Sản phẩm đình đám đầu tiên, góp phần rất quan trọng tạo nên thành công của Sabeco ngày nay là sản phẩm bia lon 333, ra đời vào tháng 10/1985. Tuy nhiên ít người biết, đây là sản phẩm kế thừa “huyền thoại bia” miền Nam một thời: bia 33 của hãng BGI.
Sau ngày thống nhất (30/4/1975), việc tiếp quản các cơ sở sản xuất miền Nam là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên nhằm mục tiêu vực dậy kinh tế sau chiến tranh. Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) hình thành trên nền tảng này.
Ngày 17/5/1977, Bộ trưởng Bộ Lương thực và Thực phẩm ra quyết định giao Công ty Rượu Miền Nam – tiền thân của Sabeco – tiếp nhận và quản lý toàn bộ nhà máy của hãng BGI. Kể từ ngày 1/6/1977, nhà máy được đổi tên thành Nhà máy Bia Sài Gòn.
Sản phẩm đình đám đầu tiên, góp phần rất quan trọng tạo nên thành công của Sabeco ngày nay là sản phẩm bia lon 333, ra đời vào tháng 10/1985. Tuy nhiên ít người biết, đây là sản phẩm kế thừa “huyền thoại bia” miền Nam một thời: bia 33 của hãng BGI.
BGI viết tắt của Brasseries (hãng nấu bia) Glacières (hãng nước đá) d’Indochine (Đông Dương), tức là Hãng bia và nước đá Đông Dương.
Theo tường thuật của TS luật Phan Văn Song – từng là trưởng phòng tiếp thị rồi giám đốc BGI từ năm 1973 đến 1976 tại Việt Nam thì khởi đầu, BGI thâm nhập miền Nam chỉ với mục đích sản xuất nước đá để tiêu thụ tại một xứ nhiệt đới, do một kỹ sư công nghiệp, đồng thời là sĩ quan hàng hải, ông Victor Larue, giải ngũ tại Sài Gòn thành lập năm 1875.
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, BGI bắt đầu chuyển sản xuất bia và nước giải khát. Nhà máy BGI nổi tiếng nhất và lâu đời nhất là Nhà máy bia Chợ Lớn (tiền thân của Nhà máy bia Sài Gòn) và Usine Belgique (tiền thân của Nhà máy Nước giải khát Chương Dương) được xây dựng từ năm 1952.
Sản phẩm bia 33, cùng với bia “con cọp” là hai sản phẩm bia thành công nhất của BGI.
Trong giai đoạn chiến tranh, bia 33 là loại bia được lính Mỹ ưa chuộng bởi độ rượu nhiều hơn, thơm hơn và vị uống đậm đà hơn.
“Người trong cuộc” Phan Văn Song cho hay, tên bia 33 khai sinh ở Hà Nội (năm 1949) nên dân Sài Gòn vẫn gọi “Bia 33” (gọi theo dung tích: 0,33 lít), hay vắn tắt là “Băm Ba”.
Bia 33 được xuất cảng ra khắp thế giới. Chữ “Bia” trên chai bia 33 từng được hiển thị qua nhiều ngôn ngữ: Bière (tiếng Pháp), Beer (tiếng Anh), Bier (tiếng Đức), Bir (tiếng Indonesia), Birra (tiếng Ý)…
Vì nhãn hiệu bia 33 đã được đăng ký độc quyền trên toàn cầu nên sau khi tiếp quản nhà máy và có ý định làm sản phẩm bia tương tự, Nhà máy bia Sài Gòn đã cho ra mắt thương hiệu “bia 333”, tiếp nối bia 33 tạo ra thành công vang dội.
Theo một khảo sát năm 2010, bia 333 là sản phẩm bia có thị phần lớn thứ 2 tại Việt Nam, chỉ đứng sau bia Sài Gòn Export (Sài Gòn đỏ) cũng của Sabeco. Nhìn vào vẻ bề ngoài, có thể thấy rõ sự tương đồng với nhãn hiệu “bia 33 export” khi nhìn vào bia Sài Gòn Export, hay nói cách khác, Sabeco đã rất thành công trong việc tạo ra những sản phẩm bia kế thừa “huyền thoại bia” 33.
Năm 2018, Sabeco ghi nhận doanh thu trên 36.000 tỷ đồng, tương đương 1,5 tỷ USD. Lợi nhuận trước thuế đạt trên 5.300 tỷ đồng, tương đương 220 triệu USD. Giá trị vốn hóa trên sàn chứng khoán của Sabeco lên đến trên 150.000 tỷ đồng, tương đương 6,4 tỷ USD, nằm trong top 10 công ty niêm yết lớn nhất Việt Nam.
Khởi nguồn từ “bàn tay” người Pháp, 100 năm sau về tay người Việt và nay lại về tay người Thái, Sabeco lại bước tiếp một hành trình mới nhưng những “huyền thoại bia” như 33, kế thừa là 333 và Sài Gòn Export sẽ mãi là một phần quan trọng trong lịch sử của thương hiệu bia trên 140 tuổi.
Theo vietnamfinance.vn