Trong những năm qua, ngành Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (gọi chung là ngành Đồ uống) là một trong những ngành có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; thể hiện được trách nhiệm với cộng đồng thông qua các chương trình từ thiện xã hội, vận động người tiêu dùng uống có trách nhiệm.
ĐÁP ỨNG NHU CẦU TIÊU DÙNG TRONG NƯỚC VÀ XUẤT KHẨU
Lịch sử thế giới đã chứng minh bia, rượu có truyền thống văn hóa lâu đời, xuất hiện cách đây 12.000 năm. Bia được sản xuất tại Việt Nam bắt đầu từ năm 1875 do người Pháp xây dựng ở Sài Gòn và năm 1890 ở Hà Nội, tiền thân của 2 nhà máy lớn là Bia Sài Gòn và Bia Hà Nội. Việc sản xuất rượu ở nước ta có lịch sử hàng nghìn năm cùng với nên văn minh lúa nước, từ xa xưa, người dân đã biết trồng lúa nước và nấu rượu (hiện có nhiều tại di tích ở Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, tại hang rượu Tràng An, Ninh Bình). Năm 1898, người Pháp xây dựng nhà máy rượu tại Hà Nội, tiền thân của Công ty Cổ phần Cồn Rượu ngày nay, đến năm 1900 xây dựng một nhà máy ở phía Nam, tiền thân của Công ty Cổ phần Rượu Bình Tây ngày nay. Ngành Nước giải khát có gas xuất hiện sau so với ngành Bia – Rượu, được coi là ngành công nghiệp trẻ, với các thương hiệu như Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Nước giải khát Chương Dương, và các công ty nước ngoài mới vào Việt Nam từ những năm 90 như Coca – Cola, Pepsico…
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, ngành Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam đã nỗ lực không ngừng, vượt qua bao khó khăn, thử thách, đi lên bằng nội lực để khẳng định thương hiệu đồ uống Việt Nam, không chỉ đáp ứng đủ tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu sang một số nước. Còn nhớ, thời bao cấp người tiêu dùng phải xếp hàng để mua bia, đến những năm 90 của thế kỷ trước do sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nên Bia Vạn Lực của Trung Quốc đã tràn ngập trên thị trường cả nước. Trước thực tế đó, Bia Hà Nội, Bia Sài Gòn được sự quan tâm của Nhà nước nên đã đầu tư trang thiết bị, công nghệ, nâng công suất, chất lượng, giá thành hợp lý nên đã chiếm lĩnh thị trường, Bia Vạn Lực từ đó không còn xuất hiện trên thị trường.
Bước vào giai đoạn hội nhập và phát triển, thương hiệu Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội đã không ngừng đầu tư thiết bị hiện đại, tiên tiến, xây dựng thêm các nhà máy mới và có thêm các công ty con, công ty liên kết ở các tỉnh, thành. Nhờ có nguyên liệu được nhập khẩu ở thị trường tốt nhất trên thế giới, người lao động vận hành tốt thiết bị, công nghệ tiên tiến, cộng với kinh nghiệm sản xuất bia hơn trăm năm nên SABECO, HABECO đã cho ra đời những sản phẩm bia có chất lượng cao, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Từ những năm 90 đến nay, nhiều hãng bia nổi tiếng thế giới đã đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam, đáng kể như Heineken, Carlsberg, rồi Budweiser, Sapporo, và gần đây là Thai Bev… Từ đó, ngành không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, người dân không phải uống bia nhập lậu từ nước ngoài. Đến nay ngành sản xuất bia đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước, tránh được tình trạng thiếu bia và hạn chế tình trạng nhập lậu và có một phần xuất khẩu.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Đối với ngành Rượu, các nhà máy cũng đã đầu tư xây dựng trang thiết bị, công nghệ hiện đại, tiêu biểu là Nhà máy Rượu Hà Nội ở khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh. Các sản phẩm của HALICO không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu sang một số quốc gia, vùng lãnh thổ… Hiện nay, ngoài một số thương hiệu trong nước được nhiều người biết đến như HALICO, Rượu Bình Tây, Vodka Men, Vang Thăng Long, Vang Đà Lạt… còn có nhiều thương hiệu rượu quốc tế tham gia trên thị trường, đáng kể như Hennessy, Johnnie Walker, Chivas, Moet & Chandon, cùng các thương hiệu rượu vang nổi tiếng quốc tế. Tuy nhiên, ngành Rượu đang gặp nhiều khó khăn do tác động của chính sách, tình trạng rượu dân tự nấu đang tràn lan, rượu giả, rượu lậu… cũng ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Nguồn: Tổng cục Thuế
Qua Biểu đồ 2, năm 2016 sản lượng rượu là 305,2 triệu lít trong đó rượu sản xuất công nghiệp khoảng 70 triệu lít/năm, còn lại là rượu thủ công do dân tự nấu ở quy mô gia đình, quy mô nhỏ chiếm tới trên 200 triệu lít. Nhìn vào biểu đồ ta thấy tổng sản lượng rượu từ năm 2014 đến năm 2016 giảm 2,6%, phù hợp với quy hoạch của ngành đã được Bộ Công Thương phê duyệt.
Ngành Nước giải khát có bước phát triển nhanh trong 10 năm trở lại đây, hiện ngoài các sản phẩm nước giải khát có gas còn có nhiều sản phẩm nước giải khát từ thiên nhiên, nguyên liệu hoa quả tốt cho sức khỏe. Các thương hiệu nước giải khát được nhiều người biết đến như Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Nước giải khát Chương Dương, Coca – Cola, Pepsico, URC…
Nhìn chung, ngành Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam đã phát triển theo đúng quy hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt, tốc độ tăng trưởng của ngành Bia có xu hướng giảm dần, nếu như những năm trước tăng trưởng 2 con số thì nay chỉ tăng trưởng 1 con số. Theo số liệu của Bộ Công Thương năm 2017 sản lượng bia các loại ước đạt 4000,6 triệu lít, tăng 5,65% so với năm 2016. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (biểu đồ 1) cho thấy, tốc độ tăng trưởng sản xuất bia trong 3 năm gần đây (2015-2017) đang có xu hướng giảm. Năm 2017 giảm 3,65% so với 2016.
NỘP NGÂN SÁCH VÀ ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI
Ngành Đồ uống nói chung và ngành Bia Việt Nam nói riêng giữ một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Trong những năm qua, ngành Bia đã đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước. Theo số liệu của Tổng cục Thuế, năm 2017, riêng ngành Bia đã nộp ngân sách xấp xỉ 50 nghìn tỷ đồng, năm 2018 là trên 50 nghìn tỷ đồng và sẽ tăng trong những năm tiếp theo.
Ngành đã giải quyết công ăn việc làm cho trên 220.000 lao động trực tiếp sản xuất và đông đảo lao động gián tiếp làm việc trong hệ thống kinh doanh, thương mại, nhà hàng, dịch vụ, vận tải, nông nghiệp… Các doanh nghiệp trong ngành tham gia tích cực các chương trình trách nhiệm xã hội, từ thiện, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường ở nhiều địa phương trong cả nước.
Các tỉnh thành có nhà máy bia, ngân sách của địa phương hàng năm tăng lên đáng kể. Các doanh nghiệp bia, rượu tại các tỉnh, thành đều nộp ngân sách cao trong top đầu của địa phương. Trong số này có 10 địa phương có số thu từ ngân sách chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu của địa phương năm 2017:
Bảng 1
1 | Thành phố Hồ Chí Minh | 23.016.858.006.353 đ |
2 | Hà Nội | 4.835.216.091.994 đ |
3 | Đà Nẵng | 2.361.966.865.839 đ |
4 | Tiền Giang | 1.783.962.441.824 đ |
5 | Thừa Thiên – Huế | 1.663.352.193.478 đ |
6 | Nghệ An | 1.559.462.951.062 đ |
7 | Bình Dương | 1.350.053.734.225 đ |
8 | Bà Rịa – Vũng Tàu | 975.723.240.780 đ |
9 | Cần Thơ | 898.470.058.554 đ |
10 | Quảng Ngãi | 849.376.534.867 đ |
Tổng cộng | 39.294.442.118.976 đ |
Nguồn: Tổng cục Thuế
Vị trí, vai trò của ngành Đồ uống nói chung và ngành Bia – Rượu nói riêng đã được Nhà nước ghi nhận và xã hội công nhận, với những con số ấn tượng về đóng góp ngân sách và giải quyết việc làm. Hàng năm, mức nộp ngân sách của ngành năm sau đều cao hơn năm trước. Nếu như năm 2012, toàn ngành Bia – Rượu – Nước giải khát nộp ngân sách đạt trên 19.134 nghìn tỷ đồng, năm 2013 đã tăng lên 21.000 tỷ đồng, năm 2015 đạt 26.783,81 tỷ đồng thì đến năm 2017 đã đạt 50 nghìn tỷ đồng, năm 2018 là trên 50 nghìn tỷ đồng. Các nhà máy sản xuất bia, rượu, nước giải khát ở tỉnh, thành phố đều đứng ở vị trí nhất nhì về nộp ngân sách và công tác từ thiện xã hội cho địa phương.
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÀ TRÁCH NHIỆM VỚI CỘNG ĐỒNG
Trong những năm qua, các doanh nghiệp ngành Bia – Rượu – Nước giải khát luôn chủ động, tích cực thực hiện các chương trình hành động vì cộng đồng, nhất là chương trình phát triển bền vững. Tiên phong trong các hoạt động này phải kể đến các thương hiệu như Heineken Việt Nam, Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội, Bia Carlsberg Việt Nam, Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Coca – Cola…
Năm 2018 là năm thứ 2 liên tiếp Công ty TNHH HEINEKEN Việt Nam được vinh danh là Doanh nghiệp Sản xuất Bền Vững nhất Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá và xếp hạng. HEINEKEN Việt Nam. Đây là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong áp dụng các sáng kiến, công nghệ, mô hình phát triển tiên tiến, bền vững; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp cùng theo đuổi con đường tăng trưởng xanh; đóng góp thiết thực và hiệu quả cho việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam.
Các thương hiệu lớn như Bia Sài Gòn, Heineken Việt Nam, Bia Hà Nội, Bia Carlsberg Việt Nam, Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Coca – Cola… đã có nhiều hoạt động xã hội từ thiện có ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, vận động người tiêu dùng uống có trách nhiệm, đã uống rượu bia thì không lái xe. Heineken Việt Nam đã tài trợ nhiều công trình nước sạch, bảo vệ môi trường, tuyên truyền Uống có trách nhiệm, đầu tư cho các hoạt động phát triển nguồn nhân lực, tết cho người nghèo… SABECO mỗi năm chi gần trăm tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội, đóng góp hàng chục tỷ đồng vào các hoạt động an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, hỗ trợ người nghèo, gia đình khó khăn, giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng đường giao thông, trường học; Chung tay xây dựng, phát triển nguồn nhân lực cho cộng đồng… HABECO cũng luôn tiên phong trong công tác từ thiện, an sinh xã hội, giúp đỡ người nghèo, quan tâm đến gia đình chính sách, người có công, đồng bào bị lũ lụt, thiên tai, trẻ em khuyết tật… Mỗi năm, tổng số tiền mà Tổng công ty ủng hộ cho hoạt động xã hội từ thiện trung bình khoảng từ 5 tỷ đến 7 tỷ đồng.
Không chỉ chủ động, tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, ngành Đồ uống còn có nhiều chương trình vì cộng đồng như tuyên truyền, vận động người tiêu dùng thực hiện “Uống có trách nhiệm”, “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”, phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Học viện Cảnh sát Nhân dân tổ chức lớp tập huấn về uống có trách nhiệm, nâng cao kiến thức, thay đổi hành vi, đảm bảo an toàn giao thông… Điển hình trong các hoạt động này phải kể đến Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD), Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam, với những hoạt động thiết thực, bổ ích, hiệu quả.
Nhìn chung, ngành Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội mà còn luôn có trách nhiệm với cộng đồng, tất cả vì sự phát triển bền vững, hài hòa giữa lợi ích của nhà nước, quyền lợi của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng.
PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam