Mấy năm trước, tôi có duyên gặp và trò chuyện với Nhà sư, Tiến sĩ thần học Thanh Minh. Chủ đề bữa đó là về cặp phạm trù Thiện/Ác.
Tôi xin ghi lại nội dung chính của buổi trò chuyện này dưới hình thức hỏi-đáp. Người hỏi, tất nhiên là tôi.
Hỏi: Rất nhiều người nói về dự định hành thiện, chẳng mấy người nói về ý đồ hành ác; vậy tại sao lại nói “Thiện/Ác cân bằng”?
Trả lời: Trong những lời nói tốt đẹp, có không ít điều dối trá và khi mưu đồ việc xấu người ta không nói ra miệng.
Hỏi: Dù sao, số người muốn hành thiện vẫn nhiều hơn số người muốn hành ác? Vậy tại sao Thiện Ác cân bằng?
Trả lời: Đúng vậy, số người muốn làm việc thiện nhiều hơn. Nhưng làm việc thiện thì bản thân phải bỏ ra công sức, tiền bạc và thời gian, nên cuối cùng, số người thực sự hành thiện cũng không nhiều.
Hỏi: Các câu chuyện lịch sử luôn khảng định một chân lý: cuối cùng cái Thiện cũng thắng cái Ác. Vậy tại sao bây giờ Thiện/Ác vẫn cân bằng?
Trả lời: Cái Thiện đã nhiều lần thắng cái Ác. Nhưng cái ác lại hồi sinh ngay trong những kẻ chiến thắng.
Tôi rất tán thưởng câu trả lời này. Nó gần như một đạo lý. Nhìn suốt chiều dài lịch sử nhân loại, người chiến thắng, chẳng mấy khi, nhân từ với những kẻ đã chiến bại dưới tay mình.
Nhà sư giảng giải thêm nhiều điều thú vị về Thiện/Ác. Trong các chùa cổ Việt Nam, người ta thờ cả Ông Thiện và Ông Ác. Thiện/Ác không chỉ hiện diện trong mỗi ngôi chùa; nó hiện diện trong mỗi con người.
Nhà sư cho rằng, theo bản năng, con người bắt chước các thói hư tật xấu nhanh hơn học theo những phẩm chất tốt đẹp. Và ma lực của cái xấu cũng mạnh hơn. Một cậu bé ngoan chơi với một cậu bé nghiện ma túy thì khả năng hai đứa cùng trở thành con nghiện cao hơn là khả năng cậu bé ngoan sẽ giúp bạn mình rời bỏ con đường nghiện ngập. Một cửa hàng trốn thuế mà không bị trừng phạt sẽ được các cửa hàng khác bắt chước, chứ không có chuyện, các cửa hàng đang trốn thuế tự nguyện noi gương một cửa hàng nào đó luôn nộp thuế đầy đủ.
Hỏi: Nếu ma lực của cái Ác mạnh hơn cái Thiện, vậy kẻ ác sẽ bị lún, ngày càng sâu hơn, vào tội lỗi?
Trả lời: Không hẳn như vậy. Một người khi nhận ra mình đã rớt xuống hố, tự nhiên sẽ tìm cách trèo lên 9.
Nhà sư giải thích, trong cái ác, cũng có mầm thiện. Khi con người bị lún sâu vào tội ác, phần người trong họ sẽ không muốn lún thêm. Chẳng có kẻ cắp nào muốn truyền nghề ăn cắp cho con cái, cũng như không có cô gái bán hoa nào, muốn con gái mình sau này phải làm nghề của mẹ nó.
Nhà sư cũng cho rằng, kẻ ác hoàn lương lẽ ra đáng được tin cậy. Nhưng thực tế không ai tin một kẻ ác mới ra tù, có thể trở thành một người hành thiện. Giang hồ ra tù, muốn ăn cơm lương thiện cũng khó. Biết xin việc ở đâu? Nhà nước hay tư nhân đều quay lưng. Chính định kiến của xã hội đã đẩy họ quay lại con đường cũ. Bằng định kiến sai lầm này, những người lương thiện đã vô tình, cùng nhau hành ác.
Con người muốn làm việc tốt, nhưng làm việc tốt khó hơn. Con người không muốn làm việc xấu, nhưng làm việc xấu dễ hơn. Con người muốn làm việc thiện, nhưng làm việc thiện thường phải chịu thiệt. Con người không muốn làm điều ác, nhưng làm điều ác thường được hưởng lợi. Vì thế mà Thiện Ác cân bằng.
Hỏi: Vậy, cho dù ta có cố gắng bao nhiêu thì cũng không thay đổi được thực tế là Thiện/Ác cân bằng sao?
Trả lời: Đúng vậy. Thiện/Ác là hai mặt của một vấn đề. Nó cùng tồn tại, cái này không thể tiêu diệt được cái kia.
Hỏi: Vậy tại sao ta phải cố gắng làm việc Thiện?
Trả lời: Ta làm việc thiện để lòng ta thanh thản.
Lời bình: Tôi không chắc mình đã ghi lại chính xác những ý tứ cao siêu trong câu chuyện này.
Nhưng có một điều mà tôi đã học được: Ta làm việc tốt là vì chính ta, làm việc tốt là để lòng ta thanh thản. Ta không làm việc xấu cũng vì chính ta, để đêm đêm ngon giấc, nghe tiếng gõ cửa, không bị giật mình.
Thiên nhiên không chỉ có những con vật hiền lành như hươu nai chồn sóc, mà còn có những thú dữ như hổ báo lang sói… Tất cả đã chung sống với nhau hàng triệu năm.
Nghe kể, ở đâu đó trên thế giới, để bảo vệ một loài thỏ quý, họ đã xua đuổi các loài săn mồi lớn ra xa, tạo cho những chú thỏ một lãnh địa riêng an toàn. Sau mấy chục năm loài thỏ này đã biến mất vì thoái hoá.
Hoá ra, việc liên tục phải chạy trốn khỏi những con thú săn mồi, là cơ hội cho những chú thỏ rèn luyện cơ thể. Những con ốm yếu, bị thú săn mồi ăn thịt, cũng khiến cho nòi giống được chọn lọc.
Cuộc sống trên trái đất đã tồn tại hàng tỷ năm, không phải vì đúng sai, mà vì nó cân bằng.
Hoàng Minh Châu