Tôi – Paul Nguyễn Hoàng Đức – viết bài này để tóm gọn cũng như xiết lại những mơ hồ, giúp đa số chúng ta vẫn còn chưa xác định chắc chắn về nhận thức, có thể cầm nắm được dễ dàng vấn đề hiểu biết của trí tuệ.
Kinh nghiệm và Thí nghiệm
Hiểu biết đơn giản đầu tiên là tôi đã thấy cô Hồng kia. Rồi tôi thích cô ta, tôi tìm hiểu cô ấy gia thế, rồi học vấn, rồi tính tình… rồi tôi tìm cách lân la làm quen để giác quan trực tiếp được hiểu biết về cô Hồng nhiều nhất. Rồi tôi có thể hẹn hò, yêu đương, thề thốt với cô Hồng. Đến mức tôi cưới được cô Hồng coi như hiểu biết thâm sơn cùng cốc, “con ong đã tỏ đường đi lối về”.
Hiểu biết này được gọi là TRẢI NGHIỆM – nghĩa là tôi từng trải tất cả việc liên quan đến cô Hồng, trên cơ sở đó tôi cũng Nghiệm. Trong triết học, những từ sau đây là đồng nghĩa: THƯỜNG NGHIỆM – tức là ta nghiệm một cách bình thường, HẬU NGHIỆM – nghĩa là ta nghiệm sau khi đã trải qua sự việc, rồi KINH NGHIỆM – là việc ta đã kinh qua. Tất cả là một, nhưng tùy văn cảnh người ta thích dùng từ nào cho uyển chuyển về ngữ nghĩa.
Việc Kinh nghiệm này, người Việt cũng đã diễn tả một câu rất hay: “Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ”. Việc này cũng được học vấn hóa bằng cách nói: đó là việc đã thực chứng qua ngả giác quan – cũng là ngũ giác, bao gồm: nhìn, nghe, ngửi, nếm, sờ.
Phương pháp thực chứng bằng giác quan, là thứ chứng minh chân lý “hai năm rõ mười” cổ điển và kinh điển nhất trong phương pháp khoa học. Bởi thế mà mọi phát minh và thành tựu của khoa học chỉ được chấp nhận sau khi đã thí nghiệm. Thí nghiệm chính là thực chứng và trải nghiệm trực tiếp vấn đề.
Siêu nghiệm
Nghĩa đen của nó là vượt lên kinh nghiệm. Giả sử đứa trẻ con chơi hòn bi, trong giấc mơ nó gào “trả bi cho tao đây!” Hòn bi trong giấc mơ đó không có thực, chỉ là hình ảnh nó chơi ban ngày.
Nhưng cái siêu nghiệm nhất được bao quanh và tập trung là cho LÝ TRÍ. Theo các triết gia thì: giáo dục là Lý trí! Chỉ có lý trí mới hiểu biết và phán xét, còn giác quan thì không bao giờ. Giờ chúng ta thử hình dung: 5 giác quan như 5 người lính trấn 5 cửa ngõ, mang báo cáo viết trên giấy về cho ban tham mưu – ban này chính là Lý Trí (bộ não). Ban tham mưu xem các báo cáo – chúng không bao giờ là vật thể hay đối tượng khả giác, mà đã bị biến thành bút mực hay hình ảnh – nghĩa là bản thân chúng đã không Thường nghiệm để mà trải nghiệm.
Lý trí trong trường hợp này cũng như luôn luôn là Siêu Nghiệm! Điều này rất quan trọng, vì các triết gia đặc biệt Platon cho rằng: Trực giác là cái nô lệ đối tượng như: có mầu thì mắt mới thấy, có mùi thì mũi mới ngửi, và có âm thanh thì tai mới nghe… Như vậy trực giác cũng là ngũ giác bị phụ thuộc vào các đối tượng – và là nô lệ cho chúng.
Trong khi đó lý trí là ông chủ, nó không cần phụ thuộc vào đối tượng, nó đang nghiên cứu hồ sơ, bỗng có cú điện thoại hẹn hò, nó nhét hồ sơ vào túi, lập tức đi liền. Trong khi đi, đầu nó vẫn nghĩ đến hồ sơ, bỗng lý trí ra phán xét, giải pháp hay quyết định. Trong trường hợp này lý trí giống như chàng kỹ sư ở ban tham mưu đã ra quyết định mà chưa hề nhìn hay chạm tay vào đối tượng thật.
Người Hoa có câu, người hiểu biết là “ngồi trong màn trướng mà quyết định việc ngoài vạn dặm” – đấy chính là nhận thức đã quyết bằng siêu nghiệm.
Còn những siêu nghiệm khác như ma quỉ hay thần thánh, đặc biệt là Thượng Đế, vô tận hay vĩnh cửu, hay như không gian và thời gian là những thứ sờ sờ trước mắt… đó là những thứ chỉ được suy lý bằng Siêu nghiệm, chứ làm sao chúng ta kinh nghiệm nổi!
Ý thức – Vô thức
Đây là phát hiện sau cùng nhất của loài người về tâm lý do bác sĩ Freud phát kiến ra theo hệ Phân tâm học, có nghĩa là “Phân tích tâm lý” được ghép từ hai chữ Tây “Analyse – Psychology”.
Ý thức là cái chúng ta có thường trực rồi, nên gác qua. Còn Vô thức. Chúng ta hãy hình dung: mỗi người là một cái đài cụ thể, đài đó thu tín hiệu từ tổng đài về, đọc và hát, có cả các loại hình nữa… Trạm phát đó có thể nối với những đám mây và bầu trời, các chương trình được phát đi, có thể đột nhiên thay đổi, đài là ta chỉ thu và phát lại theo tổng đài chính. Tổng đài chính làm gì ta không biết, nhưng mục đích và chức năng hoạt động của tổng đài là nhắm về chúng ta. Đây cũng là hình ảnh ý thức của chúng ta được nối vào cái vô biên của tổng đài – cũng là cái vô thức.
Kinh nghiệm là mặc định của CHÚA và PHẬT – nhưng hiểu biết là của con người
Chúa Jesus nói: “Phúc cho ai không thấy mà tin”. Có nghĩa đức tin có không cần thường nghiệm hay thực chứng qua các giác quan, mà như “tổng đài” phát sóng thiêng liêng, đứa trẻ con không hiểu gì nhưng luôn tin vào ông già Noel, bà tiên, hay ma quỉ.
Kinh Thánh là sách của Chúa hay thuộc về Chúa do con người chép lại. Từ xưa đến nay, chưa có cuộc tranh luận về thần học nào ngã ngũ cả vì: tu sĩ nào cũng tra trích Kinh Thánh mặc định, muốn tranh luận thì lại không dám bước qua những điều mặc định, nên anh nào anh nấy luôn thập thò bên rào, chưa leo rào đã tụt xuống vì sợ vượt qua ngưỡng mặc định.
Chúa Jesus cũng đã dạy chắc chắn rồi: “Cái gì của Chúa trả về cho Chúa, cái gì của Sê-da hãy đem trả Sê-da”.
Chúng ta là con người thì phải hiểu biết bằng các cửa ngõ giác quan, bằng kinh nghiệm và thường nghiệm, bằng lý trí siêu nghiệm trên những gì thường nghiệm đó, chứ chúng ta không hiểu biết bằng Đức tin. Kinh Thánh là của Chúa Trời.
Môn thần học không siêu nghiệm khỏi được Chúa Trời mà chỉ là bàn trong những điều mặc định. Nhưng triết học là hiểu biết của con người. Vì thế ngay tại các chủng viện, người ta thường dạy hai môn song song: Thần học của Chúa Trời và Triết học là của suy tư con người.
Và, không có bộ môn nào thuần khiết dạy con người cách suy tư như triết học cả! Không môn nào thay thế được nó, toán học là chuyên sâu về các con số, vật lý giành cho nghiên cứu vật chất, hóa học dùng nghiên cứu sự kết hợp giữa các chất…
Có môn nào là gốc dạy người ta nguyên lý suy tư về mọi việc hay ban ngành, bộ môn… Không! Chỉ có Triết học và triết học mà thôi dạy người ta nắm gốc rễ để hiểu biết về mọi thứ!
Paul Đức 02/9/2021