Theo đánh giá của Bộ Công Thương, ngành sản xuất bia ở Việt Nam đã trở thành ngành công nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tính toán của bộ này cũng cho thấy, hiện ở Việt Nam có 119 cơ sở sản xuất bia có sản lượng trung bình từ 20 – 25 triệu lít/năm/cơ sở. Với sản lượng năm 2016 đạt 3,78 tỉ lít bia, tổng nộp ngân sách của các đơn vị lên tới 30.000 tỷ đồng. Theo quy hoạch ngành bia, dự kiến đến năm 2020 Việt Nam sẽ sản đạt sản lượng 4,1 tỷ lít bia/năm và tăng lên đến 4,6 tỷ lít bia/năm vào năm 2025.
Đưa ra nhiều con số và lý lẽ khác nhau để bảo vệ quan điểm cần dán tem cho bia, Bộ Công Thương cho hay, dù mang lại nguồn đóng góp lớn cho ngân sách nhưng thị trường bia đang tồn tại nhiều vấn đề ảnh hưởng đến công tác quản lý dẫn tới gây thất thu ngân sách, tạo môi trường cạnh tranh không bình đẳng. Cụ thể, tình trạng nhập lậu bia, sản xuất bia giả, đặc biệt là gian lận thương mại, khai báo không chính xác sản lượng và tiêu thụ của nhiều doanh nghiệp sản xuất bia đã dẫn đến việc thất thu thuế cho ngân sách, tạo môi trường cạnh tranh bất bình đẳng.
“Theo tính toán của các chuyên gia, chênh lệch giữa sản lượng bia khai báo nộp thuế với sản lượng thực tế (tính toán trên lượng malt nhập khẩu để sản xuất ra bia) hiện ở mức từ 7%-10%. Nếu tạm tính theo tổng thu ngân sách nhà nước năm 2016 từ sản phẩm bia, số tiền ngân sách thất thu ước tính từ 2.100 tỷ đến 3.000 tỷ đồng”, Bộ Công Thương cho hay và cho rằng vẫn còn kẽ hở trong quản lý như chưa kiểm soát được vấn đề về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm bia tiêu thụ trên thị trường.
Với đề án này của Bộ Công Thương, tem bia sẽ được dán ở tất cả các sản phẩm bia sản xuất ở Việt Nam, nhập khẩu từ nước ngoài trước khi được đưa lưu thông trên thị trường. Theo đó, giá thành một tem bia giấy là 179 đồng, với tem được in phun trực tiếp là 145,44 đồng. Số tiền các doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra để dán tem cho sản phẩm bia hàng năm dự kiến khoảng 1.700 tỷ đồng, đồng nghĩa mỗi chai (lon) bia sẽ tăng giá tương ứng.
Ước tính của Bộ Công Thương cũng cho thấy, việc dán tem bia giúp cho ngân sách tăng thu khoảng hơn 2.000 tỷ đồng đồng thời việc dán tem sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí từ việc thay đổi mẫu mã, tem nhãn… để chống hàng lậu, hàng giả.
“Với các sản phẩm rượu, thuốc lá, Chính phủ đã ban hành quy định về việc dán tem trên các sản phẩm. Việc này đem lại hiệu quả thiết thực trong quản lý sản xuất kinh doanh, tăng thu cho ngân sách nhà nước khoảng 10% so với trước khi dán tem, chống hàng giả, chống nhập lậu, góp phần tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp và đảm bảo sức khỏe cho người dùng”, Bộ Công Thương nêu quan điểm.
Đề xuất dán tem cho sản phẩm bia của Bộ Công Thương không phải là lần đầu được đưa ra bàn thảo lấy ý kiến. Thậm chí, trong lần lấy ý kiến trước đó, chính đại diện một đơn vị của bộ này khi trả lời báo chí cũng cho rằng đây là việc mà trên thế giới không ai làm.
Theo vị này, các sản phẩm đồ uống theo quy định khi bán ra thị trường đã phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khác nhau về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như đảm bảo chất lượng theo quy định của mỗi quốc gia. Như ở Việt Nam cũng đang quản lý các sản phẩm bia, nước giải khát và các loại đồ uống khác bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến chất lượng và hàng hóa. Người ta chỉ dán tem nhằm quản lý thuế, quản lý các mặt hàng nhập khẩu chứ thế giới không ai dán tem nhằm quản lý an toàn chất lượng sản phẩm bia cả.
Theo Tiền Phong