Rượu có phần xác và phần hồn. Phần xác để tay nâng, miệng nhấp, phần hồn để tinh thần chắp cánh bay lên. Từ đó, rượu gặp thơ như là nhịp sống của nhân loại, tương quan từ tinh thần đến vật chất…
Đối với người Việt, bên cạnh việc thưởng thức rượu theo sự đa dạng về chủng loại còn có những quan điểm rất riêng về việc uống rượu: khi nào và uống với ai. Vào mùa hè, gần như không có một áng văn chương nào ca ngợi hay bàn tới việc uống rượu. Nhưng những mùa khác thì ắt hẳn là có. Chén rượu của mùa xuân là rượu chúc mừng năm mới, chúc mừng sự sinh sôi nảy nở, cây cối thì đâm chồi nảy lộc, lòng người cũng hân hoan phơi phới. Tản Đà đã viết bài Ngày xuân thơ rượu nổi tiếng:
Trời đất sinh ta rượu với thơ
Không thơ không rượu sống như thừa
Còn thơ còn rượu còn xuân mãi
Còn mãi xuân còn rượu với thơ.
Với mùa thu, đây là mùa thường được coi là mang lại cảm hứng nhiều hơn cả cho những tâm hồn nghệ sĩ. Một chút men rượu làm lâng lâng lòng người, hòa hợp cùng những khoảnh khắc bâng khuâng của đất trời, của gió heo may, của lá vàng ngập lối, của mặt nước long lanh với bờ xa sương khói… Nguyễn Khuyến trong bài thơ Thu ẩm có hai câu kết:
Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy
Độ dăm ba chén đã say nhè.
Khi mùa đông đến chén rượu sẽ làm lòng người ấm áp hơn, góp phần chống lại cái lạnh giá của thời tiết, cảm nhận được sự gần gũi. Trong văn học Việt Nam, bài Uống rượu với Tản Đà của thi sĩ Trần Huyền Trân đã nói lên điều đó
Cụ hâm rượu nữa đi thôi
Be này chừng sắp cạn rồi còn đâu
Rồi lên ta uống với nhau
Rót đau lòng ấy vào đau lòng này…
Sau việc nên uống rượu vào thời điểm nào, người Việt cũng ý thức rất sâu sắc về việc uống rượu với ai. Rượu cần phải uống với người tri âm, tri kỷ, người hiểu mình và ngược lại mình cũng hiểu người. Chẳng thế mà khi Dương Khuê mất, người tri âm đã không còn, chén rượu nâng một mình thấy lòng lẻ loi đắng chát, Nguyễn Khuyến than:
Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua.
Các bậc danh sĩ đất Việt, những thi nhân nổi tiếng từ xưa đến nay, hầu như ít nhiều đều bàn đến rượu trong thơ, nhờ rượu mà bày tỏ tâm sự hoặc một phần cốt cách của mình. Nguyễn Trãi trong Quốc âm thi tập có không ít những câu thơ về rượu, bộc lộ một tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống tha thiết:
Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén
Ngày vắng xem hoa bợ cây.
Nguyễn Du cũng cảm thán:
Phù thế kỷ kinh tang lỗ biến
Sàng đầu y cựu tửu doanh tôn
Sinh tiền bất tận tôn trung tửu
Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi
(Trăm năm thay đổi cuộc đời
Chỉ mong chai rượu không vơi đầu giường.
Sống không uống cạn ai ơi
Chết rồi dưới mộ đâu người rót cho)
Nguyễn Công Trứ có sở thích du sơn ngoạn thủy với bầu rượu túi thơ, đi chơi có bao giờ thiếu rượu bên mình:
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
Không Phật, không Tiên, không vướng tục.
Thêm nữa, Nguyễn Công Trứ còn ngợi ca bốn thú chơi cao sang mà tao nhã ở đời. đó là Cầm-Kỳ-Thi-Tửu.
Dở duyên với rượu khôn từ chén
Chót nợ cùng thơ phải chuốt lời
Cờ sẵn bàn son xe ngựa đó
Đàn còn phím trúc tính tình đây
Và rượu không chỉ là đặc quyền của các nam nhân văn sĩ bởi bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương cũng đã viết:
Chén rượu hương đưa, say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế, khuyết chưa tròn.
Rượu đã đi vào thơ sống một đời sống thật thà và mộng mị. Có người mượn rượu để mạnh dạn nói điều mà không say không nói ra được “Lời say thường nói thật”. Ở đây có cả loại mượn rượu để chửi đổng. nhà thơ Nguyễn Vỹ trong lúc say đã viết bài thơ Gửi Trương Tửu để nói cái chí khí uất của mình.
Ngồi buồn lấy rượu uống say sưa
Bực chí thành say mấy cũng vừa
Mẹ cha cái kiếp làm thi sỹ
Chơi nước cờ cao gặp vận bĩ…
Rượu dẫn người ta đến tận cùng suy ngẫm về cái lẽ ở đời. Rượu là nơi giãi bày mọi tâm sự buồn vui, đẩy lùi sầu muộn làm ta sống mạnh mẽ trong nhiều cảnh huống thử thách. Cao Bá Quát có bài thơ Uống rượu tiêu sầu hé mở một triết lý nhân sinh.
…Đoạn tống nhất sinh duy hữu tửu
Trầm tư bách kế bất như nhàn
(Cắt đứt mối sầu ở trên đời, chỉ có rượu là hơn cả. Ngồi ngẫm nghĩ cho kỹ trăm chước không gì bằng chữ nhàn).
Rượu có sức lay dậy, mách bảo là vậy. Người uống rượu thì có thể nhiều lời, lớn tiếng nhưng rượu thì thầm lặng thấm thía. Lúc bình thường người ta chỉ thấy hương rượu thơm, vị rượu cay nhưng càng uống, tâm sự càng đầy người ta nhận ra vị đắng chát, mặn nhạt, nóng lạnh của rượu.
Đối với người Việt, rượu có thể gắn với một nghi lễ, gắn với sự sẻ chia tâm tình của tri âm tri kỷ, rượu có thể bộc lộ một nhân sinh quan hoặc chí khí, hào khí, bộc bạch tâm sự nỗi niềm thời thế, rượu có thể sẻ chia những vui buồn của kiếp người hay là sự hưởng thụ mang tính cá nhân … Có thể thấy trong muôn vàn các trường hợp, rượu luôn là thứ giúp được người ta thăng hoa theo một ý nghĩa nào đó. Tất nhiên, uống có liều lượng.
ĐÔNG XUÂN