Trong cuộc sống, mỗi người đọc sách và tiếp nhận kiến thức theo cách riêng của mình. Nhưng tôi xin tự thú rằng: Tôi là kẻ đọc sách có điều gì hơi khác. Tôi ít khi dễ dàng chấp nhận những luận điểm, cho dù là sách giáo khoa, trước khi tự đặt ra câu hỏi và trả lời giải đáp thỏa mãn cho chính mình.
Ví dụ như sách giáo khoa địa lý dạy chúng ta rằng: Đường xích đạo là nơi nóng nhất quả đất, là do ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp thẳng góc gần nhất. Nhưng tôi đặt câu hỏi lật lại vấn đề rằng: Tại sao núi Kalimanzaru cao nhất châu Phi, nằm trên đường xích đạo, thuộc quốc gia Tanzania, trên đỉnh nó lại quanh năm tuyết phủ?
Có thể để trả lời cho câu hỏi đó, không thể là một sớm một chiều, nếu chúng ta không chịu đào sâu suy nghĩ. Tôi không phải mọt sách, nên rất không thích nhớ sách theo kiểu “tầm chương trích cú”. Riêng đối với sách khoa học, bao giờ tôi cũng cố nắm bắt những điểm chính của vấn đề. Sau đó phân loại những yếu tố đã chấp nhận hay cần được đánh dấu hỏi để phân tích mổ xẻ.
Có một lần, tôi được hân hạnh nói chuyện với một nhà khoa học. Sau khi nghe qua vấn đề tôi trình bầy, anh ấy chân tình nói rằng: “Anh Đức ạ, khoa học ngày nay người ta đã làm hết rồi. Không còn điều gì giành cho chúng ta nữa đâu”. Nghe đến đó, tôi chính thức dừng cuộc đàm đạo.
Thực ra, vấn đề mà tôi đưa ra rất cũ, không có gì cao siêu lạ lùng cả. Ai đã học vật lý trong trung học phổ thông, đều biết tới thí nghiệm tạo ra hiện tượng quang điện. Chính A. Eistein đã giải thích hiện tượng này và được giới khoa học công nhận. Nhưng trong thí nghiệm đó, có một chi tiết cứ lởn vởn ám ảnh tôi mãi, nhưng tôi không dám hỏi thầy giáo.
Câu hỏi đó cứ lơ lửng còn mãi trong tôi suốt mấy chục năm, rằng tại sao: “Nếu ta có tăng cường độ ánh sáng tới mạnh bao nhiêu chăng nữa, cũng không làm xuất hiện dòng quang điện. mà chỉ khi, ta ĐIỀU CHỈNH TẦN SỐ VÀ BƯỚC SÓNG của ánh sáng tới sao cho BẰNG HOẶC NHỎ HƠN TẦN SỐ VÀ BƯỚC SÓNG của tấm kim loại dùng làm ka tot trong tế bào quang điện, thì khi ấy mới có dòng quang điện”
Tôi không thỏa mãn với cách giải thích của nhà bác học A. Eistein về hiện tượng quang điện.
Đến năm 2004, nhân đọc một thông báo khoa học được công bố, rằng: Một nhóm khoa học gia người Đức đã thực hiện thí nghiệm dùng tia cực tím bắn phá nguyên tử nguyên tố Xenon. Họ lạ lùng trước kết quả thí nghiệm, khi thấy rằng lẽ ra các điện tử bị bắn phá phải là lớp ngoài cùng của nguyên tử Xenon, thay vì lại là lớp điện tử ở phía trong gần với hạt nhân bị tác động. Trong khi lớp ngoài cùng không bị hề hấn gì. Chính vì kết quả thí nghiệm này, nhóm khoa học gia đó có quyền xét lại cách giải thích của A. Einstein về bản chất của hiện tượng quang điện. Điều mà gần thế kỷ nay, chúng ta đã được học và đương nhiên công nhận.
Nhân đây, tôi xin tỏ lòng biết ơn đến dịch giả khoa học nổi tiếng Phạm Văn Thiều, đã dồn bao tâm huyết để dịch cuốn “Vật lý và triết học – Cuộc cách mạng trong khoa học hiện đại” của nhà bác học nổi tiếng trong lĩnh vực cơ học lượng tử W. Heisenberg. Trong phần cuối bài diễn văn đáp từ khi được nhận giải thưởng Nobel, ông đã lưu lại một băn khoăn cho hậu thế: “Hình như sự tương tác của thế giới vi mô có điều gì đó hoàn toàn khác lạ với sự tương tác của thế giới vật chất vĩ mô”
Khi đọc nhiều lần cuốn sách này, tôi đã gạch chân bằng bút đỏ vào trang sách ở dòng chữ này để ghi nhớ.
Một kết quả thí nghiệm khác nữa cũng được trao giải thưởng Nobel cho nhóm khoa học người Pháp do Alain Aspect thực hiện, khi công bố hiện tượng kỳ lạ của các hạt foton ánh sáng đặt cách xa nhau, nhưng sự hành xử của chúng lại giống nhau trong tức khắc, cho dù chúng không hề có thông tin gì với nhau. Sự “hiểu nhau” này, cho dù chúng có khoảng cách xa xôi trong vũ trụ, nơi mà tốc độ ánh sáng cũng không thể thực hiện việc kết nối thông tin đó được. Bởi sự “hiểu nhau” ấy là tức khắc trong toàn vũ trụ, nên người ta đặt tên cho thí nghiệm ấy là sự vướng lượng tử, như một sự công nhận thuyết vũ trụ bất khả phân của Phật giáo đã kết luận trực giác từ hàng mấy ngàn năm nay…
Cho dù thành công của thí nghiệm đã được công nhận và trao giải thưởng danh giá, nhưng vẫn còn nguyên đó một câu hỏi chưa có lời giải đáp, rằng sẽ giải thích bản chất cuối cùng sự liên kết tức khắc của các hạt foton đó trong toàn vũ trụ như thế nào đây? Hay nói rõ hơn, người ta đã công nhận kết quả thí nghiệm, nhưng không thể giải thích rốt ráo bản chất sự liên kết tức khắc ấy trên cơ sở sự TƯƠNG TÁC nào.
Có lẽ công trình thí nghiệm vẫn còn đó ẩn số cho câu hỏi hóc búa này, nên các thông tin chính thống của khoa học đã được công bố, nhóm thí nghiệm này vẫn giữ bí mật về thông số của các hạt foton đó về năng lượng, động lượng, tần số và bước sóng, theo nguyên lý sóng vật chất của Louis De Broglie.
Người ta cho rằng, trong khoa học vật lý cơ học lượng tử, buộc phải chấp nhận trạng thái phi logic như một tất yếu. Nghiễm nhiên là như vậy. Vì điều đó đã được thí nghiệm của khoa học chấp nhận. Riêng cá nhân tôi không tin điều này. Tôi cho rằng đối với cơ học lượng tử, vẫn còn đó những mắt xích trong sự logic còn khuất lấp, con người chưa tìm ra mà thôi. Không thể công nhận trạng thái phi logic đó và coi rằng nó có lý bởi sự tồn tại. Vì điều đó không đúng với triết học.
Nhưng điều đó cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh rằng: Không phải những thành tựu rực rỡ của khoa học đã chấm dứt. Và những điều gì đã được kính cẩn rước vào tòa lâu đài khoa học, sẽ bất biến không bao giờ thay đổi. Thực tế lịch sử khoa học của nhân loại đã chứng minh, những tuyên bố khoa học được coi là đúng của hôm nay, chưa chắc đã đúng trong tương lai.
Người viết bài này đã nhiều năm nghiên cứu Kinh Dịch, và muốn dùng ánh sáng triết học của nó để soi vào miền tối, theo một cách khám phá mới, để giải thích các hiện tượng, có các câu hỏi cần được lý giải, về hai lĩnh vực là thiên văn và cơ học lượng tử. Sự giải thích và kết luận đã được đưa ra, nhưng chưa công bố một cách có hệ thống chính thức. Nhưng điều đó hoàn toàn dựa vào sự suy đoán bởi trực giác.
Ngôn ngữ giải thích đó tất nhiên cũng dựa trên những luận cứ mà khoa học chính thống đã kết luận và phát triển ra. Tuy nhiên, cách thức đó hoàn toàn mới lạ và không trùng hợp với ngôn ngữ của khoa học chính thống. Vì thế, hầu như nó chắc chắn không được khoa học công nhận. Chỉ biết rằng, kết luận mang tính trực giác đó, nó sẽ gợi mở một cách đặt vấn đề mới, với cách nhìn hoàn toàn mới về bản chất hiện tượng chưa đươc khám phá.
Ví dụ, người viết dám dũng cảm nêu ra kết luận về sự tương tác của thế giới vật chất vi mô là CẢM VÀ ỨNG nhau, bởi sự đồng nhất về năng lượng, động lượng, tần số và bước sóng, của những hạt foton trong thí nghiệm vướng lượng tử vừa nêu trên. Điều này khác hẳn với tương tác của thế giới vật chất vĩ mô là VA CHẠM và BẮN PHÁ. Chính A. Eistein đã giải thích hiện tượng quang điện bằng sự tương tác vĩ mô này.
Nếu như, những bí mật về thông số của các hạt foton trong thí nghiệm của Alain Aspect trùng hợp với tuyên bố trực giác này, phải chăng sẽ không có điều gì khiến chúng ta suy nghĩ hay sao? Rõ ràng, sự tương tác mới này có thể giải thích sự liên kết tức khắc trong toàn vũ trụ những hạt foton có cùng năng lượng, động lượng, tần số và bước sóng – Trùng hợp với thuyết sóng vật chất của Louis De Broglie đã được công nhận.
Và hơn thế nữa, có thể điều đó sẽ trở thành cơ sở cho những định luật vật lý sẽ được tiên đoán. Tất nhiên, để hiểu được điều này, không thể đơn giản dễ dàng khi các bạn đọc những dòng chữ ngắn ngủi và thậm chí tối nghĩa này, nếu không được người viết trình bầy hoàn toàn luận thuyết. Tôi thành thực xin lỗi các bạn.
Vì thực ra, mỗi luận điểm của kết luận trực giác, thông qua nghiên cứu Kinh Dịch, đó là những bài viết dài và ắt hẳn giành cho những người nghiên cứu Kinh Dịch (tôi rất cảm phục nhà văn Đặng Thân đã hiểu tôi, khi tôi trình bầy với anh về vấn đề này).
Tôi hy vọng đây là cách tiếp cận mới, trước khi nghiên cứu khám phá khoa học bằng toán học và thực nghiệm. Và thực ra, cách tiếp cận này cũng bắt buộc người nghiên cứu phải trang bị cho mình những kiến thức khoa học nhất định, chứ không thể nhắm mắt đoán mò mà nói rằng đó là cảm nhận trực giác.
Hay nói đúng ra, cách dùng ánh sáng nguyên lý của triết học Kinh Dịch soi vào những khúc mắc trong các thí nghiệm khoa học chưa được lý giải, ngõ hầu đưa ra những tiên đoán hy vọng sẽ lý giải được điều gì đó, phải chăng cũng rất đáng lưu tâm. Bởi vì, trong nghiên cứu khoa học, trí tưởng tượng được dựa trên cơ sở triết học, rõ ràng là điều cần thiết và nên khuyến khích.
Người viết nêu hai thí nghiệm trên trong lĩnh vực cơ học lượng tử với những ẩn số đã nêu. Tất nhiên, tôi đã lý giải theo cách của mình để đưa ra những kết luận trực giác. Còn được công nhận những kết luận trực giác ấy hay không lại là việc khác.
Để chứng minh cách lý giải của mình khác với lập luận của khoa học chính thống, sau đây tôi đưa ra một ví dụ về khoa học vũ trụ và trái đất dưới hai quan niệm và cách nhìn khác nhau, để các bạn dễ hiểu rằng tại sao tôi lại như vậy. Cách lập luận này khởi đầu bởi một luận thuyết rất dài do nghiên cứu triết học Kinh Dịch, không tiện nói ra ở đây. Nhưng nó hoàn toàn dựa trên luận cứ của khoa học. Điều này chắc chắn không trùng hợp với các tuyên bố chính thống của khoa học về vũ trụ và trái đất.
Và tất nhiên, tôi không thể tuyên bố hoàn toàn luận thuyết với các điều mới lạ đầy thú vị. Tôi chỉ công bố một ý rất nhỏ để nói lên sự khác nhau bởi hệ qui chiếu mà thôi.
Trong luận thuyết về trái đất, tôi sẽ giải thích rất có lý mọi hiện tượng nhỡn tiền nơi bề mặt, mà xuất phát điểm của nó là một quan niệm về sự hình thành trái đất cũng như hệ mặt trời, khác xa với những tuyên bố khoa học của cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA.
Luận thuyết sẽ trả lời cho những câu hỏi về các hiện tượng rằng tại sao nó lại như vậy một cách hết sức logic và có lý nhất. Đặc biệt, điểm mới của luận thuyết này hết sức chú ý đến vai trò sự tương tác của LỰC ĐIỆN TỪ trong toàn vũ trụ. Bởi vậy, mỗi sự giải thích đều lấy cơ sở khởi nguồn từ lực điện từ rất quan trọng này.
Tôi rất cần sự giúp đỡ của các nhà khoa học công tâm chân chính. Xin chân thành cảm ơn các bạn đã lưu tâm đến những dòng chữ này.
TRẦN HUY ĐỨC