Họa sỹ (tài tử) Trần Huy Đức một đời vẽ ngựa, có ngày anh vẽ 5-6 bức tuyệt đẹp. Cuối năm 2017 anh đã cho in tập họa thư trên giấy đẹp mang tên Tranh Ngựa Trần Huy Đức với NXB Mỹ Thuật (sang chảnh), tất nhiên là toàn “tranh hay xen lẫn với tranh vừa”.
Thế nhưng, tôi chú ý hơn đến những tranh ngựa Trần Huy Đức mà hàng ngày anh vẫn đưa lên mạng xã hội. Những con ngựa “nóng hổi” và có sức tương tác mạnh hơn nhiều lũ ngựa được/bị in thành sách. Ngựa của anh có hàng trăm, hàng ngàn người mê, dĩ nhiên. Trong đó toàn bậc thức giả đủ cả nam phụ lão ấu, không thiếu các họa sỹ nổi tiếng. Mà…
… quái lạ!
Không hiểu sao tôi chỉ chú ý tới những bức tranh “không ai thèm ngó” theo nghĩa đen. Và “những ngày đen tối” ấy dồn hết vào hai ngày: 18/5/2018 (2-3 bức) và 16/6/2018 (4-5 bức), dường như chẳng ai/ma nào thèm để ý, chỉ có vài ba cú “like” chiếu lệ (trong khi phần lớn tranh anh đều có hàng trăm người “like”, “love” hay “kinh ngạc”). Và tôi chú ý nhất tới bức tranh duy nhất không có ai (zero | 0) thèm “like” gì hết, cho đến hôm nay; nó cô đơn tột cùng, cô đơn thăm thẳm (như Trần Huy Đức? [tôi cũng chưa hề gặp anh]). Nó đây:
Theo tôi, đây là đỉnh cao nhất của “ngựa Trần Huy Đức”. Đã từng vẽ gần 2.000 con ngựa, nét bút đã rất chắc và đầy thần thái “danh họa” với muôn vạn tư thế vừa khó vừa đẹp khác nhau, đến tột đỉnh, ấy thế mà, ở bức này bao nhiêu tinh túy của tài hoa như lặn hết sang bên kia mặt tranh. Đây mới là “thạch trung ẩn ngọc”, mới đích thực “xuất thần”! Chao ôi, bàn tay điêu luyện ấy đã bất ngờ trở về vẽ như thưở ban đầu, “thật thật thật, chân chân chân”, như một lão luyện giang hồ đã chán ngán hết phồn hoa đô thành và cảnh sắc dị lạ xa vời, một ngày thần người ra trên đồng quê mà vẽ như một cậu bé lên 10: một dáng ngựa thản nhiên không kiểu cách, không ẩn dụ thủy mặc, không hư-thực cao siêu, không tung vó ngang trời, không hí vang thiên địa, không quằn quại chiến trận, không nịnh nọt huê tình… Nét bút cũng dường như là của một bàn tay lên 10: thô, chân, mộc; nhưng xin hãy nhìn kỹ: dưới những nét thô là tinh hoa tàng ẩn thâm u huyền cốc, lặn trong hình hài mộc mạc là những cú nhấn nhá tài hoa rợn người. Bất cần nông-sâu, coi thường tempo, khi bỉ bối cảnh, đây chính là nghệ thuật của “nước Trời”. Phải điên hết thuốc chữa rồi người ta mới có được sự bình thản đến thế, phải quỷ quyệt hết cỡ rồi thiên thần mới xuất hiện, trong “phạc-nhiên”.
Xin nhắc lại, không một ai “like” bức tranh này. Điều đó cho thấy công chúng [ta] có mắt như mù đã đành, mà các “danh họa” [ở ta] cũng cạn cợt quá lắm. Tôi biết, họa sỹ nước ta cũng thường chỉ loay hoay với biểu hình và mỹ cảm, mà hình như chả biết cho bàn tay thần Zeus và bàn tay nông phu vốn chả khác gì nhau (đều là cơ quan “xúc giác” cả mà thôi, Zeus cũng cực kỳ “phàm tục” đấy), cái khác nằm ở “power”. Mà nghệ thuật đỉnh cao chính là thần thánh ẩn trong xác phàm (thánh trong xác thánh ắt là tôn giáo xa vời, phàm trong xác thánh thì là “nghệ thuật minh họa” nịnh bợ man rợ [kiểu “HTXHCN” chẳng hạn]). Nói chung, nghệ sỹ [ở ta] toàn nông phu. Muốn có “power” phải dứt khoát bước sang bờ… bên kia (tạm gọi là “đáo [thô] bỉ ngạn”).
Như đã nói, Trần Huy Đức vẽ nhiều tranh đẹp, thậm chí rất đẹp, nhưng dạng “thạch trung ẩn ngọc” cũng hiếm, phải chăng anh cũng còn bị động với công chúng lắm. Anh ơi, “công chúng” chẳng qua cũng là “chung cống”. Chưa dám dứt áo ra đi thì làm sao có thể trở về, thưa anh… Nhân nói về biểu hình và mỹ cảm, thì khẳng định luôn “ngựa Trần Huy Đức” có thừa, mãn nhãn.
Ví dụ như bức này:
Quả là công lực cao, thật tuyệt; thoải mái, táo bạo, điêu luyện, có dáng “long mã tinh thần”.
Hay là bức “Nỗi buồn” này:
Những nét buông tuyệt mỹ! Và xin nói luôn, xưa nay khắp Đông Tây chưa ai vẽ [được] ngựa buồn thế này. Nghĩ về ngựa là trong đầu ta hiện lên những con tuấn mã, những Đích Lư, Xích Thố, những “Black Beauty”… Phải thôi, về ngũ hành ngựa thuộc kim, về Dịch học ngựa mang bản tính của cung Càn “thiên hành kiện… dĩ tự cường bất tức”, là biểu hiện của gặp thời, đắc thế, kiên cường không ngơi nghỉ. Vì thế, chả ai vẽ ngựa ủy mị. Cũng vì thế, chợt nhớ câu thơ dân gian [mới]: “Gặp thời cưỡi ngựa bắn cung / Hết thời vào chợ lượm thun bắn ruồi.” Đây là sắc thái uyên áo mà Trần Huy Đức thể hiện được.
Một bức khác, dù rất ngẫu hứng nhưng người xem đông như kiến cỏ, tràn ngập những “like”, “love” và “kinh ngạc”, vô thiên lủng những comment và đề nghị cho mua lại:
Tất nhiên là một thượng thừa của bàn tay đem đến một tựu thành không chủ đích. Tâm hồn bi tráng cất tiếng hí vang vọng gầm trời. Nhưng, điều Trần Huy Đức nói về nó mới là “duy ngã độc tôn”: cảm giác ngựa.
Một người chơi tranh sành sỏi, TS Nguyễn Phượng, nói về “ngựa Trần Huy Đức” thế này:
“Ở Việt hiện thời có hai người vẽ NGỰA đẹp là Lê Trí Dũng và Trần Huy Đức. Lê Trí Dũng thường chọn 3 màu: đỏ, đen, trắng; Trần Huy Đức thì chọn 2: trắng và đen. Về đường nét thì cả hai đều phóng túng, khoáng đạt, mạnh mẽ thể hiện những khao khát mãnh liệt về tự do và một không gian vô giới hạn cho ngang tàng và ngạo nghễ. Xem tranh ngựa của Trần Huy Đức người ta thấy biển rộng còn xem tranh ngựa của Lê Trí Dũng người ta thấy trời xa. Trong thời tẻ nhạt và tầm thường này, xem tranh của hai họa sĩ người ta chợt thấy hổ thẹn vì hình như người ta chưa từng được sống đúng nghĩa bao giờ. Tuy nhiên, bù lại ở đâu đó trong tâm khảm cũng đã trào lên cảm giác biết ơn vì hai ông dù không cố ý nhưng đã thắp lên trong người ta một ngọn lửa mà người ta để tắt ngấm trong lòng từ lâu.”
Đó là một tiếng nói “rất chuyên môn”. Tuy nhiên, xin được nói thêm “ngựa Lê Trí Dũng” nặng tính “lễ nghĩa” của [phố] “Hàng Mã”; còn “ngựa Trần Huy Đức” thật hơn, phóng khoáng hơn, gần hơn với [sân] “Quần Ngựa”, bãi sông, và những “cô phong đỉnh”.
Như đã nói, ba bức tranh vừa kể đều đỉnh cao, nhưng kiểu “tài lộ”, làm cho tôi bâng khuâng ngẫm ngợi rằng: cái đẹp mà cứ lồ lộ đẹp thì không còn là cái đẹp thường hằng. Dường như chúng là một kiểu “phô”, và thiếu hấp lực của những supernova. Xin lại quay về xem những bức tranh “không ai thèm ngó” nữa nhé.
Xưa nay người ta vẽ ngựa cũng đã nhiều, nhưng tôi thấy hầu như chưa có ai vẽ ngựa “close-up” từ phía sau! Đây là vài bức như vậy, chỉ có mỗi 2-3 người “like” dạo:
Phải chăng vẽ kiểu này cũng khó như vẽ “mặt sau của tấm huân chương”? Phải chăng chỉ có văn học mới đặc tả được điều đó? Và với tôi, đây là những bức đẹp tột đỉnh của “ngựa Trần Huy Đức” trong dòng tranh mang nặng tính “biểu hình” và “mỹ cảm”, như đã nêu. Góc nhìn lạ và hiếm này, một lần nữa lại trượt khỏi mắt công chúng! Trời ơi, cô đơn đến thế thì thôi.
Suốt chiều dài lịch sử hội họa ngựa luôn là một đề tài lớn. Từ thời tiền sử những con ngựa đầu tiên đã in dấu trên vách hang đá Lascaux cách nay cả 16.000 năm. Những con ngựa làm rùng mình các danh họa thế giới, ví dụ đây:
Ngựa xuất hiện nhiều trong các tác phẩm nghệ thuật Hy Lạp cổ đại. Ngựa đã khơi nguồn cảm hứng cho biết bao danh họa thời Trung cổ cũng như Phục hưng: Paolo Uccello, Benozzo Gozzoli, Leonardo da Vinci, Albrecht Dürer, Raphael, Andrea Mantegna, El Greco hay Titian… Rồi là các danh họa thời kỳ Baroque như Peter Paul Rubens, Anthony van Dyck hay Diego Velázquez… Rồi các danh họa dòng Lãng mạn như Théodore Géricault và Eugène Delacroix… Đến thế kỷ 19 là các tên tuổi của các họa sỹ quý tộc như Benjamin Marshall, James Ward, Henry Thomas Alken, James Pollard hay John Frederick Herring… Và các họa sỹ Ấn tượng Manet, Degas hay Toulouse-Lautrec… Rồi hình ảnh miền Viễn Tây nước Mỹ trong tranh của Frederic Remington hay C.M. Russell… Sang thế kỷ 20 là các họa sỹ Alfred Munnings, Franz Marc, Pablo Picasso…
Thế nhưng, nổi danh một đời chỉ vẽ ngựa thì không nhiều. Tây thì có tên tuổi của George Stubbs (Trần Huy Đức cũng có vẽ ngựa sơn dầu, nhưng nếu anh xem tranh của George Stubbs xong thì tôi tin anh sẽ vứt hết sơn xuống sông), Đông thì Từ Bi Hồng (tuy nhiên, tôi thấy biểu hình chân ngựa của họ Từ khá xấu và đơn điệu so với chân ngựa Trần Huy Đức, oái oăm, là tranh ngựa của anh khi không vẽ chân mới đạt đỉnh cao của mỹ cảm). Nay, thì ngoài Lưu Bột Thư bên Tàu và Laura Douglas ở Úc, chúng ta [Việt Nam] không nhẽ không tự hào vì có Trần Huy Đức.
Riêng tôi, trong thế giới tranh ngựa, tôi yêu nhất ngựa Lascaux và ngựa “thạch trung ẩn ngọc” của Trần Huy Đức. Và tôi bị cuốn hút bởi những góc nhìn “từ phía khác”. Kìa anh, sao cứ mãi bứt rứt hỏi lòng, còn chờ gì mà chưa “sang sông”…
8/7 – 10/8/18
ĐẶNG THÂN