Lts: Một con người có bản lĩnh mạnh mẽ nhất, vẫn có gót chân Asin của họ. Đó chính là thế giới tình cảm đầy ắp trong mỗi chúng ta. Nó làm cho con người trở nên nhân bản nhất, nhưng cũng chính điều đó, nó làm cho chúng ta trở nên yếu đuối nhất. Xin mời các bạn vui lòng đọc lại truyện ngắn sau của họa sĩ – nhà văn Trần Huy Đức.
… Chiếc tàu mệt mỏi, miễn cưỡng nằm vật bên xác những con tàu cũ đang bị cắt phá nham nhở đến phần cuối cùng. Chúng giương lên trời những gọng lởm chởm như xương sườn bầy khổng ngư bị tàn sát.
Từ ống khói, tiếng thở hắt làm phụt ra đụn hơi dầu xả đen đặc, khét lẹt trước khi nó tắt thở. Người ta kéo hồi còi dài cuối cùng trước lúc chia tay vĩnh biệt. Một kẻ hành sự cố níu tay nơi cần gạt để luồng khí thoát ra, khiến tiếng còi u u rên rỉ mãi, về cuối nghe như tiếng nấc cụt. Con tàu không muốn chết bởi tiếng kêu ấy. Âm thanh rền rền chẳng khác gì muối xát vào ruột, khiến người chủ tàu bực mình gắt lên : “Thôi đi nào, nghịch ngợm quá thể !”.
Hai gã trai trẻ, một có hàng ria con kiến, một đeo kính trắng, đều là những tay buôn sắt vụn cự phách hất hàm hỏi nhau, vẻ mãn nguyện :
– Mấy giờ ngày mai ta bắt đầu “làm thịt” nó ?.
-Sẽ “thắp hương” vào lúc nước lên.
Chiếc cầu cạnh hông được đám thủy thủ bắc tạm vào mặt boong con tàu nát nằm kề. Đám người nhốn nháo, lỉnh kỉnh mang vác đồ tư trang, lục tục bước xuống. Bởi chỉ là những người được thuê áp giải tàu về nơi tập kết, vừa rời tàu họ vừa nói cười bô bô rất tục tĩu, vô tư lự, bình thản như chơi xong ván bài.
Người chủ tàu xách Ca – táp, buông tiếng thở dài, hờ hững đưa tay bắt lấy lệ với mấy “vua sắt vụn” trai trẻ đối diện. Mặc dù ông cố gượng nụ cười mơn man giả tạo, nhưng không giấu nổi vẻ dạng héo hắt, bềnh bệch của nỗi buồn nơi kẻ thua cuộc. Ông chấm dứt tung hoành trên các hải trình khi buộc phải bán tàu làm sắt vụn, để trả nợ vớt vát trước khi ngân hàng phong tỏa tài sản.
Trước lúc biệt ly, ông quay lại nhìn con tàu lần cuối rồi thầm thào nói riêng với lòng mình : “Chấm dứt cuộc chơi rồi, xin vĩnh biệt”.
*****
Tiếng láo nháo khi đám thủy thủ đã rút đi xa tạm lắng. Cảnh giơ tay xem giờ qua mặt kính ràn rạn của chiếc đồng hồ cũ kỹ mà anh đã giữ mấy năm nay. Đó là kỷ vật của người bạn đồng nghiệp thân yêu trên tàu, đã yên nghỉ xứ người bởi tai nạn giữa cơn giông tố. Cũng như Cảnh, anh ta không có vợ. Tình bạn hai người từ lâu gắn bó thân thiết. Cảnh gìn giữ số tiền giành giụm của bạn cùng vài đồ đạc ít ỏi, trong đó có chiếc đồng hồ, để chuyển về quê cho cha mẹ anh ta.
Cảnh chần chừ chưa muốn đi. Anh thắp một nén nhang cắm vào ban thờ của bạn rồi ngồi xuống suy ngẫm. Anh lơ đãng nhìn qua cửa sổ tròn để chứng kiến ánh tà dương đỏ ối đang chìm dần phía những bụi sú vẹt lô nhô bên kia sông. Anh chỉ có thể nán lại trong mươi phút, bởi căn phòng thân yêu này không thuộc về anh nữa. Cho dù anh đã trú ngụ mấy chục năm rồi.
Đêm nay anh sẽ ngủ ở đâu ? Cứ nghĩ tới điều đó là anh cảm thấy khó chịu, rờn rợn. Ngoài những đồ đạc tầm tầm anh cố thu nhặt để chuẩn bị cho chuyến đi vô định sắp tới, anh không thiết vơ víu bất cứ thứ gì kềnh càng như bao kẻ khác. Anh muốn để chúng nguyên xi như ý tưởng chỉ là cuộc dạo chơi tối nơi các bến cảng xa lạ, rồi nửa đêm lại chệnh choạng tìm về mở khóa sau khi đã nốc rượu ở các quán hàng gần cảng, bên cạnh các người đẹp.
Anh nhìn những bức ảnh kỹ nữ hở hang do chính tay cắt từ tạp chí Playboy và dán nhăng nhít lên vách phòng .Chưa khi nào như lúc này, anh thấy các nàng nhìn mình chăm đắm ,khêu gợi đến thế. Ngày mai anh sẽ từ giã tất cả những gì còn lại trên tàu.
Ban chiều, ông chủ đã thanh toán tiền cho anh. Khác với những thủy thủ tạm bợ kia, dù đang cơn khánh kiệt, ông vẫn trân trọng thêm cho anh chút tiền. Thay cho lời nói lúc này sẽ trở thành vô nghĩa, ông nắm tay anh rất lâu và lắc mãi, cử chỉ bịn rịn không muốn rời. Anh cảm động để nguyên vậy và nhận thấy rõ mạch đập hối hả nơi cổ tay ông.
Thực ra, anh đi làm thuê trên tàu này từ khi nó còn mới. Anh luôn chứng tỏ là người đi biển có đủ bản lĩnh và lòng trung thực. Dù tàu đã bán qua tay mấy đời chủ, họ đều giữ anh lại và trả cho mức lương khá. Anh coi tàu như nhà mình.
Trước đây, biết rõ khả năng anh, một vài chủ khác đã gợi ý anh bỏ tàu này đi với họ. Anh đều cảm ơn từ chối. Anh không coi tiền là mục đích sống của mình.
Lúc chia tay, ông chủ hứa sẽ giới thiệu anh với bạn tàu khác. Anh cảm ơn nhưng trong tự đáy lòng hiểu rõ thời thế hoàn cảnh là rất khó khăn : Anh không còn trẻ nữa !
Những cơn gió hiu hắt cuối thu mà chỉ có ai luống tuổi mới cảm được, đã mách báo thể trạng của anh. Anh uống rượu không nhiều như trước. Đôi khi anh nhâm nhi rất lâu với một chén nhỏ và trở nên ít nói. Vài ả điếm quen thuộc phàn nàn rằng anh không còn mạnh mẽ như trước. Trước đây, anh nhớ phát cuồng khi xa họ. Còn bây giờ, anh thường vuốt ngược mái tóc khô xác rồi nhìn sâu vào đáy mắt thâm quầng của họ một lúc lâu. Tự nhiên anh thấy thương họ và thương cho chính mình. Có vài lần, anh không “làm gì” cả nhưng vẫn san sẻ cho họ chút tiền. Các ả chưa khi nào nhạt nhẽo với anh. Tuy nhiên, anh không hiểu dạng thức tình cảm đó là gì. Có một ả bảo anh thôi quách nghề tàu lênh đênh, về sống hẳn với ả, mở quán cơm lần hồi nuôi nhau. Ả phân tích cho anh về nỗi cô đơn đáng sợ của tuổi già khi không gia đình, con cái.
Lần đó anh có tơ vương nghĩ ngợi đôi chút nhưng rồi lại chậc lưỡi, vì không thể chịu được cảnh so xúi ở góc nhà. Nghiệp của anh phải bôn ba nơi góc bể chân trời. Anh đã ngấm vào máu cách sống phiêu lãng tự do và rất sợ phải chôn chân ở một chỗ nào.
Cảnh đứng lên nhìn vào chiếc gương cạnh tủ cá nhân. Anh thấy rõ ràng tuổi trẻ đã biến mất. Các vết nhăn xeo xéo nơi đuôi mắt và khóe mép hiện lên rõ rệt. Cả râu và tóc đều lốm đốm bạc. Con ngươi không còn trong veo, đầy sinh lực như ngày xưa nữa. Anh trở nên đăm chiêu và tiêng tiếc khi nhớ tới giọt nước mắt rất tình của ả điếm nọ. Có lẽ ả đúng.
Nghề thủy thủ đã làm cho anh chỉ có một bản lĩnh ngang tàng đối mặt với hiện thực sóng gió mà quên hẳn tương lai. Anh chợt thấy mình ngu xuẩn , dại dột.
Đêm nay anh không thể trở về đây nữa. Con tàu đã thuộc quyền kẻ khác. Họ không cần thuê anh. Ngày mai, nó bắt đầu bị phanh thây. Anh nhớ tới lời phán quyết lạnh lùng của mấy gã trai trẻ “vua sắt vụn”mà ớn tận xương sống, gai hết cả người. Rõ ràng, họ sẽ toàn quyền đưa những lưỡi lửa đèn xì để tàn nhẫn cắt phá, “làm thịt” hết. Anh tưởng tượng sau vài giờ, căn phòng này sẽ biến dạng thảm hại.
Cái mùi tàu thân thuộc hăng hắc đang ôm bọc xung quanh anh bỗng trở nên yêu thương quá đỗi. Những người trên đất liền lần đầu xuống tàu, khi ngửi thấy, đều sợ nó. Đúng thôi, nó là kết hợp mọi thứ: Mùi sơn, mùi dầu máy, mùi nước biển thành cao, mùi nước hoa dởm của những thủy thủ lúc nào cũng bị mắc căn bệnh “viêm cơ túi” trầm kha khó chữa, mùi xà bông, thuốc lá, mồ hôi, mùi ói mửa do say sóng dù lau chùi kỹ mấy vẫn vương lại. Thậm chí, cả mùi hành lạc xác thịt nữa. Với người khác, họ ghê tởm. Với anh, mùi tàu là cả cuộc đời. Anh đã đẫm mình sống trong đó quá lâu. Anh là con sói biển và đó là cái hang của anh. Cái hang con thú nào mà không có mùi riêng của nó. Chúng sống bởi chính cái mùi ấy. Anh cũng vậy, khi hít thở nó, bao nhiêu tình yêu cuộc sống tràn ngập đắm say. Những kỷ niệm vui buồn đều có cùng cung bậc giá trị. Mùi tàu, nó là hiện hữu sự tồn tại của khối gắn kết các mảng đời , số phận những con người trước bao cơn giông tố.
Chỉ ít phút nữa thôi , anh phải từ giã nó. Và cả cái bát hương thờ linh hồn người bạn cũ, người đời sẽ quăng đi hết, vì nó không phải là sắt vụn để qui ra tiền.
Ngày mai, anh sẽ đi đâu ? Chắc gì chủ tàu khác sẽ thuê anh ? Cho dù anh có thừa kinh nghiệm đi biển nhưng sinh lực đang cạn dần, đó là sự thực.
Người chủ cũ không buông anh vì họ hiểu anh là một bộ phận trong cơ thể con tàu họ. Cái bộ phận ấy cùng già với cơ thể ấy, đó là sự hòa hợp, nhưng không thể đem bộ phận đang già nua ấy ghép với một cơ thể trẻ trung khác, một con tàu mới khác được. Những lớp người mới có đầy đủ sức mạnh và trình độ cao đang lăm le xuất hiện ngày một nhiều, họ không băn khoăn và ngần ngại khi sẵn sàng gạt phắt anh ra khỏi con đường tiến thân của họ. Chắc chắn họ sẽ thay thế anh như trước đây anh đã từng thay thế thế hệ già nua trước. Đó là qui luật nghiệt ngã. Khi đó, họ hoàn toàn có quyền ngạo nghễ để chiếm lĩnh, điều khiển các con tàu mới trang bị hiện đại.
Anh ngồi đó nghĩ miên man trong sự im ắng đáng sợ. Anh thèm cảm giác tròng trành khi tàu lướt qua đầu các ngọn sóng. Đương nhiên, anh thú nhận trong lòng đang nhú lên nỗi lo sợ rằng cơ thể sẽ bị quật ngã bởi chính cơn bão vô hình đang réo gào, tàn phá dữ dội ở tâm can.
Anh nhìn những con gián nhỏ nem nép bên kẽ bàn, ngó ngoáy râu một cách thận trọng. Mọi hôm, thảo nào anh cũng tìm cách tóm râu, diệt chúng bằng được. Còn bây giờ, anh mặc kệ.
Có tiếng động phía sau, Cảnh quay lại. Trước cửa phòng lừng lững một thanh niên trông như phường lục lâm thảo khấu. Gã mở toang ngực áo để lộ tảng ngực nâu sậm, rắn chắc, trên đó xăm hình con rồng vằn vện. Cái cổ to bạnh nhương nhướng các thăn cơ, chứng tỏ gã lúc nào cũng thèm nốc rượu bia và rít nuốt khói thuốc. Chiếc áo bò của gã bị xé mất hai ống tay lên tận vai, khiến hai cánh tay lộ rõ cơ bắp cương cứng, nổi bật hình người đàn bà trần truồng xăm hai bên bả vai, trông rất kệnh cỡm. Khuôn mặt vuông bạnh rất hợp với cái cổ mọc đầy râu tua tủa, lởm chởm, trông thật lầm lì, khi gã giương đôi mắt lươn ti hí, im lặng nhìn anh như một câu hỏi đầy đe dọa. Cảnh nhìn gã không chút ngạc nhiên. Anh hiểu gã trong đội bảo vệ lên tiếp quản tàu. Thấy anh không tỏ thái độ, gã kia hất hàm hỏi rất thô lỗ:
– Anh già không “biến” đi à ? “Phim” đã hết từ lâu rồi. “Khán giả” đã về hết trọi. “Thằng em” đây bắt đầu phận sự.
Vẫn im lặng. Gã thanh niên thiếu kiên nhẫn:
– Ông muốn gì? Tôi yêu cầu ông “biến” khỏi đây ngay! Gã nói như quát.
Cảnh chợt nhớ tới hơn mười năm trước, tàu anh bị bọn cướp biển tập kích ngoài khơi eo biển Malacca. Lần đó, cùng mọi người, anh đã sử dụng miếng đá thâm hậu quét bay một tên cướp đang ôm súng lộn qua be tàu rơi xuống biển như một cây chuối đổ …
Anh liếc nhìn gã kia với ý không thèm chấp. Anh chẳng lạ gì cái bọn trông có vẻ hợm hĩnh lòe người, nhưng thực ra khi giáp mặt nhau thì chưa chắc mèo nào cắn mỉu nào. Chúng đều là một lũ tham lam hèn hạ, bến cảng nào cũng có, anh đã chán ngấy. Cảnh cảm thấy bực mình vì gã quấy rầy, nhưng anh cũng phải chua chát chấp nhận rời tàu thôi.
Cảnh đứng dậy, uể oải nhấc vali đồ đạc đi ra cửa. Gã thanh niên tránh ra nhường lối. Đáng lẽ anh đi ra cửa boong để xuống cầu, nhưng lại dừng ở ngách ngã ba để đi ngược lên tầng trên. Anh muốn nhìn lại lần cuối người bạn đời già nua yêu dấu.
Gã thanh niên theo sau anh không giấu vẻ ngạc nhiên. Anh biết vậy nhưng thây kệ. Khi leo lên tầng hai của tàu, anh ra ngoài lan can. Tại vị trí này, không biết bao đêm trăng sáng trên biển, anh cùng đồng đội đã đùa giỡn nhau, chuốc rượu rồi kể chuyện gẫu về các ả nhân tình hờ sống rải rác mọi bến bờ xa lạ. Bao kỷ niệm buồn vui chen lấn, ào ạt xô tới như những đợt sóng dậy lúc triều dâng. Mà anh như hòn đá tảng sừng sững câm lặng trong đau khổ thẫn thờ đón nhận từng đợt sóng ấy đang vỡ nát réo gào.
Thôi thế là hết rồi những bình minh và hoàng hôn trên biển. Ta sẽ không được nhìn thấy những đàn cá chuồn dưới ráng chiều bay tóe hai bên mũi khi tàu lướt phăm phăm trên mặt biển biếc xanh. Ta sẽ không được ngắm những cái ức trắng muốt phô ra cùng cánh bay dập dờn của từng bầy hải âu khi tàu sắp vào gần cảng. Ta sẽ không được nhìn thấy những ngọn hải đăng thân thuộc, lấp lóe trong đêm như ánh mắt ân cần của người bạn thủy chung vẫy gọi, chỉ lối cho ta. Chắc không còn nữa những khi nửa đêm chợt thức giấc giữa hải trình, bởi bất ngờ ngửi thấy hơi đất liền thân thuộc phảng phất giữa hai đợt gió khiến nao nao tận đáy lòng và cứ thế thao thức cho đến sáng, không sao ngủ tiếp được. Sẽ qua đi bao ám ảnh ghê rợn những cơn bão biển khủng khiếp, nhưng vì có nó mới làm ta vững vàng trong hun đúc để tạo nên bản lĩnh. Và bao nhiêu ký ức của năm tháng trên con tàu này đã cùng anh xuôi ngược tìm cập bến bờ xa lạ…
Thế mà giờ đây người bạn anh im lặng. Sao nó không có một cử động nào có ý nghĩa như tiếng xích buông neo chẳng hạn, tiếng phần phật reo gió của lá cờ hàng hải trên đỉnh cột tàu chẳng hạn, hay cái cánh Rada quay tròn một vòng chẳng hạn?…
Những cửa sổ tròn cạnh Cabin đã bắt đầu hoen rỉ, dưới ánh hoàng hôn trông xám xỉn như quầng mắt mệt mỏi của một con bệnh nan y đang hấp hối. Anh nghe gió se lạnh bất ngờ rít qua sợi cáp rỉ néo cạnh cột tàu, như tiếng thủ thỉ của cõi âm hồn mà người bạn xấu số cố dặn dò trao gửi. Một nỗi buồn đau chợt dâng khi anh đưa mắt nhìn ra khoảng mênh mông của dòng sông trước mặt đang chìm đi trong ráng chiều bải hoải, tít xa có con thuyền nhỏ lẻ loi, đang ngọ ngoạy bơi vào một bến vắng, sao cô đơn vậy. Tự nhiên, anh rùng mình nghĩ tới đòn tấn công từ mọi hướng ập tới lúc tuổi già sẽ đến. Anh chợt nhớ tới khuôn mặt bơ vơ của người con gái làm điếm năm xưa khi kêu gọi anh đoàn tụ. Bây giờ thì quá muộn. Ai biết trước cuộc đời mỗi con người sẽ trôi dạt đến đâu? Kiếp lênh đênh theo gió nước táp vô và mắc lại ở bến bờ nào, chỉ có trời mới hiểu nổi. Lòng anh bất giác bị một đám mây mù của nỗi buồn não nề bao phủ. Đêm nay anh đi về đâu? Quê hương ư? Đó chỉ còn là ký ức lãng đãng mờ mịt. Anh không khác gì đứa trẻ không nhà.
Trước đây, đôi lúc tư lự, anh cũng hình dung ra kết cục số phận, nhưng anh không ngờ giây phút này phải trực tiếp nếm, anh thấy vị nó đắng và chát thế.
Anh nhìn lên mũi tàu. Hình dáng cong cong đầy kiêu hãnh của nó vẫn còn đó nhưng ẩn chứa nỗi nghẹn ngào im lặng không thể phân bua được. Mầu sơn tàn phai nhạt nhòa nhường chỗ cho rỉ sắt xâm lấn không thương tiếc. Đó là qui luật phế thải. Thì ra, chỉ có sự thay đổi là vĩnh cửu.
Gã bảo vệ cũng khôn ngoan không đếm xỉa đến anh nữa. Gã mau lẹ cuỗm bao thuốc lá anh để quên ở buồng, đút vào túi quần. Mặc dù thèm lắm, gã nhấp nhỏm chưa dám rút điếu ra hút. Gã vờ vịt đứng cạnh anh ra vẻ thông cảm:
– Buồn làm gì ông anh. Chủ mới đã ra lệnh coi tàu cẩn thận. Ông anh hãy nhìn mấy bộ xương nằm kề kia. Ngày mai số phận nó sẽ như thế đấy.
Cảnh chán ngấy cái giọng lè nhè ống bơ rỉ của gã. Anh hiểu mình phải quyết định ra đi, không thể nấn ná. Trước đây, anh cứ nghĩ mình không biết sợ bất cứ trạng huống nào, kể cả cái chết. Thế mà giờ đây, anh cảm thấy ơn ớn trước cảnh chia ly này. Hóa ra anh vẫn có những cái huyệt rất mẫn cảm và yếu ớt.
Cảnh đã đi cách xa tàu gần trăm mét. Sau khi cẩn thận tránh những mảnh sắt vụn vứt vung vãi khắp dọc lối đi của khu nghĩa địa tàu. Anh bất giác quay lại nhìn nó lần cuối. Dưới ánh chiều sắp tắt, cái lỗ neo to tướng nơi mũi tàu trông như hố mắt đau đáu nhìn anh muốn nói điều gì đó mà không cất tiếng được. Anh tưởng tượng kéo dài giây phút buồn thảm này, cả mắt nó và anh sẽ ầng ậc tuôn ra dòng lệ.
Anh không ngờ khi còn sống trên tàu, dù hàng ngày bước chân bị giới hạn bởi be tàu và hàng lan can ngăn cách với thế giới mênh mông của biển khơi, trong anh luôn dào dạt những ham muốn phóng khoáng tự do. Anh cảm thấy thế giới trở nên nhỏ bé, các bến bờ sao mà gần gụi thế.
Còn bây giờ… Khi bước chân anh không bị giới hạn do phạm vi cùng khoảng cách. Anh có thể thỏa sức lê bước khắp bề mặt lục địa rộng lớn này mà không bị ràng buộc bởi bất cứ một cái lan can nào, thì anh lại thấy mình nhỏ nhoi quá và có thể bị chìm lấp không nghĩa lý. Anh thú nhận mình quá cô đơn và nhỏ bé. Còn thế giới bỗng dưng trở thành mênh mông vô tận.
Truyện ngắn TRẦN HUY ĐỨC