Theo SSI Research, sản lượng tiêu thụ của Sabeco năm nay có thể sụt giảm 12-20%. Trong khi đó, cổ phiếu Sabeco vừa rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử từ khi niêm yết.
Ngày 23/3 chứng kiến một trong những phiên giảm mạnh nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam khi VN-Index giảm hơn 6%. Cổ phiếu của 9/10 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán giảm kịch biên độ.
Với cổ phiếu Sabeco, phiên giao dịch hôm qua ghi nhận kỷ lục buồn khi thị giá rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử – 115.000 đồng/cổ phiếu.
Bốc hơi 3 tỷ USD vốn hóa trong 3 tháng
Cổ phiếu Sabeco chào sàn vào ngày 6/12/2016 và đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên với mức giá điều chỉnh 123.300 đồng. Suốt 12 tháng sau, cổ phiếu của doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam tăng giá ổn định và chạm mức đỉnh 321.600 đồng vào cuối năm 2017.
Cổ phiếu Sabeco đã điều chỉnh giảm sau đó nhưng hầu như luôn duy trì vùng giá trên 200.000 đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, cổ phiếu Sabeco liên tục lao dốc. So với hồi đầu năm, cổ phiếu Sabeco đã sụt giảm gần 50% giá trị. Vốn hóa doanh nghiệp bốc hơi 3 tỷ USD sau chưa đầy 3 tháng.
Với vùng giá 115.000 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa hiện tại của Sabeco đạt hơn 3 tỷ USD. Kéo theo đó, giá trị thị trường của gần 54% cổ phần mà ThaiBev đang sở hữu tại Sabeco chỉ còn chưa đến 2 tỷ USD.
Trong khi đó, tập đoàn của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã chi gần 5 tỷ USD cách đây 2 năm mua khối cổ phần trên để thâu tóm thương hiệu Bia Sài Gòn.
Sản lượng tiêu thụ giảm mạnh
Trong báo cáo cập nhật mới đây về Sabeco của SSI Research, chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán này nhận định mức sụt giảm sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Bia Sài Gòn sẽ cao hơn nhiều so với dự đoán -3% trước đây khi ngành bia mới chịu tác động từ quy định xử phạt hành vi lái xe sau khi uống rượu, bia (Nghị định 100).
Dự báo được đưa ra khi dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam diễn biến phức tạp khiến người tiêu dùng hạn chế việc tụ họp đông người, kéo theo doanh thu của các nhà hàng bị ảnh hưởng. Trong khi đó, theo Euromonitor, kênh nhà hàng chiếm khoảng 70% về tổng sản lượng tiêu thụ và 76% về giá trị của ngành bia.
“Dù khó có thể định lượng chính xác tác động của dịch bệnh, chúng tôi dễ dàng nhận thấy dịch bệnh cùng với Nghị định 100 đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ bia trên diện rộng”, báo cáo phân tích cho hay.
Chuyên gia của SSI dự báo 3 kịch bản về tình hình tiêu thụ năm 2020 của Sabeco với mức giảm sản lượng bia lần lượt là 12%, 15% và 20%, tương ứng với tình hình dịch bệnh ở Việt Nam được kiểm soát, kết thúc vào giữa, cuối và sau quý II. Các giả định này dựa trên yếu tố người tiêu dùng dần thích nghi với quy định cấm lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn.
Với ba kịch bản giảm sản lượng 12%, 15%, 20%, doanh thu thuần của Sabeco có thể sụt 12%, 14% và 19%. Lợi nhuận ròng theo đó cũng sẽ giảm tương ứng 8%, 10% và 18%.
Theo phân tích của SSI, quý II và quý III thông thường là mùa cao điểm trong năm của ngành bia nhưng xu hướng trên có thể khác trong năm nay khi các gia đình có khả năng hoãn các chuyến du lịch vào kỳ nghỉ hè do học sinh sẽ tiếp tục đi học sau thời gian nghỉ.
Bên cạnh đó, thu nhập khả dụng giảm trong ngắn hạn sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế. Doanh thu của ngành bia không nằm ngoài vòng xoáy này và sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, báo cáo cũng liệt kê điểm sáng trong hoạt động vận hành của Sabeco với nhiều giải pháp tối ưu hóa chi phí như cải thiện nhà xưởng, chuỗi cung ứng, sử dụng năng lượng mặt trời. Ngoài các nỗ lực cắt giảm chi phí, việc giá nguyên liệu đầu vào diễn biến thuận lợi cũng giúp Sabeco tăng tỷ suất lợi nhuận gộp trong bối cảnh giảm doanh thu.
“Trong dài hạn, dù với kịch bản nào, chúng tôi cho rằng tiêu thụ bia sẽ phục hồi trở lại tốc độ tăng trưởng bình thường khi người tiêu dùng hồi phục niềm tin sau khi dịch bệnh kết thúc và thay đổi thói quen để thích nghi với quy định mới”, chuyên gia của SSI bình luận.
Theo brandsvietnam.com