Với tôi, dù mới chỉ một lần đặt chân đến Hà Giang, nhưng mảnh đất cực Bắc nơi địa đầu tổ quốc này đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng thật đẹp. Từ cảnh vật núi non hùng vĩ đến những con người mộc mạc, chất phác; từ những phiên chợ vùng cao rực rỡ sắc màu váy áo đến những đêm hội réo rắt tiếng khèn, và những bát rượu ngô sóng sánh, ấm nồng… Tất cả đã ghi dấu vào ký ức của tôi, trở thành niềm hoài niệm da diết khôn nguôi mỗi khi nhớ về Hà Giang. Ai đã từng lên Hà Giang có lẽ đều không bỏ qua cơ hội thưởng thức đặc sản rượu ngô Quản Bạ, bởi đó là thứ rượu nổi tiếng nhất ở vùng đất này. Nhưng ở Hà Giang không chỉ có rượu ngô Quản Bạ, những ai thực sự yêu mến mảnh đất nơi đây sẽ biết đến một loại rượu khác: Rượu ngô Lũng Phìn.
Ở vùng cao Tây Bắc, bà con các dân tộc thiểu số thường dùng ngô, mía, sắn để nấu rượu. Nói riêng về rượu ngô, có lẽ người mê du lịch, khám phá đã quá quen với những cái tên như Bắc Hà, Bản Phố… uống vừa nặng, vừa rất ngọt rượu. Nhưng thực sự ai đã nghe hoặc có duyên được uống rượu Lũng Phìn dù chỉ một lần cũng sẽ nhớ mãi hương vị của nó. Lũng Phìn là một xã thuộc huyện Đồng Văn, nhưng lại rất gần thị trấn Mèo Vạc. Ở đây có rất nhiều bản nấu rượu ngô, mỗi nhà nấu một kiểu, một bí quyết riêng. Nhưng quan trọng nhất là cách làm men lá của mỗi nhà. Nó là một bí mật không ai tiết lộ cho ai và rượu ngon hay không là nhờ vào men lá rừng này đấy. Nguyên liệu nấu là ngô trồng trên cao nguyên đá Mèo Vạc, Đồng Văn. Một khí hậu khắc nghiệt với lượng mưa ít, quanh năm khô cằn nên cây ngô mọc trong các hốc đá rất còi cọc và năng suất thấp. Để thu hoạch được một gùi ngô từ các triền núi đá lởm chởm tai mèo này thật xiết bao nhọc nhằn, vất vả. Và từ những gùi ngô ấy, đồng bào đã chắt lọc ra những giọt rượu tinh chất, làm say lòng biết bao du khách.
Đêm chợ tình Khâu Vai, sau một hồi đi thưởng thức thắng cố và nghe hát đối, đến khuya, tôi quay trở lại cái nhà sàn giữa chợ, nơi tôi đã đặt chỗ ngủ để ngồi đối ẩm với hai anh em người H’ Mông. Nghe tôi giới thiệu đã lặn lội từ dưới Hà nội lên đi chợ tình nên hai anh em rất quí, nhiệt tình mời tôi uống rượu. Suốt từ nửa đêm đến sáng, chúng tôi chỉ uống và hát. Hai anh em Sùng Phia và Sùng Khao kể với tôi rất nhiều điều về quê hương Lũng Phìn của họ. Tôi bắt đầu hào hứng khi họ nói tới rượu và nhất là cậu em tên Sùng Khao lúi húi vào góc nhà sàn lôi ra một chai rượu Lũng Phìn. Trước đây, khi còn ở Thị xã Hà Giang, tôi cũng đã nghe mấy “tiên tửu” nói loáng thoáng về Lũng Phìn, nhưng đó là lần đầu tiên tôi được thưởng thức đặc sản này.
Nghe Sùng Khao kể, rượu Lũng Phìn nấu nấu bằng nồi gỗ, máng dẫn rượu cũng bằng gỗ rừng. Nấu xong uống liền đã ngon, nhưng nếu được chôn xuống đất lâu năm thì lại càng tuyệt vời hơn nữa. Tại bản của cậu ta có những nhà chôn hàng chục chum rượu đã 20 năm có lẻ, đó là những nhà có của ăn của để, dạng “quí tộc vùng cao”. Rượu này đặc biệt không bán mà chỉ dùng để mời khách thật quí khi tới chơi.
Những chum rượu Lũng Phìn là minh chứng thời gian, chất chứa tinh thần, tình cảm của đồng bào H’Mông và chứa đựng trong đó cả một phần lịch sử nơi địa đầu Tổ quốc này. Mỗi lần mở chum rượu chôn lâu năm ra là mùi thơm của men bốc lên ngào ngạt, trên bề mặt của những chum rượu chôn từ mười năm trở lên luôn đóng một váng dày khoảng 2cm. Muốn lấy rượu ra, người ta phải chọc thủng lớp váng đó. Rượu chôn từ 20 năm trở lên là tuyệt nhất, nó có màu hơi sóng sánh xanh, uống vào rất ngọt, thơm, vị tê nhẹ ở đầu lưỡi lan dần xuống cổ, đọng lại một lát rồi lan tỏa miên man lên đầu, lên mặt, say lúc nào không hay. Rượu chôn 10 năm có màu vàng sậm, mùi thơm không bằng rượu 20 năm nhưng cũng đã là loại cực kỳ quí hiếm rồi. Mùi ngô đá phảng phất, vị bùi, ngậy nhẹ. Màu rượu vàng sẫm như ráng trời chiều trên cao nguyên đá hoang sơ này vậy.
Lịch sử – Huyền thoại – Hiện tại luôn nối kết nhau… Còn tại đây , giữa đêm chợ tình, bầu trời chi chít sao, cao vời vợi , ngồi dưới thung lũng Khâu Vai mà như ngồi dưới đáy chum rượu. Căn nhà sàn cũng lắc lư ngả nghiêng theo tiếng khèn, tiếng hát giao duyên. Chai rượu Sùng Khao mời tôi uống cũng đã được chôn 5 năm, thơm ngon vô cùng. Mới đầu uống một vài chén thì có vẻ hơi nhạt rượu, đến chén thứ 3 thì mới thấy vị đượm, mùi thơm dầy dậy của ngô khiến tôi lâng lâng.
Sùng Khao nói, rượu này uống hàng chai không say, nhưng đã say thì rất lâu. Nó nhẹ nhàng, êm êm, không đau đầu như một vài loại rượu dưới xuôi. Say rượu ngô Lũng Phìn như đang phiêu du, nằm trên áng mây trắng xốp bồng bềnh trôi quanh đỉnh đèo Mã Pí Lèng vậy. Thôi thì tiền chủ hậu khách, nhưng mà là đặc sản hiếm có nên ba anh em cũng uống luôn 2 chai. Quả thật đấy là tôi mới uống loại 5 năm chứ mà được uống loại 10 năm, 20 năm thì không biết cảm giác hạnh phúc tới mức nào.
Đúng là tối hôm đó có duyên kỳ ngộ, duyên đối ẩm nên tình cờ mới được thưởng thức rượu Lũng Phìn chính tại mảnh đất sinh ra nó, cùng với những người đã nấu ra nó. Chợt nghĩ, không hiểu dân mê rượu, có mấy ai đủ kiên nhẫn mà chôn rượu 10 năm, 20 năm, hay chỉ dùng tiền mua rượu người khác chôn sẵn? Tôi vừa uống vừa nghĩ, có lẽ ở Lũng Phìn, đời bố chôn rượu cho đời con uống, nhưng thế cũng hay! Vì đời con mà đã uống loại rượu chôn lâu rồi thì chắc không quên được, và lại phải nấu, lại phải chôn cho đời cháu chắt tiếp theo. Cứ như thế, đặc sản rượu Lũng Phìn mới tồn tại, mới có bản sắc, không bị mai một, thậm chí ngày càng nâng cao danh tiếng hơn nữa.
Chia tay với Lũng Phìn, nhưng lòng tôi vẫn còn vương vấn mãi. Hi vọng rằng, một ngày không xa nữa sẽ có dịp trở lại, để thỏa lòng tiếc nuối bấy lâu vì một cuộc rượu vui còn dang dở … Một mùa xuân mới lại đến, Lũng Phìn đang vẫy gọi.
THANH XUÂN