chuyển sự sống tăng nhanh, con người đến tuổi bốn mươi tóc đã bạc. Nam giới dâm dật dẫn đến chết yểu, tuổi thọ bị rút ngắn, tuổi trung bình của nam giới khoảng sáu mươi. Còn nữ giới thì tuổi thọ cao, có thể lên tới bảy mươi, tám mươi, chín mươi, thậm chí cả trăm tuổi…
Đối chiếu với nội dung Kinh Pháp Diệt Tận, rõ ràng chúng ta hôm nay, đang ở trong thời kì Mạt Pháp.
Ở thời kì Hình Pháp trước đó, chùa chiền chỉ là những ngôi miếu nhỏ nép mình dưới chân núi, bên dòng sông, thường ở cuối làng. Những ngôi chùa giản dị ấy do tăng đoàn làm chủ, ngoài chùa có chút ruộng đất để trồng trọt, chăn nuôi, nên tự cung tự cấp không cần tiêu đến tiền bạc.
Sang thời Mạt Pháp, cách đây khoảng một ngàn năm, ở tất cả các quốc gia có đạo Phật, triều đình và hoàng tộc đứng sau hỗ trợ xây những ngôi chùa lớn, ở đồng bằng là hàng trăm mẫu đất màu mỡ, ở miền núi thì hàng ngàn mẫu đất rừng được phê duyệt chỉ bằng một nét bút. Các nhà sư không nộp thuế, không đóng thuế, họ có dòng tiền dồi dào, có thể cho nông dân vay với lãi suất cao, nếu không đủ tiền trả sẽ tịch thu ruộng đất và biến họ thành những người canh giữ tá điền.
Trung Quốc bắt đầu từ Đường Vũ Tông, vị hoàng đế cho phép xây những ngôi chùa to lớn vì tham lam, các tăng đoàn tha hồ chiếm dụng đất đai, dòng tiền nhiều vô kể. Ở ngay Tây Tạng, suốt một ngàn năm trước là chế độ nô lệ, nông nô bị giới tăng ni cai trị mà không có sự phản kháng.
Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không ngoại lệ
Thái Lan theo đạo Phật, thu nhập của người dân Thái rất thấp, nhưng vua và hoàng tộc Thái Lan thì giàu bậc nhất thế giới, nhiều ngôi chùa ở Thái Lan vô cùng xa hoa. Campuchia và Myanmar cũng hao hao giống Thái Lan.
Buôn thần bán thánh chỉ bắt đầu từ 198x…
Đến nay, hầu hết các ngôi chùa có những ông thầy cúng mặc áo cà sa, họ đi xe siêu sang, vé máy bay hạng thương gia, điện thoại Vertu, uống rượu tây, thư kí trẻ xinh đẹp thay như thay áo. Mỗi show cúng giải hạn, cúng ma, cúng tuần người chết có giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu, thí chủ không tử tế là họ cắt cúp bớt thời gian cúng, thậm chí doạ cúng bậy cúng bạ.
Không khó để tìm thấy sư ăn thịt chó.
Càng chùa lớn thì thầy cúng càng bậy bạ, chẳng cứ Việt Nam, khắp Đông Nam Á, Đông Á và Ấn Độ cũng như Nepan đều rơi vào tình trạng như vậy.
Thương mại hoá đền chùa ở khắp mọi nơi.
Thực ra, nói thương mại hoá đền chùa là chưa chính xác, mà phải là doanh nghiệp xâm chiếm đền chùa. Ở đâu có con người thì ở đó có kinh doanh. Các nhà sư cũng thuận theo dòng chảy, ở những ngôi chùa cổ, từ chính quyền địa phương cho đến các doanh nhân nhòm ngó. Hàng loạt những công ty kinh doanh Phật giáo ra đời.
Sư giả hạng hai hạng ba ngày càng nhiều. Trong các ngôi chùa, sư giả kém chất lượng đọc kinh giả hay hơn kinh thật, kinh giả lại sinh ra phật tử giả, phật tử giả phối hợp với sư giả để sinh ra Pháp giả, cuối cùng thì Pháp chân chính không có chỗ để cứu độ chúng sinh.
Nhu cầu hối lộ thần Phật ngày càng tăng
Mùng 1 hôm rằm, các ngày lễ, chùa nào cũng đầy ăm ắp người mang đống tiền đến lễ, họ cầu chức quyền, cầu danh vọng, cầu tiền bạc, cầu vinh hoa phú quý an toàn cho bản thân.
Những ngôi chùa cổ không đủ sức phục vụ nhu cầu cúng bái. Hàng loạt ngôi chùa thương mại to lớn, tu viện thương mại to lớn, thiền viện thương mại to lớn được ra đời, cứ thế chễm chệ chiếm một vài ngọn núi của một tỉnh nào đó, những tờ tiền do khách thập phương đến cúng lần lượt bị ai đó lấy đi.
Ở chùa chiền, tu viện, hay học viện Phật giáo nào cũng đều có những ông chủ lớn và quan chức lớn đứng sau những thầy cúng thầy bói giả danh sư, mục đích là để kiếm tiền. Để thu được nhiều tiền, thì các nhà đầu tư phải xây những ngôi chùa siêu to siêu khổng lồ bằng xi măng cốt thép sơn giả gỗ, tượng Phật siêu to siêu khổng lồ bằng cót ép, đồ cúng chay siêu to siêu khổng lồ giả lợn gà ngan vịt đủ cả.
Không chỉ vậy, các ngôi chùa còn thay tên đổi họ để hút khách, các câu chuyện tôn giáo bịa đặt, sinh hoạt tôn giáo giả tạo, tuyên truyền mê tín dị đoan gây tác động xấu đến xã hội.
Tất cả các quốc gia theo đạo Phật đều như vậy.
Trong tác phẩm Tây Du Kí, tác giả Ngô Thừa Ân kể Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh, Đức Phật yêu cầu Đường Tam Tạng phải đổi tất cả những thứ quý giá nhất để lấy kinh thật, nhưng khi về mở ra thì chẳng cuốn nào có chữ, kinh không chữ tức là kinh giả, là vì Phật Tổ cũng muốn kiếm ăn.
Có 3 lí do doanh nghiệp xâm chiếm chùa chiền:
❶ Dòng vốn thương nghiệp.
❷ Khai thác du lịch quá mức.
❸ Chùa chiền tu viện tìm kiếm lợi nhuận.
Có 8 biểu hiện doanh nghiệp xâm chiếm chùa chiền:
❶ Bán vé giá cao.
❷ Tiền đặt lễ nhiều.
❸ Gọi hồn, cúng bái, bói toán, hầu đồng…
❹ Bán pháp vật với giá cao.
❺ Phát triển các dịch vụ kinh doanh.
❻ Gây quỹ.
❼ Hành vi lừa đảo của người xuất gia.
❽ Sư giả, tăng ni giả, phật tử giả.
Có 5 hậu quả doanh nghiệp xâm lấn chùa chiền:
❶ Phá hoại hình ảnh Phật giáo.
❷ Phá hoại hoằng Pháp.
❸ Huỷ hoại di tích văn hoá.
❹ Huỷ hoại tài nguyên du lịch.
❺ Thay đổi tính chất yên tĩnh, tôn nghiêm, trang nghiêm của các cơ sở sinh hoạt tôn giáo.
Người xưa có câu: “Đức cao quỷ thần khâm”. Nếu hiểu theo nghĩa tiêu cực, là khi một người hay một thế lực tạo nên vầng hào quang đức độ giả tạo, thì đến quỷ thần cũng phải nể sợ, huống chi người trần mắt thịt. Vì thế mà những ngôi chùa siêu to siêu khổng lồ, những ông sư thuyết pháp nhoay nhoáy trên Youtube, đương nhiên sẽ làm những người dân kinh hãi mà lao vào cúng dường như thiêu thân, quan chức tham ô tham nhũng đương nhiên rất sợ, họ không tiếc tiền của dâng cúng để cầu an.
Sư đang là một nghề rất hót
Trong xã hội, bao giờ cũng có nhiều hoàn cảnh khác nhau, chuyên môn khác nhau, trách nhiệm cũng khác nhau. Giáo viên cần chuyên tâm dạy dỗ học sinh. Bác sĩ cần chuyên tâm cứu chữa người bệnh. Sư sãi cần chuyên tâm giảng kinh. Doanh nhân cần chuyên tâm làm kinh tế.
Nếu giáo viên, bác sĩ, sư sãi cũng đua nhau kinh doanh để trở nên giàu có, thì giáo viên làm sao đủ kiến thức dạy học sinh, bác sĩ làm sao đủ y thuật để cứu bệnh nhân, chùa chiền làm sao đủ tôn nghiêm để thực hành đạo Pháp.
Trong thực tế chúng ta đều biết, Phật giáo Đại thừa đặc biệt chú trọng đến việc cứu độ chúng sinh, vì vậy, những người xuất gia có hoài bão và mong muốn hoằng dương Phật pháp. Sau khi Thích Ca Mâu Ni thành Phật, Ngài không chỉ quan tâm đến tự do của bản thân, mà còn đi khắp nơi thuyết và giảng Pháp.
Vẫn biết Pháp là bất tử. Nhưng dù sao Pháp cũng là để phục vụ người sống, Pháp cuối cùng phải do người sống tiếp tục, cho dù không tham sống thì chết đói cũng chẳng thể thực hành Pháp. Từ đây các nhà tu hành nảy sinh quan niệm tại sao không tìm kiếm hỗ trợ tài chính để thực hiện lí tưởng.
Tóm lại là sư sãi tìm cách biện minh để kiếm tiền. Số tiền kiếm được sẽ làm những việc có ích như từ thiện. Đây là quan niệm hoàn toàn nhầm lẫn. Chùa là để độ người thành Phật, chỉ nghĩ đến làm từ thiện thì không thể khiến người ta thành Phật, người tu hành nghĩ đến kiếm tiền để làm từ thiện thì bản chất cũng chỉ là con buôn.
Nếu làm việc thiện có thể khiến người ta thành Phật, thì tại sao Thích Ca Mâu Ni lại xuất gia tu khổ hạnh, Ngài làm bao nhiêu việc thiện chẳng lẽ chưa đủ hay sao.
Làm từ thiện với thành Phật là hai việc khác nhau
Việc làm từ thiện với một trái tim trong sáng, có thể làm tăng trưởng từ bi của một người theo giáo lí nhà Phật, nhưng không nhất thiết dẫn đến Phật quả. Người làm từ thiện không có nghĩa là ngừng tu hành, thành Phật hay không là do người tu hành, chứ không phải do làm từ thiện.
Từ bi, đạo Phật chủ trương nên làm từ thiện cho xã hội, đây là triết lí căn bản của Phật giáo. Phật giáo là tôn giáo đóng góp nhiều nhất cho công tác từ thiện xã hội. Nhưng không thể lấy từ thiện để bao che cho việc làm tiền, bởi chốn tịnh thất của Phật giáo mà phồn thịnh như xã hội, thì Phật giáo không còn là Phật giáo.
Đạo Phật đã qua 1000 năm của thời kì Mạt Pháp, nhưng không có nghĩa là đạo Phật đến hồi diệt vong, hay đạo Phật sẽ diệt vong. Hoàn toàn không phải vậy. Bất luận chúng ta nói về Pháp, hay nói về Mạt Pháp, không có nghĩa là sinh diệt hoàn toàn, mà tâm của chúng sinh đang biến chuyển, phần lớn sự biến chuyển là xa rời chính Pháp.
Thế kỉ 21 là mở đầu cho thời kì suy đồi của đức tin, không có gì ngạc nhiên khi các ngôi chùa ngày càng bị thương mại hóa, sẽ còn xuất hiện những điều kì dị và lệch lạc hơn thế này rất nhiều. Đó là khi đạo đức của một hành tinh bị suy đồi, đừng hi vọng quốc gia nào không suy đồi, ngay cả chùa chiền, đạo quán, thậm chí nhà thờ cũng sẽ bị suy đồi như vậy, nạn tăng giả, đạo sĩ giả, tín đồ giả lần lượt xuất hiện.
Đến lúc dối trá tràn ngập thế giới, gian dối trở thành chủ đạo, tà ác trở thành chính nghĩa, đúng trở thành sai và sai trở thành đúng, khi trắng đen đảo lộn, hươu bị buộc tội làm ngựa, mèo bị ép ăn cứt thay chó, quan trở thành đầy tớ, khách hàng trở thành thượng đế, dân thì gian và quan thì tham, đám đông trở nên hèn hạ không dám nói ra sự thật, thế giới đầy những bất trắc và nguy hiểm.
Trong tình huống như vậy mỗi người nên làm gì?
Người nghèo nên tự lo cho mình, giàu thì đi giúp đời, nếu không có khả năng thì cứ là chính mình, giá trị là ở sự khác biệt, tức là không được chạy theo bầy quỷ, phải luôn giữ vững công lí trong lòng, luôn ngay thẳng, tăng cường làm việc thiện và bước về phía trước.
Kinh Pháp Diệt Thế giảng rằng, hàng triệu năm sau, kinh Phật sẽ không còn tụng, không có người đọc, không có chữ, không có câu. Nhưng tất cả yêu ma cùng tu sĩ giả sẽ chết đi, linh hồn của họ sẽ đoạ vào địa ngục vô độ, nằm trong ngũ nghịch.
Trong quá trình ấy, Bồ Tát và A la hán vẫn xuất hiện, nhưng phải ở ẩn. Khi tai hoạ kết thúc, chiếc áo cà sa của người ẩn dật chuyển sang màu trắng, Di Lặc sẽ thành Phật tại thế gian. Thế giới hoà bình và khí độc được loại bỏ. Mưa thuận gió hoà, ngũ cốc xum xuê, cây cối phát triển.
Thân người lúc đó cao tám thước, tuổi thọ tám vạn bốn ngàn, số lượng chúng sinh được Di Lặc cứu độ sẽ nhiều vô kể xiết, nhưng lũ người tham sân si ác độc thì vẫn bị đầy dưới ngạ quỷ.
(Bài viết sau đêm khai ấn Đền Trần!)
BS TRẦN VĂN PHÚC