Từ lâu, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Brazil. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy thời gian gần đây, thị trường Việt Nam lại đang phải nhập khẩu sản lượng lớn cà phê từ Trung Quốc và một số nước khác.
Tại sao? Một câu hỏi thật nhức nhối. Bởi vì, những gì đang diễn ra cho thấy lượng cà phê nhập khẩu vẫn đang tăng cao, trong đó cà phê Việt đang ngày càng mất dần chỗ đứng trước cà phê “đã từng” kém hơn là Trung Quốc ngay tại thị trường của chính mình.
NỖI BUỒN CÀ PHÊ VIỆT
Nói cho đúng, cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua sản lượng đứng hàng thứ hai trên thế giới thì chủ yếu là cà phê nhân. Đã vậy, do nhiều vùng cà phê trọng điểm thời gian gần đây vườn cây cà phê bị lão hóa, nhiều nơi bị bệnh tuyến trùng hay vàng lá, khiến cho năng suất giảm, chất lượng cà phê không ổn định.
Đã vậy, công tác thu hái, sơ chế và bảo quản còn thủ công, nhiều vùng bị cướp cà phê nên chủ vườn cà phê phải thu hái sớm khi hạt cà phê chưa chín đều, đều làm ảnh hưởng đến mùi vị cà phê.
Gần đây, chương trình phục hồi tái canh và trồng mới cà phê đang được tiến hành, nhưng người nông dân còn thiếu vốn và kiến thức. Các tập đoàn lớn như Bayer, Nestle cũng đã nỗ lực đưa các chương trình hỗ trợ nông dân trồng, tái canh, kỹ thuật chăm sóc và thu hái để các vườn cà phê có năng suất cao, chất lượng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu ra thị trường các nước trên thế giới, giá trị gia tăng từ cây cà phê được nâng cao, cải thiện đời sống người nông dân.
Cùng theo chiều hướng này, trong khi sản lượng xuất khẩu cà phê nhân Việt Nam tăng mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn thì xảy ra hiện tượng kim ngạch nhập khẩu cà phê từ nước ngoài về Việt Nam cũng tăng mạnh bất thường. Lượng cà phê nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu dưới dạng rang xay, pha sẵn, giá rất cao. Điều đó cho thấy năng lực và công nghệ chế biến cà phê rang xay của Việt Nam không đủ hoặc chưa đáp ứng tiêu chuẩn của các hãng bán lẻ cà phê nước ngoài ngay tại thị trường Việt Nam.
Theo số liệu thống kê từ Cục Xúc tiến Thương mại – Bộ Công Thương cho thấy, Việt Nam đang tăng lượng nhập khẩu cà phê cả cà phê tươi, cà phê rang xay, cà phê pha sẵn từ các thị trường Mỹ, Brazil, Lào và đặc biệt là Trung Quốc.
Trong niên vụ 2016-2017, tổng sản lượng cà phê nhập khẩu từ các thị trường trên ước tính đạt khoảng 1 triệu bao (khoảng 60.000 tấn cà phê nhân), tăng so với mức 640.000 bao trong niên vụ trước. Dự báo niên vụ tới (2017-2018), Việt Nam sẽ có thể nhập 1,06 triệu bao (ước trên 63.600 tấn cà phê nhân).
Ngoài ra, các doanh nghiệp nước ngoài cũng mua nguyên liệu giá rẻ từ Việt Nam về chế biến để thu được giá trị gia tăng cao nhất. Bài toán so sánh cho thấy, khi Việt Nam xuất khẩu cà phê nhân (tỉ lệ nhân xô còn rất cao) với giá khoảng 3 USD/kg trong khi các công ty nước ngoài đem về chế biến bán ra thành phẩm gấp vài chục lần, thậm chí lên đến 60 đến 70 USD/kg.
Theo ông Andrew Nguyễn, người đưa thương hiệu cà phê chuỗi The Coffee Bean & Tea Leaf về Việt Nam, xác nhận công ty phải nhập toàn bộ nguyên liệu cà phê từ nước ngoài cho dù đầu tư kinh doanh tại một quốc gia đang xuất khẩu cà phê vào hàng đầu thế giới là Việt Nam.
VÌ SAO VIỆT NAM PHẢI NHẬP CÀ PHÊ TỪ TRUNG QUỐC?
Điều đáng quan ngại là thời điểm 5 -7 năm về trước, khi mà hàng loạt chuỗi cà phê ngoại du nhập vào Việt Nam như The Coffee Bean & Tea Leaf, Starbuck… các doanh nghiệp này chủ yếu nhập khẩu cà phê từ Mỹ và một số nước châu Âu. Cũng tại thời điểm đó, Trung Quốc đang nhập cà phê thô từ các nước châu Á, trong đó có đến 92% là cà phê từ Việt Nam. Còn bây giờ, các doanh nghiệp nhập khẩu cà phê từ Trung Quốc lại chiếm tỉ lệ lớn.
Lý do được giải thích cho nghịch lý này là do ngành bán lẻ cà phê ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và mở rộng nhiều hệ thống hoạt động tại các thành phố lớn, với các gu uống khác nhau. Các hãng đồ uống nước ngoài đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe về chất lượng nguồn nguyên liệu cho các sản phẩm của họ.Vốn dĩ cà phê phương Tây nhẹ hơn, hiển nhiên cách pha chế cà phê người của Việt không hợp “gu” người Tây.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa được nhiều chuyên gia thương mại cảnh báo từ lâu, Việt Nam không có nền công nghiệp rang xay phối trộn cà phê chuyên nghiệp hợp “gu” toàn cầu. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ sức, công nghệ và khả năng cạnh tranh với những thương hiệu cà phê rang xay, cà phê hòa tan nước ngoài. Thậm chí, một vài doanh nghiệp Việt Nam dù đã có sản phẩm xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan nhưng công nghệ rang xay, chế biến trong nước vẫn không thể theo kịp các nước trên thế giới.
Trung Quốc từ 5 – 10 năm trước ngoài việc tăng nhập cà phê thô, họ đồng thời phát triển mạnh vùng nguyên liệu ở tỉnh Vân Nam và đã đầu tư nhiều cho ngành công nghiệp chế biến, rang xay cà phê. Hiện tại, Trung Quốc đang là “công xưởng” chế biến, rang xay cà phê cho các chuỗi cà phê lớn trên thế giới. Còn Việt Nam, buồn thay sau một thời gian xuất thô miệt mài cho Trung Quốc, nay đã chính thức tăng lượng nhập cà phê rang xay từ quốc gia này.
Trong khi Việt Nam vẫn đang giậm chân tại chỗ trong phát triển công nghiệp rang xay để tăng giá trị gia tăng hạt cà phê, thì Trung Quốc đã có nhiều bước tiến lớn. Dự báo trong tương lai gần, Trung Quốc có thể soán ngôi Việt Nam trên hàng xuất khẩu cà phê cao nhất trên thế giới.
PHAN HỒNG