Là một trong những người tiên phong của dòng nhạc điện tử, Daphne Oram đã cách mạng hóa nền âm nhạc, nhưng thật ngạc nhiên là cho đến nay, rất ít người biết điều này. Mới đây, vở kịch “Daphne Oram’s Wonderful World of Sound“ (Thế giới âm thanh kỳ diệu của Daphne Oram) đã đưa cuộc đời và những thành tựu phi thường của bà lên sân khấu.
Oram vẽ âm sắc trên máy Oramics
Gần như không ai biết đến Daphne Oram, nhưng bà chính là người đã định hình các thanh âm, bài hát mà chúng ta nghe ngày nay. Là người tiên phong của dòng nhạc điện tử, năm 1949 bà đã viết Still Point – được cho là sáng tác nhạc điện tử đầu tiên trên thế giới, điều không thể tưởng tượng được thời bấy giờ. Năm 1957, bà lập Radiophonic Workshop của BBC. Cũng trong năm này, bà bắt đầu làm việc trên máy Oramics do chính mình sáng chế. Chiếc máy này có thể biến những ký hiệu đồ họa thành âm nhạc, người sử dụng có thể “vẽ” ra những âm thanh mà mình muốn nghe.
Những gì Daphne Oram làm đã cách mạng hóa âm nhạc. Nhưng chỉ vài năm gần đây, thành tựu của bà mới bắt đầu được tôn vinh – còn bản thân nhà soạn nhạc này thì vẫn không phải một người tên tuổi gì (không giống như đồng nghiệp ở Radiophonic Workshop, Delia Derbyshire, người đã sử dụng phòng thu này để tạo ra tác phẩm nổi tiếng nhất của mình, đó là nhạc nền trong Dr Who – loạt phim truyền hình khoa học viễn tưởng của Vương quốc Anh do đài BBC sản xuất, phát sóng từ năm 1963). Giờ thì bà lại nhận được sự thừa nhận quá mức, kể cả vở kịch mới đây, Thế giới âm thanh kỳ diệu của Daphne Oram. Nhạc sĩ nhạc điện tử Anneke Kampman trực tiếp chơi bản bè trong vở này.
Khi hai nhà viết kịch Isobel McArthur (người đóng vai Oram) và Paul Brotherston bắt đầu tìm hiểu về Oram, họ đã cực kỳ ấn tượng. “Chúng tôi ngay lập tức thấy đây là một câu chuyện cuộc sống không thể tin được, vô cùng hấp dẫn. Chúng tôi chưa từng nghe nói về con người này trước đây và bắt đầu nhận ra, những người khác cũng vậy”, Brotherston cho biết. “Là một trong những nhạc sĩ, nhà chuyên môn cốt lõi, tận tâm – nhưng bà đã bị lãng quên ‘trên diện rộng’”.
Oram mất năm 2003, để lại một cuốn tiểu sử, nó cũng bất ngờ như chính một trong những sáng tác của bà – không chỉ bởi bà làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật âm thanh vốn rất nam tính này.
Không theo lối mòn
Oram giúp thuyết phục BBC thành lập Radiophonic Workshop năm 1958. Chương trình này kéo dài 5 năm sau đó với series Dr Who
Thế giới âm thanh kỳ diệu của Daphne Oram bắt đầu bằng thời thơ ấu của Oram ở Wiltshire, nơi bà đã khởi đầu sự nghiệp âm nhạc. Khi Oram 17 tuổi, người cha đã mời một thầy đồng nổi tiếng về nhà, Leslie Flint (người khá nổi tiếng vào năm 1942). Ông khẳng định, một giọng nói từ “cõi ngoài” đã tiên đoán, Oram sẽ là nhạc sĩ vĩ đại. Nghe vậy, cha của Oram đã quyết định cho bà bỏ học lớp y tá, thay vào đó là âm nhạc (không ngạc nhiên khi một quãng thời gian dài trong đời sau này, Oram quan tâm đến chủ nghĩa huyền bí, bà thậm chí còn phát triển thuyết lập dị, riêng biệt của mình về sự kết nối giữa sóng âm thanh và linh hồn).
Trong âm nhạc, Oram không đi theo lối mòn nhiều người đã đi. Năm mười tám tuổi, bà từ chối làm việc tại Royal College of Music (Viện Âm nhạc Hoàng gia) để làm việc như một người cân bằng nhạc (music balancer) ở BBC. Trong vòng vài năm, bà đã trở thành giám đốc xưởng phim, và bắt đầu thành lập xưởng sản xuất các hiệu ứng âm thanh điện tử – và nhạc. “Giống như chiếc camera và phim chiếu rạp đã làm bùng nổ các ý tưởng về thời gian và không gian trong cách kể chuyện, chắc chắn microphone (một loại cảm biến thực hiện chuyển đổi tín hiệu âm thanh sang tín hiệu điện) và băng có thể làm được điều tương tự cho âm nhạc”, Oram đã viết như vậy năm 1952.
Bà nhìn thấy tiềm năng “thao túng” của băng từ khi công nghệ này xuất hiện vào đầu những năm 1950 – chẳng hạn tua nhanh hay tua chậm, cắt hay ghép lớp các đoạn ghi âm để tạo ra hiệu ứng âm thanh và sáng tác âm nhạc mới. Những thí nghiệm như vậy là cực đoan thời đó. Trong khi những thí nghiệm tiên phong được chính phủ các nước châu Âu khác tài trợ, thì ở Anh, nó không được coi trọng – đặc biệt khi là của một phụ nữ trẻ. Oram và Desmond Briscoe, cuối cùng đã thuyết phục được BBC lập Radiophonic Workshop, nhỏ và được tài trợ rất ít, sử dụng thiết bị bỏ đi của Royal Albert Hall (Nhà hát Hoàng gia có tuổi đời gần 140 năm ở Anh).
Oram được giao nhiệm vụ cung cấp hiệu ứng âm thanh whizzy (những âm thanh mới, thú vị, dựa trên công nghệ mới nhất) cho các vở kịch trên đài phát thanh. Một vài trong số đó rất sáng tạo – ví dụ nhạc phim Samuel Beckett’s All That Falls – nhưng tiềm năng của một ngôn ngữ âm nhạc mới hoàn toàn thì vẫn chưa được khai thác. Oram, không nản lòng, một mình làm việc vào buổi tối, “hành hạ” các đoạn băng ghi âm để tạo ra một phòng thu multi-track (âm thanh được ghi trên nhiều rãnh) riêng, phục vụ cho sản xuất các tác phẩm giao hưởng.
Nhưng sau đó Oram bị cho nghỉ việc sáu tháng. Ông chủ của bà nói rằng, họ quan tâm đến ảnh hưởng của thiết bị âm thanh điện tử trên cơ thể người. Thất vọng sâu sắc, Oram từ bỏ. Mặc dù nhiều năm đấu tranh cho Radiophonic Workshop, nhưng bà gần như không được chứng kiến nó vượt qua thời kỳ trứng nước.
Vẽ nhạc
Bức tranh của Victoria Morton vẽ Daphne Oram
Oram mở một phòng thu riêng ở Tower Folly, được cải tạo từ căn hầm sấy nông sản ở Kent. Ở đó, bà đã soạn ra những bản hòa nhạc tape manipulation tiên phong (những bản hòa nhạc kết hợp giữa đồ họa và băng); bao gồm Four Aspects (1960), những giai điệu twirling (xoay nhanh) của nó, nhịp nước cống rãnh và âm thanh cọ rửa xung quanh, đã được nghe tại Queen Elizabeth Hall năm 1968; Pulse Persephone vang dội, được đặt hàng cho triển lãm Treasures of the Commonwealth ở Royal Academy of Arts. Những sản phẩm âm nhạc phục vụ quảng cáo, thương mại (bao gồm cả tiếng xủng xoảng cho Lego và Nestea) đã giúp bà có tiền.
Vào những năm 1960, Oram đã nổi danh với sáng chế của mình: máy Oramics. Bà đã đọ sức với một máy hiệu sóng có tia âm cực – cho hình ảnh có thể nhìn thấy của sóng âm. Nếu bạn vẽ dạng sóng hình thù âm thanh bạn muốn nghe trên phim 35mm, xác định độ cao, độ rung, âm sắc… máy quét có thể đọc và chuyển đổi nó thành âm thanh dạng xếp lớp. Về cơ bản, nó là một mô phỏng chuỗi sớm – và tiên tiến hơn cả máy loại này xuất hiện vào những năm 1980.
Ý tưởng về một hệ thống “âm nhạc đồ họa” đã vắt kiệt sức Oram. Nó thể hiện quan điểm của bà về âm nhạc điện tử, không phải do máy móc kiểm soát, vô hồn, mà rất con người và không hoàn hảo (như các thể loại nhạc khác). “Công bằng mà nói, trên Oramics, bạn có thể chỉ vẽ thôi”, McArthur chỉ ra. “Bộ giao diện cử chỉ có nghĩa là mọi người trở thành nhà soạn nhạc. Điều này gắn liền với triết lý của Oram, rằng ở mức độ phân tử, chúng ta là những âm thanh. Chúng ta đều được tạo ra từ các nguyên tử và các rung động ồn ào – âm thanh là cốt lõi của chúng ta. Tôi thực sự thấy hứng khởi”.
Năm 1972, Oram xuất bản (tuyên ngôn của bà): An Individual Note of Music, Sound and Electronics (Ghi nhận cá nhân về âm nhạc, âm thanh và điện tử). Đó là một công việc kỳ lạ nhưng hấp dẫn. Oram có thể giải thích các mạch điện làm việc như thế nào, “nói” ra sao, sau đó tiếp tục sử dụng chúng như sự tương đồng có thể áp dụng rộng rãi cho cơ thể và tâm lý con người. Bà cho rằng con người là những nhạc cụ, bao gồm “một dải tần số cộng hưởng không tắt dần, không ổn định”.
Mặc dù có những ý tưởng “dị” nhưng Oram vẫn có một cuộc sống hạnh phúc. McArthur cho biết: “Bà có bạn bè và đời sống xã hội của mình. Bà quyến rũ, tử tế và hạnh phúc”. Nếu nói nó là một chiến lược được định sẵn thì sẽ là như thế này: Oram bị tổ chức từ chối, vì thế mà bà đã viết ra lịch sử cho nhạc điện tử (loại hình âm nhạc chủ yếu dành cho đàn ông).
Giải thưởng Oram vừa ra mắt để vinh danh bà. Giải thưởng do PRS Foundation và New BBC Radiophonic Workshop tạo ra, để “tôn vinh những phụ nữ có vai trò đổi mới âm thanh và âm nhạc”. An Individual Note đã được in gần đây như một cuốn sách trên bàn cà phê và kho thông tin lưu trữ về bà có thể đọc ở đại học Goldsmiths, London. Bảo tàng Science đang triển lãm máy Oramics nguyên bản và Apple vừa phát hành ứng dụng Oramics. Mùa hè năm 2016, bộ phim huyền thoại Still Point của bà – làm năm 1949 nhưng chưa bao giờ chiếu – cuối cùng đã ra mắt khán giả. Sáng tạo của Oram trong sáng tác electro-acoustic cuối cùng đã được giải phóng. Và với Thế giới âm thanh kỳ diệu của Daphne Oram, hy vọng sẽ có nhiều người biết đến mẹ đẻ của dòng nhạc điện tử.
NGUYỄN MINH
Theo BBC