Từ một doanh nghiệp nước giải khát hết thời chuyển mình sang làm nông nghiệp, Công ty Cổ phần Nafoods Group (Nafoods) ngày nào đứng trên bờ vực phá sản đã trở thành doanh nghiệp có nông sản giá trị cao dẫn đầu thị trường khu vực và thế giới. Đặc biệt, Nafoods còn góp công lớn trong việc đưa khoảng 3.000 tấn/năm chanh leo tím cô đặc của Việt Nam chiếm 10% sản lượng thế giới.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Nafoods Group đang có tham vọng biến chanh leo và gấc trở thành niềm tự hào của Việt Nam như quả kiwi đối với New Zealand.
ĐỐT HƠN 100 TỶ VÌ QUẢ DỨA
Ông Nguyễn Mạnh Hùng là một người có máu kinh doanh. Từ nhỏ, ông đã mua đi, bán lại nhiều loại sản phẩm. Con đường học hành của ông cũng lận đận như hành trình chinh phục chanh leo Việt Nam. Đến lần thứ hai thi đại học, ông mới đỗ Đại học An Ninh. Sau một thời gian, ông bỏ ngang vì phát hiện không phù hợp với ngành này. Đến khi 21 tuổi, ông mới bắt đầu học Đại học Kinh tế quốc dân chuyên ngành tài chính.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông làm nghề đi buôn đủ các mặt hàng từ gà, tỏi, hành… cho đến xi măng từ Lào về Việt Nam. Lâu dần, ông chuyển sang kinh doanh gỗ, xe máy và tích góp tiền để làm đại lý, xây dựng Nhà máy Nước giải khát Festi từ cuối năm 1990, cũng là tiền thân của Nafoods.
Thời điểm những năm 2000, cũng là thời điểm làn sóng các thương hiệu giải khát lớn của thế giới như Pepsi, Coca-Cola… vào Việt Nam, đè bẹp những sản phẩm nội địa. Festi cũng phải loay hoay tìm hướng từ sản xuất nước giải khát có gas bằng hương liệu.
May mắn đến, ông Hùng có cơ hội bén duyên với sản xuất nông nghiệp và chế biến xuất khẩu. Vì thế, ông quyết định chuyển hướng làm nông nghiệp với việc thành lập Công ty cổ phần Nafoods Group. Chính Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, từng là Bí thư tỉnh Nghệ An, là người gợi ý chọn quả dứa làm hướng đi cho Nafoods khi thấy tiềm năng tiêu thụ ở thị trường châu Âu.
Tuy nhiên, bắt tay vào làm, ông không chủ động được vùng nguyên liệu. Ông chia sẻ về chuỗi ngày sản xuất bấp bênh trên báo Đầu tư: “Có lúc, nhà máy thiếu 70% nguyên liệu cho sản xuất. Nhưng có khi vào mùa thu hoạch, doanh nghiệp cung ứng lại mang đến 500 tấn, dù công suất nhà máy chỉ là 200 tấn/ngày. Chưa kể, những quả to, đẹp thì họ lại bán ra ngoài để lấy giá cao. Nafoods vừa phải trả tiền mua nguyên liệu, vừa phải đổ bỏ”.
Thêm vào lý do cho sự điêu đứng này, khủng hoảng kép của nền kinh tế, giá sản phẩm bán ra liên tục giảm, có khi giảm 50%. Tất cả đẩy Nafoods vào tình trạng thua lỗ, mất cân đối tài chính trầm trọng, cầm cự hết 8 năm, tốn khoảng 100 tỷ đồng thì Nafoods buộc phải chuyển hướng.
Chính vì điều đó đã trở thành bài học kinh doanh lớn nhất cho ông về tầm quan trọng của nghiên cứu thị trường, chủ động vùng nguyên liệu và chọn một loại cây trái không có lợi thế cạnh tranh bằng Thái Lan, Philippines… từ giống đến quy mô sản xuất.
THUA DỨA, THẮNG “CÂY TIỀN MẶT”
Sau bài học trăm tỷ từ quả dứa, ông Hùng nhận thấy, muốn làm nông nghiệp hiệu quả, điều đầu tiên phải chọn được một loại cây có lợi thế cạnh tranh và chanh leo tím đáp ứng được yêu cầu này.
Trước kia, chanh leo được biết đến là loại quả được trồng ở Nam Mỹ, nhưng thuộc loại chanh leo vàng. Chính Đài Loan đã nghiên cứu ra giống chanh leo tím tự thụ phấn, quả ngọt hơn, cây khỏe hơn và cho năng suất gấp đôi so với chanh leo vàng, nên Nafoods đã nhập giống này về trồng.
Dù thuộc loại cây công nghiệp, nhưng chanh leo tím chỉ cần 3 tháng trồng là có thể thu hoạch liên tục. Nếu trồng đúng kỹ thuật, nông dân có thể thu về 1,5 tỷ đồng/ha với năng suất từ 70 đến 100 tấn. Do đó, ông Hùng gọi chanh leo tím là “cây tiền mặt” do có nhiều lợi thế khác biệt.
Quyết định chọn Quế Phong, huyện nghèo biên giới của tỉnh Nghệ An, để xây dựng Viện Giống của Nafoods làm không ít người ngạc nhiên khi vừa xa xôi, lại thiếu điều kiện. Sau khi đi vào hoạt động, khí hậu phù hợp, thổ nhưỡng sạch, ít gây nhiễm virus cho giống, giữ an toàn bí quyết công nghệ… là một vài lý do hợp lý. Song cái chính là đến nay, chanh leo đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện Quế Phong khi 1.200ha được quy hoạch cho loại cây này.
Đến nay, Nafoods đã có vườn ươm 2,2 triệu cây giống, vừa phục vụ khoảng 5.000 ha vùng nguyên liệu của Công ty, vừa cung cấp thị trường trong và ngoài nước với doanh thu khoảng 64 tỷ đồng. Sản phẩm chanh leo cô đặc của Nafoods hiện chiếm 8% thị phần trên toàn thế giới và đứng đầu châu Á. Nafoods là đơn vị đầu tiên và dẫn đầu trong việc đưa sản phẩm chanh leo tím cô đặc vào châu Âu. Đây cũng là thị trường chính của Công ty với doanh thu khoảng 250 tỷ đồng/năm.
ĐẶT KỲ VỌNG Ở QUẢ GẤC
Sau thành công đáng tự hào chanh leo, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch NaFoods Group càng đặt nhiều kỳ vọng vào gấc. Có thể nói, gấc là một loại cây đáp ứng các tiêu chuẩn có đủ khả năng cạnh tranh để nối gót “đàn anh” chanh leo tím đang dẫn đầu thị trường.
Gấc là loại cây dễ tính, trồng một lần thu hoạch được một chục năm. Đặc biệt, loại quả này chỉ được trồng ở một vài quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Thái Lan.
Từ năm 2009, Nafoods đã tiên phong hợp tác xuất khẩu puree gấc (thịt gấc) độc quyền đến Công ty Nuskin (Mỹ) để nghiên cứu sản xuất loại thực phẩm chức năng G3 có giá 80 USD/chai 750 ml. Không dừng lại ở đó, Nafoods đang hợp tác với một đối tác tại Tây Ban Nha sản xuất nước uống bổ dưỡng – Gac Day (Gấc sử dụng mỗi ngày) bán thử nghiệm tại Việt Nam.
Hiện Nafoods trồng khoảng 150 ha tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An và xuất khẩu 3.000 tấn quả/năm, đứng đầu Việt Nam và cũng là đứng đầu thế giới. Đến một thời điểm phù hợp, chắc chắn Nafoods sẽ thực hiện được mắt xích cuối của chuỗi là đưa sản phẩm như G3 đến người tiêu dùng. Đó mới là cách để đưa thương hiệu Nafoods phát triển bền vững.
GIẤC MƠ LÀM GIÀU KHÔNG THIẾU BÓNG DÁNG QUÊ HƯƠNG
Nhìn lại quãng đường 15 năm bén duyên với nông nghiệp, Chủ tịch Nafoods Group cho rằng, ngành nông nghiệp muốn phát triển phải làm theo chuỗi từ giống – vùng nguyên liệu – nhà máy – xuất khẩu – tiêu dùng và phải đạt đến trình chuyên môn hóa cao nhất. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là giống có lợi thế cạnh tranh. Có như vậy, nhà sản xuất mới không “đứt gánh giữa đường”.
Có thể nói, trên con đường thành công của ông chủ Nafoods không thể thiếu bóng dáng của quê hương. Việc đặt vùng nguyên liệu tại Nghệ An, Nafoods đã góp phần giúp bà con nơi đây và các tỉnh lân cận từng bước thoát nghèo với thu nhập mỗi hộ bình quân 300-400 triệu đồng/ha, cao gấp 10 so với trồng lúa.
Bên cạnh đó, qua nhiều lần đổi tên theo từng giai đoạn phát triển từ Thành Vinh, Choa Việt, cho đến Nafoods trong đó, “Na” là viết tắt của Nghệ An, có thể thấy, giấc mơ làm giàu của ông Nguyễn Mạnh Hùng chưa bao giờ thiếu đi bóng dáng quê hương.
Hiện Nafoods Group có hơn 600 nhân viên, chưa tính đến số lượng nông dân liên kết. Năm vừa qua, Nafoods đã thành lập các công ty liên kết như Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc và nắm 35% cổ phần Công ty cổ phần Nafoods Pleiku, đơn vị bổ sung lợi thế đất đai và nguồn tài chính cho Công ty.
Vào tháng 10/2017, Công ty Nafoods đã cho động thổ xây dựng nhà máy ở Long An với vốn khoảng 350 tỷ đồng, dự án này kỳ vọng doanh thu Công ty sẽ đạt tối thiểu 1.500 tỷ đồng.
Công ty Nafoods Group đang hoàn tất các thủ tục để thành lập chi nhánh của Công ty tại TP.HCM. Đội ngũ này sẽ đảm nhiệm việc nghiên cứu thị trường để khoảng 2-3 năm nữa, sản phẩm của Nafoods sẽ phục vụ thị trường nội địa nhiều hơn, góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước.
PHAN HỒNG