Năm 1947, được phép của Trung ương, đại diện Chính phủ kháng chiến và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ đã mở xưởng in bạc tín phiếu tại Cà Mau phát hành trong toàn vùng với các mệnh giá 5, 50, 100, 500, 1.000 đồng. Bạc tín phiếu in và phát hành kịp thời, góp phần phát triển sản xuất, mở rộng lưu thông hàng hóa. Đồng thời, Trung ương cho phép sử dụng lại đồng tiền Đông dương của Pháp lưu hành tại các tỉnh Nam bộ với các con dấu của Ủy ban hành chính kháng chiến.
Thực hiện chủ trương của Trung ương, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ bảo vệ nền độc lập non trẻ, quân và dân miền Nam vừa dũng cảm chiến đấu bẻ gãy các cuộc tấn công của quân Pháp, vừa ra sức xây dựng vùng tự do thành hậu phương vững mạnh, phát động phong trào thi đua ái quốc sôi nổi trong toàn dân, tập trung vào mục tiêu giết giặc lập công, tăng gia sản xuất, học tập, xây dựng đời sống mới… đã có tác động tích cực đến sự nghiệp kháng chiến – kiến quốc trong toàn miền, góp phần vào thành quả của cuộc kháng chiến trong cả nước.
Năm 1947, được phép của Trung ương, đại diện Chính phủ và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ đã mở xưởng in bạc tín phiếu tại Cà Mau phát hành trong toàn vùng với các mệnh giá 5, 50, 100, 500, 1.000 đồng. Bạc tín phiếu in và phát hành kịp thời, góp phần phát triển sản xuất, mở rộng lưu thông hàng hóa. Do điều kiện khó khăn của việc in ấn, Ủy ban hành chính kháng chiến Nam bộ được sự đồng ý của Trung ương cho phép sử dụng lại đồng tiền Đông dương của Pháp lưu hành tại các tỉnh Nam bộ với các con dấu của Ủy ban hành chính kháng chiến.
Tiền giấy lưu hành tại Nam bộ của thời kỳ Ủy ban hành chính kháng chiến (1945 – 1954) được lưu giữ tại nhiều Bảo tàng và một số ít nhà sưu tập, bao gồm 2 loại tiền giấy: Tờ tiền in hình Hồ Chủ tịch và tờ tiền Đông Dương phát hành có dấu của Ủy ban Hành chính kháng chiến các tỉnh. Những tờ tiền này gắn liền với những hoạt động của các phong trào thi đua ái quốc và phục vụ công tác hậu cần trong kháng chiến chống Pháp.
Những tờ giấy bạc lưu hành tại Nam bộ của thời kỳ Ủy ban hành chính kháng chiến minh chứng tấm lòng của nhân dân đối với kháng chiến, đồng thời còn làm sáng tỏ nhiều vấn đề về một nền tiền tệ độc lập và tự chủ của Việt Nam giai đoạn 1945-1954.
Người viết đã từng may mắn có dịp tiếp xúc hàng trăm tờ tiền giấy do chính phủ kháng chiến in và tiền Đông dương Pháp có dấu của Ủy ban Hành chính kháng chiến tại Nam bộ với nhiều mệnh giá, xuất xứ từ nhiều địa phương đang được lưu giữ nhiều nơi.
Sơ lược về tiền tệ Việt Nam
Trong lịch sử phát triển của mỗi quốc gia, tiền có một vị trí quan trọng. Ở Việt Nam, đồng tiền đầu tiên xuất hiện dưới triều Đinh (968-980), thời Lê có Hồng Đức thông bảo, Tây Sơn có Quang Trung thông bảo, thời Nguyễn có Bảo đại thông bảo. Tiền đúc bằng đồng, kẽm, sắt, nặng hay nhẹ phản ảnh tình hình tài chính và sức tiêu dùng của xã hội. Tiền giấy phát hành một thời gian ngắn vào thời nhà Hồ – Thông bảo Hội sao (1400 -1407).
Khi Pháp xâm lược Việt Nam, tiền kẽm lùi dần vào quá khứ. Đồng xu, đồng nữa xu bằng thau có lỗ tròn, đồng bạc không lỗ xuất hiện cùng với tiền giấy lưu hành khắp 3 nước Việt, Miên, Lào (tiền Đông Pháp). Năm 1875, Banque de L’Indo-Chine đầu tiên phát hành tiền ở Hải Phòng và SàiGòn, ngoài tiếng Pháp còn có thêm tiếng Anh chỉ giá trị tờ bạc 1, 5, 20, 100 đô la và dòng chữ “trả tiền vàng cho người cầm giấy bạc”. Trong quá trình thực dân, tiền giấy Pháp được phát hành đủ loại từ 5xu, 10 xu, 100, 200, 500 đồng. Loại giấy bạc thứ 2 được phát hành thời gian sau này với tên ngân hàng Banque de L’Indochine (chữ L’Indochine viết liền nhau). Giấy bạc Độc lư, con Công là những tờ giấy bạc lớn được dùng khá lâu dài dưới thời Pháp. Thế chiến thứ 2 ảnh hưởng đến Đông Pháp, loại giấy bạc mang tên cơ quan phát hành “Gouvernement Général de L’Indochine” (Chính phủ Đông Pháp) ra đời.
Nước VNDCCH ra đời ngày 2-9-1945. Ngày 31/1/1946 chính phủ Hồ Chí Minh ký nghị định phát hành giấy bạc Việt Nam. Khoảng thời gian này, đồng tiền của Pháp vẫn lưu hành khắp 3 nước Việt, Miên, Lào. Có thời kỳ tiền có mệnh giá nhỏ thiếu, dân chúng phải xé đôi tờ giấy bạc để trao đổi. Với âm mưu tái chiếm Đông Dương, thực dân Pháp thành lập Institut d’Emission des Etats du Cambodge, du Laos et du Viet Nam (Viện phát hành Cao Miên, Lào và Việt Nam) phát hành giấy bạc mới. Riêng tờ giấy bạc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời sau gần một trăm năm bị Pháp đô hộ, nhân dân thường gọi là bạc cụ Hồ.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến, việc liên lạc giữa các địa phương với Trung ương gặp nhiều khó khăn Khoảng thời gian từ 1947 – 1954 mỗi vùng phát hành một loại tiền riêng. Trung bộ phát hành tín phiếu, Nam bộ phát hành tiền Nam bộ, phiếu tiếp tế. Ngành tài chính Nam Bộ phải tự đảm bảo các hoạt động quân sự, hành chánh xã hội. Trong khi đó, giấy bạc Đông Dương ngân hàng do Pháp quản lý vẫn còn lưu hành giao dịch trong nhân dân, có nhiều khả năng và nguy cơ Pháp sẽ thao túng nền kinh tế khi biết được nhược điểm trong quan hệ mậu dịch nhân dân và chính quyền kháng chiến còn dùng tiền Đông Dương ngân hàng in tại nhà in IDEO (Imprimeri d’Extreme-Orient) Hà Nội. Mục tiêu của thực dân Pháp làm đình trệ việc giao dịch mua bán giữa chính quyền cách mạng và nhân dân . Trước tình hình khẩn trương đó, Sở Tài chính Nam bộ kiến nghị với Uỷ ban hành chánh kháng chiến xin TW in tờ giấy bạc Việt Nam ở Nam bộ, đồng thời với việc biến tiền giặc thành tiền của ta. Theo cách đó, Uỷ ban Kháng chiến dùng con dấu có sẵn của chính quyền cách mạng tỉnh, quận đóng lên tờ giấy bạc Đông Dương mà thực dân Pháp quyết định không lưu hành trong vùng tạm chiếm nữa, để dân ta lưu hành lại trong vùng tự do theo các ký hiệu riêng. Việt Nam hoá tiền Đông dương Ngân có tác dụng đưa sự mua bán trở lại bình thường. Tiền có đóng dấu của chính quyền kháng chiến không chỉ lưu hành trong vùng tự do mà còn len lỏi vào vùng tạm chiếm, gián tiếp tuyên truyền cho kháng chiến. Tuy nhiên, biện pháp đối phó này chỉ mang tính tạm thời, nên Sở tài chính Nam bộ khẩn trương in tiền Bác Hồ sau khi TW cho phép. Tờ giấy bạc Việt Nam phát hành ở Nam bộ làm bằng phương pháp thủ công có mẫu mã khác giấy bạc Trung ương với chữ ký của Chủ tịch Ủy ban hành chánh kháng chiến, gồm các loại 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng.
Về con dấu của Ủy ban hành chính kháng chiến
Riêng về con dấu của Ủy ban hành chính kháng chiến được phân định rõ theo quy định về hành chính và địa lý. Cụ thể: năm 1945 tại Nam kỳ có 21 tỉnh, trong đó tỉnh Châu Đốc có 5 quận là Tịnh Biên, Tri Tôn, Hồng Ngự, Tân Châu, Châu Phú. Tỉnh Long Xuyên có 3 quận là Chợ Mới, Thốt Nốt, Châu Thành. Năm 1953, tỉnh Long Xuyên gồm 5 quận (thành lập thêm 2 quận Núi Sập và Lấp Vò), tỉnh Châu Đốc vẫn như cũ (5 quận). Đêm 22/9/1945, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ được thành lập. Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh thành lập các chiến khu trong toàn quốc. Tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc thuộc Khu 9.
Để thuận lợi trong việc lãnh đạo địa bàn kháng chiến, ngày 12/9/1947, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ ra Chỉ thị số 50/CT phân chia lại địa giới 2 tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc thành 2 tỉnh mới là Long Châu Tiền thuộc Khu 8 và Long Châu Hậu thuộc Khu 9.
– Tỉnh Long Châu Tiền có 5 quận là Tân Châu, Hồng Ngự, Chợ Mới, Châu Phú B (An Phú ngày nay) và Lấp Vò.
– Tỉnh Long Châu Hậu có 6 quận là Tịnh Biên, Tri Tôn, Thốt Nốt, Thoại Sơn, Châu Phú A và Châu Thành (bao gồm 2 tỉnh lỵ là Long Xuyên và Châu Đốc).
Ngày 07/02/1949, tỉnh Long Châu Hậu giao quận Thốt Nốt về tỉnh Cần Thơ và ngày 14/5/1949, tỉnh Long Châu Tiền giao quận Lấp Vò về tỉnh Sa Đéc.
Tháng 5/1949, tỉnh Long Châu Hậu tiếp nhận 3 xã Nam Thái Sơn, Bình Sơn và Thổ Sơn của quận Châu Thành (Rạch Giá) nhập vào quận Tri Tôn và tiếp nhận 2 xã Mỹ Hiệp Sơn (trừ 2 ấp Mỹ Phú, Mỹ Quới) và Tân Hội cùng 4 ấp của xã Tân Hiệp nằm về phía Bắc lộ Cái Sắn vào quận Thoại Sơn.
Tháng 6/1949, chia quận Tân Châu của tỉnh Long Châu Tiền thành 2 quận mới là quận Phú Châu gồm 17 xã và quận Tân Châu gồm 10 xã.
Tiền “Bác Hồ” và tiền Đông dương Pháp có dấu của Ủy ban Hành chính kháng chiến tại Nam bộ được lưu hành tại 23 tỉnh như Bến Tre, Vĩnh Long, Biên Hòa, Hà Tiên, Mỹ Tho.. . Có tờ bạc chỉ lưu hành trong một khu vực hạn chế trong các tỉnh Long Châu Sa (Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc)
Điều độc đáo nhất của những tờ giấy bạc in con dấu UBHCKC đã đến tận nhiều làng, xã. Chẳng hạn chỉ riêng tỉnh Bến Tre, có những tờ tiền được sấp xếp thống kê đến 50 con dấu UBHCKC quận, thị xã, công an làng, xã hoặc cùng một tờ tiền có đến 3 con dấu UBHCKC của 3 địa phương cùng những khẩu hiệu chống Pháp, ủng hộ Hồ Chí MInh.
Những tờ giấy bạc do UBHCKC in ấn và tiền giấy Đông dương Ngân hàng được lưu hành trong thời kháng chiến tại Nam bộ và được lưu giữ trong dân là điều khá thú vị và độc đáo. Tất cả chứng minh cho tấm lòng của nhân dân đối với kháng chiến và Hồ Chủ tịch cùng phong trào thi đua ái quốc tại Nam bộ.
NGUYỄN XANH
Một số hình ảnh minh họa: