Với mục đích thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia một cách có hiệu quả và đi vào đời sống có tác động tích cực tới các doanh nghiệp, con người và toàn xã hội , Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức “Tọa đàm về quảng cáo và thương mại điện tử trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia” vào ngày 10/12 tại Hà Nội.
Tham dự Tọa đàm có bà Lại Việt Anh – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, ông Nguyễn Thanh Hưng – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch VBA, Ths Nguyễn Tiến Vỵ – Phó Chủ tịch thường trực VBA, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội có liên quan, các chuyên gia kinh tế. pháp luật cùng đại diện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu, bia…
Nhằm góp phần đảm bảo tính khả thi của Nghị định, tính thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam và tạo điều kiện cho ngành phát triển bền vững, Tọa đàm mong muốn nhận được nhiều ý kiến trao đổi, góp ý của các cơ quan ban ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và chuyên gia về nhiều nội dung khác nhau trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Tại Tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận một số quy định trong dự thảo Nghị định chưa có tính khả thi cao và cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Trong đó, tập trung vào các nội dung liên quan tới quy định về quảng cáo và kinh doanh rượu, bia bằng thương mại điện tử.
Với quy định quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ trên phương tiện quảng cáo ngoài trời, các đại biểu đề nghị lựa chọn quy định: Bảo đảm khoảng cách tối thiểu 100m tính từ điểm đặt phương tiện quảng cáo đến ranh giới gần nhất của khuôn viên cơ sở giáo dục, khuôn viên cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi. Trong trường hợp quảng cáo đã xuất hiện trước khi Nghị định có hiệu lực thì vẫn được tiếp tục thực hiện tới khi hết hợp đồng và không được gia hạn thêm.
Liên quan tới việc ghi cảnh báo trên nhãn sản phẩm để phòng, chống tác hại của rượu, bia, các đại biểu kiến nghị nên sử dụng cảnh báo đã được ghi trước đây “Đã uống rượu, bia không lái xe” để tránh lãng phí kinh phí đã đầu tư cho quảng cáo. Các đại biểu cũng có ý kiến về diện tích cảnh báo chỉ nên chiếm 5 – 7% là phù hợp để không làm hạn chế sự sáng tạo trong thiết kế sản phẩm quảng cáo. Nhiều đại biểu băn khoăn về tính khả thi liên quan tới quy định cấm sử dụng rượu, bia tại công viên, nhà chờ xe buýt bởi khó có đủ lực lượng để kiểm tra, kiểm soát người dùng tại các địa điểm đó.
Theo ý kiến của một số đại biểu, quy định quảng cáo rượu, bia đã được đăng tải không được liên kết, quảng bá đến các tài khoản người dùng, các trang, kênh, phương tiện thông tin khác trên môi trường mạng là không khả thi và cần được xem xét lại. Bởi lẽ quy định mâu thuẫn với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cho phép quảng cáo trên phương tiện kỹ thuật số, mâu thuẫn với Luật Quảng cáo vì bia không phải là sản phẩm cấm quảng cáo.
Một nội dung nữa cũng nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu liên quan tới quy định kinh doanh rượu, bia bằng thương mại điện tử. Theo ông Nguyễn Thanh Hưng – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, dự thảo Nghị định hiện nay thể hiện mong muốn nhiều hơn là tính khả thi trong thực hiện. Quy định kinh doanh rượu, bia bằng thương mại điện tử và phương thức thanh toán cần được xem xét thay đổi để phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, quy định bắt buộc của người nhận hàng phải trên 18 tuổi là bất hợp lý. Bởi lẽ việc thanh toán khi nhận hàng thì các nhà kinh doanh trực tuyến không cho phép người nhận hàng được mở gói hàng kiểm tra và người nhận cũng không biết được hàng được giao là mặt hàng gì nên quy định độ tuổi cho người nhận hàng là không cần thiết. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam kiến nghị các đơn vị kinh doanh rượu, bia bằng thương mại điện tử phải thực hiện thanh toán bằng phương pháp trực tuyến vì những quy định trong thanh toán trực tuyến rất chặt chẽ bao gồm định danh, độ tuổi, tài khoản ngân hàng… Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh trực tuyến rượu, bia cần có báo cáo tình hình kinh doanh rượu, bia trực tuyến và đưa ra những người sử dụng rượu, bia nhiều bất thường.
Về quy định ngăn chặn các quảng cáo rượu, bia liên kết với các tài khoản người dùng, các trang thông tin khác hoặc đặt đường dẫn trên các website thương mại điện tử để dẫn người dùng đến các doanh nghiệp kinh doanh rượu, bia khác, các đại biểu kiến nghị cần được xem xét. Bởi lẽ các quy định này được hiểu như cấm bán bia bằng thương mại điện tử và cấm quảng cáo bằng phương tiện kỹ thuật số, mâu thuẫn với một số Luật trước đó. Hầu hết các trang web thương mại điện tử không chỉ bán bia mà còn bán một loạt hàng hóa khác hoặc là một thị trường cho các cửa hàng tiêu dùng. Do đó, một hạn chế được đặt trên một danh mục hàng hóa riêng biệt sẽ ảnh hưởng đến nền tảng rộng hơn của trang thương mại điện tử đó và không có tính khả thi.
Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét thêm việc quy định các địa điểm không được uống rượu, bia trong dự thảo Nghị định để bảo đảm tính khả thi và loại bỏ quy định “cấm bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet” được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành trước Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia để phù hợp với các quy định của Luật.
Các chuyên gia pháp luật và đại diện doanh nghiệp đề nghị, những quy định nào trái với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các luật hiện hành thì Ban soạn thảo nên xem xét xóa bỏ và không nên đưa thêm các quy định mới mà trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia không đề cập tới. Việc thực thi Luật cần phát huy tác dụng và hiệu quả, tránh việc đưa ra những quy định mà không có tính khả thi, không có hiệu quả như mong muốn…
Theo VBA