Phong tục thờ cúng tổ tiên là một nét đẹp văn hóa được duy trì từ bao đời nay. Nó thể hiện sự biết ơn và tấm lòng hiếu thuận của con cháu với những người đi trước, là trách nhiệm duy trì truyền thống của gia đình, dòng họ… Trong tâm thức người Việt, những người thân dù đã mất vẫn luôn có một mối quan hệ mật thiết với những người đang sống. Tổ tiên, ông bà, luôn dõi theo, phù hộ độ trì cho con cháu. Vì thế, thờ cúng tổ tiên luôn giữ một vị trí thiêng liêng trong đời sống tâm linh, là điểm tựa tinh thần quan trọng cho cuộc sống của mỗi con người, mỗi dòng họ.
Tết cổ truyền là cái Tết xum họp. Sự xum họp của những người đang sống và những người đã khuất. Không khí Tết đến với mọi nhà luôn bắt đầu từ việc trang hoàng bàn thờ tổ tiên. Những vật dụng thờ cúng được lau chùi đánh bóng, được bày biện đẹp đẽ hơn, cẩn trọng hơn để con cháu tỏ lòng thành kính đón tổ tiên và gửi gắm vào đó những ước vọng mong muốn được tổ tiên phù hộ độ trì cho một năm mới an khang, thịnh vượng.
Xoay quanh việc thờ cúng tổ tiên ngày Tết luôn có những con số gần như là mặc định. Tùy theo vùng miền, gia cảnh mà gia chủ có những vật thờ, hoặc nghi lễ có đôi chút khác nhau. Nhưng tại sao lại có 1 bộ đỉnh, tại sạo lại vái 3 vái, thắp 3 nén hương; tại sao lại thờ cặp bánh chưng, cặp dưa hấu… Tất cả đều có căn nguyên và mang ý nghĩa tâm linh. Mỗi con số chuyển tải những ý nghĩa về mặt tâm linh đều xuất phát từ văn hóa nhân sinh, luôn gắn bó với rất nhiều sự vật, hiện tượng xung quanh đời sống tự nhiên.
Số 1 là con số duy nhất, con số của các vị thần thánh tượng trưng cho đỉnh cao tối thượng, độc nhất. Bàn thờ gia tiên thường có 1 đỉnh đồng để đốt trầm hay 1 bát hương lớn. Đây được xem như nơi dung tụ những gì tinh túy nhất, linh thiêng nhất trong ngôi nhà Việt. Một bức hoành phi treo cao phía trên ban thờ, thể hiện khí tiết của gia đình, dòng tộc. Một chiếc lộc bình thường đặt bên tay trái. Vào ngày Tết cành đào thắm của miền Bắc hay cành mai vàng tươi của miền Nam cắm trong chiếc lộc bình ấy.
Số 2 tượng trưng cho cặp, đôi. Tượng trưng cho sự cân bằng Âm – Dương, kết hợp tạo thành Thái lưu, thành sự luân chuyển, là nguồn gốc, sự sinh sôi và phát triển của vạn vật. Trên ban thờ, đôi giá nến, đôi hạc, đôi câu đối thể hiện gia phong, tiết lễ… Đặc biệt vào ngày Tết ban thờ không thế thiếu cặp bánh chưng và cặp mía đặt ở hai bên bàn thờ tượng trưng cho đường dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về hạ giới và ngược lại… Ở miền Nam, miền Trung ngày Tết thường thờ cặp dưa hấu, cặp bưởi loại lớn có dán chữ “Phúc” viết trên giấy hồng điều để cầu phúc cho gia đình dòng họ và chữ “Thọ” nói lên mong ước cho ông bà cha mẹ còn đang sống được trường thọ.
Số 3 có ý nghĩa rất sâu xa, là con số biểu hiện tính lý của Vũ trụ với ba cõi Trời – Đất – Vạn vật (trong đó con người là trung tâm). Con người ở giữa thiên nhiên, kết nối Trời và Đất. Thiên – Địa – Nhân vận động theo quy luật Luân hồi vòng tròn bất tận, do đó có thể nói, số 3 tượng trưng cho sự tổng hợp tâm linh, vốn là niềm tin, là văn hóa của người Việt. Thắp 3 nén nhang, đặt 3 cỗ lễ vàng mã, vái 3 vái, lạy 3 lạy hay rót ba chén nước hoặc 3 chén rượu… trong nghi lễ thờ cúng tổ tiên tượng trưng cho sự tịnh tâm của lòng người. Điều đó có ảnh hưởng từ Phật giáo. Thắp “ba nén hương” có ý nghĩa tương ứng với “giới, định, huệ”. Giới hương, tức là biểu đạt lòng quyết tâm từ bỏ thói xấu. Định hương tức là sự tĩnh tâm, bình tĩnh xử trí mọi việc. Huệ hương, tức là khẩn cầu khai ngộ, đạt được Phật tâm. Ba vái, 3 lạy có ý nghĩa tượng trưng cho lễ ba ngôi Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng. Lạy thứ nhất, nhớ ơn, kính ngưỡng Đức Phật soi sáng, chỉ đường. Lạy thứ hai nguyện ý thực hiện những lời răn dạy. Lạy thứ 3 nguyện theo đường đạo, thấu hiểu Phật pháp.
Số 5 với người Việt bao hàm một ý nghĩa đặc biệt: Đó là thể hiện của nhiều quan niệm nhân sinh, nhiều đạo lý trong cuộc sống. Nếu coi số đếm đến 10 là sự tròn đầy thì số 5 là số trung tâm. Số 5 là tượng trưng cho 4 hướng: Đông – Tây – Nam – Bắc và Trung Tâm. Số 5 còn có ý nghĩa huyền bí khi xuất phát từ học thuyết Ngũ Hành. Mọi sự việc đều bắt đầu từ 5 yếu tố:
– Trời Đất có Ngũ Hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
– Đạo đức của con người có Ngũ Luân: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
– Đạo lí có Ngũ Thường: Quân – Thần, Phụ – Tử, Huynh – Đệ, Phu -Thê, Bằng – Hữu
– Ước vọng của con người có Ngũ Phúc: Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh (Phúc, Lộc, Thọ Khang, Ninh). Phúc: là bề dày của đức độ tổ tiên bao bọc, chở che cho hạnh phúc của con người. Có Phúc là có Lộc, gặp nhiều điều may mắn về kinh tế, của cải vật chất. Thọ: là sống lâu, sống khỏe, minh mẫn. Khang: là mọi thứ, từ sức khỏe, của cải đến tinh thần đều dồi dào. Ninh: là bình yên, êm ấm, vững bền.
Có thể nói số 5 là tượng trưng cho danh dự, uy quyền, quyền lực, cho trường thọ và bất diệt. Vì thế, số 5 là con số tuyệt vời dùng trong bài trí phong thủy, cầu cúng, nó là thể hiện của sự thăng tiến và sinh sôi, nắm giữ thịnh vượng và hạnh phúc cho mỗi gia đình. Do đó mà trên bàn thờ tổ tiên, dù những vật thờ có khác nhau nhưng nhất thiết phải đảm bảo 5 yếu tố: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Đỉnh đồng, đôi hạc, giá nến đồng, tượng trưng cho Kim. Bàn thờ, ngai hay bài vị tượng trưng cho Mộc. Rượu, chén nước tượng trưng cho Thủy. Ngọn đèn dầu, nến hoặc hương khi thắp lên tượng trưng cho Hỏa. Bát hương, chén đựng nước, bình rượu bằng sành sứ tượng trưng cho Thổ.
Đặc biệt vào ngày Tết cổ truyền không một nhà nào có thể thiếu được mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên. Mâm ngũ quả truyền thống mang nhiều ý nghĩa sâu sắc và cũng là sự thể hiện nhiều triết lý nhân sinh của cuộc sống. Tùy từng vùng mà mâm ngũ quả ngoài nải chuối xanh gần như bắt buộc còn lại các loại quả có thể thay đổi nhưng bao giờ cũng phải đầy đủ năm thứ quả. Nải chuối tiêu xanh, nhiều quả, sai trái để cầu mong sự xum xuê, đuề huề, lắm con nhiều cháu, màu xanh biếc của nải chuối là biểu thị của sự vĩnh cửu. Màu vàng ươm cùng mùi hương thơm ngát từ trái bưởi tròn căng cầu mong sự no đủ, giàu sang, viên mãn. Màu đỏ tươi của trái hồng, trái quýt cầu mong sự may mắn. Trái phật thủ rắn chắc tượng trưng cho bàn tay chở che của tiên tổ để con cháu khoẻ mạnh, chân cứng đá mềm đủ sức lực vượt qua mọi khó khăn, vươn lên… Mâm ngũ quả dâng lên bàn thờ tổ tiên ngày Tết mang nhiều ý nghĩa, nó như một lời cầu mong ước nguyện, nó cũng như một sự tự nhắc nhở, tự sửa mình của con cháu trước tổ tiên: Sống theo đạo lý, tôn thờ đạo lý, uống nước nhớ nguồn, tu thân tích đức, kính trên nhường dưới, chăm chỉ làm ăn, có trí tiến thủ để gia đình được hưởng đủ Ngũ phúc.
Ngày Tết về, sắp đặt ban thờ tổ tiên, hiểu về ý nghĩa văn hóa, tâm linh, cung kính thắp nén hương thơm để khói nhang trầm lan tỏa, tạo nên một không khí thiêng liêng mà ấm cúng. Để thấy ngày hôm qua như hiện diện cùng ngày hôm nay, thấy tình cảm gia đình, dòng họ thêm gắn kết, thấy mọi ước nguyện hạnh phúc được gửi gắm, thấy niềm tin chờ mong vào ngày mai tốt đẹp sẽ đến. Điều đó thực sự đem lại sự thanh thản, bình an trong tâm hồn mỗi người.
NGUYÊN ĐỨC