Khi Nescafe tung cà phê pha phin, họ đã quyết định tham chiến với Trung Nguyên tại một Đại dương Đỏ khổng lồ.
Tỉ trọng cà phê rang xay truyền thống theo suy đoán của chúng tôi có thể vào khoảng 65-70% thị phần. Gọi là Đại dương Đỏ chính là vì số tay chơi nơi đây tính con số đến hàng ngàn.
Tay chơi lớn ngoài Trung Nguyên, có thể kể đến Mê Trang, Phương Vy, Thu Hà, Bảo Minh, Hoàng Tuấn, Trần Quang và hàng ngàn cơ sở rang xay khác ở các nơi. Chưa kể các đại gia cà phê hạt xuất khẩu như Phúc Sinh, Phúc Long hay các chuỗi quán cà phê lớn nhỏ như HL, TCH, Milano, Viva Star… cũng bày bán túi cà phê rang sẵn cho người dùng mang về uống.
Tạm bỏ qua yếu tố sạch-bẩn, cà phê – bắp đậu, mộc-tẩm ướp, số lượng người người nhà nhà tham gia vào công đoạn rang xay và đóng gói sẵn, cho thấy thị trường này có lượng người dùng rất lớn.
Thói quen làm một ly cà phê mỗi sáng vẫn luôn hiện hữu, dù vẫn có nhiều lựa chọn thức uống khác như nước suối, trà xanh và trà thảo mộc, nước trái cây, sữa…
Một Đại dương Đỏ khác trong ngành cà phê là phân khúc cà phê hòa tan. Ra đời sau và nhắm đến sự tiện dụng cho người dùng, cà phê hòa tan đã phát triển rất mạnh. Trên thế giới cà phê hòa tan có thể đã cân bằng tỉ trọng với rang xay. Ông lớn SB cũng góp mặt với nhãn Via.
Thực tế, cà phê hòa tan tại Việt Nam trong hơn 10 năm qua đã tăng trưởng vào khoảng 20%-30% mỗi năm. Chưa kể, Việt Nam trồng chủ yếu là giống Robusta, thích hợp để chế biết cà phê hòa tan. Do vậy, sản xuất cà phê hòa tan để tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu đều tăng rất nhanh.
Quan sát sự phát triển này có thể thấy khá thú vị, đó là số lượng các nhà sản xuất cà phê hòa tan tuy có ít hơn nhiều so với số cơ sở cà phê rang xay, nhưng công suất của các nhà máy này lại khá lớn. Vì thế việc OEM – Original Equipment Manufacturing, một thương hiệu cà phê hòa tan khá đơn giản, ai cũng có thể tham gia Đại dương Đỏ này được.
Vinacafe, Nescafe, G7, Phố, Wakeup, Chất… là những thương hiệu có tiếng ở trong nước. Nhưng từng khu vực lại có những lựa chọn cà phê hòa tan khác cho mình như Mê Trang, Trần Quang, King, PhinDeli, K-coffee…
Vài tháng trước đây, Nuti cafe của Nutifood xuất hiện. Cho tới nay, ngoài vài điểm sampling uống thử, độ phủ của Nuticafe còn rất khiêm tốn. Liệu sẽ có một tình huống rút lui khỏi ngành “trái tay” tương tự như True Coffee hay Moment của Vinamilk trước đây?
Sự tăng trưởng liên tục ở mức cao nhiều năm của phân khúc cà phê hòa tan khiến miếng bánh này trông hết sức hấp dẫn! Nhưng để chen chân và trụ vững thì không dễ dàng. Rào cản kỹ thuật không lớn. Chi phí quy mô, thương hiệu, và hệ thống phân phối mới đóng vai trò quan trọng cho việc thành bại. Nhỏ vào dễ chết, lớn vào cũng chật vật. Đại dương Đỏ là vậy. Lởi khuyên đưa ra đó là, nếu làm để xuất khẩu thì không sao chứ tham gia thị trường nội địa thì cần cân nhắc.
Vậy có chỗ nào gọi là Xanh cho các tay chơi cũ mới hay không? Trong Coffee Expo 2018 vừa qua, có những cơ hội nào cho một Đại dương Xanh mới lạ?
DƯƠNG THANH