Sau nhiều năm trời “cơm không lành, canh không ngọt” trong hôn nhân của nữ doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo và ông “vua” cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ, đã gây ra những căng thẳng tranh chấp trong điều hành Công ty Cổ phần Cà phê Hoà tan Trung Nguyên.
Thực chất, đây là cuộc tranh chấp mang tính nội bộ giữa hai vợ chồng ông Vũ nhưng đã kéo cả Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên vào vòng xoáy kiện tụng pháp lí.
Cùng nhìn lại cuộc tranh chấp quyền kéo dài hơn 3 năm gây sự chú ý của dư luận, trong khi ông Đặng lê Nguyên Vũ hầu như im lặng tiếng thì bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã kịp củng cố sản xuất và thị trường để tung ra sản phẩm mang thương hiệu mới KING COFFEE…
NHÌN LẠI CUỘC CHIẾN TRANH GIÀNH CÀ PHÊ TRUNG NGUYÊN
Vợ chồng ông “vua” cà phê Trung Nguyên kết hôn vào năm 1998. Họ nhanh chóng đưa thương hiệu cà phê lớn nhất tại Việt Nam vươn ra quốc tế và thành công khi nhượng quyền tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Singapore… Tuy nhiên, chỉ có ông Đặng Lê Nguyên Vũ xuất hiện trên truyền thông với tư cách đại diện duy nhất và cao nhất của Trung Nguyên, còn sự đóng góp của vợ Lê Hoàng Diệp Thảo thì người ngoài gần như không hay biết. Phải đến khi vợ chồng “vua” cà phê Việt xảy ra tranh chấp pháp lý, dư luận mới biết đến hình ảnh của bà Thảo.
Vụ lùm xùm diễn ra từ tháng 4/2015, ông vua cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ đột ngột bãi nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc thường trực tại Tập đoàn Trung Nguyên của vợ ông là bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Đến ngày 27/10/2015, ông Vũ tổ chức cuộc họp HĐQT để thảo luận, biểu quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm CEO của bà Thảo và thay đổi người đại diện theo pháp luật tại Tập đoàn. Khi đó, bà Thảo đã không đồng ý việc triệu tập cuộc họp trên. Tuy nhiên, sau đó ông Vũ vẫn tổ chức nhiều cuộc họp khác vắng mặt bà Thảo.
Trong một cuộc họp khác vào ngày 2/11/2015, do ông Vũ chủ trì, chỉ có 2 thành viên là ông và mẹ ông để lập biên bản và ra nghị quyết miễn nhiệm bà Thảo khỏi các chức vụ nêu trên và quyết định bầu ông Vũ vào vị trí Chủ tịch kiêm CEO của Trung Nguyên, tức đổi người đại diện pháp luật từ bà Thảo sang ông Vũ.
Trước những quyết định cho rằng không đúng quy định của pháp luật, gây bất lợi và ảnh hưởng đến việc điều hành của bà trong công ty, tháng 11/2015, bà Thảo đệ đơn lên Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương để khởi kiện quyết định của ông Vũ.
Tháng 8/2016, TAND tỉnh Bình Dương đã xét xử sơ thẩm vụ kiện này, tuyên bác các yêu cầu của bà Thảo vì cho rằng các văn bản mà bà Thảo yêu cầu tòa hủy đã được phía ông Vũ thu hồi trước khi tòa sơ thẩm xét xử vụ án.
Tại phiên phúc thẩm, HĐXX nhận định TAND tỉnh Bình Dương thụ lý đơn kiện, xét xử sơ thẩm và áp dụng các quy định của pháp luật của vụ án kinh doanh thương mại để xử sơ thẩm là không đúng quy định của pháp luật. HĐXX tuyên bác kháng cáo của nguyên đơn, huỷ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Dương, đình chỉ xét xử đối với vụ việc này.
Bà Thảo không chấp nhận xử của TAND tỉnh Bình Dương nên đã kháng cáo, yêu cầu TAND Cấp cao tại TP.HCM hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm giải quyết lại.
Ngày 22/9/2017, Tòa án Nhân dân TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ kiện, hủy quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Đồng thời, khôi phục chức danh của bà Thảo trong Tập đoàn Trung Nguyên. Tòa cũng yêu cầu ông Đặng Lê Nguyên Vũ không được ngăn cấm bà Thảo tham gia điều hành, quản lý tại tập đoàn này.
Tuy nhiên, từ khi có bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM, bà Thảo vẫn chưa được trở về điều hành tại tập đoàn. Song đến ngày 10/10/2017, ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên đã gửi đơn kháng cáo bản án sơ thẩm và tiếp tục ra quyết định bãi nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc thường trực của bà Thảo.
Trong phiên xét xử gần đây nhất vào ngày 7/2/2018, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp điều hành giữa các thành viên Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên. Nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo, bị đơn là Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên và Tổng Giám đốc Đặng Lê Nguyên Vũ.
Trong phiên xử, cả bà Thảo và ông Vũ đều không tới tòa mà ủy quyền cho các luật sư tham dự. Phía bị đơn là ông Vũ đã có đơn yêu cầu hoãn phiên tòa. Cuối cùng chủ tọa phiên tòa đã quyết định hoãn phiên tòa và việc mở lại sẽ được xem xét sau đó. Vụ kiện này tiếp tục trì hoãn không rõ hồi kết…
Được biết, cũng trong thời gian này, tòa án cũng đang thụ lý vụ ly hôn của ông bà chủ thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Cả hai vợ chồng bà Thảo, ông Vũ đều đang sở hữu 93% tài sản hữu hình và vô hình, bao gồm các thương hiệu như Trung Nguyên, G7. Bà Thảo đã có đơn gửi đến Chánh án Tòa án TP.HCM, yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền đồng sở hữu tài sản của vợ chồng trong tập đoàn Trung Nguyên trong vụ án ly hôn.
KING COFFEE – CHINH PHỤC THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU
Dù có nhiều mâu thuẫn trong tranh chấp quyền điều hành tại Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, nữ doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo vẫn không làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của công ty.
Trong tháng 4/2017, bà Thảo đã cho khánh thành nhà máy TNI King Coffee tại KCN Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, có tổng diện tích 51.300m2 với công suất 30 tấn cà phê rang xay, cà phê bột và 120 tấn cà phê hòa tan mỗi ngày. Nhà máy sẽ tập trung chế biến và đóng gói cung cấp toàn bộ sản phẩm cho thị trường quốc tế.
Ra mắt lần đầu tiên tại Mỹ vào năm 2016, King Coffee đã gây sự chú ý ngay lập tức không chỉ đối với người Việt mà còn với người Mỹ đã biết đến cà phê Việt từ lâu nay. Làn sóng yêu thích vị cà phê Việt của King Coffee lan tỏa tới rất nhiều thị trường quan trọng hàng đầu trên thế giới.
Chỉ sau 6 tháng có mặt tại Mỹ, King Coffee đã xuất hiện ở hệ thống phân phối của 88 quốc gia. Cho đến nay, các sản phẩm của King Coffee đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Australia…
Tại thị trường Trung Quốc, King Coffee đã lọt vào Top 4 thương hiệu bán chạy nhất trên kênh T-Mall Super Market, là 1 trong số 3 website thương mại điện tử chủ chốt của Alibaba với hơn 6 triệu tài khoản kích hoạt sử dụng. Trong khi đó tại Hàn Quốc, King Coffee được phân phối thông qua 300 website thương mại điện tử và các hệ thống siêu thị.
Gần đây vào tháng 3/2017 khi King Coffee chính thức kí kết hợp tác phân phối tại thị trường Trung Quốc, bà Thảo nhấn mạnh sẽ chinh phục thị trường 1,4 tỷ dân này. Hiện tại, bà Thảo đang tập trung xây dựng một nền tảng vững chắc ở thị trường này thông qua mạng lưới kinh doanh. Hãng cà phê TNI Corporation của bà đang có 11 nhà phân phối lớn tại Trung Quốc.
Sở dĩ King Coffee ở thị trường Trung Quốc có được lợi thế là do gốc Trung Nguyên, thương hiệu khá được ưa chuộng tại đây cùng với thị trường Đài Loan, Hồng Kông, vốn có gu không khác biệt nhiều với khẩu vị tại thị trường Việt.
Mặt khác, King Coffee được làm từ những hạt cà phê chất lượng cao nhất của các vùng đất lừng danh về cà phê của Việt Nam có vị đắng, đậm đà của những hạt cà phê Tây, vị chua và hương thơm của cà phê từ những vùng đất nổi tiếng khác về cà phê của Việt Nam, với công nghệ sản xuất hàng đầu thế giới đã tạo nên hương vị không lẫn vào đâu được.
Ngoài ra, tất cả quy trình trồng trọt và sản xuất cà phê của King Coffee đều đạt được nhiều chứng nhận Quốc tế, đồng thời King Coffee đáp ứng các quy định rất nghiêm ngặt trong khâu bảo quản chất lượng sản phẩm và trong khâu vận chuyển, nhằm đảm bảo rằng tiêu dùng trên toàn cầu đều thưởng thức được ly cà phê đạt tiêu chuẩn Quốc tế.
Việc đưa nhà máy cà phê đi vào hoạt động, bà Thảo đã chứng tỏ bản lĩnh của một nữ doanh nhân dựng lại sự nghiệp. Và có thể thấy rằng, với chiến lược của bà Thảo, không chọn cách đi truyền thống mà chọn bắt đầu từ thị trường xuất khẩu và đã đạt được nhiều thành công ban đầu, thì tham vọng trở thành một “vua cà phê” là không xa trong tương lai.
PHAN HỒNG (Tổng hợp/Zing/Vietnamnet)