Nhân dịp đón Xuân mới Mậu Tuất 2018, Tạp chí Đồ uống Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) nhằm nhìn lại những kết quả mà VBA đã đạt được trong năm 2017 và đưa ra những phương hướng, nhiệm vụ năm 2018.
PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch VBA tại phòng làm việc.
PV: Với vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp hội viên với các cơ quan quản lý nhà nước, VBA đã có những hoạt động gì để làm tốt vai trò của mình và giúp đỡ các doanh nghiệp hội viên vượt qua khó khăn, thưa Chủ tịch?
PGS.TS Nguyễn Văn Việt: Có thể nói, hoạt động nổi bật và xuyên suốt của VBA trong những năm qua và năm 2017 là nhiệm vụ tham gia xây dựng và thực hiện chính sách liên quan đến ngành. Chúng tôi coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2017 và những năm tiếp theo. Hiệp hội luôn tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách cũng như tổ chức thực hiện chính sách có liên quan trực tiếp và gián tiếp tới sự hoạt động của ngành.
Các hoạt động nổi bật trong năm 2017 của VBA là tham gia góp ý kiến xây dựng một số chính sách liên quan đến ngành Đồ uống, qua đó bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp hội viên. Nhờ những hoạt động tích cực, trách nhiệm của Hiệp hội mà một số chính sách liên quan đến ngành đã được điều chỉnh cho phù hợp sau khi Hiệp hội có công văn kiến nghị. Các bộ ngành và các doanh nghiệp hội viên đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Hiệp hội đã làm được với vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp với các cơ quan quản lý, vai trò, tiếng nói của Hiệp hội cũng được nâng lên. Các cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng đã hiểu hơn về tình hình sản xuất, kinh doanh và mức tiêu thụ của ngành Đồ uống cũng như những đóng góp của ngành đối với kinh tế – xã hội…
Năm 2017, Hiệp hội đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo, tiếp xúc với các đoàn Đại biểu Quốc hội, gặp mặt các doanh nghiệp lớn để lắng nghe những ý kiến của cơ quan quản lý, nhà khoa học, nhà văn hóa, doanh nghiệp và người tiêu dùng về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia mà Bộ Y tế soạn thảo. Thông qua các hoạt động này, Hiệp hội đã cung cấp những thông tin, số liệu, dẫn chứng thuyết phục, lập luận rõ ràng gửi tới các Đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương và cơ quan truyền thông để họ hiểu hơn về ngành Đồ uống.
Trong đó, tập trung vào các nội dung như làm rõ vị trí, vai trò của ngành đối với kinh tế – xã hội đất nước; thực trạng và xu thế sản xuất, sử dụng rượu, bia trên thế giới; phương thức quản lý ngành của các nước, lợi ích của việc uống bia và tác hại của rượu, bia khi bị lạm dụng… Từ đó, họ có cái nhìn khách quan, công tâm, đúng đắn hơn về ngành Đồ uống… Đồng thời, Hiệp hội đã có những văn bản kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xem xét chưa đưa đề xuất xây dựng dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2017. Đặc biệt kiến nghị cần đánh giá tác động về kinh tế – xã hội và cơ sở lập Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng. Nhờ đó, Quốc hội đã chưa đưa dự án Luật phòng chống tác hại của rượu, bia vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 mà lùi thời gian tới năm 2018, cho ý kiến tại Kỳ họp Quốc hội tháng 10 năm 2018, lùi lại hơn 1 năm so với dự kiến ban đầu.
VBA cũng đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho đề xuất xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 05 Luật thuế gồm: Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật thuế tài nguyên. Để có những báo cáo, bộ tài liệu có tính chất thuyết phục gửi đến các cơ quan quản lý đóng góp ý kiến đối với đề xuất xây dựng Dự án Luật sửa đổi bổ sung 5 Luật thuế, Hiệp hội cùng với các doanh nghiệp ngành Nước giải khát đã phối hợp với một số cơ quan nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế và xã hội của Dự án Luật; Nghiên cứu về tác động tình trạng dinh dưỡng khẩu phần, tần suất tiêu thụ và thói quen sử dụng thực phẩm của học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở thành thị và nông thôn Việt Nam. Hiệp hội đã có những văn bản tham gia ý kiến với các bộ chức năng về đề xuất xây dựng Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 5 Luật thuế trên.
Năm 2017, Hiệp hội còn phối hợp với các đơn vị thực hiện khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh rượu làng nghề; Tham gia đoàn công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cồn thực phẩm tại 05 doanh nghiệp sản phẩm cồn thực phẩm tại phía Bắc và phía Nam; Phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội chợ Đồ uống và hàng tiêu dùng Xuân 2017, Triển lãm Quốc tế Đồ uống Việt Nam 2017 tại thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức cho các doanh nghiệp hội viên đi tham quan Triển lãm PROPAK Asia 2017 ở Thái Lan; Triển lãm Drinktec 2017 tại Munich, Đức và Lễ hội Bia Đức. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Môi trường toàn cầu của Nhật Bản (GEC) tổ chức thành công các lớp đào tạo, tập huấn như Hội thảo về Thiết bị Công nghệ Môi trường tại Sabeco và Habeco; Hội thảo Văn hóa uống và An toàn vệ sinh thực phẩm trong ngành đồ uống; Tọa đàm về Ngộ độc rượu chứa Methanol, thực trạng và giải pháp; Tọa đàm về Đề xuất xây dựng Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia…
Hiệp hội đã phối hợp với Công ty CP Bia Hà Nội – Kim Bài; Công ty CP Bia Hà Nội – Hồng Hà; Công ty Crown Việt Nam, Công ty TNHH Hannacans Việt Nam tổ chức thành công 07 lớp đào tạo, cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp hội viên, với những nội dung thiết thực, bổ ích… Hiệp hội phối hợp với Bộ Công Thương và Công ty Cổ phần Bia Hà Nội – Hải Phòng tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu các sản phẩm đồ uống tại thành phố Hải Phòng.
VBA tổ chức Tọa đàm để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, doanh nghiệp.
PV: Xin Chủ tịch cho biết, năm 2017, Văn phòng thường trực Hiệp hội đã có những đổi mới như thế nào nhằm đáp ứng nhiệm vụ mà BCH Hiệp hội thông qua và những kết quả trong công tác đối ngoại, kết nối hội viên?
PGS.TS Nguyễn Văn Việt: Văn phòng Hiệp hội và Tạp chí Đồ uống Việt Nam đã được củng cố, tổ chức lại, chuyên sâu hơn về văn phòng cũng như nhân sự. Tăng cường cán bộ chuyên trách cơ quan Văn phòng Hiệp hội, đổi mới phong cách làm việc. Nhìn chung, bộ máy của Văn phòng Hiệp hội và Tạp chí Đồ uống Việt Nam hiện nay tương đối tinh gọn, cán bộ, nhân viên yên tâm, tích cực công tác, gắn bó với công việc, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Công tác tổ chức, kế hoạch, hoạt động của Văn phòng Hiệp hội và Tạp chí ngày càng nền nếp, đi dần vào chuyên nghiệp. Công tác truyền thông được thực hiện ngày một bài bản và hiệu quả. Mối quan hệ giữa Hiệp hội và Tạp chí với các cơ quan nhà nước, với VCCI, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các cơ quan thông tấn, báo chí ngày càng được tăng cường, góp phần giúp Hiệp hội và Tạp chí đạt được những kết quả đáng mừng.
Quan hệ giữa Hiệp hội và các hội viên được tăng cường, có sự trao đổi công việc thường xuyên, nhất là một số công việc trọng tâm của Hiệp hội như tham gia ý kiến về xây dựng chính sách, tổ chức triển khai các chương trình dự án. Năm 2017, Hiệp hội có 125 hội viên, trong đó có 27 hội viên liên kết. Trong năm, kết nạp thêm được 3 hội viên mới.
Các hoạt động của doanh nghiệp hội viên được thường xuyên kịp thời đăng tải trên Tạp chí Đồ uống Việt Nam và trang web của Hiệp hội. Phần lớn hội viên đều đã quan tâm, theo dõi hoạt động của Hiệp hội, tham gia đóng góp kinh phí, hội phí, quảng cáo trên Tạp chí và trang web của Hiệp hội tạo nguồn thu cho hoạt động của Hiệp hội và Tạp chí.
Văn phòng Hiệp hội luôn liên hệ chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành, VCCI và các cơ quan thông tấn, báo chí nhằm nắm bắt các thông tin, chủ trương, chính sách liên quan đến ngành, tuyên truyền các hoạt động của ngành…
Trong năm 2017, công tác hợp tác quốc tế của Hiệp hội cũng được tăng cường, mở rộng. Lãnh đạo đã làm việc với nhiều đoàn khách nước ngoài đến thăm và làm việc, các bên cùng trao đổi kinh nghiệm kinh doanh, tình hình ngành Bia – Rượu – Nước giải khát tại Việt Nam cũng như tình hình sản xuất, kinh doanh đồ uống ở các nước. Đó là các đoàn lãnh đạo các doanh nghiệp quốc tế có trụ sở tại Việt Nam, các phái đoàn thương mại, sứ quán, các doanh nghiệp tổ chức sự kiện… Đồng thời, Lãnh đạo Hiệp hội cũng tổ chức các đoàn lãnh đạo và doanh nghiệp đi làm việc, khảo sát ở nước ngoài, tìm hiểu thị trường, công tác quản lý ngành của các nước.
Nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Văn phòng Hiệp hội và các doanh nghiệp hội viên đã tích cực đề ra nhiều giải pháp phù hợp, đúng đắn, góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm đề ra. Nhiều nội dung nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội và Ban Chấp hành đã được triển khai thực hiện. Những kết quả đã đạt được là hết sức tích cực, đáng khích lệ và trân trọng.
Bên cạnh đó, hoạt động Hiệp hội cũng còn một số hạn chế do tình hình năm 2017 có những khó khăn, biến động ở các công ty lớn, nhất là công tác thoái vốn nên nghị quyết của BCH Hiệp hội về tổ chức Lễ hội Đồ uống Việt Nam 2017 không tổ chức được. Ngoài ra, mối liên hệ hữu cơ giữa Văn phòng Hiệp hội với một số hội viên chưa sâu sát, hiệu quả; hiệu suất công tác của một số cán bộ, nhân viên chưa cao; công tác truyền thông cần tiếp tục được cải tiến, nâng cao chất lượng, và có nhiều phương thức hiệu quả hơn nữa để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Hiệp hội, các hội viên…
Để đảm bảo công tác hoạt động của Hiệp hội được ổn định lâu dài, tháng 12 năm 2017, Văn phòng Hiệp hội đã chuyển trụ sở làm việc về tầng 2 số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Do đặc thù chuyên môn và để thuận lợi cho công việc, tháng 10.2017, Tạp chí Đồ uống Việt Nam đã chuyển trụ sở làm việc về số 6 Nguyễn Công Trứ, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
PV: Ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, năm 2017, ngành Đồ uống và Hiệp hội còn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, thực hiện nhiều dự án về uống có trách nhiệm và an toàn giao thông. Xin Chủ tịch chia sẻ về những hoạt động nổi bật của Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD)?
PGS.TS Nguyễn Văn Việt: Có thể nói, hoạt động của VARD trong năm 2017 khá sôi động, thiết thực, hiệu quả. VARD là đơn vị trực thuộc VBA, là diễn đàn có ý nghĩa với cộng đồng. Hiệp hội và các doanh nghiệp ngành Đồ uống luôn quan tâm đến công tác truyền thông về uống có trách nhiệm (UCTN) tới cộng đồng, từ đó nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, thực hiện uống có văn hóa, UCTN, đã uống rượu bia thì không lái xe… Năm 2017, VARD đã phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức một số chương trình truyền thông về UCTN như chương trình Người nổi tiếng đồng hành cùng UCTN trên đài phát thanh JoyFM; Truyền thông trên báo điện tử VNExpress; Tổ chức truyền thông về UCTN trên chương trình “Hà Nội những góc nhìn” trên Đài PTTH Hà Nội; Truyền thông qua mạng xã hội…
VARD đã phối hợp với Hiệp hội các doanh nghiệp Rượu châu Á -Thái Bình Dương (APIWSA) ký kết thỏa thuận với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (UBATGTQG), Học viện Cảnh sát Nhân dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức 12 khóa đào tạo về “Đào tạo nâng cao hiệu quả công tác thực thi các quy định của pháp luật liên quan đến nồng độ cồn khi lái xe cho các cán bộ, chiến sỹ cảnh sát giao thông” tại 12 tỉnh/ thành; Tổ chức lớp tập huấn và truyền thông với chủ đề UCTN, phát huy vai trò quyền lực mềm của phụ nữ thông qua mạng lưới của HLHPNVN ở các tỉnh, thành; Triển khai CLB Phụ nữ lên tiếng về UCTN tại Cần Thơ và Ninh Bình; Triển khai sản xuất và truyền thông clip về Uống có trách nhiệm…
PV: Bước sang mới 2018, ngành Đồ uống và Hiệp hội có nhiều thời cơ nhưng cũng không ít những thách thức. Vậy Hiệp hội sẽ có những phương hướng, giải pháp gì để nâng cao hiệu quả làm việc của Hiệp hội, giúp đỡ nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp hội viên, thưa Chủ tịch?
PGS.TS Nguyễn Văn Việt: Trong năm 2018, Hiệp hội sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các chính sách liên quan đến ngày. Tập trung chuẩn bị các số liệu, tư liệu, căn cứ khoa học để tham gia, phản biện những vấn đề có liên quan trong dự án Luật phòng chống tác hại của rượu, bia và tham gia góp ý xây dựng Luật này; Tổ chức các cuộc tiếp xúc với các đoàn đại biểu Quốc hội để gửi những bộ tài liệu đóng góp ý kiến về Dự án Luật; Tiếp tục tham gia góp ý đối với đề xuất xây dựng Dự án Luật sửa đổi bổ sung của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật thuế tài nguyên…
Đổi mới công tác truyền thông theo hướng mở rộng kết nối Tạp chí Đồ uống, trang thông tin điệu tử vba.com.vn với các cơ quan báo chí khác, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ngành. Đổi mới phương thức hoạt động của Tạp chí theo hướng vừa phục vụ, vừa tự hạch toán. Đẩy mạnh, đổi mới quan hệ với các doanh nghiệp hội viên, có các chương trình quảng bá thương hiệu cho các doanh nghiệp tốt hơn. Xây dựng mối quan hệ tốt với các hội viên, chú ý quan tâm tới những hội viên mà hoạt động kinh doanh có nhiều khó khăn vướng mắc. Phấn đấu thu nộp hội phí năm 2018 kịp thời để đáp ứng yêu cầu công việc chung của Hiệp hội. Xây dựng các tiêu chí hoạt động đối với các hội viên; kiện toàn Ban Thường vụ, Ban chấp hành,… Nâng cao hiệu quả chỉ đạo, phối hợp công tác giữa các bộ phận trong Hiệp hội. Tổ chức các hội chợ, triển lãm tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo cho các doanh nghiệp hội viên và tổ chức đoàn tham quan triển lãm ở nước ngoài…
PV: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!
NGUYỄN CHƯƠNG (thực hiện)