Để giúp độc giả có thêm những thông tin, số liệu chính xác, khách quan về ngành Bia – Rượu Việt Nam, Tạp chí Đồ uống Việt Nam xin giới thiệu bài viết “Ngành Bia – Rượu Việt Nam – Thực trạng sản xuất, kinh doanh và sử dụng bia, rượu” của Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam.
LỊCH SỬ, VĂN HÓA BIA Ở VIỆT NAM VÀ TRÊN THẾ GIỚI
Bia là loại đồ uống lâu đời nhất của nhân loại, chúng xuất hiện từ khi con người biết săn bắt thú rừng, gieo hạt, trồng cây lương thực cách đây khoảng 12.000 năm và đã được phân phối cùng bánh mì thời cổ đại Ai cập và phát triển vào đầu của thời kỳ trung cổ năm 1568.
Ở Châu Âu, bia là loại đồ uống rất phổ biến (được ví là “bánh mì, nước”) và sử dụng rộng rãi như người phương Đông dùng trà. Bia đã gắn liền với đời sống văn hóa của nhiều quốc gia nổi tiếng nhất là Lễ hội Bia October Fest diễn ra hàng năm ở thành phố Munich, Bang Bayern, Cộng hòa liên bang Đức, với trên 6 triệu người tham dự (năm 2018, lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 22 tháng 9 đến ngày 07 tháng 10). Người dân Đức tự hào về Lễ hội bia lớn nhất thế giới này. Đây là ngày hội văn hóa, truyền thống, là niềm tự hào của họ. Ngành sản xuất bia đã mang lại sự thịnh vượng, công ăn việc làm cho mọi người dân và cũng mang lại sự phát triển cho nền kinh tế của nước Đức, một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới với GDP năm 2017 trên 44.000 USD/người/năm.
Ở Việt Nam, bia được người Pháp mang đến từ thế kỷ thứ 19, bia Sài Gòn (1875) và bia Hà Nội (1890). Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ và cả những năm bao cấp do thiếu nguyên liệu, bia sản xuất với một lượng nhỏ, phân phối cho các cơ quan và cửa hàng mậu dịch. Do sản xuất không đủ nên bia Trung Quốc tràn ngập thị trường cả nước. Từ năm 1990, nhờ chính sách mở cửa của Nhà nước, các công ty đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại nên ngành Bia Việt Nam đã có bước phát triển tốt, dần dần đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Các sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước sản xuất không ngừng được đổi mới mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh nên đã “đánh bật” bia Vạn Lực của Trung Quốc ra khỏi thị trường Việt Nam.
Các thương hiệu lớn trong nước như Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội đã tiếp tục đầu tư các trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến của CHLB Đức, đồng thời đầu tư và sáp nhập các công ty bia ở các tỉnh (khi đó đang gặp khó khăn) thành công ty con của SABECO, HABECO… Từ đó, các doanh nghiệp đã có bước phát triển nhanh, khẳng định được vị trí trên thị trường, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân và từng bước xuất khẩu.
Từ năm 1991 đến nay, nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới như Bia Heineken, Carlsberg, AB – InBev… cũng đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm cho thị trường, người dân có thêm sự lựa chọn các sản phẩm, được sử dụng các sản phẩm bia cao cấp, không phải uống bia lậu từ nước ngoài.
Sử dụng bia, rượu là nhu cầu thiết yếu và chính đáng của người dân trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Đó là thức uống gắn liền với đời sống văn hóa lâu đời của người dân. Trên thế giới có nhiều lễ hội bia được tổ chức hàng năm, trở thành sự kiện văn hóa thu hút hàng triệu du khách trên thế giới đến tham dự.
Nhiều quốc gia tự hào vì có ngành Bia phát triển, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế và phát triển du lịch. Ở nước ta, việc sử dụng bia, rượu không chỉ là nhu cầu giải khát, thêm gia vị cho cuộc sống mà còn gắn liền với văn hóa thờ cúng tổ tiên, tiếp khách, giao lưu, hiếu hỷ… Trong các dịp lễ tết, cúng giỗ, trên bàn thờ gia tiên của các gia đình, bên cạnh mâm cỗ bao giờ cũng có chai rượu, lon bia để mời tổ tiên.
Đặc biệt, trong các buổi tiệc tiếp các nguyên thủ quốc gia khi đến tham dự APEC tổ chức tại Việt Nam, Ban tổ chức đều sử dụng rượu vang để tiếp khách. Năm 2016, Tổng thống Mỹ Brack Obama khi sang thăm Việt Nam đã đến thưởng thức bún chả và Bia Hà Nội tại một nhà hàng bún chả ở phố Lê Văn Hưu (Hà Nội). Như vậy, việc sử dụng bia, rượu là một nét văn hóa truyền thống của người dân ở Việt Nam và trên thế giới.
Sản xuất đúng quy hoạch, sản lượng tiêu thụ ở mức trung bình
Trong những năm qua, ngành Bia Việt Nam đã phát triển đúng theo Quy hoạch phát triển ngành Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 mà Bộ Công Thương phê duyệt. Theo số liệu của Bộ Công Thương năm 2017, sản lượng bia các loại ước đạt 4000,6 triệu lít tăng 5,65% so với năm 2016. Qua biểu đồ 1, cho thấy tốc độ tăng trưởng sản xuất bia trong 3 năm gần đây (2015-2017) có xu hướng giảm. Năm 2017 giảm 3,65% so với 2016.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Tiêu thụ bia bình quân theo đầu người trong năm 2016 ở Việt Nam
Theo báo cáo của Trường Đại học Beer Kirin Nhật Bản lượng bia tiêu thụ bình quân theo đầu người/năm (năm 2016) trên thế giới và Việt Nam được nêu ở bảng 1.
Bảng 1
Thứ tự
2016 |
Tên Quốc gia | Tiêu thụ bia theo đầu người (lít) | Tổng lượng bia tiêu thụ (Kl) |
1 | Czech Republic | 143.3 | 1,959 |
2 | Namibia | 108.0 | 270 |
3 | Austria | 106.0 | 928 |
4 | Gremany | 104.2 | 8,412 |
5 | Poland | 100.8 | 3,892 |
6 | Ireland | 98.2 | 462 |
7 | Romania | 94.1 | 1,826 |
8 | Seychelles | 90.0 | 9 |
9 | Estonia | 89.5 | 116 |
10 | Lithuania | 88.7 | 257 |
… | |||
51 | South Korea | 42.8 | 2,160 |
54 | Japan | 41.4 | 5,251 |
+55 | Vietnam | 40.8 | 4,000 |
Nguồn: Trường Đại học Beer Kirin Nhật Bản
Đứng đầu bảng xếp hạng là Cộng hòa Séc với 143,3 lít/người/năm và giữ ở vị trí này trong 24 năm liên tục cho tới nay. Nhật Bản với lượng sử dụng bình quân theo đầu người là 41,4 lít/người/năm và xếp thứ 54. Năm 2016, Việt Nam tiêu thụ bình quân theo đầu người là 40,8 lít/người/năm đứng sau Hàn Quốc, Nhật Bản. Như vậy, nếu tính theo lượng tiêu thụ bình quân theo đầu người/năm thì Việt Nam xếp thứ trên 54 vào loại trung bình thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Vị trí, vai trò và những đóng góp của ngành Bia
Ngành sản xuất bia ở Việt Nam giữ một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Đến nay, ngành sản xuất bia đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước, tránh được tình trạng nhập lậu, tình trạng đầu cơ và có một phần xuất khẩu. Giải quyết được công ăn việc làm cho hàng triệu lao động trực tiếp sản xuất và lao động trong hệ thống kinh doanh, thương mại, nhà hàng, dịch vụ, vận tải, nông nghiệp, quảng cáo,… Các doanh nghiệp trong ngành tham gia tích cực các chương trình trách nhiệm xã hội, từ thiện, xóa đói giảm nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Trong những năm qua, ngành Bia đã đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước. Các nhà máy bia đều đứng ở vị trí nhất, nhì ở các tỉnh về nộp ngân sách và luôn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội tại địa phương. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2016, toàn ngành Đồ uống nộp ngân sách trên 45 nghìn tỷ đồng; năm 2017 nộp ngân sách đạt trên 50 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng ngành Bia nộp ngân sách trên 45 nghìn tỷ đồng. Trong các năm gần đây, nộp ngân sách của ngành Bia năm sau đều cao hơn năm trước.
Nguồn: Tổng cục Thuế
SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ RƯỢU Ở VIỆT NAM
Việt Nam là nước có lịch sử hàng nghìn năm với nền văn minh lúa nước. Từ cổ xưa, người dân sinh sống trên mảnh đất hình chữ S đã biết trồng lúa và nấu rượu. Thời Pháp thuộc đã có nhà máy Rượu Hà Nội ở phía Bắc và Nhà máy Rượu Bình Tây ở phía Nam. Rượu dân tự nấu trong gia đình đã bị cấm ở thời kỳ đó.
Ngay sau khi Miền Bắc được giải phóng, trong khi còn bề bộn trăm công ngàn việc, Hồ Chủ tịch đã quan tâm tới ngành sản xuất rượu. Ngày 15 tháng 02 năm 1961, Người đã tới thăm Nhà máy rượu Hà Nội đúng dịp Tết Tân Sửu. Người đã thăm hỏi cán bộ công nhân viên nhà máy và đã chỉ đạo tăng cường sản xuất, sử dụng ngô, khoai, sắn để thay thế lúa gạo.
Trong thời gian chiến tranh chống Mỹ, do thiếu lương thực nên đã có pháp lệnh cấm nấu rượu trái phép do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký ban hành ngày 13 tháng 10 năm 1966. Thời gian đó, rượu được sản xuất chủ yếu ở các nhà máy quốc doanh. Nhà máy lớn nhất ở phía Bắc là Rượu Hà Nội và ở phía Nam là Nhà máy Rượu Bình Tây (sau ngày giải phóng Miền Nam 1975). Từ khi có chính sách mở cửa, tình trạng sản xuất rượu làng nghề đua nhau mở ra, tình trạng quản lý sản xuất, chất lượng, thu nộp ngân sách gặp nhiều khó khăn. Thực trạng sản xuất rượu những năm qua theo số liệu của Tổng cục Thống kê được nêu lên ở biểu đồ 3.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2016 sản lượng rượu là 305,2 triệu lít trong đó rượu công nghiệp khoảng 70 triệu lít/năm, còn lại là rượu thủ công do dân tự nấu ở quy mô gia đình, quy mô nhỏ chiếm tới trên 200 triệu lít. Nhìn vào biểu đồ ta thấy tổng sản lượng rượu từ năm 2014 đến năm 2016 giảm 2,6%, phù hợp với quy hoạch của ngành đã được Bộ Công Thương phê duyệt.
Theo một nghiên cứu điều tra quốc gia của PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện quy mô quốc gia tại 6 vùng miền kinh tế – xã hội của Việt Nam từ tháng 11 năm 2014 đến tháng 01 năm 2015, kết quả chỉ ra rằng rượu không kiểm soát được ở Việt Nam là rất cao, chiếm tới 75% tổng lượng rượu tiêu thụ, loại rượu này chất lượng kém là nguyên nhân gây ra ngộ độc, gây thất thu ngân sách nhà nước. PGS. TS. Lưu Bích Ngọc kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước nhất là trong quá trình xây dựng luật cần quan tâm đặc biệt tới quản lý rượu dân tự nấu chứ không chỉ tập trung chính sách quản lý vào 25% rượu có nhãn mác.
Theo báo cáo của WHO 2014 (Biểu đồ 4), sử dụng chất có cồn ở Việt Nam nằm trong ngưỡng 5-7,4 lít/người/năm cồn nguyên chất từ tuổi trên 15, thuộc vào mức trung bình thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cũng theo báo cáo của WHO 2014, mức sử dụng lượng cồn nguyên chất bình quân theo đầu người (+ 15 tuổi) trên thế giới cao nhất là: Belarus với 17,5 lít/người/năm. Ở Châu Á, Hàn Quốc 12,3 lít/người/năm, Việt Nam 6,6 lít/người/năm, đứng thứ 94/194 nước thành viên của WHO.
Tóm lại, Việt Nam trong tiến trình hội nhập đã và đang tham gia các hiệp ước song phương, đa phương, như CPTPP với sự đầu tư trong nước và nước ngoài ngày một tăng. Vì vậy, khi xây dựng chính sách, pháp luật đối với ngành bia, rượu trong quá trình hội nhập cần phải đánh giá đúng thực trạng để đưa ra được hướng đi thích hợp, vừa tăng cường chức năng quản lý, kiểm soát vừa thu hút đầu tư, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Trách nhiệm xã hội của ngành Bia – Rượu
Ngoài nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp ngành Bia – Rượu còn luôn quan tâm đến công tác xã hội từ thiện, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thực hiện tốt quy chế tự quản, có nhiều chương trình hoạt động về uống có trách nhiệm… Đáng kể như các doanh nghiệp như Heineken, Carseberg, Sabeco, Habeco,… Đó là những doanh nghiệp luôn tích cực trong các hoạt động nâng cao nhận thức về sản phẩm, bảo vệ môi trường, phát triển con người, cứu trợ đồng bào bị thiệt hại bởi thiên tai, bão lụt; hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn,…
Các doanh nghiệp rượu trong nước đã triển khai Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD – Vietnam Association for Responsible Drinking), chính thức thành lập và hoạt động từ tháng 3/2015. Đây là mô hình phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức và cải thiện thói quen sử dụng các sản phẩm có cồn một cách có trách nhiệm thông qua các nhiệm vụ: (i) Giáo dục và nâng cao nhận thức về uống rượu có trách nhiệm và giảm thiểu tác hại và việc sử dụng rượu sai mục đích; (ii) Giảm thiểu tình trạng uống rượu dưới tuổi quy định; (iii) Giảm thiểu tình trạng uống rượu khi tham gia giao thông; (iv) Điều chỉnh các thông lệ trong ngành có liên quan đến hoạt động tiếp thị và tiêu thụ các loại đồ uống có cồn; (v) Hỗ trợ các mục tiêu của Chính sách Quốc gia về Phòng, chống tác hại của lạm dụng Đồ uống có cồn. VARD truyền thông những thông điệp cụ thể về Uống có trách nhiệm; Đã uống rượu bia, không lái xe; Không bán rượu cho người dưới 18 tuổi.
Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam