Y Lan nhắn, mời chị đến tham qua triển lãm tranh của ba em nhân dịp sinh nhật ông 101 tuổi và chỉ là những tác phẩm là ký ức của ông về Hà Nội thôi nha.
Dĩ nhiên là vui với lời mời này.
Bởi vì, một cơ duyên mà cùng chị Hồ Ngọc Mỹ biết đến Y Lan. Chị Hồ Ngọc Mỹ kể, một lần bắt gặp một người phụ nữ, khi nói chuyện điện điện thoại với người đầu “sóng” bên kia, nói với một sự lễ phép hiếm có trong thời đại… 4.0 này. Người phụ nữ luôn thể hiện sự yêu thương và lễ phép ấy, dạ thưa mẹ, con thưa với mẹ…
Chị Hồ Ngọc Mỹ ngạc nhiên, bởi việc thưa gửi như thế với một người phụ nữ cũng đã trọng tuổi, quả là hiếm có. Chính sự ngưỡng mộ ấy mà chị hỏi han, làm quen và kết bạn.
Khi quen, đến nhà hàng La Racine của người phụ nữ này mới càng ngạc nhiên. Tài quản lý, sự khéo léo khi nấu các món ăn ngon và trình bày tinh tế sang trọng, tất cả ở trong một người phụ nữ đẹp và sang trọng này.
Rồi một ngày, trên FB, người phụ nữ đưa tin chị đang tham gia nhóm trang điểm cho các thí sinh Hoa hậu hoàn vũ, càng thấy sự tài hoa của chị khi nhìn những thí sinh trước và sau khi trang điểm theo các chủ đề của Ban giám khảo ấn tượng thế nào.
Rồi một ngày nữa, thấy mấy người bạn thời nảo thời nào, nhưng cực kỳ nổi tiếng à nha, là Hoa hậu, á hậu của một cuộc thi sắc đẹp nhiều năm trước, vui mừng gặp lại nhau và kết bạn với nhau trên facebook, mới phát hiện ra người phụ nữ này đã từng tham gia cuộc thi sắc đẹp và nằm trong top 4 người đẹp nhất cuộc thi…
Quả là đáng nể.
Thế nhưng, giờ hai con đã trưởng thành, Y Lan muốn làm những điều trước đây mong muốn mà vì bận rộn với con cái nên chưa làm được, tổ chức triểm lãm tranh cho cha.
Chị nói, lý do làm triển lãm kỳ thật không có gì ghê gớm. Do từ bé Y Lan nhận được sự yêu thương vô cùng lớn lao và sâu sắc của cả Ba và Má, nên luôn ngưỡng mộ Ba và Má, mong muốn làm được hai điều cho Ba Má là chuẩn bị thật đầy đủ an toàn cho cuộc sống của má và làm triển lãm cho Ba…
Chính vì thế mà triển lãm tranh lần này được chuẩn bị kỹ, sau một thời gian chị sưu tầm thêm được một số tranh của Ba, với con số 101 tác phẩm tương ứng với dịp sinh nhật 101 tuổi của ba – họa sĩ Lê Văn Xương. Đó là những bức tranh bột màu, sơn dầu, phấn tiên… về 36 phố phường Hà Nội của những thập niên 1940 – 1950 và một vài chân dung tự họa, hoặc chân dung người thân…
Triển lãm ĐIỀU KỲ DIỆU: 10:00 – 22:00, 21 – 23/09/2018
Park Hyatt Saigon – Số 2 Công Trường Lam Sơn, Bến Nghé, Quận 1, TP HCM
Chương trình:
- Gala ngày 21/9: từ lúc 10 đến 22h.
Nội dung chính: Khai mạc; các chương trình nghệ thuật; âm nhạc
- Gala ngày 22/9: từ lúc 10h đến 22h.
Nội dung chính: Thảo luận về cuộc đời và sự nghiệp Lê Văn Xương; giao lưu với trường quốc tế.
- Gala ngày 23/9: từ lúc 10h đến 22h.
Nội dung chính: Âm nhạc; đấu giá; bế mạc
Vào cửa tự do
Về họa sĩ Lê Văn Xương (1917-1988)
Lê Văn Xương học hội họa từ rất sớm, khoảng 1929-1930 đã bắt đầu học, do gia đình rước thầy về nhà dạy. Năm 1937, khi Nhan Chí (1920 – 1967, người Minh Hương) từ làng Trung Hưng (quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định) ra Hà Nội học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa XII (1937-1942). Lê Văn Xương đã nhanh chóng kết giao, thấy hợp tính, nên đã mời bạn làm thầy dạy vẽ nâng cao cho mình. Suốt đời, theo gia đình ước tính, không kể tranh lưu niệm, Lê Văn Xương đã vẽ khoảng 1.000 bức tranh và làm khoảng 100 bức tượng.
Năm 1941, Lê Văn Xương mở triển lãm tranh cá nhân đầu tiên tại Sài Gòn. Ngay triển lãm này ông đã bán một số tác phẩm. Năm 1949, ông triển lãm cá nhân tại phòng tranh riêng ở Hà Nội. Năm 1951, mở triển lãm cá nhân tại Đà Lạt. Đáng chú ý nhất, lúc 16h ngày 28 tháng 4 năm 1953, Lê Văn Xương mở triển lãm cá nhân “Hà Nội 36 phố phường” tại Nhà hát lớn Hà Nội. Triển lãm thu hút được giới chính khách, quan chức, thương nhân và giới yêu thích nghệ thuật.