Theo Sở Du lịch TP.HCM, sau dịch COVID-19, TP có 37 doanh nghiệp lữ hành xin ngừng hoạt động, trong đó có 7 doanh nghiệp quốc tế. Đơn vị có hoạt động kinh doanh trở lại thì công suất vẫn thấp.
Sở Du lịch TP.HCM cho biết từ sau giãn cách xã hội đến nay, các doanh nghiệp du lịch nội địa đã khởi động lại với lượng khách chủ yếu đi theo dạng cá nhân, nhóm nhỏ gia đình. Gần đây, tín hiệu tích cực hơn là tour khách đoàn đã sôi động khi các công ty, doanh nghiệp tổ chức teambuilding, họp mặt cho nhân viên, khách hàng.
Tuy vậy, ngay các doanh nghiệp đầu ngành, có nguồn lực dự phòng khá thì đến nay cũng chỉ hoạt động khoảng 30-40% công suất, nhân viên nhiều bộ phận vẫn tiếp tục nghỉ làm.
Tính đến hết tháng 5, TP có 37 doanh nghiệp lữ hành gồm 7 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 30 doanh nghiệp lữ hành nội địa xin ngừng hoạt động. Lượng khách trong nước mua tour, dịch vụ vẫn còn rất ít. Thị trường vẫn trông chờ thời điểm mở cửa đón khách quốc tế.
Tình trạng công suất phòng của các khách sạn 3-5 sao trên địa bàn cũng không sáng sủa hơn. Ngoài dịch vụ F&B, khu vực nhà hàng có nhộn nhịp thì số khách lưu trú qua đêm vẫn rất thấp, về đêm chỉ khoảng 10-20% phòng sáng đèn.
Ông Ngô Minh Đức, chủ tịch Tập đoàn HG, cho rằng du lịch phải mất gần 2 năm mới có thể hồi phục được bằng mức trước dịch. “Theo tính toán, phải đến cuối năm 2021, du lịch mới có thể trở lại trạng thái bình thường đi kèm điều kiện thế giới tìm được vắcxin phòng dịch”, ông Ngô Minh Đức chia sẻ trong một hội thảo gần đây diễn ra ở TP.HCM.
TP.HCM đang thực hiện chương trình kích cầu du lịch nội địa lớn nhất từ trước đến nay, kéo dài đến hết năm. Tuy vậy, để kích cầu hiệu quả và đường dài, du lịch TP vẫn còn nhiều việc phải làm.
Từ trước đến nay, lượng khách quốc tế đến TP.HCM luôn chiếm khoảng 50% hoặc cao hơn trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Việc phụ thuộc vào khách quốc tế, không nhiều điểm đến mới lạ khiến du lịch TP hồi phục vất vả hơn so với các địa phương khác, những nơi có lợi thế về bãi biển đẹp hay thắng cảnh mộng mơ.
Ông Võ Anh Tài, phó tổng giám đốc Saigontourist Group, cho rằng ở mảng nội địa, du lịch TP chủ yếu đóng vai trò đưa khách đi cả nước, tỉ lệ người TP.HCM đi du lịch tại chỗ không cao. Do đó cần có chiến dịch thu hút người TP đi khám phá, tìm hiểu những điểm tham quan ngay tại TP.
Du khách tham gia tour này sẽ không chỉ có cơ hội lưu trú trong những khách sạn có tuổi đời, lịch sử cả trăm năm mà còn tận hưởng các đặc sản văn hóa, ẩm thực, du lịch đường sông, du lịch sinh thái…
Du lịch TP.HCM phải tích cực thúc đẩy, xây dựng sản phẩm tour, tuyến mới, một trong những yếu tố để thu hút du khách đi lại sau dịch.
Gỡ khó tín dụng cho doanh nghiệp du lịch, lữ hành
Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết 3 tháng gần đây, ngành ngân hàng TP đã hỗ trợ 223.990 doanh nghiệp với hơn 290.000 tỉ đồng giúp các doanh nghiệp cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất vay cũng như cho vay mới… tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Riêng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn TP, qua phối hợp với Sở Du lịch, Sở Công thương TP, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã tháo gỡ, hỗ trợ gần 50 doanh nghiệp khó khăn về tín dụng có điều kiện tiếp cận vốn mới. Tuy nhiên, theo Sở Du lịch TP, với vai trò là trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước, TP có khoảng 1.300 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch, và con số thực tế doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực du lịch còn nhiều hơn thế. |
Theo Tuổi Trẻ