Ngày 22.11.2017, tại TP.HCM Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã tổ chức buổi toạ đàm về “Thị trường ngành đồ uống Việt Nam năm 2017 – dự báo xu hướng năm 2018”.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong thời gian tới, thị trường đồ uống Việt Nam vẫn được đánh giá vẫn là đầy tiềm năng vì còn nhiều dư địa để phát triển. Thế nhưng, năm 2018 cũng là năm đầy thách thức đối với các doanh nghiệp trong nước khi hàng loạt các tập đoàn lớn trong ngành của nước ngoài đã và đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam; việc tăng thuế sẽ khiến hàng nhập lậu hoành hành…
NĂM 2017 CƠ BẢN SẼ HOÀN THÀNH KẾ HOẠCH
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA, với những nỗ lực của mình chủ động nắm bắt thời cơ, đưa ra các giải pháp tích cực và đồng bộ trong sản xuất và kinh doanh, trong năm 2017 các doanh nghiệp sản xuất ngành bia, rượu, nước giải khát trong nước cũng đã cơ bản hoàn thành và vượt mức kế hoạch đề ra.
Đánh giá này của Chủ tịch VBA, ông Nguyễn Văn Việt, dự trên tình hình sản xuất kinh doanh ngành đồ uống thời gian qua. Chỉ tính 8 tháng đầu năm 2017, ngành đồ uống Việt Nam đã có mức tăng trưởng khá tốt, trong đó ngành bia tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2016; ngành rượu thì gặp nhiều khó khăn hơn do sức ép từ rượu người dân tự nấu cũng như khó khăn về mặt chính sách và dư luận, tuy nhiên lượng sản xuất công nghiệp cũng ước đạt 70 triệu lít, đạt mức tăng trưởng 20,5%.
Tuy nhiên, nếu thấy con số tổng sản lượng sản xuất rượu thực sản xuất và tiêu thụ của cả nước ước đạt 342 triệu lít, bao gồm cả rượu người dân tự nấu, thì sẽ thấy mảng sản xuất rượu đang có nhiều vấn đề và khả năng thất thu thuế của nhà nước rất lớn.
PGS. TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA, bày tỏ lo ngại, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt quá nhanh có thể dẫn đến tình trạng hàng nhập lậu vào Việt Nam.
Trong khi đó năm 2017 đã cho thấy ngành nước giải khát lại có mức tăng trưởng khá khả quan, tăng trưởng tương đồng với ngành bia. Điều này là do thị trường tại Việt Nam rất tiềm năng, người tiêu dùng Việt Nam hiện nay đặc biệt quan tâm đến sức khỏe, nhất là những gia đình có thu nhập từ trung bình trở lên sẵn lòng chi trả cho các loại thức uống không cồn như: trà đóng chai, nước hoa quả nguyên chất hay các thức uống ít năng lượng và ít đường khác… để bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình. Trên thị trường hiện nay đã xuất hiện thêm nhiều sản phẩm nước ép trái cây, nước tăng lực, nước giải khát có tác dụng giải độc…
PGS. TS Nguyễn Văn Việt cho rằng, việc tăng trưởng này cũng nhờ vào những thay đổi rõ rệt về nền kinh tế nói chung và mức sống của người tiêu dùng nói riêng, trong đó mức thu nhập hàng tháng cũng như chi tiêu cho thức uống của người Việt ngày càng cao.
Theo khảo sát, mức tiêu thụ thức uống của người Việt Nam năm 2016 đạt đến 82 tỷ lít nhưng theo dự kiến sẽ tăng lên 109 tỷ lít vào năm 2020, tương đương mức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 6%. Trong đó, nhóm đồ uống có cồn, mặt hàng bia, vẫn giữ ưu thế là thức uống phổ biến. Đối với thức uống không cồn, doanh số nước giải khát được bán ra thị trường gấp đôi doanh số nước có gas và xu hướng này sẽ tiếp tuc giữ nguyên trong thời gian tới.
NĂM 2018 DỰ BÁO NHIỀU KHÓ KHĂN, ĐẶC BIỆT ĐỐI PHÓ HÀNG NHẬP LẬU
Dự báo tình hình thị trường đồ uống trong năm 2018, đánh giá của các chuyên gia trong ngành đều cho rằng, trong thời gian tới thị trường tiêu thụ sản phẩm đồ uống tại Việt Nam, nhất là sản phẩm bia, phải chịu nhiều tác động.
Trước hết, do sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt của các hãng bia trong nước và có vốn đầu tư nước ngoàinên các hãng bia liên tục đưa ra các loại sản phẩm mẫu mã mới, cùng các hình thức khuyến mại giảm giá để thu hút khách hàng, nên lợi nhuận tích lũy tái đầu tư có thể không còn như trước đây. Đặc biệt là các thương hiệu bia trong nước sẽ phải cạnh tranh khốc liệt, trong điều kiện hạn chế về nguồn lực tài chính, qui định đối với tỉ lệ đầu tư cho marketing, năng lực quản lý cũng như thiếu kinh nghiệm trong công tác marketing.
Đáng lưu ý, một dự báo đến từ đại diện VCCI và Hội chống Hàng giả Việt Nam đều thống nhất, năm 2018 cần có sự ra tay quyết liệt của các cơ quan quản lý chức năng để đảm bảo thị trường đồ uống hoạt động ổn định và bền vững, tránh thất thu thuế. Cảnh báo này dựa trên cơ sở trong những năm qua thuế tiêu thụ đặc biệt liên tục tăng cao khiến các doanh nghiệp không kịp trở tay để giữ ổn định về giá bán, chính sách thị trường, chính sách đối với các đại lý… Có thể thấy mức thuế này đã tăng từ 55% năm 2015 lên 60% năm 2017 và tới đây sẽ lên 65% vào năm 2018.
Qua khảo sát một số nguồn bán lẻ cho thấy, giá trung bình của một thùng bia (24 lon) ngoại nhập luôn cao hơn từ 2 đến 2,5 lần so với bia nội, vì thuế nhập khẩu cho bia – rượu hiện dao động từ 30% đến 65%. TS Nguyễn Văn Việt bày tỏ lo ngại, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt như vậy có thể dẫn đến tình trạng hàng nhập lậu vào Việt Nam sẽ nhiều để kiếm lợi trên đó.
Chưa kể, nhiều dự báo cho thấy năm 2018 thị trường đồ uống trong nước sẽ chứng kiến sự bành trướng của các doanh nghiệp nước ngoài qua con đường M&A hay FDI cũng như thay đổi cấu trúc ngành hàng. Xu hướng tiêu dùng mới cho thấy, các nhà sản xuất đồ uống trong nước cần tập trung vào phát triển các dòng sản phẩm đa dạng về hương vị, dung tích, đồng thời thúc đẩy các nhóm sản phẩm có lợi cho sức khỏe, do cần nắm bắt chính xác tâm lý của người tiêu dùng để có thể đưa ra các chiến lược phù hợp nhằm mở rộng thị phần và phát triển.
PHƯỚC NGỌC