Xin chào các bạn.
Hôm nay nhân ngày đầu xuân, tôi muốn chia sẻ với các bạn về kiến thức mà tôi có, sau khi may mắn có chút ít hiểu biết tiếp nhận được từ Kinh Dịch. Mong các bạn cho đây chỉ là sự luận bàn vui và bổ ích thôi, chứ không hề có sự cao rao nào. Cảm ơn các bạn đã vui lòng lắng nghe.
Rất nhiều người không thích Kinh Dịch và cho rằng đó là một lý thuyết rối mù bởi sự mông lung trừu tượng rất khó hiểu. Đúng là như vậy, nhưng cũng không hẳn là như vậy.
Nếu chúng ta cứ sa vào sự cố tình hiểu biết Âm – Dương cùng với sự chuyển hóa của nó là gì thì thật là đơn điệu. Vì nó không hề hé lộ cho chúng ta một vấn đề gì cả. Nhưng chúng ta dùng phép suy diễn trong những vấn đề cụ thể của cặp mâu thuẫn ấy, ta sẽ thấy xuất hiện nhiều bài học rất đáng suy ngẫm.
Trong bài viết ngắn này, tôi xin phép được nhắc lại hình đồ khái quát hóa cao nhất của Kinh Dịch là vòng tròn thái cực ( Hình 1). Trong đó có chứa hai nửa đen trắng. Trong nửa đen có chấm trắng và trong nửa trắng có chấm đen. Ý nghĩa khái quát của hai nửa đen trắng ấy được gọi trừu tượng là Âm và Dương. Dấu chấm trắng trong nửa đen và dấu chấm đen trong nửa trắng được diễn giải là trong Âm đã có Dương và ngược lại.
Hình đồ được biểu hiện: Quá Âm ra Dương và quá Dương ra Âm. Sự chuyển động của vòng quay là khép kín. Nguyên nhân của sự chuyển động là do Âm Dương không cân bằng (Điều này được suy ra từ việc số hóa các dấu chấm đen và trắng khi cộng tổng của chúng trong Hà Đồ và Lạc Thư của Kinh Dịch ).
Nếu ta bị “chết” trong ngôn ngữ của hình tượng, sẽ không bao giờ ta thấy Kinh Dịch hé lộ cho ta điều gì. Nhưng nếu ta dùng phép suy diễn, khi gắn cho nó những vấn đề của một cặp mâu thuẫn cụ thể, trong trường hợp này, đó là phạm trù TỒN TẠI (Hình 2), sẽ thấy một sự suy luận thú vị.
Để một cá thể con người, một gia đình, một quốc gia… Muốn tồn tại, bắt buộc chúng ta phải thực hiện hai qui luật trái chiều nhau. Một là qui luật kinh tế. Hai là qui luật tình cảm. Nếu coi nửa đen của vòng tròn thái cực là qui luật kinh tế, nửa trắng là qui luật tình cảm, ta có thể suy diễn: Qui luật kinh tế là bằng mọi cách THU VÀO. Chiều mũi tên của nó ngược hướng với qui luật tình cảm là CHO ĐI.
Nếu ta không thu vào thì làm sao có để cho đi. Ngược lại, nếu không cho đi thì làm sao ta lại có thể thu vào được. Hai mũi tên trái chiều của một cặp mâu thuẫn này là không rời nhau. Nó cần có nhau như hình và bóng vậy. Tuy mâu thuẫn nhưng chúng thống nhất song song tồn tại và bổ khuyết cho nhau.
Trong Kinh Dịch, người ta nói khái quát hóa Âm và Dương không thể thiếu nhau là vì vậy. Đến một mức cao nhất khi nói về vũ trụ, người ta bảo rằng: Phải chăng vũ trụ này chỉ có ÂM – DƯƠNG mà thôi ư. Điều đó có nghĩa, sự tồn tại của bất kỳ các dạng vật chất nào chứa trong vũ trụ, đều tồn tại dựa trên các cặp mâu thuẫn. Hay nói đúng hơn: Mâu thuẫn Âm – Dương là bản chất của cuộc sống và vũ trụ. Cụ thể nhất khi cá thể chúng ta đang sống. Chúng ta bắt buộc phải hô hấp, phải HÍT VÀO đối ngược với THỞ RA, ĂN VÀO đối lập với THẢI RA….
Những điều khai mở trên ứng với sự TỒN TẠI được suy diễn từ vòng tròn thái cực của Kinh Dịch, đã được cụ thể hóa bằng hai qui luật kinh tế và qui luật tình cảm trái ngược nhau. Có thể người ta không biết gì về nguyên lý Âm Dương của Kinh Dịch, khi tiến hành sự xây dựng, phát triển và TỒN TẠI của cá nhân, gia đình hay quốc gia của mình. Nhưng để tồn tại, bắt buộc người ta phải tiến hành song song hai qui luật thực tế nhưng trái chiều ấy trong suốt quá trình hoạt động của mình.
Nhân vật Grande trong tiểu thuyết của Banzac nổi tiếng keo bẩn và vô nhân tính, là do ông ta chỉ chăm chăm bằng mọi cách thực hiện duy nhất một qui luật kinh tế là thu vào, mà không hề biết rằng cuộc sống sẽ là thiên đường nếu ta biết thực hiện qui luật tình cảm là cho đi.
Suy luận từ Kinh Dịch khi áp dụng nguyên lý Âm – Dương vào một vấn đề cụ thể thì dễ. Nhưng làm thế nào để thực hiện sự cân bằng và tạo ra vòng quay vĩnh cửu của sự TỒN TẠI ấy lại là một vấn đề vô cùng khó khăn đối với con người. Con người bắt buộc phải vận dụng tất cả các kiến thức thuộc về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và đạo đức sống của mình.
Hay nói đúng ra là khối lượng tri thức cần có trong sự sinh tồn và phát triển. Nếu không có tri thức về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội cũng như đạo đức sống, con người khó có thể điều chỉnh được vòng quay hai mũi tên ngược chiều của qui luật kinh tế và qui luật tình cảm. Sao cho, hiệu quả vật chất của qui luật kinh tế tạo ra bao giờ cũng nhiều hơn (gọi là giá trị thặng dư) lượng vật chất sử dụng cho qui luật tình cảm.
Điều này nhằm tăng sự tồn trữ vật chất trong xã hội, phòng khi có thiên tai và chiến tranh, sẽ bù cho lúc qui luật tình cảm cần nhiều sự nhân đạo cứu giúp. Chúng ta đừng quên rằng, bản chất qui luật kinh tế là lạnh lùng và tàn nhẫn. Còn qui luật tình cảm là yêu thương, nhân đạo, vị tha. Khi nào cần phân định rõ ràng và khi nào cần “Trong âm có dương, trong dương có âm”, đó là nghệ thuật điều khiển cuộc sống trong mỗi cá nhân, mỗi người chủ gia đình, hay người thủ lĩnh của một quốc gia.
Vì vậy, để TỒN TẠI đúng nghĩa của một gia đình, một quốc gia, con người bắt buộc phải có đầy đủ tri thức, đạo đức và sự hy sinh cao nhất. Có nghĩa họ phải là những người tài giỏi thực sự. Có cả đức và tài.
Đã là người chủ gia đình hay một thủ lĩnh quốc gia, chí ít họ phải có một sự hiểu biết cao để bao quát tất cả mọi vấn đề. Phải biết tập hợp xung quanh mình những con người có trình độ về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội để áp dụng hữu hiệu vào sự phát triển như một nhu cầu tất yếu. Phải biết thực hiện các lộ trình đặt ra bằng khoa học nói chung. Chứ không phải chỉ bằng những nghị quyết cảm hứng cao rao.
Thậm chí, tệ hại hơn, những người này nhân danh là chủ nhân gia đình, thủ lĩnh một đất nước, mà lại tham lam ngu dốt, chỉ biết thu lợi cá nhân, thì làm sao gia đình và quốc gia ấy sớm muộn không tàn lụi.
TRẦN HUY ĐỨC