Chào các bạn thân mến. Trừ Nhật Bản, ở Châu Á nói chung và ở Việt Nam nói riêng không có chế độ phong kiến bao gồm các lãnh chúa sở hữu điền trang thái ấp như ở Châu Âu. Từ thời Hồ Quí Ly, việc thi hành triệt để chính sách “hạn điền hạn nô” đã khiến cho tầng lớp quí tộc non trẻ nhà Trần đã biến mất hoàn toàn. Vì vậy, trong chế độ quân chủ chuyên chế ở Việt Nam, không có tầng lớp quí tộc kiểu Châu Âu, mà chỉ có tầng lớp thượng lưu.
Đồng thời cũng từ thời Hồ Quí Ly, việc tuyển chọn quan chức vào bộ máy chính quyền được tiến hành chặt chẽ thông qua những cuộc thi cử Nho học và khảo hạch các nhà khoa bảng. Từ đó, trong tầng lớp thượng lưu Việt Nam ngày xưa, chỉ còn lại các quan chức là những người làm công ăn lương, hưởng bổng lộc của triều đình, cùng một số vương thân quốc thích.
Nhìn chung vương thân quốc thích, quan chức của tất cả các vương triều Việt Nam cũng chỉ là những người hưởng bổng lộc rất khiêm tốn. Chẳng ai được phép có điền trang thái ấp, nông nô, tước quí tộc cũng chỉ tập ấm được 3 đời, mỗi đời giảm một trật.
Mặt khác cũng chẳng ai bắt họ phải có những truyền thống, qui tắc hành xử và sống chết vì danh dự, phẩm giá, như các nhà quí tộc Châu Âu. Bắt đầu từ thời nhà Lê “thái bình văn trị”, ở Thăng Long chỉ những ai không biết làm thơ (mà loại này thì thực là hiếm) mới cam tâm đi làm quan võ. Lời Thánh hiền dặn “Quân tử (thật, rỏm không quan trọng) động khẩu, không động thủ”, chính là câu nằm lòng của giới thượng lưu Thăng Long Đại Việt.
Tuy nhiên, trong giới thượng lưu vẫn có những người tiếp nối xuất sắc truyền thống thượng võ và “hào khí Thăng Long”. Hẳn là khi vào trấn thủ Thuận Hóa (và dự liệu công cuộc Nam Tiến), Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng, một võ tướng trưởng thành (34 tuổi) đã cân nhắc rất kỹ, khi chọn những giá trị Thăng Long nào xếp vào hành trang Nam Tiến của mình.
Thứ nhất, dứt khoát từ bỏ truyền thống hư học khoa bảng Thăng Long Lê Trịnh (học để làm quan), mà chọn trọng võ và đề cao thực học.
Thứ hai, từ bỏ tư tưởng trọng nông ức thương Lê Trịnh, mà chọn khuyến khích thương mại, đặc biệt là ngoại thương. Đồng thời, tích cực học tập kinh nghiệm sản xuất hàng hóa để trao đổi buôn bán của người Hoa.
Thứ ba, chăm chú học tập, thừa kế kinh nghiệm và kỹ thuật hàng hải của người Chăm, xây dựng đội hải thương, hạm đội hùng mạnh.
Thứ tư, từ bỏ Tống Nho độc tôn Thăng Long, chọn chấn hưng Phật Giáo, khuyến khích Phật Khổng Đạo đồng lưu như thời Lý Trần. Chủ động giao thoa văn hóa, kết giao và hòa huyết với người Chàm, Hoa, Khmer, Tây Nguyên, tạo nền tảng cho việc xây dựng một nền văn hóa mới đa nguyên, bao dung, dung nạp hơn.
Thứ năm, khác với cuộc chinh phạt Chiêm Thành đẫm máu năm 1471 của Lê Thánh Tông, nhờ những tiền đề ở trên và việc kết hợp các chính sách chính trị, kinh tế và quân sự khôn ngoan, cân bằng và hợp lý của Nguyễn Hoàng và các Chúa Nguyễn, mà cuộc Nam Tiến trên thực tế, là một cuộc di dân mở đất khá nhịp nhàng, ít xung đột.
Kết quả là cuộc Nam Tiến này đã diễn ra theo cách thức “di dân đi trước khai phá làm chủ đất đai trên thực tế, chính quyền đi sau định chế hóa lãnh thổ” và kết thúc bằng việc năm 1757, khu vực Nam Kỳ ngày nay được chính thức định hình trong cương giới Xứ Đàng Trong.
Trong lịch sử Việt Nam, nửa sau thế kỷ 18 là một giai đoạn đầy ắp những sự kiện “vật đổi sao dời” ở Đại Việt. Ở Xứ Đàng Trong, đó là nạn quyền thần Trương Phúc Loan (1765) và cuộc khởi nghĩa Tây Sơn (1771), nhà Trịnh đưa quân vào Phú Xuân (1775), Nguyễn Nhạc lên ngôi vua (1778), Nguyễn Ánh xưng vương ở Gia Định (1780), quân Tây Sơn đánh thắng trận Rạch Gầm-Xoài Mút (1785) và đuổi được quân Xiêm ra khỏi Đại Việt, quân Tây Sơn chiếm lại Phú Xuân (1786), Nguyễn Ánh chiếm lại Gia Định (1787).
Trong khi đó ở Thăng Long, sau khi Trịnh Sâm chết (1782), kiêu binh Thanh Nghệ giết Quận Huy và tự chuyên lập Trịnh Khải thay Trịnh Cán, Nguyễn Hữu Chỉnh bỏ chạy vào Đàng Trong, “cõng” Nguyễn Huệ tiến quân ra Thăng Long (1786) “phù Lê diệt Trịnh”, Nguyễn Huệ ra Bắc lần 2 dẹp Nguyễn Hữu Chỉnh và Vũ Văn Nhậm, Lê Chiêu Thống bỏ chạy sang China cầu viện nhà Thanh (1788).
Tiếp theo là Tôn Sỹ Nghị vào Thăng Long (1788), Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế (1788) và đưa quân Tây Sơn ra Bắc đuổi quân Thanh ra khỏi Thăng Long (1789), Nguyễn Huệ thành lập nhà Tây Sơn từ Lạng Sơn đến Phú Yên (1789), và ông mất không lâu sau đó (1792).
Cuối cùng, là việc Võ Tánh đưa đạo quân 10.000 người của mình về hội quân với Nguyễn Ánh ở Nước Xoáy Sa Đéc (1788) làm thay đổi cục diện cuộc chiến Tây Sơn – Nhà Nguyễn. Từ đó quân Tây Sơn không bao giờ tiến quân vào Nam Kỳ được nữa.
Trong nửa cuối thế kỷ 18, cùng với những diễn tiến lịch sử khốc liệt ở Đại Việt, là sự đảo lộn ghê gớm các giá trị đạo đức tinh thần cốt lõi Khổng Nho. Tôi xin phép điểm lại một vài sự kiện tiêu biểu. Trước hết, là sự tha hóa của quan chức cuối thời các Chúa Nguyễn.
Theo Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục “… từ quan to đến quan nhỏ, nhà cửa chạm trổ, tường xây bằng gạch đá, trướng vóc màn the, đồ dùng toàn bằng đồng, bằng sứ, bàn ghế bằng gỗ đàn, gỗ trắc, ấm chén bằng sứ, yên ngựa – dây cương đều nạm vàng, nạm bạc, quần áo là lượt, nệm hoa, chiếu mây, lấy phú quý phong lưu để khoe khoang lẫn nhau… Họ coi vàng bạc như cát, thóc gạo như bùn, hoang phí vô cùng…”.
Còn ở Thăng Long, thì đó là việc lộng hành (hay là văn hóa mõ lên ngôi) của chị em Đặng Thị Huệ. Chẳng hạn, Đặng Mậu Lân đã dám quây màn trướng ban ngày giữa phố để xâm hại đàn bà con gái, mà Trịnh Sâm vẫn phải làm thinh và nhận làm phò mã. Còn kiêu binh Thanh Nghệ không những dám lộng hành cướp phá phủ đệ của các quan, mà còn dám “phế Chúa Trịnh Cán, lập Chúa Trịnh Khải”.
Bản thân Lê Chiêu Thống cũng “quyết liệt trả thù” các Chúa Trịnh. Ông này cho người đốt Phủ Chúa, một công trình kiến trúc đẹp đẽ kỳ vỹ bậc nhất trong lịch sử Thăng Long, cháy đến hơn 10 ngày chưa tắt.
Nhưng điển hình nhất, có lẽ là câu chuyện về Nguyễn Khang học trò Lý Trần Quán. Được Lý Trần Quán nhờ coi sóc Trịnh Khải đang lẩn trốn quân Tây Sơn, Nguyễn Khang đã báo quân Tây Sơn bắt ông này. Khi bị Lý Trần Quán trách mắng, y đã phát biểu xanh rờn “Sợ thầy không bằng sợ giặc, yêu chúa không bằng yêu mình”.
Tuy nhiên, ở một bộ phận trong tầng lớp thượng lưu xã hội Việt Nam, tinh thần quí tộc bảo toàn danh dự và phẩm giá vẫn luôn được bảo tồn và truyền từ đời này, sang đời khác. Trong một số hoàn cảnh và thời điểm lịch sử nhất định, một vài cá nhân đã thể hiện tinh thần quí tộc bảo toàn danh dự này một cách mạnh mẽ. Nhờ vậy, những truyền thống này không bao giờ mất đi hoàn toàn.
Có thể nói, trường hợp tiêu biểu nhất của tinh thần quí tộc bảo toàn danh dự là Võ Tánh (1768-1801). Ông là một người xuất thân bình dân (con cháu các võ quan trung cấp nhà Nguyễn), về sau trở thành Đại Tướng của Nguyễn Ánh, giữ chức Chưởng Hậu quân, tước Quận Công. Ông cũng là Phò mã, chồng Công chúa Ngọc Du em gái Nguyễn Ánh.
Năm 1799, sau khi quân nhà Nguyễn do Võ Tánh thống lĩnh chiếm được thành Qui Nhơn của Tây Sơn, Nguyễn Ánh đổi tên thành là Bình Định và giao cho Võ Tánh cùng Lễ bộ tham tri Ngô Tùng Châu ở lại trấn giữ. Vì thành Qui Nhơn là đất phát tích của nhà Tây Sơn, nên Quang Toàn lập tức sai Thiếu phó Trần Quang Diệu mang hơn 45.000 quân bộ và Đại Tư đồ Võ Văn Dũng mang 24.000 thủy binh tìm cách giành lại.
Do lực lượng quá chênh lệch (quân nhà Nguyễn ở Qui Nhơn chỉ khoảng hơn 10.000 người), Võ Tánh đã quyết định đóng chặt cửa thành phòng thủ. Trần Quang Diệu đã cho quân đắp lũy vây chặt thành Qui Nhơn, còn Hạm đội của Võ Văn Dũng khóa chặt cửa biển Thị Nại Qui Nhơn.
Tuy Nguyễn Ánh và Lê Văn Duyệt đã đưa ngay quân ra giải vây Qui Nhơn, nhưng cuộc chiến kéo dài suốt năm 1799 không kết quả. Ngày 27/02/1801, trong một trận thủy chiến khốc liệt ở đầm Thị Nại (cũng là trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử Việt Nam), thủy quân nhà Nguyễn do Lê Văn Duyệt chỉ huy đã tiêu diệt hầu như toàn bộ Hạm đội Tây Sơn của Võ Văn Dũng. Tuy nhiên Nguyễn Ánh và Lê Văn Duyệt vẫn không thể nào giải vây được thành Qui Nhơn.
Nhận thức được tình hình, Võ Tánh đã cử người đưa thư ra cho Nguyễn Ánh. Trong thư, ông khuyên Nguyễn Ánh nhân lúc binh lực Tây Sơn tập trung ở Qui Nhơn và hải quân Tây Sơn đã bị đánh tan, nên lập tức kéo quân đi đường biển ra đánh Phú Xuân. Nghe lời Võ Tánh, Nguyễn Ánh đưa quân ra Phú Xuân đánh Quang Toản và chiếm được Phú Xuân ngày 13/06/1801. Quang Toàn phải chạy ra Bắc Hà.
Sau khi thất bại trong việc đưa quân ra Phú Xuân cứu viện, Trần Quang Diệu dồn toàn lực tập trung ngày đêm đánh thành Qui Nhơn. Sau 14 tháng bị vây hãm, trong thành Qui Nhơn binh lương đã cạn, quân lính ốm đau nhiều. Cùng lúc đó, Võ Tánh lại nhận được tin Nguyễn Ánh đã chiếm được Phú Xuân và cuộc chiến 25 năm Tây Sơn – Nhà Nguyễn coi như đã ngã ngũ.
Võ Tánh quyết định không phá vây do lực lương quá chênh lệch, quân dân Qui Nhơn chắc chắn sẽ chết hết. Khi thuộc hạ khuyên Võ Tánh nên vượt vòng vây trốn thoát, ông nói “Không thể được. Ta phụng mạng giữ thành này, nên thề với thành cùng sống chết. Nếu bỏ thành mà hèn nhát trốn lấy một mình, thì sau này còn mặt mũi nào trông thấy chúa thượng?”.
Sau khi bàn bạc với Ngô Tùng Châu, Võ Tánh quyết định mở cửa thành Qui Nhơn đầu hàng Trần Quang Diệu. Ông gửi cho Trần Quang Diệu một bức thư nói rằng sẽ mở cửa thành đầu hàng, nhưng thỉnh cầu Trần Quang Diệu không giết hại quân dân Qui Nhơn.
Sau khi biết chắc Trần Quang Diệu đã nhận được thư, Võ Tánh nói với Ngô Tùng Châu, là sẽ tự sát để bảo toàn khí tiết, và khuyên Ngô Tùng Châu không cần làm như ông, vì Ngô Tùng Châu là quan văn. Nhưng Ngô Tùng Châu không đồng ý, ông nói rằng văn võ có gì khác nhau, ông cũng sẽ tự sát để bảo toàn khí tiết.
Sau khi từ biệt Võ Tánh, Ngô Tùng Châu về nhà sửa mình, mặc lễ phục, rồi từ biệt gia quyến và uống thuốc độc tự vẫn. Còn Võ Tánh sau khi mặc lễ phục, đã lên Lầu Bát Giác chính điện thành Qui Nhơn sai quân chất rơm và củi khô, rắc thuốc súng, rồi bình thản ngồi châm lửa tự thiêu, đó là ngày 27/07/1801.
Khi vào được thành Qui Nhơn, Trần Quang Diệu tỏ ra rất xúc động trước sự trung dũng của Võ Tánh và Ngô Tùng Châu. Ông sai người tẩm liệm chu đáo thi hài hai ông và chôn cất tử tế, rồi theo lời yêu cầu của Võ Tánh, và không giết hại hàng binh nhà Nguyễn.
Phải nói là ở thời điểm đó, việc Võ Tánh và Ngô Tùng Châu tuẫn tiết là một sự kiện rất đặc biệt, chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Ý nghĩa trực tiếp của sự kiện này, trước hết là việc hàng chục ngàn sinh mạng binh lính nhà Nguyễn được cứu thoát, trong đó có hàng ngàn con em Gò Công, đất phát tích của Võ Tánh.
Trong lịch sử 25 năm nội chiến Tây Sơn-Nguyễn Ánh, đã có không ít trường hợp quân tướng hai bên chạy sang hàng ngũ nhau. Châu Văn Tiếp, Nguyễn Văn Trương, Lê Chất các danh tướng của Nguyễn Ánh đều vốn là những hàng tướng Tây Sơn. Riêng Lê Chất về sau còn thay Võ Tánh làm Chưởng Hậu quân và thay Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc Hà.
Còn Chưởng Hữu quân Nguyễn Huỳnh Đức của Nguyễn Ánh, người theo Nguyễn Ánh từ ngày đầu khởi binh, từng bị Tây Sơn bắt làm tù binh, ông cũng đã từng làm tướng trong hàng ngũ Tây Sơn. Phải hơn 3 năm sau, Nguyễn Huỳnh Đức mới trốn được để quay về theo lại Nguyễn Ánh. Nghĩa là việc đầu hàng “phe địch” không phải là một biệt lệ.
Như vậy có thể nói, rằng Võ Tánh có ý thức rất đầy đủ về danh dự, phẩm giá và thân phận đặc biệt của mình. Trước hết, đó là thân phận của một người trước khi hội quân với Nguyễn Ánh (1788), đã từng “hùng cứ một phương”, chống lại cả Tây Sơn lẫn Nguyễn Ánh. Sau nữa, đó là thân phận cao quí của một Phò mã, một thành viên Hoàng tộc Vương triều Nguyễn. Ông không thể đầu hàng, không thể để mình trở thành tù binh và chịu nhục nhã.
Vì vậy, việc Võ Tánh quyết định tuẫn tiết để cứu sinh mạng quân dân Qui Nhơn, để bảo toàn danh dự, phẩm giá và tiết tháo của mình, là một hành động với đầy đủ nhận thức về trách nhiệm cá nhân. Hành động này đã trực tiếp tôn vinh sự chính danh, uy danh của Vương triều Nguyễn trong con mắt người dân Đại Việt khắp cả Nam Hà và Bắc Hà.
Cuối cùng phải nói rằng, việc tuẫn tiết của Võ Tánh và Ngô Tùng Châu đã góp phần nâng tầm vóc kẻ sỹ Việt Nam nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung lên một mức (chuẩn mực) mới, trong quan niệm về trách nhiệm, danh dự, phẩm giá, khí tiết và lòng trung thành.
Một chuẩn mực không những đúng với tinh thần Nho gia Việt Nam truyền thống, mà có lẽ còn hơn thế nhiều. Đó là một chuẩn mực về danh dự, phẩm giá, khí tiết, trách nhiệm và lòng trung thành, tương xứng với tinh thần quí tộc cao quí nhất ở bất cứ thời đại nào, trong bất cứ nền văn hóa và ở bất cứ quốc gia nào.
Đồng thời có thể nói, tinh thần quí tộc của Võ Tánh và Ngô Tùng Châu là một giá trị không đổi của văn hóa Việt Nam. Trong thế kỷ 19, những người thừa kế xứng đáng giá trị này, là Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương và Phan Thanh Giản. Trong thế kỷ 20, đó là các tướng lĩnh đã tử tiết trong chiến tranh Việt Nam.
Tôi tin rằng, tên tuổi và sự nghiệp của Võ Tánh và Ngô Tùng Châu sẽ không bao giờ bị quên lãng. Với thời gian, chắc chắn không chỉ người miền Nam, mà người Việt ở khắp mọi miền đất nước, sẽ biết đến tên tuổi và sự nghiệp của hai ông đầy đủ và trân trọng hơn.
Cuối cùng, chúng ta có thể thấy một điều, rằng khác với cuộc chiến ý thức hệ Nam-Bắc (1954-1975) khốc liệt vừa qua, cuộc chiến Tây Sơn-Nhà Nguyễn (1777-1802) tuy cũng khốc liệt, nhưng là một cuộc chiến tranh giành quyền lực thuần túy giữa người Việt Nam với nhau.
Hai phe tham chiến chia sẻ cùng một hệ các giá trị, một điều chúng ta có thể dễ dàng nhận biết qua quan hệ giữa cặp danh tướng Võ Tánh và Trần Quang Diệu. Phải chăng nhờ vậy, mà trừ việc trả thù cá nhân của Nguyễn Ánh đối với nhà Tây Sơn, việc hòa giải hòa hợp hậu chiến giữa hai phe diễn ra khá thuận lợi. Về vấn đề này, tôi xin phép đề cập đến trong một bài viết riêng.
TRẦN CÔNG TÂM