SÁCH MỚI ĐỀ XUẤT SỰ THAY ĐỔI
Chẳng lẽ người trước chúng ta đã làm xong hết, và có thể người trước đã làm tốt hơn chúng ta làm hiện nay? Nếu quả là như vậy thì hà cớ gì phải đọc tiểu thuyết cùng thời nếu như một lượng lớn tác phẩm cổ điển ta có thể mua theo giá hạ hoặc truy cập hoàn toàn miễn phí từ internet? Riêng tôi, tôi vừa lấy được từ mạng 860 trang nguyên bản cuốn Những thú nhận của một người Italy (Le confessioni di un italiano) của Ippolito Nievo (1831-1861, nhà văn Italy), cho biết nhiều điều lý thú về Italy thế kỷ XVIII-XIX. Còn vài tác phẩm nữa đủ cho tôi thưởng thức văn học trong vài tuần lễ. Vậy thì tôi cần gì tìm kiếm những tác giả hiện thời cho phức tạp?
Là người giới thiệu sách thường gắt giọng phê phán những cuốn mới ra, Virginia Woolf (1882-1941, nữ văn sĩ Anh) coi một trong những cảm hứng khi đọc tác giả đương đại là ta buộc phải luyện cách bình xét. Có những cuốn của tác giả đương đại còn chưa nhận được ý kiến thống nhất, thì bạn có thể xác định nó hay, hay dở. Кhi bạn bắt đầu nghĩ về điều đó, nảy sinh một bài toán hóc búa: nếu vừa đọc xong bạn thấy mãn nguyện, có nghĩa đây chắc là cuốn sách hay, ít ra là đối với cá nhân bạn. Đấy chính là điều bạn phải tự “giải quyết”. Nếu như bạn còn phải cân nhắc xem sách ấy liệu có hay, bạn thích nó hay không, sự lưỡng lự của bạn có nghĩa gì – tình thế ấy khá lạ lùng, điều bạn nhận được có phải khoái cảm hay không liệu có là phản ứng phù hợp với cuốn sách đó?
Tất cả những lý giải ấy đều có vẻ khá phức tạp, hơn nữa, bạn khá hiểu điều Woolf đã nói. Những cuốn sách mới có thể mang lại cho ta khoái cảm chưa từng gặp trước đây, có thể tước đi niềm vui ta hằng mong đợi. Chúng đề xuất với ta những thay đổi, thay vì thích ứng với những khuôn thước ta đã quen từ lâu. Bạn nghĩ sao, liệu có nhiều người thực sự sẵn lòng thay đổi thị hiếu của mình? Tại sao họ phải thay đổi? Tiểu thuyết Ulysses của James Joyce (1882-1941, nhà văn Ireland) có một trong những đặc sắc đáng tò mò là khá nhiều nhà phê bình và bậc trí giả đã thay đổi thái độ của mình đối với nó trong thập niên đầu tiên kể từ khi cuốn sách xuất bản. Nhiều vị trộn lẫn cả căm ghét, cả khâm phục.
Nhà tâm lý học Thụy Sĩ Carl Jung (1875-1961) thì như sực tỉnh, còn nhà phê bình thanh thế của Pháp Louis Gillet (1876-1943) lúc đầu coi nó viết “chưa được nhuyễn”, “vô nghĩa lý”, nhưng về sau lại chúc mừng Joyce đã tạo nên kiệt tác kỳ vĩ nhất của thời đại mình. Tuy nhiên, nhiều lời khen dần dần bị thay thế bởi nỗi nghi hoặc. Samuel Beckett (1906-1989, nhà văn, nhà viết kịch Ireland, Nobel Văn học 1969) lúc đầu thì tin Joyce đã trả lại ngôn ngữ Anh cho đời sống, song về sau lại thắc mắc: liệu Joyce có lặp lại sai lầm cũ? (Beckett coi là sai lầm nếu cứ nghĩ ngôn ngữ có khả năng khơi dậy những cảm xúc sống động). Кhi ta động chạm một cái gì mới mẻ, ta thường đòi phải có thêm thời gian để nêu lên một ý kiến nào đó.
Nỗi phân vân đó thường xuất hiện khi ta tiếp xúc lần đầu tiên với sách của Dave Eggers (nhà văn hậu hiện đại Mỹ sinh năm 1970), của Orhan Pamuk (tiểu thuyết gia Thổ Nhĩ Kỳ sinh năm 1952, Nobel Văn học 2006), của Elfriede Jelinek (nữ văn sĩ Áo sinh năm 1946, Nobel Văn học 2004), của Elena Ferrante (nữ văn sĩ Italy sinh năm 1943), rồi của Philip Roth nữa. Đọc xong những tác phẩm đầu của tiểu thuyết gia Mỹ gốc Do Thái sinh năm 1933 này, rồi hẵng chuyển sang những tác phẩm sau, đấy là một trong những thành tố tạo nên khoái cảm. Khoái cảm đó đến khi ta dần quen với một cái gì đó mới mẻ – vừa muốn đoán xem cuốn sách mới này mình thích hay chán, vừa nhận biết thực chất người đọc chúng ta muốn gì đúng vào lúc đứng trước thách thức – cuốn này có lôi сuốn được ta hay là chỉ tương đối hấp dẫn, chỉ mang lại sự thích thú ta từng nhận được khi thấy thêm một cuốn sách nhang nhác những cuốn khác ta đã đọc từ trước.
Không tùy thuộc chuyện một tiểu thuyết của tác giả đương đại có làm ta thích hay không, ta dẫu sao cũng có thể nhận được khoái cảm từ chính những suy ngẫm trên những điều ta đang đòi hỏi. Đấy chính là trải nghiệm của tôi khi đọc những Elfriede Jelinek, Haruki Murakami (nhà văn Nhật Bản sinh năm 1949) và José Saramago (1922-2010, nhà văn Bồ Đào Nha, Nobel Văn học 1998). Sách của ba nhà văn ấy không mấy ấn tượng đối với tôi, nhưng tôi lại nhận được khoái cảm rất lớn khi để tâm tìm hiểu chúng. Cho nên, như Woolf đã viết, “có cơ sở để tin rằng, kỳ thực, chúng ta nhận được từ người đang sống nhiều hơn từ người đã chết, mặc dầu mới đầu ta cứ tưởng rằng người đang sống thua người đã chết rất nhiều”.
XƯA – NAY KHÁC GÌ NHAU?
Tôi thì tôi phản đối. Chẳng lẽ ta không động đến cái mới – hay chí ít, đến một số thứ chưa quen thuộc – khi ta cầm trong tay cuốn tiểu thuyết hoặc cuốn sách của tác giả nước ngoài viết theo những truyền thống mà ta chưa quen? Ví dụ: Truyện kể Genji của nữ sĩ cung đình Nhật Bản Murasaki Shikibu, hoặc Nỗi đau của chàng Werther của thi hào Đức Goethe, hoặc Những thú nhận của một người Italy của Nievo? Chúng ta động chạm liền một lúc với hai tiên liệu. Những cuốn như Truyện kể Genji trải qua nhiều thế kỷ đã thuyết phục được hàng triệu độc giả. Phần mình, thiết nghĩ, tôi có thể liều mạng lên tiếng chê nó, nhưng nếu muốn làm như thế tôi phải tự hỏi: tại sao cuốn sách đó lại chinh phục được rất đông người đọc qua nhiều thế hệ?
Ngoài ra, có một sự thực là tôi chẳng biết gì về nước Nhật thế kỷ XI, tôi sẽ rất khó khăn khi tìm hiểu xem cuốn truyện đó liệu có phải là phản ứng thích hợp của tác giả trước thế giới mà mình đang sống. Nếu như Truyện kể Genji khiến tôi chỉ thấy lạ, chắc sẽ là như thế, bởi vì tôi lạ cái thế giới ấy – nhưng tôi không dám tự tin khẳng định điều đó, bởi lẽ bản thân tôi có sống trong thế giới ấy đâu.
Ngay cả khi đọc Nievo – mặc dầu tôi đã sống ở Italy ba mươi năm và đã đọc những tiểu thuyết khác của các nhà văn Ý thế kỷ XIX – nhưng kỳ thực tôi đâu có hiểu đời sống ở Venice, Bologna và Milan hồi đầu thế kỷ XIX là như thế nào. Tôi không có phản xạ đối với cuộc cách mạng năm 1848 theo mô tả trоng sách của Nievo như tôi từng nhập thân khi đọc những truyện về đời sống London thập niên 1980 trong Những cánh đồng London (London Fields, 1989) của Martin Amis (tiểu thuyết gia Anh sinh năm 1949). Tôi có thể kể ra vô số tưởng tượng theo địa chỉ cuốn sách của Amis, bởi lẽ chính tôi đã từng ở đó. Nhưng tôi thực sự cảm động vì những đoạn ông kể trúng hồng tâm. Điều này không hề xảy ra với Tom Jones của Henry Fielding (1707-1754, nhà văn Anh). Trong quá trình đọc, ta chỉ có thể ngạc nhiên vì thế giới hồi nọ khác lạ biết bao.
Khoái cảm do đọc một tiểu thuyết mới, tác giả của nó muốn kể về cuộc sống đương thời bao giờ cũng xuất phát từ những câu hỏi sau đây: chuyện xảy ra như thế nào để cho một người sống trong thế giới đó và cả mình nữa có thể viết nên một cuốn sách khiến mình thấy lạ lùng hoặc phức tạp? Điều gì mình muốn kể về cuốn sách, về cảm nhận của mình? Sự rắc rối của cuốn sách liệu mang lại lợi ích gì cho cá nhân mình? Chắc chắn độc giả sẽ nêu những câu hỏi đó khi cầm trong tay Ulysses hay Bà Dalloway (Mrs. Dalloway, 1925) của Woolf, Giã từ vũ khí của Hemingway hay bộ ba Chàng Molloy (Molloy, 1951), Malone hấp hối (Malone meurt, 1951) và Không thể gọi tên (L’innommable, 1953) của Beckett, Danh dự bị lăng nhục của Katharina Blum (Die verlorene Ehre der Katharina Blum, 1974) của Heinrich Böll (1917-1985, nhà văn Đức, Nobel Văn học 1972) hay Cầu vồng hút (Gravity’s Rainbow, 1973) của Thomas Pynchon (nhà văn hậu hiện đại Mỹ sinh năm 1937), Thế giới ngầm (Underworld, 1997) của Don DeLillo (nhà văn Mỹ sinh năm 1936).
Tất cả các cuốn sách ấy, rốt cuộc đều thuyết phục một lượng lớn người đọc phải đi tìm địa vị của họ trong nhận thức xã hội. Trong khi đó, nhiều cuốn sách khác mang lại cho người đọc khoái cảm không kém trоng thời chúng ra đời nhưng sau bị rơi vào quên lãng. Chợt nhớ đến B.S.Johnson (1933-1973, nhà văn Anh) – dẫu sao thì những suy nghĩ về thái độ của cuốn tiểu thuyết đối với thế giới đương thời trong khi đọc tác phẩm của B.S.Johnson cũng mang lại không ít khoái cảm so với những suy nghĩ khi đọc Beckett. Và nhiều độc giả đã đánh giá họ là vĩ đại, chí ít cũng trong một thời gian dài.
Đọc Iliad, theo Roberto Calasso (nhà văn Italy sinh năm 1941) trоng Cuộc hôn nhân của Cadmo và Armonia (Le nozze di Cadmo e Armonia, 1988), tức là công nhận trong nghệ thuật chẳng có tiến bộ gì. Cãi lại điều đó khá là khó. Nhưng như thế không có nghĩa mọi sự đã an bài. Thế giới luôn thay đổi, con người luôn thay đổi, và chính những điều tác giả cảm nhận thế giới xung quanh trong một thời điểm cụ thể gợi lên trong ta mối quan tâm đến văn học đương thời. Hồi tôi viết tiểu thuyết Người chẻ bằng dao (Cleaver, 2005) thì một trong số các biên tập viên ở châu Âu của tôi than phiền: sao lại đưa vào sách cả những văn bản thông tin mà các nhân vật trao đổi với nhau.
Là người cao tuổi không quen sử dụng điện thoại di động, ông ấy cho rằng đó là một tiểu xảo gì đấy. Tám năm sau khi cuốn sách ra đời, chúng ta không thể hình dung nổi lại có người phản đối sự có mặt của tin nhắn trong tiểu thuyết. Để chuyển tải cuộc sống đương đại, cần phải viết về những người có iPad và smartphone, di chuyển bằng máy bay và tàu cao tốc, có thế mới hiểu bằng cách nào mà tất cả những thứ đó làm thay đổi ý thức, tính đồng nhất và trải nghiệm của con người. Những nhân vật ấy thường xuyên tiếp xúc với những con người mà họ biết, và vô số con người mà họ chưa quen.
Kỳ thực, những hoài nghi chỉ gợn lên ở những cuốn tiểu thuyết mới, tác giả đơn thuần cóp nhặt các hiệu ứng của tiểu thuyết thời trước, nghĩa là khi họ đưa ta về quãng quá khứ mà họ chỉ biết qua sách vở để lại mang đến ta chính những khoái cảm ta từng nhận được từ những cuốn sách viết từ thời trước. Nhưng sao có thể mang đến những khoái cảm như cũ được? Khoái cảm nhờ đọc Nievo liên quan đến những gì ông thực sự sống ở thời đại Risorgimento (kết tụ các tiểu bang trên bán đảo thành nước Ý thống nhất, thế kỷ XIX) và muốn tìm đến một chỗ thích hợp với ông trong một thế giới đang không ngừng biến đổi đó. Chính điều này làm cho cuốn sách có tính thời sự.
Đọc Con báo (Il Gattopardo, 1957) của Tomasi di Lampedusa (1896-1957), nghĩa là đọc một thứ hàng giả khéo tay vừa mắt. Có cảm tưởng cuốn sách đó được viết chủ yếu là do tác giả muốn tạo nên một tiểu thuyết phức hợp và có phong cách riêng, nhờ những nỗ lực của ông mà ta hình dung ra các xao động trong thời đại thống nhất nước Italy trong khi vẫn ở trong vùng an toàn của những nhìn nhận ngược thời gian, của những kiến thức giúp viết được những cuốn tiểu thuyết truyền thống tương đối khá.
“Ra đời trong thế kỷ mười ba – Edwin Muir (1887-1959, nhà thơ Scotland) đã mở đầu bài thơ nổi tiếng của mình như thế – Tôi thấy cả nhà đều đông đủ, trừ người sau rốt”. Về tính thoát ly trong các biên niên sử và trong văn học, người đời đã nói nhiều. Tuy nhiên hình thức vĩ đại nhất của tính thoát ly lại nằm ở những tìm tòi chốn ẩn nấp trong gia hệ của quá khứ, trong cái ngôi nhà được hình thành bởi lịch sử và văn học, trong những nỗ lực chạy trốn khỏi thời khắc mà ta cảm thấy bất tiện nhưng vẫn buộc phải sống – chạy trốn khỏi đương thời.
“Đó là chỗ của hy vọng và sợ hãi,
Của niềm tin hằng đến mỗi khi hy vọng chết đi.
Ở đây có cả thắng cả bại.
Đó là chỗ tất thảy đều nguyên thể”.
ĐĂNG BẢY
Theo The New York Times Book Review
Tim Parks (Nhà văn Anh)