Nhằm cung cấp thông tin cho độc giả, Tạp chí Đồ uống Việt Nam xin giới thiệu bài phân tích về chính sách quản lý đối với ngành Bia – Rượu cũng như những kiến nghị của Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Những thông tin về chính sách quản lý rượu
Trước khi người Pháp đến Việt Nam trong cuộc xâm lăng và đô hộ các thuộc địa, ngành sản xuất rượu thủ công Việt Nam đã có lịch sử rất lâu đời vì người Việt nói chung rất phổ biến tập quán uống rượu, đặc biệt trong các ngày lễ, tết vốn vô tửu bất thành lễ. Năm 1858, khi những người Pháp đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, vẫn chưa có sản xuất rượu ở quy mô công nghiệp. Chính phủ bảo hộ khuyến khích người Việt nấu rượu, uống rượu để thu thuế, cấp đăng ký sản xuất rượu, nhưng vẫn không có các biện pháp thu thuế triệt để. Hiện tượng trốn thuế, khai man thuế tràn lan không kiểm soát được. Kể từ khi sản xuất rượu công nghiệp ra đời, chính quyền bảo hộ ra sắc lệnh cấm dân tự nấu rượu, ngừng cấp giấy phép đăng ký kinh doanh nấu rượu cho các hộ gia đình đã từng sản xuất kinh doanh bằng nghề nấu rượu, chỉ duy trì một số làng nghề tập trung để dễ thu thuế. Việc cấm dân nấu rượu ngày càng được kiểm soát chặt chẽ đi đôi với đẩy mạnh sản xuất rượu công nghiệp, một số tổ chức thanh tra riêng do người Pháp trực tiếp chỉ huy đã được thành lập chuyên đi bắt phạt những hộ gia đình nấu rượu không phép, những đối tượng mà dân Việt thường gọi là “Tây đoan”, hay “Tàu cáo” (một dạng thanh tra thuế).
Một mặt chính phủ bảo hộ đưa ra chính sách ngăn cấm các làng nghề, ngăn cản người dân tự nấu rượu, mặt khác lại bắt người dân phải tiêu thụ theo định mức các loại rượu do nhà máy rượu của Chính phủ bảo hộ sản xuất (rượu công ty, còn gọi là rượu Ty). Nhà nào đóng môn bài đặc biệt mới được cấp tấm bảng to bằng cỡ miếng gạch tàu vẽ chữ “RA” (viết tắt của Régie d’Acool – Sở rượu) về treo trước cửa để bán sản phẩm của Công ty rượu Đông Dương (Société françaises des Distilleries de l’Indochine, thường được dân gian gọi là Công ty Fontaine vì công ty này do A.Fontaine thành lập năm 1901), hãng độc quyền sản xuất kinh doanh trên toàn cõi Đông Dương loại rượu tương đối nhạt được nấu bằng gạo và ngô. Chính phủ bảo hộ tính số người cho mỗi tỉnh, mỗi làng mà chia rượu giao cho quan lại đưa dân nhận lãnh rượu. Đồng thời giao kế hoạch tiêu thụ rượu đến các cấp chính quyền huyện, tổng, xã, đề ra các biện pháp cụ thể như ma chay, cưới xin, lễ hội đình đám bắt buộc phải mua rượu đủ theo quy định.
Tuy vậy, rượu Ty vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, và vì muốn dùng thứ rượu dân tộc có nồng độ cao, cay và thơm hơn, khắp nơi người ta vẫn lén lút nấu rượu bằng gạo nếp rồi đem giấu trong những lùm tranh, lùm đế ở xa nhà, hoặc khi thấy Tây đoan, Tàu cáo đến bắt, nghe động thì bê tất cả nồi rượu, bình rượu chạy vội dấu dưới đồng cỏ hoang dại mọc toàn cây đế, một loài cây giống cỏ năn, cỏ lác, cỏ tranh, hay lau sậy mọc cao vút đầu. Tên gọi rượu đế trong Nam xuất xứ từ đó. Loại rượu này cũng còn được gọi là rượu lậu do quy trình nấu rượu và tiêu thụ rượu hầu hết đều là lậu. Rượu lậu được chuyên chở bằng mọi cách, thậm chí bằng cả áo quan, hay bằng bất cứ phương tiện nào có thể tránh con mắt xoi mói dò xét của những vị chức sắc truy thu thuế và tình trạng buôn rượu lậu, nấu rượu lậu, tiêu thụ rượu lậu trở nên phổ biến trong suốt nửa cuối thế kỷ 19 kéo dài đến sau ngày Cách mạng Tháng Tám 1945.
Năm 1933, do tình trạng buôn và nấu rượu lậu khó kiểm soát, do nguồn thu từ sản xuất và tiêu thụ rượu góp phần không nhỏ vào ngân sách, đồng thời, công nghiệp phát triển dẫn đến yêu cầu cồn ngày càng nhiều, rượu sản xuất công nghiệp không đủ đáp ứng yêu cầu của người dân. Vì thế chính quyền bảo hộ đã để cho một số làng nghề thủ công có truyền thống lâu đời nấu rượu thủ công ở Việt Nam, như làng Vân (Bắc Giang), Kim Sơn (Ninh Bình), Xuân Lai (Sóc Sơn), Quan Đình (Từ Sơn), Đỗ Xá (Hải Dương), Văn Điển (Hà Nội)… tiếp tục sản xuất rượu để bán. Tuy nhiên, việc sản xuất vẫn phải chịu sự giám sát chặt chẽ của Chính phủ bảo hộ để thu thuế.
Từ Cách mạng tháng Tám tới nay, Nhà nước ta đã luôn luôn quan tâm đến vấn đề tuyên truyền, giáo dục và đã có những quy định nhằm bài trừ tệ nạn nấu rượu lậu và nghiện rượu, nên đã hạn chế được một phần so với trước, nhưng vẫn chưa chấm dứt được. Vì vậy để triệt để bài trừ tệ nấu rượu lậu, ngày 13 tháng 10 năm 1966, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua pháp lệnh quy định cấm nấu rượu trái pháp. Pháp lệnh này đã được Hồ Chủ tịch công bố theo Lệnh số 92-LCT ngày 27 tháng 10 năm 1966. Hội đồng Chính phủ đã ban hành Thông tư số 200-CP ngày 26 tháng 11 năm 1966 hướng dẫn những biện pháp thi hành Pháp lệnh quy định cấm nấu rượu trái phép.
Bước vào thời kỳ đổi mới, cùng với việc dần hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng rượu, bia.
Theo báo cáo của Bộ Y tế tại Tờ trình đến tháng 12 năm 2016 có đến 85 văn bản quy phạm pháp luật có các quy định liên quan đến ngành Bia – Rượu Hiện nay, cũng theo Báo cáo của Bộ Y tế thì còn 33 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đang có hiệu lực, gồm 12 Luật, 9 Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, 3 Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và 9 Quyết định, Chỉ thị, Thông tư của Bộ trưởng, trong đó có các Luật như: Luật Thương mại, Luật Quảng cáo, Luật Đầu tư, Luật An toàn thực phẩm, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật xử lý vi phạm hành chính…
Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh rượu (thay thế Nghị định 94 về sản xuất, kinh doanh rượu). Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã chính thức được ban hành và có hiệu lực từ ngày 02 tháng 02 năm 2018. Hiện nay, Quốc hội đang xem xét về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế soạn thảo.
Tháng 5 năm 2010, Đại hội đồng Y tế thế giới lần thứ 63 đã nhất trí thông qua Nghị quyết về Chiến lược toàn cầu nhằm giảm thiểu tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn. Hưởng ứng Chiến lược toàn cầu này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chính sách quốc gia về phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 (Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2014).
Như vậy, có thể nói Nhà nước ta đã luôn quan tâm đến công tác quản lý ngành Bia – Rượu và có nhiều quy định quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sử dụng rượu, bia. Các văn bản quy phạm pháp luật này đã có nhiều quy định liên quan các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng rượu, bia. Luật Thương mại quy định rượu là mặt hàng hạn chế kinh doanh. Luật Đầu tư quy định kinh doanh rượu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện này được quy định tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh rượu, trong đó có các quy định về cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi, quy định việc cấp giấy phép đối với các hoạt động sản xuất rượu, phân phối, bán buôn, bán lẻ và bán rượu tiêu dùng tại chỗ. Nghị định 77/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ đã quy định các điều kiện về an toàn thực phẩm đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh bia. Luật Thương mại, Luật Quảng cáo có các quy định về cấm quảng cáo đối với các loại rượu có nồng độ cồn trên 15 độ. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt quy định rượu, bia là hàng hóa thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất hiện nay là 65%. Luật Giao thông đường bộ quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông, trong đó người điều khiển phương tiện xe ô tô, máy kéo… không được có nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở. Luật xử lý vi phạm hành chính quy định các hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng rượu, bia.
Các quy định này đã tạo điều kiện cho ngành phát triển ổn định, bền vững và đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách nhà nước, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, đồng thời góp phần bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Hiện nay, nhà nước đã quản lý tốt đối với sản xuất, kinh doanh bia và rượu sản xuất công nghiệp. Vấn đề đáng quan tâm hiện nay chính là cần tăng cường kiểm soát, quản lý rượu do dân tự nấu, rượu không rõ nguồn gốc, rượu nhái, rượu giả. Tuyên truyền, giáo dục để người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, sử dụng bia, rượu chừng mực, không lạm dụng, chấp hành tốt các quy định về an toàn giao thông, uống có trách nhiệm…
Tuy nhiên, trong thực tế còn nhiều quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật này chưa đi vào cuộc sống do những hạn chế của bản thân một số quy định chưa có tính khả thi và công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật, do việc triển khai thực hiện chưa nghiêm.
Để các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành đi vào cuộc sống, các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh việc tuyên truyền và thực hiện thật nghiêm túc những quy định đã có trong các văn bản quy phạm pháp luật và trong trường hợp cần thiết có thể điều chỉnh, bổ sung một số quy phạm pháp luật trong các văn bản đã ban hành là đã có thể kiểm soát tốt, tạo điều kiện cho ngành ổn định và phát triển, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Nhu cầu sử dụng rượu, bia phù hợp với văn hóa ẩm thực của người Việt Nam và là một thực tế khi dân số tăng và kinh tế ngày càng phát triển. Nếu hạn chế nguồn cung trong khi nhu cầu vẫn có sẽ dẫn đến tình trạng gia tăng vấn nạn nhập lậu, hàng nhái, hàng giả và Nhà nước sẽ phải chi ra một nguồn kinh phí không nhỏ để phòng chống vấn nạn này. Nguy hiểm hơn, nếu sản xuất trong nước không đáp ứng nhu cầu và vấn nạn nhập lậu, hàng nhái, hàng giả gia tăng sẽ dẫn đến sản xuất trong nước bị đình trệ, ảnh hưởng lớn tới nguồn thu ngân sách của Nhà nước.
Từ những phân tích trên đây, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam xin kiến nghị:
– Cần đánh giá, xem xét kỹ về sự cần thiết ban hành Luật vì những căn cứ, lý do nêu trong Tờ trình chưa bảo đảm tính chính xác, chưa thuyết phục và nội dung dự án Luật còn có những quy định chưa phù hợp và khả thi. Một số quy định của dự thảo Luật về biện pháp kiểm soát trong quảng cáo, khuyến mại, tài trợ đối với rượu, bia; cấp phép … còn chưa có sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật hiện hành như Luật Thương mại, Luật Quảng cáo…;
– Đề nghị xem xét đổi tên thành Luật Kiểm soát đồ uống có cồn hoặc Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn vì hiện nay chưa có quốc gia nào trên thế giới xây dựng và ban hành luật có tên gọi là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia;
– Cần nghiên cứu, xem xét các quy định về các biện pháp kiểm soát giảm nhu cầu tiêu thụ rượu, bia, kiểm soát việc cung cấp rượu, bia và kiểm soát giảm tác hại của rượu, bia như thời gian và địa điểm bán rượu, bia phù hợp với thực tế và truyền thống của Việt Nam; đặc biệt nội dung quan trọng của Luật này là cần quy định cụ thể để kiểm soát thật tốt rượu thủ công.
Đề nghị bỏ các quy định về hạn chế quảng cáo với bia và rượu dưới 15 độ cồn ra khỏi dự thảo Luật và hỗ trợ ngành để thiết lập cơ chế tự điều chỉnh phù hợp với các cam kết APEC và Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;
– Đề nghị không đưa các quy định giới hạn thời gian bán bia, phương thức bán bia qua mạng internet, qua máy bán hàng tự động vào dự thảo luật và chỉ giới hạn không được bán bia tại gần trường học, trung tâm y tế, địa điểm tôn giáo.
Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam trân trọng đề nghị Quốc hội quan tâm xem xét, tạo điều kiện cho ngành phát triển ổn định và bền vững, góp phần phục vụ nhu cầu và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam