Trong phiên xin ý kiến đại biểu Quốc hội trước đây, điều này đã không đạt quá bán nên chính thức bị đưa khỏi dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia. Trong lần bỏ phiếu vừa được tiến hành sáng 14/6, điều này đã được Quốc hội thông qua.
Trong báo cáo giải trình ngày 14/6, bà Nguyễn Thúy Anh cho biết: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trong tình hình ngày càng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia gây ra hậu quả rất nghiêm trọng thì việc quy định cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông là cần thiết”.
Theo đó, quy định này sẽ mở rộng đối tượng không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông và tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm minh người vi phạm, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và ĐBQH, thể hiện quyết tâm của Quốc hội, của Chính phủ trong việc ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông.
“Tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, dư luận, mong muốn của cử tri gửi đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tha thiết đề nghị Quốc hội cho bổ sung vào Điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm một khoản ghi rõ cấm: ‘Điều 6: Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn’, tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông”, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội, đọc tờ trình.
Lấy ý kiến về đề nghị của UBTVQH, 374/446 đại biểu quốc hội tham gia bỏ phiếu đồng ý với quy định đưa Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông.
Ngay sau đó, Quốc hội đã biểu quyết bỏ phiếu thông qua Luật Phòng chống tác hại rượu, bia với 408/450 đại biểu tham gia tán thành, tương đương 84,30%.
Trước đó, trong phiên lấy ý kiến ngày 3/6, quy định liên quan đến việc uống rượu bia của người điều khiển giao thông được các đại biểu Quốc hội bấm nút. Theo phương án một: Cấm điều khiển giao thông với người mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn. Điều này đồng nghĩa với việc đã uống rượu bia sẽ không được phép lái xe. Trong lần đầu xin ý kiến, phương án này được 236 trong số 422 đại biểu tham gia bỏ phiếu đồng tình, tương đương 48,76%.
Phương án 2 quy định Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu và khí thở có nồng độ cồn vượt qua quy định của Pháp luật về An toàn giao thông. Được lấy ý kiến sau, phương án này được 240 đại biểu trong số 417 đại biểu tham gia đồng ý, tương đương 49,59%.
Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết lỗi kỹ thuật khiến tên của 2 phương án này bị đổi cho nhau trong biên bản gửi tới đại biểu nên xin ý kiến Quốc hội cho ý kiến lại phương án một sau khi đã giới thiệu lại một lần nữa.
“Quyết định liên quan đến hành vi con người rất khó khăn”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh và cho biết sẽ tiến hành lấy ý kiến lại lần thứ 2 sau khi đã xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội có mặt trong hội trường.
Trong lần lấy ý kiến thứ 2, phương án cấm hoàn toàn người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhận được 214 trong tổng số 441 đại biểu tham gia ủng hộ, tương đương 44,21%.
Theo CafeF