Chính phủ đã ban hành Nghị định 17 năm 2020 sửa đổi, bổ sung hàng loạt điều kiện đầu tư, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, trong đó có điều kiện kinh doanh rượu.
Thay vì quy định chung chung như trước đây, tại nghị định này, nguyên tắc quản lý rượu đã được định rõ, đặc biệt là những nội dung liên quan đến giấy phép.
Cụ thể, sản xuất rượu công nghiệp, rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên phải có giấy phép.
Thương nhân bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ phải đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện, còn hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại phải đăng ký với UBND cấp xã nơi đặt cơ sở sản xuất.
Với quy định này có thể thấy, những cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán rượu có độ cồn dưới 5,5 độ không bắt buộc phải có giấy phép hoặc đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Nghị định 17 sẽ có hiệu lực từ ngày 22/3.
Báo cáo nghiên cứu của Tạp chí y khoa Lancet (Anh) về tình trạng sử dụng rượu tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990 – 2017 cho thấy tỷ trọng tiêu thụ rượu nguyên chất trên toàn cầu đang có xu hướng tăng nhanh, nhất là ở các quốc gia có thu nhập thấp, trung bình như Việt Nam, Ấn Độ…
Theo báo cáo này, tổng lượng tiêu thụ rượu trên toàn cầu mỗi năm từ 21 tỷ lít năm 1990 lên 35,7 tỷ lít vào 2017, tương đương tăng 70%. Tại khu vực Đông Nam Á, lượng tiêu thụ rượu đã tăng 34% trong vòng 7 năm (2010 – 2017). Ở giai đoạn này, Việt Nam lại nằm trong nhóm quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ lớn, gần 90% kể từ năm 2010. Mức tăng tại Ấn Độ là 37,2%. Năm 2017 bình quân mỗi người Việt uống gần 9 lít, con số này tại Ấn Độ là 5,9 lít; Nhật Bản là 7,9 lít…
Theo Báo Mới