Trong biển sách cổ kim của nhân loại, tìm đọc gì cho phù hợp sở thích của mình?
Thư viện công cộng New York
Có thể chia toàn bộ văn học ra làm hai: văn học quá khứ gồm tất cả những gì được tạo ra đến nửa đầu thế kỷ XX và văn học đương đại gồm những gì được tạo ra từ giữa thế kỷ XX đến nay.
Văn học quá khứ có các thời Cổ đại, Trung cổ, Phục hưng, Thời mới và Thời nay. Nhân vật chính của văn học đầu tiên là hiệp sĩ, sau đó lần lượt là thủy thủ, bác học và cuối cùng đến thị dân với diễn biến tâm lý và nỗi khổ đau сủa họ. Còn nhớ ở thời Khai sáng: với những thành tựu công nghệ thế kỷ XVIII-XIX, văn học của một đất nước có cơ hội phát triển trong điều kiện có sự nhanh chóng trao đổi và ảnh hưởng lẫn nhau. Cầm một quyển sách trong tay ta có thể nhớ đến sự giao thoa cả thời gian lẫn địa điểm trong quá trình hình thành tác giả, thể loại, khuynh hướng, và ta chú ý xem đó là đất nước nào, cuốn sách đó được viết trong thời gian nào. Khi chọn sách, ta mường tượng những địa chỉ, những thời đại được nêu trong đó và xác định được ngay những nét đặc trưng, quan trọng và nổi bật nhất của cuốn sách, để rồi sau đó ta biết lĩnh hội mối quan hệ, ảnh hưởng của thời đại, địa điểm đến văn phong, cốt truyện và đặc sắc của cuốn sách. Khi đó thì bất kỳ cuốn sách nào cũng là mở, xét theo mọi ý nghĩa.
Cổ đại: biểu tượng và nghi lễ
Hiệu sách El Pendulo ở Mexico
Cổ đại là thời kỳ đầu tiên để ta có thể nói về văn học như nó vốn có. Mà dọn đường cho nó chính là cuộc sống nguyên sơ gắn liền với thiên nhiên, giao hòa với thiên nhiên. Chu trình như là cơ sở nền tảng xác định thế giới quan của con người trong cuộc sống nguyên thủy. Từ chu trình, nhịp điệu cứ lặp đi lặp lại trong đời sống, tất nhiên sẽ xuất hiện mẫu hình của bản thể, có sự đối sánh giữa cái này với cái khác, có biểu tượng, có bắt chước.
Nghi lễ trở nên cần thiết để đồng nhất với thiên nhiên, để có mối quan hệ giữa cái trực quan với cái phi trực quan, đồng nhất với thế giới vốn sẵn những quy luật bất biến, trong một môi trường mà Nghệ thuật được đan kết từ những biểu tượng và ẩn dụ. Giấc mơ cũng được đan kết theo cách tự nhiên từ những thứ đó, nhưng giấc mơ vô hình trung khá ngoạn mục và đầy ẩn dụ, trong giấc mơ, các biểu tượng mở cho ta thấy bản chất của hiện thực, và trong văn học cũng vậy. Muốn thấy những biểu tượng, những bí ẩn của vũ trụ và những nguyên do – bạn hãy tìm đọc văn học Cổ đại.
Tất cả các lễ nghi khởi phát đều liên quan đến trồng trọt, săn bắt, tất cả các thần thánh trong chu trình canh tác đều liên quan với thế giới ngầm dưới mặt đất, từ lòng đất mọc lên. Văn học có ý nghĩa nhất ở sự đồng điệu, và theo đó – ở sự hòa hợp con người với thần thánh, cái riêng với cái chung. Ta thích những cuốn sách trong đó nhân vật giống mình, hoặc ta muốn mình hoặc người thân của mình đồng nhất với nhân vật. Ở đây có mầm mống của sự phượng thờ. Nhà thờ không thích nghệ thuật sân khấu là bởi thế chăng?
Kẻ thừa kế trực tiếp của lễ nghi – đó là nghệ thuật Cổ đại, mà đấy lại là cái nôi của văn hóa và văn học Âu Mỹ. Tiếng cười, lòng say mê, nỗi sợ, cái chết là bốn thứ trụ đỡ thời Cổ đại để nâng đỡ tất cả các nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật đương đại. Sự chuyển giao từ lễ nghi Cổ đại sang sân khấu và văn học Cổ đại diễn ra như thế nào? Người mỗi đông thêm, sự cạnh tranh một lớn, những người tham gia lễ nghi phải đọ tài, và những trò chơi, nghi lễ diễn ra càng quyết liệt. Khi ấy ý nghĩa của lễ nghi lùi xuống hàng sau, nhường chỗ cho cái Đẹp và Nghệ thuật. Bi kịch cổ đại diễn ra tức thì, tại chỗ và ngay bây giờ, trong khuôn khổ của cuộc sống đó, con người phải tự tôi rèn cho hạnh phúc của chính mình. Cố tật truyền đời của loài người lại được từng thế hệ hoặc hoàn thiện, hoặc chỉnh sửa tối đa bằng hy sinh dâng hiến, bằng cuộc sống chính đáng của mình.
Trong văn học Cổ đại Hy Lạp – La Mã, những mối quan hệ qua lại giữa con người với ông trời, với số phận, với con người kết thúc bằng cái chết như một sự cứu chuộc về hành vi sai trái. Eschyle (525-456 trước CN) ngay từ thế kỷ VI TCN đã hợp các vở kịch của mình thành một bộ ba bi tráng mang quy mô vũ trụ, trong đó các nhân vật đại diện cho lòng thương, nỗi giận của thánh thần và xứng đáng mang danh cha đẻ của bi kịch hiện đại. Sophocles (497-456 TCN) đưa các nhân vật từ trời xuống đất để họ gần với hình tượng con người, nhưng số phận của họ lại được định trước bởi các thế lực siêu nhiên. Euripides (484-406 TCN) thì phản ánh số phận сon người như ví dụ về ảnh hưởng của người nhà trời đối với trần thế.
Trung cổ: nhân vật hiệp sĩ
Сhất huyền thoại Trung cổ của những nền văn học sớm xuất hiện như ở Iceland và Ireland thể hiện ở tính hoang đường và những tình tiết рhiêu lưu, mạo hiểm, hành vi của cáс nhân vật chuyển từ duy cảm sang một tâm lý, đạo đức phức tạp hơn, vì thế họ sinh động chứ không mang tính ước lệ như trước. Bắt đầu xuất hiện những nhân vật khác, đầu tiên là hiệp sĩ.
Tiểu thuyết hiệp sĩ – với những nhân vật sống động, hiện thực mang cảm hứng thích chu du, phiêu lưu, khám phá – bắt nguồn từ những phát hiện địa lý thời Phục hưng. Những vùng đất, hòn đảo, những kho báu, thổ dân với những tình tiết lạ lẫm đã thúc đẩy sự phát triển của những thể loại mới, phong cách mới. Những chương trình tạp kỹ vui nhộn đề cao giá trị tinh thần hơn giá trị vật chất. Những tác phẩm của William Shakespeare (1564-1616) khắc họa mô hình thế giới rất sâu sắc (trong thơ), đưa thiên nhiên thành một nhân vật (trong kịch) đã xóa nhòa khoảng cách biên giới cũng như thời gian. Những tiểu thuyết thời Trung cổ ra đời sau cũng thay đổi nhân vật, từ hiệp sĩ chuyển sang du khách, và kẻ thù của họ bâу giờ đã là tên cướp biển. Tiếp đó, họ được thay thế bởi dạng nhân vật khác: những nhà bác học với phát minh của họ trong những thiên truyện, tiểu thuyết viễn tưởng.
Cận đại: tấm gương phản ánh kỷ nguyên
Rồi cũng chọn được cuốn sách ưng ý
Đến thế kỷ XIX, những công nghệ mới cho phép rút ngắn không gian và đẩy nhanh thời gian, phương tiện truyền thông phong phú hơn, để rồi sau đó sinh ra những chuyên mục, những blog thời nay. Phong cách nhẹ nhõm hơn, sáng tạo hơn và nội dung cũng phức hợp hơn. Ở nước Mỹ thủ cựu và thực dụng, thứ văn học hào sảng giàu tính điện ảnh được coi trọng, nó giúp người đọc thấy mình như đang xem phim. Nhiều hành động mà nghèo diễn biến tâm lý. Chỉ trong những trường hợp hiếm hoi, tác giả có nguồn gốc châu Âu thì mới đào sâu vào nội tâm trên nền những cốt truyện hình sự, kiểu như Theodore Dreiser (1871-1945, gốc Đức, tác giả Chị Carrie, Nhà tài chính, Người khổng lồ) hoặc sau này, sang thế kỷ XX, như V. Nabokov (1899-1977, gốc Nga, tác giả Lolita).
Khi biết tự làm giàu cho mình, văn học đưa ra không phải người hùng, mà là con người thông thường, “bé mọn”. Thuyết phân tâm học của Sigmund Freud gần gũi ghê gớm với dân châu Âu và được những văn hào Nga A. Chekhov, F. Dostoyevsky, Leo Tolstoy sung sướng tiếp nhận, văn hóa sử thi truyền thống được cộng thêm sự đào sâu tâm lý, tâm hồn. Tại châu Âu, ở một quy mô nhỏ hơn là nhà văn Pháp Guy de Maupassant (1850-1893). Từ đó toàn bộ nền văn học Pháp và châu Âu trưởng thành như một tấm gương phản ánh kỷ nguyên.
Ở Nam Tư, Branislav Nušić (1864-1938, cây bút châm biếm kiệt xuất người Serbia) chuyên dùng thể văn ngắn đọng, sắc sảo với những truyện kể về sự dung tục xung quanh nhà thờ.
Ở Nhật Bản, Akutagawa Ryunosuke (1892-1927) với Trong rừng trúc (1922) gồm một tập hợp những lời tường thuật của nhiều nhân vật khác nhau xung quanh một án mạng: hai vợ chồng một võ sĩ đạo bị một tên cướp dụ dỗ đưa vào một khu rừng trúc, sau đó người vợ bị cưỡng đoạt, còn người chồng thì bị giết. Truyện được viết rất độc đáo và li kỳ.
Hiện sinh và tâm lý – văn học Pháp và Nga đi theo hướng đó cho đến đầu thế kỷ ХХ.
Hiện đại: rất nhiều lựa chọn
Đôi ví dụ về văn học của một nước trong nghệ thuật toàn cầu: nhà văn dân tộc Yoruba (Nigeria) Amos Tutuola (1920-1997) với Tôi sống trong rừng ma, hay là Kẻ nghiện rượu cọ viết bằng tiếng mẹ đẻ – cuốn sách là câu chuyện về nghi lễ khai tâm. Đây là thứ ngôn ngữ khác về một nền văn hóa khác, nơi tất cả được hình thành trong thế giới nguyên thủy. Nếu muốn biết chúng ta từ đâu mà ra thì hãy đọc Amos.
Nhà văn Mỹ Herman Melville (1819-1891) với cuốn Moby-Dick, hay Con cá voi kể về cuộc phiêu lưu của thủy thủ Ishmael và chuyến phiêu lưu trên một con tàu săn cá voi do thuyền trưởng Ahab chỉ huy với mục đích tìm ra con cá voi trắng rất hung dữ và bí ẩn tên là Moby-Dick. Trong một lần trước đó, con cá voi ấy đã phá hủy thuyền và cắn cụt chân Ahab, bây giờ ông ta quyết trả thù. Đây là cuốn tiểu thuyết sử thi bề thế với vô số đoạn văn trữ tình, nhiều biểu tượng cách điệu trên nền những cuộc phiêu lưu viễn dương sau thời Trung cổ. Tác giả đề cập mối quan hệ đầy ẩn dụ giữa con người với thế giới, giữa tâm hồn cô đơn với đại dương bao la.
Nếu muốn những chuyện hình sự căng thẳng, những mối tình dọc đường, những tâm sự cởi mở – hãy tìm đến văn học Mỹ thế kỷ ХХ. Ưa thích những truyện thật ít hành động mà cực nhiều diễn biến nội tâm – có Dostoyevsky, Dreiser và các tác giả Nhật Bản. Muốn chia sẻ những khúc mắc trong gia đình – có các nhà văn Italy. Những mối quan hệ đa dạng kéo theo những khổ đau tự nguyện – đến với người Pháp. Thích những câu chuyện hoang đường đa tầng thì đến với chủ nghĩa hiện thực huyền thoại Mỹ Latinh hay các tác giả Đông Âu. Nếu thích thế giới phiêu lưu – hãy chọn sách của tác giả Âu Mỹ thế kỷ XV-XVII; còn thích một thế giới lý tưởng thì tìm đến những cuốn truyện viễn tưởng được sáng tác không sớm hơn thế kỷ XVIII.
Yulia Seralyeva
(Nga)
Nguyên Đăng lược dịch
Theo Superstyle.ru